Chả cần phải nhiều lời, những ngày Tết cổ truyền đang dần đến. Có điều bầu khí của Tết năm nay không như những cái Tết năm trước. Chuyện đơn giản và ai ai cũng hiểu là vì bệnh dịch.
Dẫu biết thế nhưng rồi đâu đó nhận được những tin nhắn xem chừng hại não : Mất Tết rồi Cha ơi ! Năm nay coi như không có Tết ! Buồn quá ! Mất Tết rồi ! ...
Nghe những cung ai oán như thế lòng tôi tự nghĩ rằng trong đầu những người đó nghĩ gì. Điều mà ai ai cũng mong mỏi và ngong ngóng đó chính là những ngày Xuân, những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Và dĩ nhiên, trong những giờ phút thiêng liêng của Giao Thừa và Năm Mới thì mọi thành viên trong gia đình dều sum vầy bên ông bà cha mẹ. Thế nhưng rồi với hoàn cảnh thực tại và nhất là càng ngày diễn biến càng phức tạp của cơn dịch nên rồi cần phải quên đi chuyện đón Tết hay ăn Tết.
Cuộc sống, dành cho ta những chuyện mà ta không bao giờ ngờ trước được và hiện tại, con người đang học chữ ngờ.
Chuyện ở nơi nào đó nơi vùng bà con thiểu số làm cho ta hji nghe được ta thầm lòng than trách.
Chạy theo xu thế của người Kinh, người đồng bào thiểu số bủa theo lối sống của những người sống cạnh mà không hề toan tính. Và có toan tính đi chăng nữa cũng chả giải quyết được gì vì não trạng của người ta là như thế !
Nhà dù nghèo nhưng làm gì thì làm vẫn cứ phải sắm cho con chiếc Exciter ! Đơn giản là vì ngày nay nhà nhà đi Exciter, người người đi Exciter ! Điều bi đát nhất là khi có xe rồi thì cũng chả có bằng lái. Và bi đát nhất đó là khi rượu vào thì chỉ có đường đâm cột điện !
Cha mẹ dù biết là con đâm côt điện và xe cũng chẳng thấy mà con cũng chẳng còn nhưng đau khổ là nếu như không mua xe cho con thì con nó uống thuốc diệt cỏ. Mà khi ai nào đó uống thuốc diệt cỏ là vô phương cứu chữa. Chính vì vậy, quan niệm của những người nghèo thiểu số là biết con sẽ chết nhưng thà bán đất để mua cho con chiếc xe và nhìn con chết với chiếc xe còn hơn là chết bên chai thuốc rầy. Điêu đau lòng còn lại đó là đất cũng chẳng còn mà con cũng chẳng thấy. Cái nghèo như vậy cứ ôm chầm lấy gia đình của những con người nghèo và không bao giờ buông thả.
Nghèo trong cuộc sống của có nhiều dạng nhiều kiểu của kiếp nghèo. Khi người ta ra công cày bừa cuốc bẩm mà túng quẩn nó khác với những người lầy lội chuyên môn làm biếng chờ trợ cấp.
Kiểu dạng chờ trợ cấp có lẽ rất gần và rất gần trong cuộc sống. Đã có gia đình chỉ chờ tiền viện trợ từ ngoại quốc về để cờ bạc chứ không hề đi làm kiếm sống. Chỉ khi người thân trở về thì mới minh xác được thực tế của cuộc sống.
Cũng chả đâu xa, ngay trong gia đình tôi cũng có. Họ nghèo không phải họ làm ăn thất bát nhưng nghèo vì ôm cờ bạc. Từ mẹ cho đến con, cứ ôm lấy lô đề thì thử hỏi làm sao thoát nghèo được. Và như ông bà ta thường nói "đánh đề ra đê mà ở !". Đúng như vậy nhưng tiếc rằng họ cứ ôm vào cái chết đang đón chào.
Cũng thế ! Có những người biết trước sẽ gặp hiểm nguy trong cuộc sống và dù có cảnh báo trước nhưng họ cứ lao thân vào. Như cơn đại dịch đang đến, chuyện cần thiết nhất vẫn là chuyện tuân thủ những quy định về sức khỏe. Khi con người ta không đủ tỉnh táo để giữ cho mình và cho người thân thì nguy cơ dễ lan tràn.
Chuyện bây giờ chính là chuyện của mỗi người chứ không còn là chuyện riêng của ai nữa. Mỗi người phải tự ý thức cho sự mong manh và dễ vỡ của chính thân xác mình để lo giữ.
Tưởng nghĩ giờ này đây chắc có lẽ không phải là giờ để lo cho cái Tết này thế nào hay ăn Tết sẽ ra sao ? Xin đừng ngồi chờ mà than thân trách phận hay đổ lỗi người này oán trách người kia hay than van không còn những ngày Tết mà hãy giữ cho chính bản thân mình cho cộng đồng khỏi lây nhiễm. Điều cần thiết nhất bây giờ giữ mạng chứ không phải là giữ Tết.
Và bây giờ duy nhất cần quan tâm đến là mất mạng chứ không còn là chuyện mất Tết nữa. Nếu tính mạng bây giờ không lo giữ thì làm gì có Tết sau để mà lo. Cũng như những người thiểu số vì thương con cách mù quáng, ta cần cân nhắc để đưa ra những chọn lựa đúng đắn của cuộc đời. Đừng vì thiếu hiểu biết và nuông chiều con quá đáng để rồi nhận ra cái kết lẫn cái chết thật bi thương.
Lm. Anmai, CSsR