Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 04 Tháng 11 2021 12:00

Mong manh phận người

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Mong manh phận người  

Đức Thánh Cha cầu nguyện trước các phần mộ tại nghĩa trang quân đội Pháp ở Roma

Khi vở kịch cuộc đời kéo màn khép lại cũng là lúc các vai diễn về ơn gọi và sứ mạng của mỗi người xem như đã hoàn thành. Hận thù, ghen ghét rồi cũng hết; của cải, danh vọng, lạc thú cũng chẳng còn. Có ai sống mãi đâu để mà ghen ghét, để mà hưởng thụ những cái mình đã làm ra. Do vậy, những gì còn lại của một cuộc đời là những điều hay lẽ phải, là tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

 

Trong nhịp sống đang quay cuồng hối hả, khi vừa phải ứng phó với dịch bệnh Covid 19, vừa phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh của những tháng cuối năm, và trên con đường đang tấp nập dòng người ngược xuôi đó, bỗng từ xa vọng về những giai điệu quen thuộc của bài thánh ca “Cát Bụi Hư Vô” của Nữ tu nhạc sĩ Trầm Hương: “Bao năm lo toan trong cuộc đời. Bao năm lênh đênh trên dòng đời. Nào có biết đâu giờ đây ta trở về cát bụi hư vô,” chợt khiến lòng người lặng lẽ, trầm tư giữa những cơn gió se lạnh của đất trời tháng 11. Tác giả viết nên bài hát như một lời nhắn nhủ cho những người đang bước trên hành trình nhân sinh: cuộc sống này chỉ là tạm bợ và tất cả chỉ là hư vô chóng qua, cho dù mải mê rong ruổi với dòng đời xuôi ngược, bôn ba với cuộc sống mưu sinh thường ngày, thì “ba tấc đất mới thật là nhà”.

Sống ở đời, có thể chúng ta không biết nhiều thứ, nhưng chắc chắn có một cái biết thật, biết đúng và biết rõ nhất, đó là biết mình sẽ phải chết. Là con người, dù là người có niềm tin tôn giáo, hoặc người vô thần, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình, để rồi thốt lên rằng:

 “Đời người dài ngắn, sang hèn
Trăm năm gom đủ một lần đưa tang”.

Có người lạc quan hơn thì dí dỏm soạn ra một phép tính cho cuộc đời: “50 tuổi tính năm, 60 tính tháng, 70 tính ngày, 80 tính giờ và 90 Chúa tính”, nghĩa là mỗi ngày cúng ta sống là để tiến gần cái chết hơn hay cái chết mỗi ngày tiến gần chúng ta hơn, và cái chết là thứ duy nhất không ai gánh đỡ và làm thay cho chúng ta được. Chuyến đi cuối cùng của một đời người sau mấy mươi năm hiện hữu trên thế gian, đó là trở về với cát bụi nơi mình đã được sinh ra. (St 3,19).

Sách Giảng Viên cũng nói:"Có thời sinh ra, có thời để chết đi" (Gv 3,2). Mọi loài thụ tạo đều có giới hạn của nó. Con người cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tiền bạc, vật chất, công danh cũng sẽ tàn. Sắc đẹp, sức khỏe cũng phôi phai theo thời gian. Tình yêu có ghi tâm khắc cốt cũng sẽ có ngày thờ ơ nguội lạnh. Cuộc sống dẫu tràn trề hy vọng cũng sẽ thoảng qua những phút thất vọng vấn vương. Trong dòng suy tưởng ấy, một số triết gia cũng khẳng định rằng: “cuộc sống con người giống như một chuyến tàu. Tất cả chúng ta xuất phát từ những sân ga khác nhau, chúng ta lên tàu rồi phải xuống ga. Có người xuống trước có người xuống sau nhưng ai rồi cũng phải xuống ga”. Và sự khôn ngoan của tác giả Thánh Vịnh một lần nữa soi sáng cho chúng ta:

“Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?

Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết. Kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong” (Tv 49,10).

Thế nên, sống trong kiếp người hạn hẹp này, mỗi người vừa phải chọn lựa cho mình một hướng đi, vừa phải khôn ngoan chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết cho cuộc hành trình tiến về quê hương đích thực.

Tháng 11 đến, Giáo Hội lại nhắc nhở chúng ta nhớ đến những người đã khuất, đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người: “rồi cũng sẽ đến lượt mình”, để rồi trong khi cầu nguyện cho các linh hồn, mỗi người cùng nhau suy ngẫm về thân phận yếu đuối tội lỗi của kiếp tro bụi nơi mình, và có những chọn lựa, những hướng sống thích hợp cho ngày sau hết của cuộc đời. Mục sư Martin Luther nói rằng: “Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể thay đổi được cột buồm”. Cũng vậy, chúng ta không thể thay đổi được quy luật nghiệt ngã của kiếp bụi tro phải trở về tro bụi, nhưng chúng ta có thể thay đổi được lối sống để khỏi chết đời đời. Thế nên triết gia Hegel đã định hướng cho cuộc đời của mình với xác tín rằng: “sống là chuẩn bị cho cái chết”.  Khi vở kịch cuộc đời kéo màn khép lại cũng là lúc các vai diễn về ơn gọi và sứ mạng của mỗi người xem như đã hoàn thành.  Hận thù, ghen ghét rồi cũng hết; của cải, danh vọng, lạc thú cũng chẳng còn. Có ai sống mãi đâu để mà ghen ghét, để mà hưởng thụ những cái mình đã làm ra. Do vậy, những gì còn lại của một cuộc đời là những điều hay lẽ phải, là tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Những việc lành đó có khi chỉ đơn giản là “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Nhưng chính chúa Giê su đã khẳng định: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Tháng 11 đến rồi cũng sẽ lại qua đi. Ý thức được sự mau qua của thời gian, chóng tàn của kiếp sống con người, sẽ giúp chúng ta có cơ hội tăng thêm lòng tin, sự phó thác và lẽ cậy trông, đồng thời nhắc nhở chúng ta bước chậm lại một chút, cho mình thêm chút hy vọng và dũng cảm đối mặt với một sự khởi đầu hoàn toàn mới.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là sự sống đời đời, xin ban cho các linh hồn được an nghỉ muôn đời trong tình thương của Chúa, và xin cho chúng con, mỗi khi dâng lời kinh tưởng nhớ những người đã khuất, luôn ý thức về thân phận mỏng dòn yếu đuối phải chết của mình, để những ngày còn lại trên hành trình dương thế, chúng con luôn biết canh tân đời sống, hầu mai sau cũng được Chúa cho hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với những người Chúa chọn. Amen.

Sr. Hồng Thắm O.P.

(Vatican News 04.11.2021)

Read 470 times Last modified on Thứ năm, 04 Tháng 11 2021 20:30