Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 24 Tháng 1 2013 17:10

Đã Có Một Mùa Xuân Như Thế

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đã có một Mùa Xuân như thế!   Chúng tôi tự hào vì có người ba, người mẹ như vậy. Chính tình yêu thương luôn dạy dỗ chúng tôi, tránh xa những thứ vật chất phù phiếm và quý trọng công sức mình làm, chỉ vậy thôi cũng đủ để chúng tôi có đầy đủ hành trang bước vào đời, và chống chọi với những thứ cảm dỗ thực dụng, vật chất.  

Tôi thì thầm cùng mùa xuân, bên khung cửa sổ ngay bàn học. Vu vơ nghĩ chuyện xưa. Bỗng giật mình khi tôi nghe tiếng cãi vã của mẹ con bà chủ trọ. “ Mắt thẩm mỹ của mẹ đi xuống sao, mẹ mua đồ này ai mặc?”. Rồi hình như con nhỏ bức xúc quẳng ngay bộ đồ mẹ nó mua vào sọt rác.

Cảm giác bực bội, nước mắt ứa ra. Đôi lúc tôi nghĩ, nếu không phải bước qua những vùng đầm lầy, những vạt rừng u mê, những ngày khổ cực thủa xưa thì tôi cũng như con nhỏ kia. Phải bước qua mới càng yêu hơn cuộc sống và quý trọng tình cảm của gia đình, quý trọng những đồng tiền đầy mồ hôi nước mắt.

Cảm giác nhói lòng khi nhớ về mùa xuân năm ấy, giá Cà phê rớt thê thảm, gia đình tôi khốn đốn vô cùng. Hai tám tết, khi mọi người trong xóm đã sắm sửa đầy đủ quần áo, mứt, bánh kẹo, trái cây…. đón tết. Ba mẹ tôi vẫn đày mình ngoài đồng, cấy lúa. Chị em chúng tôi ngồi co ro bên bếp lửa, dựa vào nhau cho khỏi lạnh. Mùa xuân năm ấy lạnh lắm, cái lạnh cắt da thịt, gia đình tôi không có đủ điều kiện để mua nổi một cái áo ấm, nó đối với chúng tôi là thứ hàng xa xỉ.

Tối hôm ấy, trời mưa phùn. Cái lạnh làm da thịt bầm lại, cái lạnh khiến chị em chúng tôi ôm nhau run rẩy. Trong tâm trí của một đứa trẻ lên 8 chưa đủ nhận thức mọi thứ, tôi vẫn nhớ như in: Mẹ bận chiếc áo sơ mi cũ sờn, phong phanh ra khỏi nhà,trời lạnh lắm nhưng dường như mẹ chẳng để ý đến điều đó mà vội vã lao đi trong màn đêm giá buốt.

Tôi vùng dậy chạy theo sau mẹ và vô tình lắng nghe cuộc trò chuyện của mẹ và chủ đại lý Cà Phê. “Năm nay Cà mất mùa, chị cũng muốn trả cho em, nhưng gia đình chị không có. Em có thể cho chị vay thêm ít tiền, mua sắm tết cho tụi nhỏ”. “Chị nghĩ rằng, em khá lắm sao? Tiền chị vay mấy năm rồi chưa trả”. Mẹ im lặng..... người chủ đại lý cà phê mặt hằm hằm kèm theo một vài lời xỉ vả. “Nhà nghèo, đẻ cho lắm vô”. Tôi thấy mẹ tôi, môi nứt vì lạnh, rướm máu, không nói một lời nào. Đi vay đã không được, lại còn bị người ta nói này, nói nọ. Tôi vịn chặt tay vào gốc mít, nín lặng. Con mắt của đứa trẻ thơ chợt hiểu rằng: chỉ vì gia đình, vì muốn có một cái tết đủ đầy nên mẹ đã nín nhịn những lời xúc phạm.

Tôi biết thực ra mẹ đã trả hết tiền gốc, còn khoản lời phát sinh mỗi năm, lãi cao quá, ba mẹ tôi chưa trả được. Tôi ngồi co ro, răng va vào nhau lập cập, đôi bàn tay không thể nào cử động được, nó lạnh toát, thân thể tôi bị gió lùa vào run lẩy bẩy.

Tôi đã bật khóc khi chứng kiến cảnh cả gia đình suốt một năm vất vả chăm bón, thu hái, cà phê vừa phơi xong, bao nhiêu người trong xóm đã kéo đến nhà, chờ chực lấy đi công lao và những giọt mồ hôi, nước mắt ấy. Năm nào cũng như năm nào. Tiền gốc chưa trả hết, tiền lời phát sinh mãi không sao trả dứt được. Không thể lo cho chúng tôi đủ đầy, tôi biết mẹ buồn lắm. Bà chưa bao giờ trách mọi người, đi vay nợ lời, không quan trọng. Trong lúc đói, chỉ nghĩ đến họ cho vay là mừng rồi. Mọi năm dù khó khăn, mẹ vẫn chạy vay chạy vạy tiền mua sắm tết và cố mua cho chúng tôi mỗi người một cái áo khoác, để mặc tránh gió. Nhưng với mẹ, bao nhiêu năm rồi, chưa bao giờ mẹ sắm sửa cho riêng mình lấy một cái áo mới, chưa bao giờ…

Năm đó giá cà rẻ mạt, mọi người đều ủ rũ, họ biết ba mẹ, chỉ sống bằng Cà phê, giá cà phê hạ cũng đồng nghĩa rằng khoản tiền cho vay sẽ rất khó lấy lại, và vì vậy không ai cho gia đình tôi vay tiền.

