Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vu: 50 năm hiện diện và kinh nghiệm Hiệp Hành
Posted by Ban Biên TậpNgười Việt Nam cực kỳ giỏi nhưng chỉ làm việc cá nhân ! Việt Nam rất dở khi làm việc nhóm và không thành công khi làm việc chung với nhau. Phải chăng đây là kinh nghiệm xương máu để thấy rằng rất khó để mà ngồi lại với nhau và làm việc chung với nhau.
Giữa chợ đời bôn ba và cả Giáo Hội lữ hành, để ngồi lại với nhau, hiệp hành với nhau không phải là chuyện đơn giản. Với thao thức, trăn trở về một Giáo Hội trong thực tại, Thượng Hội đồng các Giám mục lần tới với chủ đề “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, sẽ được bắt đầu vào tháng 10/2021 và kết thúc tại Roma vào tháng 10/2023.
Điều mà Giáo Hội đang hướng tới phải chăng là điều mà Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã chọn, đã định hướng và đã sống cũng với biết bao kinh nghiện trong chặng đường dài 50 năm qua. Nếu như không hiệp thông, tham gia và sứ vụ thì sẽ chẳng có 50 năm mừng kỷ niệm ngày hiện diện của Nhóm.
50 năm ! Một chặng đường không ai dám gọi là ngắn bởi lẽ con số này cũng tròm trèm gần cả đời người. Với chặng đường dài 50, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dừng lại để tạ ơn Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đã ban cho Nhóm.
Thật dễ thương và khiêm tốn ! Và dường như đó cũng chính là tâm tình hay tiêu chí của cả Nhóm khi ngồi lại với nhau để phiên dịch. Như lời Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh dòng Phanxicô – người hiện diện từ những ngày đầu thành lập Nhóm chia sẻ : “Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ không có gì độc đáo cả ! Chúng tôi lấy tên Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ như là một nhóm người không phải là ban bệ gì cả. Nhóm người tự nguyện gặp nhau trong việc chung. Việc đó là dịch kinh Thần Vụ mới theo lệnh soạn thảo của Công Đồng Vaticano II. Công Đồng Vaticano canh tân nên mới ra lệnh canh tân quyển sách đó. 1971, bản chính thức bằng La Ngữ chưa có, chỉ có bản tiếng Pháp. Anh em chúng tôi sống ở Châu Âu, Pháp … Anh em chúng tôi thao thức làm sao đưa các thành quả của Công Đồng vào đời sống. Một nhóm linh mục ý thức nhu cầu đó, không có bản tiếng Việt nên chúng tôi ra tay làm việc đó. Rất đơn giản và dễ hiểu, không có gì là độc đáo hết …”
Ngày còn bé, khi tiếp cận quyển Kinh Thánh nhỏ, điều đầu tiên đập vào mắt tôi đó chính là danh sách của các vị trong Nhóm. Ai ai cũng biết ngôn ngữ là chuyện cực kỳ khó trong đời sống của con người để rồi chuyển dịch không phải dễ. Dĩ nhiên là rất nể phục vì các vị này phải nói là có cái đầu rất tốt mới có thể đảm trách được công việc dịch thuật.
Lớn lên và nhất là khi có nhu cầu đọc và nghiên cứu, các sách của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ngày mỗi ngày như thân cận với tôi hơn. Trong bộ sách của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, quyển Thánh Kinh và nhất là quyển Lời Chúa cho mọi người phải nói là quyển không thể thiếu bên cạnh tôi bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể quyển Giờ Kinh Phụng Vụ mà mỗi ngày đều phải đọc.
Giữa dòng đời nổi trôi, người nào cần thì mới trân quý điều mà mình cần. Với người không có nhu cầu về Lời Chúa hay không đam mê Lời Chúa thì có lẽ quyển Thánh Kinh hay Lời Chúa và Kinh Phụng Vụ chả dính dáng gì đến mình. Ngược lại, những ai có nhu cầu sử dụng thì ít nhiều cũng cảm thấy trân quý tấm lòng của từng thành viên trong Nhóm.
