Như vậy là sang lắm ma ạ !
Nhà nghèo, gia đình lam lũ nên chuyện cơm nước không còn lạ lắm ngay từ thuở học trò. Những món cơ bản như mắm kho quẹt, canh chua suông ... như đi vào lòng người làm và cả người ăn.
Tăng cân lên ký là nỗi đau chả của riêng ai để rồi khi vào bếp thì nhiều người chọn cho mình rau của quả và cá hơn là thịt chả. Và hẳn nhiên là nó chọn cá nhiều hơn thịt vì nó cũng đang bị ... tăng cân.
Món cá xem chừng ra dễ nấu và dễ tìm nhất ngoài chợ đó là cá hú.
Ở cái quê nghèo này thì làm sao có bông lau cá bốp hay bống tượng như những chợ sang ngoài phố. Thế là chỉ có cá lóc, bông lau và diêu hồng và vài thứ nho nhỏ loanh quanh luẩn quẩn ở khe suối mà thôi. Mà cá cá đồng cá suối thì làm sao có được như ta nghĩ để rồi bông lau là chủ yếu.
Trưa hôm nay nhà đông hơn mọi bữa, bà con trong làng ra Trung Tâm để tĩnh tâm như thường lệ. "Ngày đặc biệt" nên rồi nó ra tay làm bếp. Đơn giản su xào và canh mướp đắng. Món chính nó chọn ... dĩ nhiên là cá hú.
Giờ cơm đến, "địa" vòng quang một chút thì thấy cá không phải là món bà con mặn mòi cho lắm. Hỏi con bé ở gần bên người thiểu số tại sao bà con không mặn mòi cho lắm thì bé trả lời : "Với hỏ cá này là xa xỉ ! Cá này với họ là sang lắm ạ ! Họ đâu có để ăn. Thường chỉ ăn cá khô hay cá nục hấp thôi ma ạ !".
"Họ" là ai ? Là người thân của mình và cả con bé con vừa ra trường nữa.
Nhờ ơn Chúa, con bé về nhà để cùng chung chia với gia đình nhỏ những vui buồn trong cuộc sống. Điều hay nhất là con bé là người bản địa để rồi con bé có thể giải thích, chuyển tải cho những ai cần biết về văn hóa hay ngôn ngữ dân tộc của bé.
Bé nói rất thật, nói bằng cả tấm lòng : "Như vậy là sang lắm ma ạ !"
Vâng ! Ma xin thưa lại với con là ma nghe con nói ma đắng lắm con ạ !
Con cá ma mua cũng thuộc loại bình thường chứ chả sang trọng gì với người Kinh. Còn với con và "họ" là điều sang ! Nghe đau lắm chứ con !
Thế đó ! Nhiều khi trong cuộc sống, mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người lắm nhưng có khi mình không chịu hiểu.
Thật ra cách đây 20 năm có, khi đồng hành một thời gian nơi vùng khỏ, ít nhiều gì nó cũng hiểu được cái nghèo, cái khổ của những người kém bất hạnh ở nơi đây.
Nghĩ lại cuộc đời, có khi mình may mắn và sướng quá để rồi mình bị đánh mất đi cái cảm thức với người nghèo. Và tệ hại hơn là có khi cuộc đời của mình quá sung túc để rồi thiếu một chút gì đó hay mất một chút gì đó là ta dễ ai oán. Tâm trạng ai oán thiếu điều này không có điều nọ không phải của riêng ai mà là của rất nhiều người vì họ không bao giờ thấy mình đủ.
Thật vậy, phải có những trải nghiệm sống thật thì mới thấy được sự thật trong cuộc đời. Đôi khi chỉ phớt qua một chút xíu những mảnh đời nghèo thôi thì làm sao ta mới hiểu nỗi đau của người khác.
Ý thức được điều may mắn, nó luôn dặn "sắp nhỏ" trong nhà là phải biết quý trọng từng hột cơm và cả đồ ăn thừa lại. Không phải hở ra là đổ hay bỏ nhưng tận dụng với những món có thể hâm lại để ăn. Nó luôn dặn "sắp nhỏ" rằng phải tiết kiệm vì xung quanh mình còn nhiều người đói kém lắm.
Cuộc sống ngày càng đối diện với những khó khăn mà không ai nói trước được như nạn dịch đang diễn ra như hiện nay. Vốn dĩ đã khó nay lại khó hơn để rồi con người phải đấu tranh với sự sống còn của cuộc sống.
Với tất cả tâm tình và nhất là với thực tại của cuộc đời, nó được nhắc nhớ từ những tâm tình sống cạnh và sống bên để rồi từ đó càng ý thức rằng mình may mắn hơn nhiều người. Khởi đi từ ý thức đó, mình được đánh động để chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình cũng như trân trọng những gì mà mình đang có.
Người Giồng Trôm