Thật ra mà nói, Thiên Chúa - Thượng Đế - Ông Trời (tùy niềm tin của mỗi người) đều cho mỗi người một khối óc như nhau. Thế nhưng rồi trải theo năm tháng, nếu như con người sử dụng khối óc cũng như biết đầu tư cho khối óc thì chắc chắn con người đó sẽ phát triển và ngược lại.
Đơn giản và dễ hiểu khi minh họa cho những bạn trẻ hay người quen rằng khối óc của con người tựa ví như mảnh vườn. Nếu như người chủ biết bón phân, biết cho nước, biết chăm sóc thì chắc chắn mảnh đất đó sẽ sinh hoa quả tốt cho hạt giống được gieo vào. Và như vậy, óc của con người muốn phát triển thì con người phải đầu tư chứ không có chuyện bỗng dưng óc - não phát triển tốt được.
Buổi chiều cuối tuần, cũng không ngạc nhiên mấy khi gia đình người em là bác sĩ đang ở phòng chờ ra chim sắt. Bố béo của gia đình chộp ngay 3 mẹ con đang ngồi ôm ... sách. Và có lẽ đây là hình ảnh lạ, hình ảnh hiếm thấy của ngày hôm nay nơi công cộng. Thường ta vẫn thấy bạn trẻ và nhất là thiếu nhi luôn cầm trong tay chiếc iphone hay ipad chứ ít thấy cầm sách.
Thật ra cũng dễ hiểu. Xu thế ngày hôm nay người ta chạy theo thời đại để đánh mất đi cái trân quý của con người đó là đọc sách. Thống kê về văn hóa đọc thì người Việt Nam xem như đứng đầu bảng của những nước lười đọc sách. Chính vì thế, những hệ lụy hay hoa quả kèm theo của việc làm biếng đọc không là điều khó hiểu.
Ngay cả bản thân, có lẽ cũng không còn trẻ và khá bận rộn nhưng chuyện đọc, nghe và xem có lẽ được đặt lên hàng đầu. Thời gian sinh hoạt trong ngày đa phần dành cho việc đọc và nghe. Đọc để rút tỉa cho bản thân nhiều bài học trân quý. Có những bài học mà đến ngần này tuổi mới nhận ra cần thiết cho bản thân. Việc nghe giảng cũng thế ! Bỉ nhân thường hay nghe để rồi cân chỉnh bài giảng của bỉ nhân sao cho tốt hơn khi trình bày với cộng đoàn được gửi đến.
Có nhiều anh em đùa vui trêu chọc bỉ nhân là kim khẩu, là không cần soạn bài giảng vì có sẵn chữ trong đầu. Anh em đùa vui và mình là niềm vui của anh em cũng là tốt rồi. Thế nhưng để có những tâm tư, những bài chia sẻ, những bài giảng nhất là lễ an táng thì buộc lòng bỉ nhân phải đọc và suy rất nhiều. Chắc chắn một điều là không tự nhiên mà chữ có có.
Và ngay cả gõ phím cũng vậy. Với bàn phím thông dụng thì 24 chữ cái như ai ai cũng biết. Thế nhưng rồi để ngồi ráp chữ cũng cần có những suy tư hay cố gắng.
Điều khá buồn và khá tiếc là nhiều người không ngần ngại chê dài dù bài viết chưa đủ gói trong 2 trang giấy A4. Từ những phản ứng này, dễ hiểu rằng người ta không thích đọc nữa mà người ta thích nghe cũng như nhìn những gì giật gân hơn là những suy tư, những bài học về thực tế. Chỉ với vài trang thôi mà đã chê dài thì có lẽ tập sách đối với họ là điều không nghĩ tới.
Nhiều anh em trẻ khi còn trong thời gian sau đào tạo được giao nhiệm vụ tóm sách. Thế nhưng rồi tiếc thay là các bạn trẻ sau này lười đến độ không dám đọc quyển sách được giao. Thế là cha già này có cơ hội để đọc lại nhiều tập sách và tóm ... dùm.
Không chịu đọc hay lười đọc của con người ngày hôm nay không còn là điều lạ hay khó hiểu. Đơn giản là con người ngày nay chạy theo xu thế mì ăn liền.
Người em con bác con cô của 3 mẹ con được Bố mập chụp hình đang cùng Mẹ ở Mỹ đi học chắc có lẽ cùng chung dòng máu nên rồi cũng mê học. Chuyện rất vui mà ông ngoại trước khi về nhà Chúa biết được Ku Hay đã cho ra tác phẩm đầu tay.
Thật nể phục với sự cố gắng của bạn trẻ Ku Hay khi tròm trèm 10 tuổi đã cho ra đời 1 tập sách. Không bàn tới chuyện hay hay dở vì lẽ tùy cảm nhận của mỗi người trước bất kỳ 1 tác phẩm văn chương nào nhưng nể vì bé con đã can đảm ... viết.
Bản thân bỉ nhân cũng vậy. Cha quan tâm chuyện hay dở. Chỉ cần biết là can đảm gõ những cảm nhận của cuộc đời, về cuộc đời và với cuộc đời mà thôi. Ai đọc thì cám ơn và ai không đọc thì cũng cảm ơn. Nhưng, trên tất cảnhững điều đó là lời ganh tỵ : nó viết như ngổng ỉa, viết như thế ai viết chả được, viết dễ mà ...
Trước những lời đàm tiếu của anh em trong nhà, nghe riết cũng cảm thấy nghiền. Còn sống là còn suy nghĩ mà còn suy nghĩ là con viết.
Từ hình ảnh của 3 mẹ con đang chờ ra chim sắt của bác sĩ em, cảm thấy cũng an ủi vì mình còn có những người đồng cảm. Hãy đọc và hãy đọc khi còn có thể và hơn thế nữa là viết, là trải lòng ra trên những dòng chữ trên bàn phím. Thương và tiếc thay cho những ai lười đọc nhưng lại ham nói và bình phẩm người khác. Và, mặc dù đối diện với những người dèm pha hay chỉ trích, ta lại cứ đọc, cứ nghe và cứ gõ vì lẽ gõ và đọc là quyền của mỗi cá nhân mà bất khả xâm phạm.
Người Giồng Trôm