Hồi còn nhỏ, cứ nghe người này nói người kia là lo hay làm chuyện bao đồng nhưng chẳng hiểu. Lớn lên một chút thì hiểu được chuyện bao đồng là chuyện chẳng dính dánh gì đến mình nhưng cái gì cũng vơ vào.
Nhắc đến chuyện bao đồng thì nhớ đến dì Sáu ngày xưa ở Cái Rắn. Cái gì Dì cũng ôm vào người nên Dì tự đặt cho mình cái tên là "Sáu Bông Đào". Hỏi tại sao thì Dì giải thích "bông đào" là bao đồng.
Thật vậy, nếu bao đồng lo nhiều việc cho mọi người ở cái vùng truyền giáo Năm Căn thời Cha Piô Ngô Phúc Hậu thì tốt. Dì Sáu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ "bông đào" của Dì. Tiếc thay có nhiều người thích lo chuyện của người khác trong khi chẳng làm được gì và nhất là chuyện của mình chẳng giải quyết được chi.
Ngày hôm nay, mạng xã hội lan tràn đến mức độ chóng mặt. Facebook có lẽ là mạng xã hội thu hút nhiều người tham gia nhất. Facebook là một nơi thích để chúng ta thỏa thích với những quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Ai cũng nhận ra được điều đó mà đôi khi bỏ qua một điều, nó cũng là một "cái bẫy ngọt ngào" để chúng ta rơi vào.
Và theo một nghiên cứu của trường đại học Copenhagen, Đan Mạch, những người sử dụng Facebook thường xuyên không cảm thấy hạnh phúc, bực tức. Đây có lẽ không phải một vấn đề quá mới và các chuyên gia tâm lý trên khắp hành tinh đều có chung quan điểm về vấn đề này.
Lang thang trên Facebook và nhiều các trang mạng xã hội, chúng ta bắt gặp hàng ngàn vấn đề mỗi ngày. Chúng ta dần để cảm xúc của những người không quen, cộng đồng xa lạ trở thành cảm xúc của mình và bực tức vì những điều không đâu.
Nhìn lại cuộc đời, mỗi người sinh ra trên đời đều mang một trách nhiệm to lớn nhất phải hoàn thành. Đó là trách nhiệm với bản thân. Nếu bản thân còn lênh đênh, chao đảo, chông chênh, chưa tìm được mục đích sống, chưa hiểu vì sao mình tồn tại, còn trượt dài trên những con dốc cảm xúc bất định, không điểm dừng, thì chỉ riêng việc lo cho tình thần của mình ổn định thôi đã là quá sức, làm chưa tới, chưa xong.
Ở thời điểm hiện tại, có biết bao nhiêu là điều trái khoáy và nhất là khi bản thân chưa ổn, làm sao ta giúp đỡ hay hỗ trợ tinh thần gì cho ai đó khác. Mỗi người sinh ra trên đời đều mang trách nhiệm to lớn nhất là trách nhiệm với bản thân. Bạn cũng vậy. Họ cũng vậy.
Nên nhớ rằng không ai có thể chữa lành vết thương cho người khác. Vết thương của ai, chỉ người đó có thể chữa lành cho họ mà thôi. Điều tốt nhất bạn có thể làm, là giúp họ tìm ra cách tự chữa, tìm ra người có khả năng chữa, và cầu nguyện cho họ sớm nhận ra chỉ có họ và sự cố gắng của bản thân mới có thể cứu rỗi chính mình.
Và như vậy, việc mình chưa xong, đừng lo chuyện "bao đồng": Thân còn chưa biết mình muốn gì thì đừng cố gắng làm "siêu nhân" giúp đỡ người khác.
Với tất cả những điều đó, ta thấy đây là điều chính xác là những gì đang diễn ra trên mạng xã hội và trong cả cuộc sống thật khi chúng ta tự làm cuộc đời mình trở nên rắc rối, mệt mỏi với những vấn đề của người khác.
Mỗi người, khi trưởng thành rồi, đừng làm điều tốn công vô ích là "nhúng mũi" vào chuyện của người khác.
Cho nên, điều cần thiết trước khi giúp người là giúp bản thân mình trước đã. Và giúp đời, là giúp cho thế giới này bớt đi một kẻ tào lao. Kẻ tào lao này, không ai khác, chính là bản thân ta đó. Bạn đã thấy mình chịu trách nhiệm với bản thân chưa?
Cổ nhân có câu nói rằng: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.
Thị phi và rắc rối trên đời chủ yếu xuất hiện do lời nói không kiểm soát. Khi gặp chuyện không liên quan đến bản thân, bạn càng dây dưa thì chúng càng như một đống rác rưởi bủa vây lấy mình, phải chịu đựng sự hôi hám, nhếch nhác từ rắc rối của người khác.
Hầu hết, hành vi “quản chuyện thiên hạ” đều đơn thuần xuất phát từ tính tò mò của con người. Khi bạn nảy sinh hiếu kỳ, dù biết là không nên, bạn vẫn vô tình chú ý tới những sự vật, sự việc tương quan. Sau đó, khi bạn cho rằng mình đã hiểu được một phần câu chuyện, tự dưng sẽ nảy sinh tâm lý muốn “lo chuyện bao đồng”.
Ví dụ như, nghe thấy vợ chồng hàng xóm to tiếng với nhau, bạn sẽ tò mò lý do họ cự cãi. Tìm hiểu được tranh chấp giữa hai vợ chồng, bạn luôn có thể nảy sinh kiểu suy nghĩ “Đáng lẽ họ phải như thế này”, “Vợ chồng họ nên thế kia”... Thậm chí là biến những suy nghĩ đấy thành hành động, bạn trực tiếp tìm đối phương để khuyên nhủ.
Ta thấy hậu quả để lại là gì? Chẳng những không được cảm ơn, mà còn nhận về tai họa. Bởi vì chuyện này vốn không liên quan, bản thân bạn cũng không hiểu đầu đuôi sự việc cũng như bản chất vấn đề. Sự can thiệp của bạn không biết có giúp họ giải quyết sự việc hay không, nhưng chắc chắn sẽ gây mích lòng người khác.
Sau lưng, người ta đều đang nói bạn là “đồ rỗi hơi”, “kẻ thích xía vào chuyện người khác”. Vừa tốn công vô ích, vừa đem tiếng xấu cho mình.
Trên Facebook, ta thấy xuất hiện những người "chửi thuê". Có những người có khi lên tiếng vì một câu chuyện xa lạ, còn cộng đồng "lên tiếng bảo vệ lẽ phải". Xem chừng ra họ lên tiếng vì bạn bè, người thân, đôi khi vì đồng cảm và đôi khi chỉ vì đam mê.
Nửa đêm hay là thời điểm online của các bạn trẻ và cũng là lúc Facebook như một "bữa tiệc" với các vụ bóc phốt chuyện này chuyện kia, bóc phốt người này người kia, đánh ghen hội đồng… Bạn có thể thấy người ta chia sẻ đầy những câu chuyện trong xã hội và ở dưới bình luận là vô số những tiếng nói đồng cảm. Đặc biệt trong những câu chuyện như "chồng em đi ngoại tình, em buồn khổ quá" có rất đông người tình nguyện vào "đi đánh ghen hộ"! Họ không chỉ đùa mà đã có những câu chuyện thành thật, có vô số câu chuyện các cư dân mạng "yêng hùng" đi giải quyết vấn đề chẳng liên quan trên mạng.
Cứ lo chuyện bao đồng, vấn đề gì của người khác cũng vơ vào mình: Này bạn gì ơi có thấy mệt mỏi lắm không?
Lm. Anmai, CSsR