Biến cố dịch bệnh, Nói với em về niềm tin nơi Đấng chịu đóng đinh
Posted by Ban Biên TậpEm!
Em gọi điện thoại hỏi thăm tôi về tình hình bệnh dịch nơi phương xa, dặn dò tôi nên thế này thế kia trong cơn dịch bệnh, tâm sự đủ chuyện trên trời dưới đất, chợt giọng em chùng xuống. “Bao giờ thì dịch bệnh này hết cha nhỉ? Và bao giờ chúng con lại được đến nhà thờ?” Tôi chẳng phải là một khoa học gia để có thể cho em một câu trả lời thỏa đáng theo khoa học. Tôi cũng không phải là Đấng bản quyền để cho em một câu trả lời thỏa đáng về mặt lề luật. Tôi chỉ có thể cùng với em tìm hiểu Thánh ý Chúa qua biến cố này, và cùng em nhìn nhận sự mỏng dòn của kiếp nhân sinh. Qua vấn đề của em, tôi chợt nhận ra, cho dù là ai, ở lứa tuổi nào, làm công việc gì, thì trong lúc này chỉ có một ưu tư duy nhất, đó là: được sống và sống sung mãn.
Cám ơn em đã điện thoại thăm hỏi và lo lắng cho kẻ tha hương, cũng cảm ơn em về những thao thức cho chính những diễn biến của dịch bệnh mà cách này hay cách khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, Giáo hội, và đến chính cuộc đời của em và của tôi.
Em ah,
Thẩn thờ giây lát về câu hỏi của em và cũng hỏi chính mình, tôi chợt nhận ra ý Chúa thật nhiệm mầu khi tôi đọc bài Phúc âm của Thánh Gioan trong Chúa nhật thứ 5 mùa chay. Lời Chúa tiếp thêm niềm tin cho em và tôi khi Chúa Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.” (Jn. 11:4)
Đứng trước cơn đại dịch, đứng trước sự sống chết của chính mình, con người dường như nhìn về một viễn cảnh xa xăm và ý thức về sự mỏng dòn của thân phận con người. Nhà văn Nguyễn Công Trứ đã phải thốt lên: “Ôi nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như giấc chiêm bao …” Chưa bao giờ con người ý thức được sự mỏng dòn, tạm bợ, và mong manh của kiếp người như bây giờ; và cũng chưa bao giờ con người khao khát được sống, sống lành mạnh, sống thánh thiện, và tốt đẹp hơn như lúc này; dù biết rằng kiếp sống này chỉ là tạm bợ và chóng qua, nay còn mai mất, và có rất nhiều đau khổ.
Đứng trước đau khổ và sự chết, con người chúng ta dường như minh định hơn về một Đấng vô hình, mà Đấng đó có năng quyền trên cuộc đời chúng ta. Khởi đi từ Cựu ước, dân Do Thái trong sa mạc đói khát, dịch bệnh, đau khổ và đã kêu cầu lên Đức Chúa. Thiên Chúa đã truyền – qua Môi-sê – đúc một con rắn đồng và dương cao lên, để những ai nhìn lên thì được cứu thoát và lành mạnh. Rồi đến thời Tân ước, chính Con Một Thiên Chúa là Đức Ki-tô đã đến – trước cảnh tội lỗi và sự chết – đã chịu dương mình lên cao trên cây thập giá. Qua sự chết của Ngài, Ngài đã thánh hóa và nâng phẩm giá của các loại thụ tạo: từ cây thập giá trở nên cây thánh giá, từ con người đau khổ và nô lệ cho tội lỗi và sự chết trở nên con cái Thiên Chúa và được đồng thừa tự với Đức Giê-su.
Trong tột đỉnh của tuyệt vọng vì cơn đại dịch, con người ngước mắt lên và hỏi: “Tại sao lại có bệnh dịch, tại sao Thiên Chúa lại để cho sự dữ xảy ra?” Chúng ta cũng đang trải qua những gì mà Matta và Maria trải qua trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai chị em cũng đã ngước mắt lên và thưa Chúa: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết!” Chúa Giê-su đã rung động trước niềm tin của hai chị em và Ngài đã thốt lên: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.”
Em thân mến,
Dụ ngôn này muốn nói gì với em và tôi trong lúc này? Hẳn là muốn nói về một Thiên Chúa gần gũi và luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của con cái Ngài, hẳn là cũng muốn nhắn nhủ chúng ta về niềm cậy trông mà mỗi người chúng ta phải có khi đối mặt với những gian nan thử thách. Khi chúng ta đặt niềm trông cậy và tín thác nơi Thiên Chúa, thì dù đau khổ và bất hạnh, mỏng dòn và hữu hạn của kiếp nhân sinh sẽ được Thiên Chúa đong đầy. Chúng ta luôn xác tín rằng, nếu Chúa muốn, thì Ngài sẽ làm được mọi sự như Ngài mong muốn. Ước mong rằng em và tôi trong thời khắc khó khăn này, chúng ta biết nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh – như xưa dân Do Thái đã nhìn lên con rắn đồng – để được cứu thoát khỏi cơn hiểm họa này và để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển. Chúng ta có niềm tin như thế vì chính Đức Giê-su đã hứa: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào.” Cầu chúc em có những ngày Tuần thánh và Phục sinh tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.
Lm Antoine Trần Bửu Phùng