Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 03 Tháng 1 2013 13:15

Hành Trình Tìm Kiếm Hạnh Phúc Và Ơn Chữa Lành Của Một Người Tự Kỷ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
      Đối với Thiên Chúa, không có sự hối cải nào là muộn màng cả. Một khi ăn năn, Ngài sẽ tha thứ và có phương cách nhiệm mầu để biến đổi tất cả hậu quả thối tha của sự dữ thành sự lành  

 

 

Ngay từ hồi còn rất bé, khoảng độ 7-8 tuổi, tôi đã sớm cảm nhận nơi mình những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý, khiến cho tôi trở nên dị biệt so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tôi ý thức được điều này sau khi đám bạn học và bọn trẻ hàng xóm bắt đầu châm chọc, xua đuổi, tẩy chay tôi, và bảo tôi là "con khùng". Tuy không thể hiểu vì sao chúng bảo thế, tôi đã cảm thấy rất phiền não khổ đau. Tôi ngây ngô khóc lóc với mẹ tôi. Bà an ủi tôi rằng chúng nó nói bậy, đừng tin. Nhưng sau đó, khi tôi phạm lỗi trái ý bà, mẹ tôi đã đem hết tâm sự của tôi ra chì chiết và giễu cợt rằng một kẻ như tôi có bị trêu chọc thì cũng đáng đời lắm. Có lẽ, mẹ tôi chỉ vô tình, nhưng với tôi, đó là nhát dao nghiệt ngã đầu tiên đâm thấu trái tim và để lại nỗi nhức nhối khôn nguôi cho đến khi tôi trải qua nửa đời người.

Mãi đến thời gian gần đây, tôi mới được biết rằng tôi mắc chứng bệnh tâm lý bẩm sinh gọi là tự kỷ. Nói chính xác hơn, đó là tự kỷ dạng nhẹ, tiếng Anh gọi là high-functioning autism, vì khả năng tri thức của tôi hoàn toàn bình thường, duy có kỹ năng giao tiếp bị giới hạn thôi. Ngoài ra, tôi còn bị vài triệu chứng rối loạn hành vi khác thường xuất hiện kèm với bệnh tự kỷ. Thêm vào đó, tôi không có diễm phúc sống trong mái ấm gia đình nguyên vẹn và thừa hưởng tình yêu thương đầy đủ của cả cha lẫn mẹ. Mẹ tôi, vì oán hận cha tôi đã bỏ rơi bà, luôn tỏ ra lạnh nhạt và xa lánh tôi. Tuy tôi không bị ngược đãi nhiều về thể xác, nhưng tinh thần tôi luôn bị nghiền nát thảm thương dưới thái độ hờ hững ghẻ lạnh hay những lời nhiếc móc đay nghiến. Bấy nhiêu yếu tố xúc tác càng làm tăng tốc độ tiến triển của căn bệnh vốn rất khó khắc phục ấy.

Chính vì vậy, trong khi hầu hết bạn bè đồng trang lứa vui hưởng một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, vô tư lự, thời ấu thơ của tôi lại là một chuỗi ngày bất hạnh thê lương đắm chìm trong tối tăm, ảm đạm và nước mắt. Người ta thường nhắc đến niềm hy vọng vào tia sáng ở cuối đường hầm, nhưng tôi chỉ nhìn thấy một bóng đêm lạnh lẽo mịt mùng dày đặc bao trùm khoảng không gian quanh mình, tuyệt nhiên chẳng chút dấu vết hứa hẹn mong manh vào bình minh tươi sáng. Bà ngoại là người duy nhất yêu thương tôi, nhưng bà mất sớm, cộng thêm tuổi tác cách biệt, bà không gần gũi để thấu hiểu và cảm thông với các tâm sự thầm kín của tôi. Thời ấy, bệnh tự kỷ hầu như chưa hề được biết đến ở Việt Nam. Thế là thiên hạ tha hồ phán đoán theo đủ kiểu đủ cách. Kẻ gán cho tôi mắc bệnh tâm thần, người khép tôi vào tội ích kỷ, xấu nết, hợm hĩnh, kiêu căng, hay cáo buộc tôi vô luân, vô đạo. Kẻ độc địa hay khó tính không ngại ngần biểu lộ ác cảm đối với tôi, thậm chí thẳng thừng khích bác, châm chích, sỉ nhục tôi ngay vào mặt. Người hiền lành hay tử tế, tuy ngoài miệng tinh tế không nói gì, nhưng lẳng lặng ném cho tôi ánh mắt ái ngại đầy tính thương hại. Cả hai thái độ ấy đều làm tổn thương tôi như nhau. Bản thân người mẹ duy nhất cũng không ngừng dẫm đạp lên tôi bằng những lời lăng mạ, mạt sát nặng nề.

Tất cả những kinh nghiệm đau thương tủi nhục của một quãng đời cần đến tình yêu thương nhiều nhất, lại bị tước cái quyền được nếm biết yêu thương chân thật là gì, theo ngày tháng, đã đục khoét trái tim tôi, xâu xé tâm can tôi, giày xéo linh hồn tôi. Vào thời điểm nào đó, vết thương lòng mãn tính đã biến thành một thứ ung nhọt lở loét, thối rữa, và băng hoại đến mức không lành lại được nữa. Bước vào tuổi cập kê, tôi không mảy may bận tâm đến tình cảm nam nữ mộng mơ như các bạn gái đồng niên. Nỗi đau đớn tâm linh quằn quại sớm khơi gợi trong tâm khảm tôi ngọn lửa khao khát cháy bỏng hướng về tình yêu thương trọn hảo đúng nghĩa, đồng thời cũng giăng ra đám mây ngờ vực âm u đối với sự tồn tại của thứ tình thương yêu như thế trên đời. Hai luồng trăn trở thao thức ngược dòng ấy bắn tung vào nhau, giằng co xô đẩy tôi đến bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng.