50 năm qua, tất cả những gì Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ làm được gói ghém trong tập sách “50 năm hiện diện 1971-2021” dày 500 trang. Cầm tập sách trong tay như là quà tặng của Nhóm, dành thời gian để đọc và chiêm ngắm. 500 trang được trình bày từ nội dung đến hình thức khó có thể chê được như công sức của Nhóm mà khó có ai làm được.
Điều mà tôi tâm đắc và cảm phục nhất của Nhóm đó chính là sự khiêm hạ của từng thành viên. Nói vậy nhưng ai ai cũng biết rằng ai ai cũng có cá tính cũng như quan điểm và cái nhìn riêng của mình. Thế nhưng rồi với tâm huyết và lòng nhiệt thành cũng như ý thức được thân phận của mình, mỗi thành viên đã can đảm bỏ cái tôi của mình xuống để cùng nhau làm chung công việc không hề dễ.
Một nữ tu thân quen là thành viên của Nhóm hơn một lần chia sẻ : “Cậu có biết là chúng tôi có khi cãi nhau như mổ bò không ? Có khi chỉ một từ thôi mà tranh cãi nhau kinh khủng …”
Vâng ! Sơ nói ít nhưng hiểu nhiều bởi lẽ không đơn giản để đồng nhất và đồng thuận với nhau. Thế nhưng rồi nhờ ơn Chúa mọi việc cứ trôi chảy trong chặng đường dài đã qua.
Khi gặp gỡ, Bà Chị có mái tóc muối nhiều hơn tiêu cũng như Cha giáo Vinh Sơn dòng Đaminh chả bao giờ nói về mình, khoe về Nhóm của mình. Đơn giản chỉ là những nụ cười trên môi và chung chia với nhau những câu chuyện đời.
Tôi thầm nghĩ ra họ là thế ! Những người khiêm hạ họ chẳng bao giờ cần phải xuất hiện hay nói và khoe về mình. Cứ như thế họ âm thầm làm việc để cho ra những hoa thơm trái ngọt cho người thế hưởng dùng. Cứ âm thầm và lặng lẽ để nhả ra những sợi tơ thật đẹp như phận tơ tằm nơi những thành viên của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
50 năm qua, chả phải tôn vinh mà cũng chả cần tôn vinh. Đơn giản là vì tiêu chí của Nhóm là làm sao để đưa Lời Chúa đến với mọi người và mọi người tôn vinh Chúa. Trong Nhóm, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh có lẽ là người điều phối, người tổ chức thật tài hoa để kết nối cũng như thu xếp các công việc của Nhóm. Kèm theo đó là từng thành viên có khi chỉ là người đánh máy, sếp chữ hay lo khâu xuất bản. Tưởng nghĩ Nhóm cũng không bao giờ quên những khuôn mặt thân thương và trìu mến như Cha Cố Anbeto Trần Phúc Nhân, Micae Nguyễn Hữu Phú, Giuse Trần Ngọc Thao đã về nhà Cha trước.
50 năm dừng chân, nhìn lại một chặng đường để cùng nhau tạ ơn Chúa và cũng không quên cảm ơn nhau vì Nhóm đã, đang và vẫn sống điều mà Giáo Hội đang hướng tới và mời gọi hiệp thông, tham gia và sứ vụ.
Tạ ơn Chúa vì giữa những thăng trầm của cuộc sống, giữa những nổi trôi của cuộc đời thì có những con người âm thầm và lặng lẽ làm việc chung với nhau trong công việc thật khó là dịch thuật. Tạ ơn Chúa vì Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ như là một hiện thân của Đức Kitô đã xuống thế làm người, đã hiệp thông với con người trong thân phận làm người, đã tham gia vào kiếp sống của con người và đã dấn thân vì sứ vụ với con người và cho con người.
Lm. Anmai, CSsR