Trong tình thân, ông anh kết nghĩa đưa tin Cha Luca Phạm Quốc Sử vừa về nhà Cha nơi đất khách quê người.
Và trong tình thân, Anh nói sơ qua về vị tiến sĩ hiền lành và khiêm nhường vừa về nhà Cha. Người quá cố có người anh ruột là Cha Cố Tri trước đây là cha Chính Xứ Vinh Sơn 6 cũng đã về nhà Cha nhiều năm trước.
Có lẽ Anh cũng như Em và Em cũng như Anh. Điểm chung của Anh Tri và Em Sử vẫn là hiền lành và khiêm nhường, nhất là biết yêu thương và quan tâm người khác.
Còn nhớ những ngày đến Vinh Sơn 6, ấn tượng nhất vẫn là chai xăng được để trong phòng Cha Cố. Cứ đến đó Lễ, Lễ xong về là vị Hội Đồng Giáo Xứ vào phòng Cha Cố lấy chai xăng đổ cho Cha bé.
Thương là vậy đó ! Chai xăng thời ấy chắc tầm 16 ngàn. 16 ngàn chả là gì nhưng gói ghém cả tấm lòng của Cha Cố Tri - Vinh Sơn 6. Dẫu là một hành động nhỏ, một ít tiền của chai xăng nhưng thể hiện một tâm hồn thanh khiết và cao thượng cũng như biết lo cho người khác nhất là sợ Cha dâng lễ về dọc đường ... đẩy xe.
Cuối thư, người Anh chua 1 câu : "Hôm qua con có đưa bài Cheo Reo lên, nói chung dân tộc thấy thương lắm..."
Đọc câu này của Anh, xin lỗi Anh, cho em cười một lát. Ai thương ai vậy Anh ? Họ thương mình hay mình thương họ.
Đúng như Anh nói, khi nhìn thấy cung cách sống, đời sống của họ thì mình thương họ thật vì họ nghèo. Từ đời sống đến thức ăn của những người anh em dân tộc thiểu số xem chừng là đơn giản, không có cái chuyện sơn hào hải vị như người Kinh.
Có những người dị ứng với món ăn của họ. Và dĩ nhiên họ cũng dị ứng với những món ăn của ta. Thế cho nên cần nhất là tôn trọng nhau để mà sống và cũng tôn trọng suy nghĩ của nhau.
Mình, ở góc độ sung túc và có khi là giàu có hay ở "chiếu trên" mình sẽ nhìn họ khổ và mình thương. Thế nhưng rồi, ở góc độ của họ, họ nhìn thấy thương mình vì mình lăn tăn nhiều chuyện quá, mình lo lắng nhiều quá, mình bận tâm nhiều quá.
Nếu như bỉ nhân không nhầm thì từ trong tiềm thức của những người thiểu số thì họ hiền lành và không có gian dối. Khi họ sống gần người Kinh thì những thói xấu của người Kinh len lỏi dần sang họ. Khổ mội nỗi là điều tốt của người Kinh họ không chịu học hay chậm hiểu và ngược lại, điều xấu và điều không tốt của người Kinh thì họ học và đem ra áp dụng rất nhanh. Nhìn những người thiểu số biến chất sao thấy chạnh lòng.
Chung chung mà nói thì tính cách, cung cách sống của người thiểu số vẫn là nhẹ nhàng và thanh thoát. Có khi họ đói ăn, khát uống nhưng lòng của họ xem ra bình an và thanh thản. Người Kinh thì quá bon chen với cuộc sống để rồi cứ phải lao đao vất vả cả cuộc đời.
Chuyện dịch bệnh cũng thế ! Ở những thành phố lớn hay Sài Thành thì quả là đáng lo ngại nhưng ở cái vùng nghèo này dường như chả có gì là quan trọng. Đơn giản là họ cũng chả có tiếp cận với thế giới bên ngoài nhiều. Có chăng là họ chỉ quanh quẩn trong buôn làng của họ. Dĩ nhiên họ cũng di dân nhưng cũng chưa là gì so với những người Kinh.
Và như vậy, ta vẫn thấy nơi người thiểu số có điều gì đó xem ra thanh thản với cuộc sống. Có khi như vậy cũng là hay vì lẽ khi xuôi đôi tay nằm xuống cũng chả mang theo được thứ gì.
Dĩ nhiên trên cuộc đời này chả có gì gọi là hoàn hảo, chả có lối sống nào là tuyệt đối. Chuyện cần thiết nhất vẫn là chọn lựa cung cách sống nào cho phù hợp với mỗi người chúng ta mà thôi.
Ai thương và thương ai cũng cần phải nghĩ lại. Có khi mình thấy thương người nghèo nhưng xét cho bằng cùng thì ai thương ai mới là chuyện quan trọng. Đơn giản là khi nằm xuống thì dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn cũng chỉ có nhiêu đất gói gọn con người của ta mà thôi. Chính vì vậy, có lẽ nên chăng nên bình tĩnh sống và bớt bon chen giành giật hay cứ như là Cha Cố Tri và Cha Cố Sử hiền lành và khiêm nhường.
Sống hiền lành và khiêm nhường như Cha Cố Tri và Cha Cố Luca Phạm Quốc Sử có lẽ an tâm có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa hơn ai hết vì lẽ trong phúc thật 8 mối, có lời chúc phúc của Thiên Chúa : Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.
Người Giồng Trôm