Cho đến một ngày, bao nhiêu nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp cho niềm hạnh phúc đích thật từ trần thế đều thất bại não nề. Bao nhiêu ước vọng yêu thương đều hóa thành ảo tưởng hão huyền khi tôi chỉ được đáp trả bằng bấy nhiêu nhục mạ, chà đạp, và khinh ghét. Những dòng nước mắt không ngừng tuôn chảy đã khô cạn, ao ước hạnh phúc tràn đầy đã trở nên héo hắt và kết tủa thành nỗi trách hờn đắng ngắt. Tôi oán hận bản thân, tôi oán hận thế giới, tôi oán hận các đấng sinh thành, và tôi oán hận cả Đấng Tạo Hóa vì Ngài đã tạo nên hình hài tôi, thổi vào đấy một linh hồn khát khao phúc lạc mà lại lãng quên ban cho tôi một ngày vui! Trong cơn bĩ cực cùng tận, tôi đâm điên rồ đến mức thầm ganh tỵ với những kẻ mất trí. Họ không biết suy nghĩ nên chẳng bao giờ biết khổ đau! Bấy giờ, lẩn khuất trước mắt tôi là bóng ma u ám của tử thần đang vươn bàn tay xương xẩu gớm ghiếc về phía linh hồn rên xiết của tôi trong cơn hấp hối vô vọng. Trong đầu tôi chứa đầy những ý nghĩ tự sát tăm tối nhưng hãy còn do dự chưa dám thực hiện, chỉ vì tôi băn khoăn không biết điều gì sẽ chờ đợi tôi sau ngưỡng cửa bí ẩn của sự chết.

Giữa lúc ấy, tôi nghe thoang thoảng bên tai tiếng gọi dịu ngọt êm ái đầu tiên của Đức Giêsu qua bạn bè khi tôi bước vào tuổi 17. Chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa rào, ý niệm Thiên Chúa là Cha Yêu Thương lập tức hấp dẫn và cuốn hút tôi. Chưa biết r&#245 Ngài là ai, tôi hối hả bám chặt lấy như kẻ sắp chết đuối vớ phải phao cứu hộ. Tôi đơn thân đăng ký học Giáo lý Tân Tòng, nhưng không ai ngỏ ý đỡ đầu, bởi có lẽ, chẳng ai muốn gánh trách nhiệm với một kẻ dị thường như tôi. Cuối cùng, tôi cầu xin Đức Mẹ, và bỗng dưng, một chị nọ hoàn toàn lạ mặt đến bắt chuyện và nhận làm đỡ đầu cho tôi. Chị cho tôi mượn quyển sách "Một tâm hồn" của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Dĩ nhiên, tôi yêu thích vị Thánh đáng mến ấy ngay và chọn Ngài làm Quan Thầy. Mọi việc diễn ra cứ như dòng chảy ngẫu nhiên của các sự kiện tình cờ. Sau này, tôi mới dần dà vỡ lẽ, "Con đường thơ ấu thiêng liêng" chính là lối đi Chúa đã dọn sẵn cho tôi ngay từ buổi ban đầu gặp gỡ Ngài, hầu dẫn đưa tôi đến chân trời hạnh phúc chân thật và vĩnh hằng sau này.

Với việc chính thức đón nhận Đức Kytô là Sự Sáng Thế Gian, tôi đã dọ dẫm chạm tay vào tia nắng ấm áp đầu tiên của buổi hừng đông đang ló dạng. Tuy nhiên, bầu trời quanh tôi chưa bước hẳn vào buổi ban mai rực rỡ. Tôi vẫn còn bị giam hãm trong khung cảnh tranh tối tranh sáng, trong buổi giao thời giữa ngày và đêm.

Qua các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, tôi có dịp học hỏi và nhận diện r&#245 ràng hơn Dung Mạo của Đấng đã giang cánh tay uy quyền nâng tôi dậy từ đáy vực thẳm của sự chết tâm linh. Tôi cuồng nhiệt băng mình vào Cung Lòng Ngài như thiêu thân lao vào ánh sáng, như một kẻ bị tiếng sét ái tình đánh ngang tai. Nhưng tôi sớm khựng lại và dội ngược ra, khi tôi linh cảm sự tồn tại của thứ rào chắn bí ẩn sừng sững trong tâm linh, khiến cho tương quan giữa tôi và Thiên Chúa không có cách nào tiến triển và thăng hoa trọn vẹn. Bấy giờ, tôi chưa ý thức r&#245 điều gì đã tạo ra các chướng ngại oái oăm ấy. Mãi về sau, tôi mới từ từ suy gẫm ra. Thứ nhất, trong ý thức, tôi luôn khao khát Thiên Chúa, nhưng trong vô thức, tôi không tài nào tin Ngài thật sự là "Cha" theo đúng nghĩa của ngôn từ ấy. Cả cha lẫn mẹ trần thế đều bỏ rơi tôi, mọi người xung quanh không hà khắc ra mặt, cũng âm thầm thương hại. Làm sao một người chưa bao giờ nếm biết yêu thương chân thật, có thể tin vào sự tồn tại của thứ tình yêu ấy? Thứ hai, trong ý thức, tôi được dạy dỗ phải phó thác vào Chúa, nhưng trong vô thức, tôi luôn âm thầm oán trách Ngài, không chấp nhận sự an bài của Ngài trong cuộc sống. Tôi không thể hiểu vì sao Chúa tạo ra tôi trong tình huống bệnh hoạn oan nghiệt và gia cảnh đổ vỡ trái ngang, rồi bỏ tôi đơn thân chới với vùng vẫy giữa dòng nước xoáy buốt giá của nhân thế bạc bẽo, mặc cho cuộc đời của tôi kết thành chuỗi ngày dài đen tối tuyệt vọng giữa tiếng kêu thống thiết bi thương: "Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành." (Gr 20,14). Cứ như thể Ngài chẳng hề có mắt và có tai?

