Xách balô lên và đi ! Có khi đi dâng Lễ, có khi đi làm phép xác,có khi đi làm phép nhà và có khi đi về Sài Gòn để khám bệnh vì tuổi già sức yếu. Thế nhưng rồi cũng có ngày không xách ba lô mà xách chút gì đó gọi là tấm lòng thơm thảo của người thân và ... lên đường.
Vừa đi vừa nhạo lời bài hát cũng hay hay cũng như cho vơi đi bao nỗi nhọc nhằn. Xin lỗi tác giả cho em chế lời cho phù hợp với hiện tại :
Một mai qua Côvy,
Xa cuộc đời ồn ào
Tôi lại vào thăm buôn
Ngày gió mưa không còn
Nên đường dài thật dài,
Ta mặc tình rong chơi
Cùng nhau ta sẽ đi,
Sẽ thăm bao buôn xa,
Thương đời người lênh đênh
Ta sẽ thăm từng người
Sẽ đi thăm từng đường,
Sẽ vô thăm từng nhà
Tình người sau Côvy vẫn thương
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Làng quen vắng bóng mai ta lại về
Cùng theo lũ em nhọc nhằn như xưa
Rồi đây qua Côvy,
Sông cạn lại thành giòng
Suối về ngọt quê hương…
Hát đi hát lại mấy lần mà chưa đến nơi cần đến nên mở nhạc của mình nghe thôi ! Mình thích là mình nhích nhạc của mình hát thôi.
Đứng hình ! Cúp điện ! Cạn lời ! ... Chả biết dùng từ gì để diễn tả cho hình ảnh ngôi nhà rách nát cũng với người mẹ trẻ đang có thai và đứa trẻ tầm 6 tuổi.
Người đi cùng vội lấy bọc sữa cho thằng bé. Nó vồ lấy nhìn chạnh lòng. Đến giờ viết lại và nhớ hình ảnh thằng bé mà mình còn rơm rớm dòng lệ.
Một người nữa cúi người xuống để chuyển gói sữa. Thì ra một thằng bé nữa ngồi trong góc đang dụi trán. Chắc có lẽ mới đụng đầu đâu đó. Nhìn 2 đứa trẻ lem luốc mà thật sự không thể nào còn dùng từ nào dể tả. Thương quá phận người ơi !
Xe lăn bánh, tiếp tục hành trình nhận tình thương.
Một đám bò ngông nghênh giữa đường ! Chuyện bình thường ở cái vùng nghèo núi nắng nóng này mà ! 4 bà không còn trẻ và cũng chớm già.
Dừng xe lại chờ "đoàn khách" đố ai đuổi được qua đường. "Đoàn khách" VIP này anh em hay chọc "Đường của mình mà !" (Ý là đố ai dám đuổi mấy còn bò vì là đường của bò mà). Nhanh trí, tôi nói với người ngồi cạnh mang cho mấy bà ít gói sữa.
Thương và thương lắm khi nói tiếng đồng bào. Dĩ nhiên là chỉ biết bập bẹ ít từ nhưng hiểu được rằng là bà hỏi cái này uống được không.
Nghe sao mà đau lòng quá và thương quá !
Năm nay là năm 2021 nhé ! Bịch sữa đóng gói vậy mà không hề biết nó là sữa. May mà người đồng bào chuyển chứ người Kinh như mình mà chuyển thì các bà không dám cầm.
Thương là vậy đó ! Đắng là vậy đó ! Cay là vậy đó ! Mình dù sao đi chăng nữa vẫn may mắn hơn họ. Đến giờ mà còn không hề biết gói sữa sau khi nhận !
Tiếp tục cuộc hành trình đi học và nhận chữ thương trong đời mình.
Với người khác có quyền nghĩ khác khi đi phát quà từ thiện. Với bỉ nhân, không phải là đi phát quà từ thiện hay làm việc bác ái nhưng là mình đi học chữ thương và nhận chữ thương đó chứ ! Đơn giản là vì khi mình ở trong 4 bức tường của tu viện sao mà êm ấm quá ! Sao mà an ổn quá ! Chỉ khi nào mình đến tận những nơi như thế này thì mình mới thấy được chữ thương và mình học chữ thương.
Nhìn những mảnh đời bất hạnh như thế này để mình thấy Chúa thương mình hơn là mình tưởng. Đi để thấy những mảnh đời này đẻ học chữ thương nhiều hơn rằng thì là mình phải chia sẻ nhiều hơn cho những mảnh đời bất hạnh như thế này.
Sau cuộc hành trình đi học chữ thương về nhà. Cơm nước gần xong thì một người đàn ông da đen sạm vì rám nắng vào. Thè thẹ cầm bao cám vào và cũng nói tiếng đồng bào. Đã nói là già và học dốt nên nạp tiếng đồng bào rất khó nhưng cũng hiểu bao mà ông cầm cho 2 con ma già đó là bao bắp !
Thương là vậy đó ! Nghèo nhưng nhớ đến 2 con ma già. Chả có gì, chỉ có bao bắp vườn biếu 2 con ma.
Lại một buổi trưa mất ngủ vì tình người.
Con bé con ở trọ nói 1 câu rất "láo lếu" trong giờ cơm trưa nay : "Ma ở với bọn con là ma có phúc đó chứ !"
Chuẩn không cần chỉnh ! Ma thấy ma có phúc thật con à !
Khóc rồi ! Không biết viết gì nữa
Ma có phúc khi ở với các con, khi ở với dân làng con để ma thấy ma hạnh phúc hơn nhiều !
Cảm ơn con, cảm ơn đồng bào của con vì qua con, qua đồng bào của con ma học được chữ thương.
Đi để thấy mình được Chúa và anh chị em thương mình.
Đi để mình học chữ thương trong đời mình
Đi để mình chia sẻ chữ thương mà mình đón nhận được ...
Trưa ngày thứ Sáu tuần II Mùa Chay năm đại dịch 2021
Lm. Anmai, CSsR