Trưa, giờ cơm nói chuyện như mọi lần.
Hỏi con bé con về chuyện học hành. Con bé nói tháng 7 thi tốt nghiệp.
Hỏi con bé là sẽ học gì sau khi thi tốt nghiệp 12. Con bé ngập ngừng nói : "Con tính đi học nghề còn ba má con muốn con đi học tiếp".
Ngập ngừng một lát con bé tiếp : "Con đi học thì nhà con không có tiền và đi học về cũng đâu có làm được gì. Ở nhà con anh chị con đi học đại học xong cũng không có việc làm."
- Anh chị ở nhà làm gì ?
- Dạ ở nhà đi chăn bò và làm mì.
Xong ! Coi như không có niềm hy vọng để ươm mầm cho con bé người đồng bào.
Cơm xong, lên phòng nghỉ nhưng có nghỉ được đâu. Hình ảnh con bé con ở trọ và bao nhiêu đứa đồng bào khác cùng chung số phận.
Chuyện con bé con này không phải là duy nhất hay đơn cử nhưng con bé này cùng bao nhiêu con bé khác đều như thế nghĩa là dù có nai lưng ra cày đi tìm con chữ đi chăng nữa nhưng học xong cũng chẳng có việc làm. Dường như học xong cầm cái bằng cho có và để đó chứ không sử dụng được vào việc chi.
Khi tiếp cận và sống gần với những người nghèo không may mắn. Ai ai cũng muốn cho những người đó phát triển và con đường duy nhất là con đường học vấn. Học vấn đối với những người thiểu số quả là quá khó. Để đạt được thành tích thì phải nói là quá khổ nhưng cái khổ mà người thiểu số hy sinh cũng chả được gì. Học xong, họ lại trở về với buôn làng với chuyện chăn bò và đi làm rẫy.
Điều bi đát nhất rằng thì là trên mặt báo, trên tivi ta thấy lúc nào cũng đẹp nhưng thực tế thì lại khác. Cứ đến và tận mắt để chứng kiến chứ đừng nghe người ta nói.
Thế đó ! Muốn cho con người phát triển thì phải có đường lối và chính sách cũng như ưu đãi cho những con người kém may mắn. Khi không nâng đỡ, khi không có đường lối cho đầu ra của những con người hiếu học thì mãi mãi họ vẫn là như thế.
Ngay cả điều cơ bản nhất là ngôn ngữ. Nhờ các nhà truyền giáo đến, ở lại và bảo tồn ngôn ngữ qua Giáo Lý và Thánh Kinh thì người thiểu số còn giữ ngôn ngữ của mình. Trường học, sách vở hoàn toàn không có đến nửa chữ của dân tộc thiểu số thì làm gì mà ngôn ngữ được bảo tồn. Với người thiểu số, ngôn ngữ gốc của họ không xong và tiếng Kinh cũng chẳng tới đâu.
Mà cũng khổ ! Đầu óc của họ cứ mãi vậy thôi. Trong não trạng của họ không vượt quá suy nghĩ như người Kinh. Họ cứ đơn sơ như họ đã từng đơn sơ và không bao giờ thay đổi.
Kèm theo đó, với não trạng bảo thủ và hay giận kèm theo tự ái, người thiểu số cũng khó thể nào hội nhập. Chính vì lẽ đó, để hội nhập và phát triển phải chăng là bài toán khó. Lý thuyết thì luôn luôn dễ như là người hay nói. Thực thế và hành động và thực tế thì luôn luôn ngược lại. Vui nhất là lý thuyết và những người hay nói thì lại nói những điều hay không tưởng.
Những đứa bé được các sơ, cha cưu mang, dưỡng dục và nâng đỡ cho đi tìm con chữ để rồi một ngày không xa lại trở về với bản làng. Những con chữ và những kiến thức mà bao năm học được coi như lại xóa nhòa theo thời gian. Những tấm bằng đại học không sử dụng treo trên giàn khói và chủ nhân của nó lại cứ lầm lũi bước theo chân bò để gặm cỏ. Cuộc đời của những đứa trẻ nghèo chịu khó học đó lại cứ phải bị vùi lấp đi.
Lại thêm những trăn trở về chuyện học vấn của những người nghèo bất hạnh. Lẽ nào họ cứ mãi mãi lầm lũi với con bò hay đám mì mãi hay sao ? Nhìn ra thế giới, hay tại nước nhà, ngày mỗi ngày càng phát triển, càng đi lên nhưng rồi sao người thiểu số cứ mãi chênh vênh. Người đồng bào thiểu số chẳng lẽ cứ nghèo và cứ mãi khổ hoài mãi vậy hay sao ? Có cái gì đó đăng đắng nằm ở cổ họng và nghèn nghẹn khi nhìn những đứa trẻ đang sống cùng, sống với mà tương lai như mù mịt.
Lm. Anmai, CSsR