Trong khi ấy, cuộc sống thực tế của tôi, tương quan của tôi với thế nhân càng ngày càng trên đà trượt dốc. Tuy tôi bị tự kỷ dạng nhẹ, có khả năng tri thức bình thường, nhưng các biểu hiện rối loạn hành vi đi kèm với tự kỷ nơi tôi đã làm cho kỹ năng giao tiếp của tôi bị suy giảm tồi tệ so với kẻ bị tự kỷ thuần túy. Tệ đến nỗi bất cứ ai, chỉ cần gặp qua lần đầu và tiếp xúc ít phút, đã thấy mất cảm tình với tôi rồi. Lúc nhỏ, tôi bị hầu hết bạn bè ruồng rẫy, tẩy chay, và cô lập. Vào tuổi trưởng thành, tôi bị tuyệt đại đa số, từ trẻ đến già, không ra mặt xa lánh, ghét bỏ, cũng ngấm ngầm chê trách, không tín nhiệm. Bước vào lứa tuổi phải tự lập thân, tôi có học thức mà không thể kiếm được việc làm, hay có tìm ra, y như rằng, không trước thì sau đều bị đuổi. Nỗi tủi nhục thơ ấu, nay đã trở thành vấn đề sinh tồn sống còn cho chính sự hiện hữu của tôi.

Một ngày nọ, tôi tình cờ gặp gỡ cha ruột và ngỡ ngàng đối diện với một người cha tỏ ra hết lòng thương yêu tôi. Mặc dầu vậy, niềm vui ngọt ngào của tình phụ tử trùng phùng đã sớm trở nên chua chát khi cha tôi nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu khiếm khuyết trong kỹ năng giao tiếp nơi tôi. Cũng như mọi người khác, ông khăng khăng cho rằng tôi là kẻ bướng bỉnh cố chấp và thiếu ý chí cầu tiến. Với tình thương vô bở của một người cha, ông đã bỏ rất nhiều thời gian trò chuyện và khuyên nhủ tôi. Tuy nhiên, ngược hẳn với kỳ vọng của cha tôi, thiện chí nhiệt thành của ông chỉ tạo áp lực căng thẳng và khủng hoảng trầm trọng cho tôi vì ông đã thôi thúc tôi làm một điều tôi không tài nào làm được là tự thay đổi bản thân. Kết quả là ông đã vô tình gây tổn thương nặng nề cho tôi không kém gì mẹ và đào sâu thêm nỗi mặc cảm ray rứt nơi tôi, khi đem tôi ra so sánh với những đứa em may mắn và thành đạt.

Cứ thế, tôi lầm lũi bước đi một mình một bóng trên đường đời trong lẻ loi vô hạn và cô độc tuyệt đối, không những giữa thế giới phàm tục, mà ngay cả trong Hội Thánh Chúa. Kể từ ngày được thanh tẩy, tôi chưa từng có cảm giác là một thành viên đúng nghĩa của Giáo Hội. Nhất là tôi không tìm ra một ai có thể thấu hiểu tận tường những uẩn khúc bí ẩn của đời tôi, hầu có thể linh hướng cho tôi. Hơn nữa, không ai tin tôi mắc chứng rối loạn tâm lý bẩm sinh, vì trí tuệ của tôi rất sáng suốt và kiến thức về bệnh tự kỷ ở Việt Nam lúc ấy hãy còn rất giới hạn. Người ta quan niệm, duy có những kẻ ngốc, khờ, hay mất trí mới có vấn đề trục trặc về đầu óc. Nhiều lần tôi bị mắng nhiếc ngay trong khuôn viên nhà thờ. Thật ra, tôi luôn ý thức r&#245 tình trạng "bất bình thường" của mình (tôi chỉ không biết "tại sao" thôi) nên tôi không để lòng hờn giận ai. Tuy thế, thái độ khắc nghiệt thiếu công bằng đối với một kẻ bệnh hoạn ngoài ý muốn như tôi không khỏi làm cho tôi buồn phiền tủi hổ và khiến cho những ung nhọt buốt rát trong tôi càng thêm sưng tấy và nhức nhối.

Trái với niềm mong đợi thầm lặng ban đầu của tôi, Thiên Chúa đã lạnh lùng ngoảnh mặt trước nỗi bất hạnh cùng cực của tôi, mặc kệ tôi bị vùi vập tứ bề giữa dòng nước xoáy đầy phong ba, lắm đoạn trường tạo ra bởi chứng tự kỷ nghiệt ngã: "Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên." ( Tv 22:3). Ngài có đủ quyền năng làm cho kẻ chết sống lại (Ga 11:1-44), lại một mực làm ngơ đối với một vấn đề rất hiện sinh cho sự sinh tồn của tôi và nhất quyết đòi hỏi nơi tôi lòng tin tuyệt đối như đã có nơi Thánh Tổ phụ Abraham: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành." (St 12:1-2). Nhưng tôi không có được lòng can đảm mẫu mực của Thánh Abramham, dám dấn mình vào nẻo đường vô định, vô cùng đích, với điểm tựa duy nhất là bảo chứng quan phòng của một Thiên Chúa Vô Hình. Kết quả là lòng đạo của tôi ngày một sa sút khi tôi buộc lòng rời xứ sở, nương thân trên đất khách quê người, nơi tôi phải đơn độc đương đầu với cuộc sống tự lập, xa cách khung cảnh thiêng liêng sốt sắng quen thuộc và bị ném vào giữa lòng một thế giới vô thần thực tiễn, tự tại, khép kín trong những mục đích hữu hình chóng qua. Quá khiếp đảm, tôi đã đánh mất hẳn niềm tin tưởng và cậy trông vào Ngài.