Mẹ tôi trở về nhà, mặc cho gương mặt, tay chân bầm lại, da tái đi, những cơn mưa phùn rơi trên vai mẹ, mẹ buồn quá! Buồn đến nỗi không còn biết đến lạnh. mẹ ngồi mép giường tôi, thở dài, nhìn chúng tôi mắt đỏ hoe. Tôi đã muốn òa khóc lên, chạy lại bên mẹ, nói với mẹ rằng: "Chúng con không cần tết đâu, mẹ đừng buồn nữa, năm nay nghỉ tết một năm mẹ nhé!".

Nhưng tôi không thể nói được, tôi còn quá nhỏ, tôi cũng không đủ dũng khí để chạy đến ôm lấy mẹ ngay lúc ấy.

Sáng hai chín tết, ba tôi ra khỏi nhà. Trời lạnh buốt, ba mượn của ai chiếc xe đạp Cửu Long. Mẹ sáng sớm đã kêu anh hai trèo dừa, còn bà ra đồng bới khoai lang. Tôi hì hụi nhổ cải xanh vào muối, chị gái thì lấy sào, thọc đu đủ xanh….

Đến gần tối, khi anh em chúng tôi đang cùng nhau làm mứt dừa, mứt khoai thì ba tôi về. Tay ba cầm hai chiếc áo khoác, đưa cho chúng tôi: “Năm nay tụi con chia nhau mặc nhé! Năm sau ba sẽ cố mua cho anh em tụi mày mỗi đứa một cái áo khoác khỏi lạnh". Cả nhà chúng tôi, dừng mọi công việc, nhìn ba, bất động một hồi, rồi chạy ùa lại với ba, ôm nhau khóc.

Tết năm ấy, mọi người đến nhà chúng tôi, không có hột dưa, không kẹo, không bánh, không thịt, không chả… Chỉ có hai loại mứt đó là mứt dừa, mứt khoai. Bữa cơm cũng đạm bạc, với rau ngoài vườn mẹ trồng, với đu đủ ướp mắm ( Dưa món) được hái từ cây trong vườn, không có bánh chưng. Chúng tôi cũng không có quần áo mới để khoe cùng chúng bạn. Anh em chúng tôi, chia nhau 2 cái áo mà ba lặn lội một ngày đi xây mộ phụ người ta kiếm tiền mua. Vậy mà, không bao giờ chúng tôi buồn và mặc cảm với chúng bạn.


Chúng tôi tự hào vì có người ba, người mẹ như vậy. Chính tình yêu thương luôn dạy dỗ chúng tôi, tránh xa những thứ vật chất phù phiếm và quý trọng công sức mình làm, chỉ vậy thôi cũng đủ để chúng tôi có đầy đủ hành trang bước vào đời, và chống chọi với những thứ cảm dỗ thực dụng, vật chất. Đủ thấu suốt, cảm nghiệm sự chân chính tạo nên niềm vui hạnh phúc đích thực, là công sức lao động và trái tìm yêu thương dành tặng cho con cái của ba mẹ.

Chuyện mùa xuân ấy, qua nhiều năm rồi. Đến bây giờ, gia đình tôi đỡ vất vả hơn, chúng tôi không phải lo ăn, lo mặc như thủa xưa. Nhưng 2 cái áo khoác vẫn treo vào vị trí trung tâm của chiếc tủ kỉ niệm. Cây dừa năm xưa không còn nữa, nhưng ở một miền kí ức nào đó, nó vẫn còn đấy, hiên ngang và sừng sững. Đôi lúc có nhưng đồng vọng xưa dội về, chắn ngang suy nghĩ từng khiến tâm trí tôi náo loạn, bức bách. Bỗng như một vị thuốc tạo nên nụ cười, nó ngự trị trên đôi môi tan vội những ưu phiền.

Có lúc tôi nghĩ, bản ngã của mình phải bước trên những thứ cảm dỗ chồng chềnh của cuộc sống. Phải trải qua những lăn lộn, bon chen để mưu sinh. Tôi quyết tâm khẳng định rằng, tôi sẽ không bao giờ đánh mất mình, không bao giờ làm ba, mẹ thất vọng và buồn bã, không bao giờ để những vết nhăn thêm nhiều trên gương mặt hai người lo buồn vì tôi. Cảm ơn mùa xuân năm ấy, và những mùa xuân tôi từng sống, được cảm nghiệm tình yêu thương luôn chứa đầy, không lúc nào vơi cạn. Dù có bão bùng, dù có ghềnh thác thì nó mãi vĩnh cửu và trường tồn.

Người con Thổ Hoàng

Read 1455 times Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 1 2013 08:37