Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 25 Tháng 12 2021 21:18

Tản mạn về chuyện tham dự Thánh lễ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TẢN MẠN VỀ CHUYỆN THAM DỰ THÁNH LỄ

Vừa đặt chân đến nhà anh họ của đứa em tinh thần, anh họ hỏi ngay về chuyện Lễ Giáng Sinh năm nay rơi vào Thứ Sáu thì tính như thế nào ?

Tôi không trả lời Anh câu hỏi đó. Tôi mời Anh vào xem câu trả lời của người có chuyên môn về Phụng Vụ.

Điều tôi chia sẻ với Anh cũng chả gì là cao siêu. Vấn đề tôi nói với Anh dường như xem ra thật gần.

Tôi hỏi Anh là khi người ta yêu nhau người ta có muốn ở gần nhau không ? Anh trả lời là có.

Câu hỏi xem chừng ra vô duyên vì khi người ta yêu nhau thì dĩ nhiên người ta muốn ở gần nhau và không chỉ là gần nhau mà là càng lâu càng tốt. Thật vậy, những ai yêu nhau sẽ cảm được điều này. Cũng vì yêu và không muốn xa rời nhau nên người ta mới cưới nhau để ở cùng nhau chung một nhà.

Như vậy, người Kitô hữu được tạm gọi là định giá yêu Chúa cũng dựa trên sự ở gần nhau và chung chia vui buồn sướng khổ của nhau. Người Kitô hữu gặp Chúa một cách thiết thực nhất và sâu lắng nhất chắc chắn là việc tham dự Thánh Lễ và đặc biệt hơn cả là việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Giây phút đẹp nhất của người Kitô hữu khi tham dự Thánh Lễ là được tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Và Thánh Thể chính là nguồn lương thực thần linh để nuôi dưỡng linh hồn của người Kitô hữu.

Giáo Hội đưa ra luật buộc cho người Kitô hữu là tham dự Lễ Chúa Nhật và các ngày Lễ buộc (Lễ Trọng). Và như vậy thì trong 1 năm phụng vụ, thử hỏi ngoài 52 Lễ Chúa Nhật thì có thêm ít Lễ buộc chứ đâu có nhiều.

Xét về cơ thể của con người, con người ít nhất mỗi ngày cũng ăn 2 bữa hay là 3 bữa. Có người ngoài bữa chính còn có bữa lỡ, bữa thêm và bữa khuyến mãi khi có lễ lạc hay tiệc tùng mừng gì đó. Trong khi đó, để nuôi linh hồn con người thì Giáo Hội buộc chỉ "ăn" có 1 bữa vào Thánh Lễ Chúa Nhật mà thôi.

Như vậy thì lương thực lo cho linh hồn tính ra có bằng 1 phần lo cho thân xác hay không để mà tính toán. Xem chừng ra cẩn thận vì lẽ có khi mập béo ở ngoài cơ thể nhưng linh hồn xem ra sầu úa.

Xét về thời gian. Mỗi ngày Chúa ban cho con người ta 24 tiếng đồng hồ và mỗi tuần 7 ngày. 7 ngày nhân với 24 giờ đồng hồ cho 1 tuần. Như thế, mỗi tuần dành ra cho Chúa có 1 phần của 7 nhân với 24 có nhiều lắm không để rồi người ta tính toán là đi Lễ này coi như đủ để khỏi phải đi Lễ kia. Tiếc thay có người xem chuyện tham dự Thánh Lễ như là chuyện phải ... trả nợ.

Khi ngồi tòa, nghe người bỏ Lễ Chúa Nhật, tôi chỉ xin họ đừng bỏ Lễ nữa. Để minh họa cho điều bỏ Lễ, tôi mời hối nhân hãy "bố thí" cho Chúa mỗi tuần 1 tiếng đồng hồ thôi.

Xem chừng con người ta bất công và tính toán với Chúa nhiều quá.

Nhìn lại đời sống, thời gian ăn chơi nhậu nhẹt, phim ảnh, karaoke, game, shopping mất bao nhiêu quỹ thời gian ? Thế nhưng với Thánh Lễ thì phải tính toán từng giờ. Có người tính đến độ phải dự Thánh Lễ ở nhà thờ nào đó vì nghe đồn Lễ ở đó nhanh dẫu ràng thời gian từ nhà mình đến nhà thờ đó hao tốn hơn là tham dự Thánh Lễ ở giáo xứ.

Dĩ nhiên chuyện so đo tính toán là tự do của mỗi người, tôi không bận tâm đế chuyện tính toán đó. Chỉ thầm hỏi rằng Chúa cho mình thời gian nhiều quá mà ! Chúa cho mình quá nhiều mà ! Tại sao mình lại so đo tính toán với Chúa rằng đi Lễ này coi như là đã tròn bổn phận và không cần phải đi Lễ kia nữa.

Ví dụ như năm nay, ngoài Lễ Giáng Sinh ra thì dự thêm Lễ Chúa Nhật xem chừng có mất mát gì đâu nhưng người ta vẫn tính toán với Chúa.

Con người có quyền tính nhưng quên rằng Chúa mới là chủ cuộc đời của mình, là chủ quỹ thời gian của mình. Nên nhớ rằng mình tính không bằng Chúa tính. Chỉ cần một cơn gió thoảng thì đời người cũng qua đi, ấy vậy mà người ta lại khéo tính nhỉ.

Sáng nay, trong câu chuyện thân tình, người quen kể rằng cô em dâu của cô mới phát hiện ra ung thư. Hoàn cảnh gia đình dường như đang mở ra trước mắt sự bế tắt. Tiếc thay rằng vợ chồng vẫn không nhận ra sự chông chênh của cuộc đời, sự vô thường của cuộc sống để rồi vẫn chưa trở về thực tại của đời người.

Đời người rất nhanh, rất ngắn và rất vội cũng như rất vô thường. Sao không nghĩ thế để dành những khoảng thời gian quý báu nhất để đến với Chúa và kết hiệp mật thiết với Chúa.

Khi người ta yêu Chúa ở nồng độ đậm đặc thì người ta sẽ không còn tính toán Lễ này thay Lễ kia, Lễ nào nhanh lễ nào mau để đi về nữa.

Mỗi chúng ta tự do lựa chọn suy nghĩ cũng như cung cách của mình về việc tham dự Thánh Lễ. Tưởng nghĩ Thánh Lễ chính là bàn tiệc vô giá mà Chúa mời gọi mỗi chúng ta đến với Chúa và qua Thánh Lễ, ta được kết hiệp cách mật thiết với Chúa hơn cả.

Lm. Anmai, CSsR

Read 341 times Last modified on Chủ nhật, 26 Tháng 12 2021 10:17