Rời xa khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, tôi bắt đầu học đòi những phương thế khôn ngoan của thế tục hòng xây dựng cho mình một thứ hạnh phúc ảo tưởng hư mất vì "bị tước mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3:23). Chẳng mấy chốc, tâm hồn tôi đã trượt nhanh trên con dốc bại họai và lao thẳng xuống hố sâu diệt vong của dục vọng thấp hèn, đam mê xấu xa và tính toán vạy vò. Hoa trái độc địa của lựa chọn kiêu hãnh tách khỏi Nguồn Chân Thiện Mỹ là sự băng hoại thối tha đến tận gốc rễ trong các tương quan khi tôi nung nấu lòng ganh ghét tồi bại và các âm mưu hiểm ác một khi quyền lợi riêng tư bị đe dọa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể ngờ rằng tâm hồn tôi từng có lúc biến thái đến mức dám dung dưỡng cả ý định sát nhân vào lúc các bám víu điên cuồng có nguy cơ vuột khỏi tầm tay. Hóa ra sự khác biệt giữa một kẻ bị kết án là tội phạm và một kẻ mệnh danh là đoan chính, đôi khi chỉ là lằn ranh giới mong manh của một giây phút được Thiên Chúa đoái thương gìn giữ. Thật là một sự hư hỏng tận căn, một sự vong thân tận gốc của một kẻ "có gì mà bạn đã không nhận lãnh", lại "vênh vang như thể đã không nhận lãnh" (1Cr 4:7). Hệ lụy kinh hoàng tất yếu của lối sống dị dạng làm nô lệ cho Thần Tối Tăm là những ngày dài lê thê vô định hướng và những đêm trường thăm thẳm lắm ác mộng. Nói chính xác hơn, đó là quãng đời khủng khiếp khóc lóc nghiến răng dưới ngọn lửa thiêu đốt của Hỏa Ngục nơi trần gian. Chưa đầy 30 tuổi, tôi đã sợ chết, một nỗi sợ hãi bệnh hoạn của một thụ tạo được tiền định vui hưởng Tôn Nhan Đấng Tạo Thành, lại không dám diện đối diện với Ngài. Thời gian ấy quả là những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời tôi, đen tối hơn cả một tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương và chưa biết Danh Thánh Chúa.

Cuối cùng, tôi đã trở về với Thiên Chúa như người con hoang đàng ngày xưa (Lc 15:11-32). Có khác là, người con ấy tự mình tìm về nhà cha. Phần tôi, tôi đã quá kiệt sức trên đường đời đầy gai chông, lắm phũ phàng. Tôi không còn chút sức lực nào, dầu là lê lết tấm thân tàn tạ dưới mặt đường bùn nhầy, để quay ngược về với Ngài. Bao nhiêu lần, tôi tự nhủ thầm: "Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha." Lc (15:18). Mặc dầu vậy, quán tính của một thứ mặc cảm khốn khổ cứ trì kéo bước chân tôi: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa." (Lc 15:18-19). Thế nhưng, "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?" (Rm 8:35). Thiên Chúa đã không bỏ rơi tôi! Ngài là Đấng đã yêu thương tôi từ ngàn đời và từ muôn thưở Ngài đã cất bước tìm kiếm tôi. Ngài đã sai hai thiên thần đến bồng bế tôi về. Một linh mục Dòng Tên tình cờ học chung khóa hè ở Đại học và trở thành bạn học của tôi. Người thứ hai là chủng sinh vừa được nhận vào Chủng viện. Trong lúc chờ nhập học, thầy không có chỗ ở và ngẫu nhiên trở thành bạn chung nhà với tôi. Chồng chưa cưới cũng gián tiếp góp tay thức tỉnh tôi bằng tấm lòng chân thành, trong sáng, và ngay thẳng của anh. Chính nhờ bối cảnh đặc biệt ấy, lần đầu tiên trong đời, tôi bỡ ngỡ đón nhận ánh mắt cảm thông sâu xa chân thật của con người hữu hình, qua đó, tôi hoan hỉ bắt gặp tia nhìn tha thứ bao dung của Thiên Chúa Vô Hình. Đó là sự tha thứ hoàn toàn nhưng không của Đấng là Cha Nhân Hậu và Thương Xót, như người cha trong dụ ngôn Tình Phụ Tử (Lc 15:11-32), ngày ngày nhẫn nại ngóng trông con và khi gặp lại đứa con hư hỏng trong tình trạng rách nát tả tơi, ông không hề trách móc, chất vấn, hay lên án, trái lại, "ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để." (Lc 15:20).

