Tôi đọc trên điện thoại: Bà vợ và mấy đứa con cùng nhau đuổi người cha 65 tuổi ra khỏi nhà, phải ngủ ngoài công viên và xin ăn, sau một thời gian ông bệnh tật vì tai nạn điện . Đứa con gái bỏ mẹ gần 70 tuổi bơ vơ ngoài đường xó chợ không có nơi trú ẩn, vì mẹ không làm ra tiền: con ơi cho mẹ về nhà, bà cứ luôn miệng kêu như vậy! Mẹ già bệnh nặng, con bảo là cục nợ rồi nhốt trong phòng kín, hàng ngày cho ăn cháo, chửi bới thậm tệ: bệnh thì cũng bệnh dzừa dzừa, thỉnh thoảng phải nghỉ ít bữa chớ! Đứa con trai bất hiếu bán nhà mẹ đang ở, gom sạch tiền rồi đi biệt, đẩy mẹ già lâm vào cảnh vô gia cư! Con hai tuổi bệnh nặng, chồng thất nghiệp vì Covid, vợ bỏ chồng con đi theo trai, gà trống nuôi con!
*
Khi đến tuổi lập gia đình, bạn mơ ước có được người bạn đời vừa ý, có nghề nghiệp, đảm đang, trung thành chung thuỷ. Lập gia đình rồi, bạn mơ ước có cửa nhà sang trọng tiện nghi, có xe đắt tiền, có đầy đủ phương tiện cho cuộc sống… Để những ước mơ ấy thành hiện thực, bạn quyết chí làm việc ngày đêm, không kể ăn uống ngủ nghỉ, không nhớ đến Chúa, cũng chẳng quan tâm đến sức khoẻ, miễn sao có được nhiều tiền để thực hiện giấc mơ.
Khi trên tuổi 50, bạn thành công, có đủ những thứ mà gia đình người ta không có. Bạn thoả mãn, nhưng khi đó soi gương kỹ, thì mới thấy mình già trước tuổi, những vết nhăn xuất hiện, sức khoẻ cứ sa sút đần, cho đến một ngày nghe bác sĩ phán là bạn bị ung thư! Trời như sập xuống, bạn tìm mọi cách cứu vãn sự sống. Bệnh cứ kéo dài không thuyên giảm và những gì bạn dành dụm sắm sửa cả đời người, nay cứ thong thả ra đi. Người bạn đời lý tưởng của bạn cũng nản lòng, vì quá mỏi mệt chăm sóc. Mấy đứa con thì chúng đâu có để ý đến ba bệnh tật, chỉ lo đàn đúm với bạn bè. Bạn buồn, lo lắng không ngủ được.
Bạn không ăn được và không muốn ăn, dầu là những thức ăn bổ dưỡng mà khi còn khoẻ bạn không dám ăn vì tiếc tiền. Rồi một ngày khi bệnh trở nặng, bạn không còn kiểm soát được bản thân, người nhà chuyển bạn xuống một góc vắng của căn nhà sang trọng mà bạn đã vất vả xây dựng, cho đỡ hôi hám và dễ dọn dẹp. Một bát cháo trắng với vài hạt muối; một chai ‘dịch’ chuyền, để bạn nằm bất động mà đếm từng giọt cho qua thời gian! Bạn chẳng còn muốn và chẳng có thể đi đâu nữa bằng chiếc xe hơi sang trọng của bạn. Con đường ngắn nhất, cần nhất mà bạn phải tự đi hoặc người khác dìu bạn đi nhiều lần, đó là con đường từ giường nằm của bạn tới nhà vệ sinh.
Nếu bạn có được người bạn đời chung thuỷ, yêu thương và những đứa con hiếu thảo, thì hằng ngày bạn được hỏi han chăm sóc, cho ăn uống kỹ lưỡng, khiến cho bạn thấy an ủi, vơi bớt khổ đau. Ngược lại chẳng ai đoái hoài đến bạn, cả ngày họ lo công việc của họ, niềm vui của họ, thì đó là sự đau khổ thấm thía. Tệ hơn, họ còn mong cho ngày về của bạn nhanh hơn để khỏi phiền toái. Khi bạn còn trẻ thì khỏi phải nói, bạn bè thân hữu ra vô liên tục. Bây giờ thì họ còn nhờ vả được gì nữa mà lui tới ! Bạn nằm cô đơn một mình.
Tất cả những điều không vui ấy làm bệnh của bạn nặng thêm, tâm tư phiền muộn đau khổ. Lúc ấy bạn mới hối tiếc: giá như ngày trước khi còn trẻ, mình biết giữ gìn sức khoẻ, không ham hố giàu sang để làm việc quá mức, thì tuổi nầy đâu đã đến nỗi. Giá như mình không quá tằn tiện, tiếc tiền, những gì mình thích thì mình ăn, những gì béo bổ thì mình cứ dùng, thì bây giờ đâu có thèm thuồng, đâu có suy nhược! Giá như mình biết dành thời giờ ở bên con cái và sửa dạy chúng, thì bây giờ đâu có bạc bẽo, bất hiếu như vậy! Giá như thay vì phung phí tiền bạc trong những trò tiêu khiển vô bổ, trụy lạc, mình dùng tiền giúp đỡ những người nghèo khổ, làm việc công đức từ thiện, thì khi mình chết mình có công phúc trước mặt Chúa và ít nhất họ cũng đọc cho mình một đôi kinh! Giá như khi còn khoẻ mình biết siêng năng đi lễ, nhớ đến Chúa, thì giờ nầy đâu phải áy náy, lo sợ về đời sau! Nhiều điều phải hối tiếc, nhưng lúc nầy thì còn làm được gì. Chỉ có hối hận và còn lại là những nỗi đau muộn màng!
Dịch bệnh không việc, không tiền…cũng có tác dụng như phép thử để biết vợ chồng yêu thương, chung thuỷ đến cỡ nào; biết được con cái hiếu thảo với cha mẹ già ra sao, hay chỉ chờ cơ hội để chiếm nhà, chia của?
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
(Vinh An, tản mạn mùa dịch 10/21)