Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 24 Tháng 10 2018 15:10

Suy niệm về cái chết

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy niệm về cái chết



„Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết“ Hc 14,12)

Không ai trong chúng ta biết được ngày chết và cái chết của mình như thế nào. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày đi dần đến cái chết, nhưng phần đông không ai nghĩ đến chúng cả.

„Con đừng sợ án chết. Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con, và sẽ có những người theo sau“ (Hc 41 3).

Sự chết dạy chúng ta sống như thế nào?

Trong đời sống, chúng ta nên thỉnh thoảng suy niệm về cái chết.

Một nhà tu đức khi suy niệm về cái chết đã thốt lên „cái chết của người già ở trước mặt, cái chết của người trẻ ở sau lưng“

Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp đau khổ với Đấng Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài.

„Nếu có lúc con đau khổ xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu, Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây con, xin nhắc con nhớ rằng: Trên Thập Giá, Chúa đã thốt lên: „sao Cha bỏ con“ (Lời nguyện. Rabouni)

Suy nghĩ về cái chết không có nghĩa chúng ta phải buồn rầu, sợ hãi, hoặc ngã lòng.

Trái lại, khi suy niệm về cái chết chúng ta sẽ sống một cách hiểu biết hơn về cuộc đời và từ bi nhân ái hơn, vì đó chính là luật của Tạo Hóa.

„Như cành lá trên cây rậm rạp; lá rụng xuống lá lại mọc ra, thì các thế hệ người phàm cũng vậy: lớp kết thúc, lớp lại sinh ra (Huấn ca 14,18)

Mỗi khi gặp chuyện bực mình khó chịu mà gây gỗ, cãi nhau hay nóng giận với người khác thì được ích lợi gì?.

Đau khổ, bịnh nạn thì nghĩ rằng đời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết. „Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm. Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?

Dù người ta sống được mười năm, trăm năm, hay cả ngàn đi nữa, thì trong âm phủ, chẳng ai trách móc đâu“ (Hc 41, 4).

Vậy lo lắng, buồn rầu hoàn toàn không được gì mà sinh ra bất an trong tâm hồn.

Là Kitô hữu, hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, giúp ta biết suy nghĩ sâu xa về sự sống, sự chết theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội.

Hãy phó thác và tin tưởng trong tay Ngài. Tất cả đều là hồng ân Ngài ban.

Hãy thinh lặng lắng nghe tiếng nội tâm, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta ý thức và tự kiểm soát lấy mình, không để những suy nghĩ lệch lạc lôi cuốn, ta sẽ cư xử với mọi người hòa ái hơn.

Điều này luôn luôn không phải dễ làm, nhưng khi ta cầu nguyện, suy niệm về cái chết, Chúa sẽ nhắc nhở mình về sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc đời, ta sẽ tự chế và ăn nói với sự dịu dàng hơn, sẽ biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhân cái chết hơn.

Cái chết luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, cho nên ta hãy chọn cách tốt nhất là sống theo Lời Chúa dạy, sống tỉnh thức, sống ý thức, sống yêu thương từng giây phút với hết sức lực, hết trí khôn của mình.

Hơn nữa, dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và chết. Ta sẽ nhẫn nại hơn, sẽ bao dung hơn , tử tế hơn , dịu dàng hơn, dẽ dàng tha thứ hơn đối với bản thân ta và đối với người khác.

Cuộc đời thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Lòng thương yêu từ con tim nhân ái sẽ đâm chồi nở hoa, và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con được chết một cách an bình, đừng đau đớn lâu ngày, nhưng Chúa cho con chết như thế nào tùy ý Chúa. Amen.

Elisabeth Nguyễn

Read 1003 times Last modified on Thứ bảy, 27 Tháng 10 2018 07:13