Về lại với Cha Trên Trời, tôi được đón mừng nồng nhiệt bằng một chuỗi ân huệ lớn lao làm hé mở cánh cửa hạnh phúc đầu đời của tôi. Căn bệnh tự kỷ chưa hồi phục toàn diện, nhưng đã giảm bớt phần nào, đủ cho tôi có thể lập gia đình, sống đời hôn nhân đầm ấm và trúng tuyển vào công chức, làm việc trong môi trường dễ dãi, ổn định hơn. Hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với tôi, mặc dầu vậy, vẫn chưa tròn đầy. Tình nghĩa phu thê đong đầy, tuy cấu thành nhân tố quan trọng giúp tôi duy trì sự cân bằng tâm lý, không đủ thỏa mãn cơn đói khát yêu thương vô hạn nơi tôi. Mặt khác, các rào cản tâm linh tiếp tục tồn tại như vật ngăn trở u ám giữa tôi và Thiên Chúa, khiến cho tôi không sao khỏa lấp nỗi khắc khoải được hiệp nhất trọn vẹn với Đấng là Suối Nguồn của Yêu Thương: "Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?" (Tv 42:2-3).

Mãi đến khi tôi sinh cháu bé đầu tiên, kỳ diệu thay, hàng rào ngăn cách kiên cố thứ nhất với Thiên Chúa đã dần dần đổ sụp một cách nhiệm mầu, vì lần đầu trong đời, tôi nếm biết thế nào là hương vị ngọt ngào thơm ngát của tình yêu thương chân thật. Lạ lùng hơn nữa, không phải tôi được yêu thương như tôi hằng mơ ước. Lần này, chính bản năng làm mẹ đã thôi thúc tôi tự nguyện trao cho sinh linh bé nhỏ kia tình yêu thương vô điều kiện, bằng toàn bộ thực thể của mình. Nhờ đấy, tôi mới chập chững dò thấu các chiều kích sâu xa nơi tình yêu thương của Người Cha Thiên Quốc, Đấng đã đếm từng cọng tóc trên đầu của tôi (Mt 10:30) và xác tín rằng tình yêu ấy hằng hữu trên đời.

Như vậy, bản năng mẫu tử thiêng liêng không những giúp tôi học biết cảm thông với người mẹ trần thế khô cằn lạt lẽo, mà còn góp phần xóa bỏ một lớp rào chắn và cải thiện hẳn mối tương quan giữa tôi và Thiên Chúa. Câu châm ngôn dân gian: "Có sinh con, mới biết lòng cha mẹ" quả không sai chút nào. Cứ thế, tôi say sưa tận hưởng hồng phúc làm mẹ, qua đấy, Dung Mạo Yêu Thương đích thật của Cha Trên Trời được mạc khải cách trọn hảo cho tôi. Vào giữa năm 2010, một biến cố chấn động cả dư luận Việt Nam bỗng xảy ra và trở thành một bí nhiệm lớn lao của Thiên Chúa dành cho riêng tôi. Đến tận bây giờ, mỗi khi suy đi gẫm lại, tôi vẫn còn bàng hoàng đến ngỡ ngàng và rất có thể, khi đọc đến những đoạn kế tiếp của tôi, nhiều độc giả sẽ cho là sản phẩm nhảm nhí của trí tưởng tượng điên rồ. Bởi lẽ, thay vì dùng gương sáng các Thánh nhân, Thiên Chúa đã sử dụng một tội ác tày đình của nhân loại như chiếc chìa khóa thần kỳ để mở tung cánh cửa tâm linh của tôi và và phá hủy toàn diện bức rào cản trở đồ sộ cuối cùng giữa tôi và Ngài.

Sự kiện ấy chính là vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, giết người yêu cũ, và chặt thi thể ra thành nhiều khúc để phi tang. Một vụ án được chọn làm án điểm và đã gây xôn xao, ầm ĩ dư luận một thời. Phần đông, người ta lên án Nguyễn Đức Nghĩa gay gắt nặng nề, thậm chí cho rằng ngay cả án tử hình vẫn quá nhẹ với anh. Riêng tôi, biến cố ấy đã gây một cú sốc rất mạnh, mạnh đến nỗi làm xoay chuyển cả cuộc đời tôi. Lý do đơn giản là Nguyễn Đức Nghĩa hoàn toàn không giống như phần lớn các tử tội, thường có xuất thân khó nghèo, côi cút, bất hảo, thiếu giáo dục, hay du đãng. Anh là một tù nhân trí thức, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo truyền thống và hạnh phúc. Nguyễn Đức Nghĩa may mắn sở hữu mọi thứ tôi từng mơ ước cả nửa đời người mà không có, từ mái ấm gia đình chan chứa yêu thương, dung mạo sáng sủa, khả năng hoạt ngôn khéo léo, cùng bao nhiêu thứ tài hoa bẩm sinh khác. Nhưng kết quả là gì? Cuộc đời của anh kết cuộc còn bi đát hơn cả tôi là kẻ không hề có những gì anh đang nắm giữ trong tay !

Như thế, biến cố Nguyễn Đức Nghĩa đã dần dà hé lộ cho tôi chân lý hiển nhiên của hạnh phúc. Nói nôm na theo kiểu bình dân, hạnh phúc đích thật không phải là sở hữu mọi thứ mình mong muốn, mà là bằng lòng với tất cả những gì Trời ban cho mình. Lòng ham muốn của con người vốn vô đáy khôn dò. Nếu cứ đợi cho đến khi đạt được mọi ước nguyện, mình mới hạnh phúc, thì sẽ không bao giờ mình có hạnh phúc. Diễn tả theo đức tin Kytô Giáo, hạnh phúc đích thật không nằm ở chỗ chiếm đoạt được cái này hay cái kia , cho bằng là khả năng nhận thức ra rằng toàn thể sự hiện hữu của mình là ân huệ, là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa và cảm tạ Ngài.

Tôi mất nửa cuộc đời, lao đao nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc, để rồi cuối cùng đi đến một khám phá rất đáng kinh ngạc. Hóa ra hạnh phúc đích thật rất giản đơn, và giản đơn đến nỗi, bộ não thường quá rắc rối của con người trần thế không có khả năng ngộ ra vì người ta nỗ lực tìm mọi cách phức tạp hóa một ý niệm vốn tự nó rất đỗi đơn giản. Từ đấy, tôi mới hiểu thấu đáo vì sao Nước Trời chỉ dành cho những kẻ có tâm hồn thơ ấu (Mt 19 ,14) và vì sao Chúa định hướng sẵn cho tôi "Con đường thơ ấu thiêng liêng". Bởi lẽ, duy có tâm hồn trẻ thơ mới mộc mạc đủ, đơn sơ đủ để lãnh hội mọi chiều kích sâu thẳm của ý niệm hạnh phúc bình dị. Tôi đã "thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công" (Tv 127:1-2), săn lùng cách vô vọng các phương cách trần thế hòng tự kiến tạo cho mình thứ hạnh phúc phù du giả tạo, rốt cuộc mới vỡ lẽ ra rằng tất cả bí quyết để đạt đến hạnh phúc viên mãn gói trọn trong hai tiếng "xin vâng" đơn sơ của Đức Mẹ (Lc 1:38) và thái độ lắng nghe bình dị của bà Maria (Lc 10:38-42)!

Vì sao một Thiên Chúa Toàn Thiện lại cho phép sự dữ tồn tại, thậm chí tự do hoành hành như thể chính Ngài không hề hiện hữu? Ý nghĩa của sự dữ nằm ở đâu? Tại sao những kẻ ác cứ nhởn nhơ sống trong an lành, trong khi bao nhiêu kẻ công chính đành phải ngậm đắng nuốt sầu? Đây cũng là dấu hỏi quay quắt của nhân loại mọi nơi, mọi thời đại và của cả bản thân tôi. Nhưng hôm nay, Thiên Chúa đã đem đến cho tôi lời giải đáp thỏa đáng. Còn có sự dữ nào tột cùng hơn là cướp đi mạng sống của người khác? Vậy mà Thiên Chúa đã dùng chính tội ác kinh hoàng nhất của nhân loại để giải thoát tôi ra khỏi chốn ngục tù không lối thoát của bất hạnh và thống khổ!

Cho đến tận ngày hôm nay, tôi vẫn chưa hoàn hồn khi hồi tưởng đến cái giá được trả cho niềm hạnh phúc trọn vẹn của tôi trong hiện tại. Cái giá khủng khiếp ấy chính là mạng sống của ba con người, nạn nhân vô tội Nguyễn Phương Linh, bản thân tử tội Nguyễn Đức Nghĩa và ông Nguyễn Đức Hùng, bố của anh, đã qua đời vì tai nạn giao thông trong lúc chạy đôn đáo vay tiền nộp phạt cho con trai. Nhiều người còn đang tự hỏi, biết đâu sẽ có thêm mạng người thứ tư là mẹ anh, một khi anh bị thi hành án, vì bà không chịu nổi nỗi đau vừa mất chồng, vừa mất đứa con trai duy nhất? Bởi lẽ, tôi sẽ không bao giờ có được sự hoán đổi của ngày hôm nay nếu Nguyễn Đức Nghĩa đã không cắm lưỡi dao oan nghiệt làm lần lượt tước đi sinh mạng của ba con người. Vậy là từ đỉnh cao của một tội ác đã để lại nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp được cho người cha mất con (cha của Phương Linh), và người thiếu phụ mất cả chồng lẫn con (mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa), Thiên Chúa đã mang đến hạnh phúc vĩnh cữu cho một kẻ chưa từng có diễm phúc nếm mùi vị của hoan lạc như tôi. Quả là một nghịch lý cùng tận trong đường lối khôn lường của Đấng Siêu Việt mà trí óc phàm nhân không thể mường tượng và đạt thấu (1Cr 1:27-28).

"Đối với những ai có lòng yêu mến Thiên Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành" (Rm 8:28). Phải chăng đây chính là lời giải đáp cánh chung cho sự tồn tại của sự dữ từ Thiên Chúa, Đấng đã "cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính" (Mt 5:45)? Ngài không hủy diệt sự dữ, bởi Ngài đã quyết ý dùng sự dữ làm chất liệu để kiến tạo ra sự lành. Thật là một mầu nhiệm lạ lùng, một sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa Yêu Thương (1Cr 1:25)!

Với biến cố Nguyễn Đức Nghĩa, cuộc đời của tôi đã lật sang một trang mới của những tháng ngày hạnh phúc bất tận và bình an sâu lắng. Bao nhiêu vết thương lòng lở loét, các ung nhọt sưng tấy, nhức nhối đến tận xương tủy, tưởng chừng không một bàn tay nào có thể băng bó hay liều thuốc nào có thể xoa dịu, đã lành lặn hẳn. Ngay cả những vết sẹo sâu hoắm cũng theo ngày tháng dần phai và không để lại dấu vết gì. Nếu khi xưa, tôi lúc nào cũng quay cuồng trong ao ước và nỗ nực tìm kiếm phương thế chữa lành căn bệnh bẩm sinh quái ác kia, thì bây giờ, tôi thấy không cần thiết nữa. Với ơn Chúa, tôi không còn gán cho chứng bệnh oan nghiệt ấy là căn nguyên đẩy đời tôi vào tuyệt lộ của bất hạnh trái ngang. Trái lại, tôi ý thức ra, đó chính là ân huệ cao trọng Chúa ban, là tuyến đường tuyệt hảo Chúa dùng để đưa thuyền đời tôi cập vào bến bờ của hạnh phúc viên mãn. Tôi đơn giản thưa với Ngài: "Nếu đây là ý Chúa, nếu Ngài thật sự muốn con mang căn bệnh này suốt đời, xin hãy giúp con chấp nhân và vượt qua." Tôi không còn bận tâm đến việc được chữa lành hay không nữa. Tôi cần có Chúa duy nhất trong đời bởi "Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?" (Tv 16:2). Ngài chính là Nguồn Mạch của Hạnh Phúc Vĩnh Cửu, là viên ngọc quý giá mà tôi sẵn sàng đem tất cả gia sản trần thế có được để đánh đổi lấy (Mt 13:45-46).

Theo quan điểm của y học hiện đại, tự kỷ là chứng bệnh bẩm sinh, không cách gì chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân dứt khoát vô phương tự chữa cho mình bằng ý chí của bản thân vì đây là một thứ tật nguyền nơi não bộ, trung tâm điều khiển mọi cơ chế hoạt động của con người. Sự can thiệp của bác sĩ tâm lý kết hợp với sự cộng tác nhẫn nại, hiểu biết của người ngoài, thường là cha mẹ, chỉ giới hạn trong khả năng giúp cho bệnh nhân cải tiến lên đôi chút. Cũng giống như đứa bé thiểu năng trí tuệ, nếu cần cù và được hướng dẫn tận tình, sẽ có thể đạt thành quả học vấn nào đấy nhưng chắc chắn không bao giờ trở thành nhà bác học tài ba lỗi lạc.

Nhưng lạ lùng thay, chính lúc tôi hoàn toàn chấp nhận và vâng phục sự an bài của Thiên Chúa, cũng là lúc Ngài khấng ban cho tôi ơn chữa lành thật sự, khởi đầu trên bình diện tâm linh, và sau đó cả về mặt tâm lý, tức tình trạng hồi phục khỏi chứng bệnh tự kỷ rất khó chữa, nhất là khi thiếu hẳn bàn tay hỗ trợ của người ngoài như trường hợp của tôi. Quan hệ giữa tôi với tha nhân càng ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp và đáng kể. Mọi sự, từ công ăn việc làm đến gia đạo, càng lúc càng trở nên hài hòa, êm ả trong khi tôi chẳng phải tốn chút công sức nào của riêng mình. Như thế, ơn chữa lành một căn bệnh mà y học hiện đại phải bó tay chính là sự ứng nghiệm kỳ diệu và tuyệt vời cho lời khẳng định của Chúa Giêsu năm xưa: "Nếu ngươi tin, ngươi sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa." (Ga 11:40).

Giờ này, khi tất cả hồi ức về một trải nghiệm đẫm nước mắt trong quá khứ cứ nối tiếp nhau ùa về như một cuốn film quay chậm, tôi mới đo lường hết sự linh nghiệm của câu châm ngôn dân gian: "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Bà ngoại tôi cho đến giây phút cuối cuộc đời, đã không tài nào yên lòng nhắm mắt, vì bà quá lo lắng cho tương lai của tôi. Với xác xuất không thể lấy được chồng và kiếm được việc quá cao, mọi cánh cửa tương lai kể như đã phũ phàng khép chặt lại trước mặt của tôi rồi. Thử hỏi, trong cuộc sống trần thế này, còn có gì quan trọng hơn là nghề nghiệp và gia thất?

Thế nhưng, trái hẳn với dự đoán của con người qua lăng kính thế tục, dưới bàn tay quan phòng của Cha Trên Trời, Đấng "thừa biết các ngươi cần tất cả những thứ ấy" (Mt 6:33), cuộc đời của tôi không hề đến nỗi bi đát như vậy. Đúng là đàn ông con trai gặp qua tôi chỉ một lần, ông nào ông ấy cũng hết hồn, tháo chạy đến quên cả giày. Cuối cùng, tôi vẫn có thể lập gia đình với người chồng diện mạo sáng sủa, trí thức, lại vô cùng dễ dãi, nhất là có khả năng chịu đựng mọi thứ tính khí bất thường, lập dị của tôi, và hoàn toàn chấp nhận tôi như tôi là, cứ như thể Chúa đã nhào nặn ra anh cho riêng tôi. Ngược lại, vài cô bạn của tôi vừa xinh đẹp, vừa khéo léo, vừa giỏi giang, đành cam chịu cảnh tình duyên lận đận, ngang trái, hay dang dở. Về đường công danh sự nghiệp, quả là lúc đầu, tôi bị mất việc liên tục, nhưng hễ mất việc này, lập tức có ngay việc khác. Sau cùng, tôi được nhận vào làm việc cho chính phủ, và may mắn gặp toàn xếp dễ chịu, kể cả xếp nữ giới. Thỉnh thoảng xui xẻo chạm trán tay xếp khó chịu, y như rằng, không trước thì sau, hoặc xếp hoặc tôi sẽ đổi sang bộ phận khác. Chính nhờ môi trường công chức cởi mở, ít bị xét nét, bắt bẻ, tôi mới được yên ổn trong công ăn việc làm đến ngày hôm nay. Một kẻ thiếu kỹ năng giao tiếp trầm trọng như tôi, nếu tiếp tục lưu lại với công ty tư nhân, chắc đêm ngày phải đôn đáo chạy tìm việc mới.

Thật ra, quan niệm thuần túy thế tục về hạnh phúc vốn tự nó méo mó, lệch ra khỏi khuôn mẫu của hạnh phúc viên mãn mà "mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người" (1Cr 2:9). Hạnh phúc trần thế luôn dừng lại nơi tiền tài, danh vọng, bằng cấp, chức quyền, duyên phận... Ngược lại, trong ý định yêu thương muôn thuở của Thiên Chúa, tất cả những thứ ấy chỉ là phương tiện đưa con người đạt tới đỉnh cao của hạnh phúc cánh chung, tức Nước Trời và sự sống đời đời. Vì vậy, toàn cảnh của miền ký ức đau buồn lướt nhanh trong trí đã vén mở cho tôi thấy đâu là căn nguyên gốc rễ của mọi nỗi bất hạnh trong đời. Chẳng phải là nghèo khó, thiếu thốn, bệnh hoạn, thất bại, thua lỗ, duyên tình trắc trở... như tôi thường nghĩ, cho bằng là lòng nhát đảm không dám đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, Đấng "không gì là không thể làm đươc" (Lc 1:37) và "sẽ không để anh em bị thử thách quá sức." (1Cr 10:13), đơn giản vì "Ơn Ta đủ cho con" (2Cr 12:9). Giờ đây, tôi mới có đủ khả năng thấm thía nội dung thâm sâu trong lời kêu gọi quyết liệt của Chúa Giêsu: "trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6:33).

Song song vào đấy, khung trời dĩ vãng buồn thương trải dài trước mắt đã giúp tôi thấu đáo hết tầm ý nghĩa của hai chữ "khổ đau". Đau khổ là nấc thang đi đến hạnh phúc. Bất cứ nẻo đường nào dẫn lối về chân trời hạnh phúc sung mãn vững bền đều phải xuyên qua vùng đất cằn cỗi, gập ghềnh, sỏi đá của khổ đau. Ở đời, phàm là con người da trần mắt thịt, ai ai cũng khiếp sợ và tìm cách né tránh đau khổ. Tuy nhiên, người ta không thể thẩm định giá trị xác thật của hạnh phúc bao lâu chưa trải nghiệm khổ đau. Vì lẽ ấy, lắm khi, hạnh phúc là thứ người ta chỉ có khái niệm đầy đủ sau khi lỡ tay làm vuột mất. Phần Thiên Chúa, Ngài không hứa hẹn cất đi các nỗi khổ lụy của thế nhân nhưng đoan chắc sẽ vỗ về an ủi họ. Quả thế, Ngài đã dành cho một kẻ phải âu sầu suốt nửa đời người vì chứng bệnh tự kỷ như tôi, lời chúc phúc tràn đầy trên những ai khóc lóc ưu phiền (Mt 5:5).

Xưa kia, tôi thường âm thầm trách móc Chúa vì những an bài nghiệt ngã như một thứ áp đặt phi nhân phi lý của Ngài. Bây giờ, tôi lại nghĩ, giả như tôi có dịp được sinh ra đời một lần nữa, và lần này, Chúa ban cho tôi đặc ân chọn lựa những thứ tôi có thể sở hữu trong đời, tôi sẽ không ngần ngại thưa với Ngài rằng: "Con xin chọn tất cả những gì Ngài đã chọn cho con, kể cả căn bệnh tự kỷ bẩm sinh ác nghiệt, kể cả bao nhiêu thói hư tật xấu tồi tệ, và kể cả gia cảnh phụ mẫu tan vỡ trái ngang, bởi vì Chúa không chỉ là Đấng có lòng yêu thương vô biên mà còn có quyền năng vô tận để nâng con dậy từ đáy vực sâu tối tăm của tuyệt vọng (Tv 40:3) và gánh vác hộ con mọi tai ách nặng nề của cuộc đời (Mt 11:28-30). Ngài đã lau khô những giọt nước mắt sầu đau của con, và gắn trên môi con nụ cười tươi vui của hoan lạc vĩnh cửu (Kh 21,4), hầu từ đây, linh hồn con mãi mãi được ngơi nghỉ trong an bình và hạnh phúc nơi Ngài (Tv 16:11)."

Đối với Nguyễn Đức Nghĩa, tôi không quan tâm thế giới này nhìn nhận hay đánh giá thế nào về anh, bởi Thiên Chúa không phán xét con người theo cách thức con người vẫn dùng để phán xét lẫn nhau. Bản thân tôi và nhiều người tin tưởng rằng anh có lòng thống hối chân thành, và bấy nhiêu thôi là đủ. Đối với Thiên Chúa, không có sự hối cải nào là muộn màng cả. Một khi ăn năn, Ngài sẽ tha thứ và có phương cách nhiệm mầu để biến đổi tất cả hậu quả thối tha của sự dữ thành sự lành. Tình yêu thương của Thiên Chúa vượt lên trên lòng người tà vạy và ơn tha thứ của Ngài phủ lấp mọi tội lỗi xấu xa. Vì vậy trong Ngài, tâm hồn con người chỉ còn in đậm dấu ấn của an bình và phúc lạc vĩnh cửu làm lu mờ dấu vết của bao nỗi hối tiếc dày vò.

Nguyện xin Thiên Chúa Toàn Năng xót thương cho linh hồn Nguyễn Phương Linh được an nghỉ, cho tâm hồn Nguyễn Đức Nghĩa được thanh thản trong những ngày ngắn ngủi còn lại. Cũng xin Ngài lau khô nước mắt và đem lại an bình cho cả hai gia đình Nguyễn Phương Linh và Nguyễn Đức Nghĩa. Và xin Ngài hãy bày tỏ cho tất cả chúng con mầu nhiệm cao cả và sự khôn ngoan tuyệt vời của Ngài khi cho phép một sự dữ ở tầm mức như thế xảy ra. Amen.

 

Mây Xanh ( Tác giả gởi trực tiếp)

Read 2013 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 7 2013 07:03