Chiều có việc đi ra đường, tiện ghé mua ít củ hành tím.
Ngạc nhiên khi nghe chị bán "hét" giá 50 ngàn cho 1 ký. Sợ chị nhầm nên tôi hỏi lại. Khi nghe hỏi lại thì chị nói : "Hành này là hành trồng ở đây ạ ! 20 ngàn 1 ký cũng có nhưng là hàng nhập ngủ. C muốn lấy hành đây hay hành "nhập ngũ" ?".
Dĩ nhiên chả ai thích ăn hành "nhập ngũ" cả.
Các bà, các cô, các dì, các mợ đi chợ chắc là quen với hàng "nhập ngũ". Nhưng chắc có lẽ biết hơn ai hết vẫn là người bán vì ông bà ta đã nói "người mua lầm chứ người bán không có lầm".
Ra chợ, dường như cái gì càng đẹp thì cái đó là hàng "nhập ngũ". Từ hành, tỏi, khoai tây, cà rốt và cả cam nữa cũng đầy hàng "nhập ngũ".
Vài hôm trước đây, mở thùng cam ra mới tá hỏa ra vì những tờ báo lót trong thùng cam là báo của China. Thật sự là giật mình vì cứ ngỡ nước ta là nước trồng cam thoải mái nhưng sao lại "nhập ngũ" về để bán cho dân như thế này.
Cũng chả khó hiểu khi đến cửa khẩu ở Lào Cai. Khi mình bước qua biên giới thì thấy chợ và trái cây là hoàn toàn của hàng Việt Nam được bày bán cho "nước bạn". Trở về bên đây biên giới thì lê, lựu, táo, nho ... hoàn toàn là hàng "nhập ngũ".
Thật khó hiểu chuyện ta phải ăn hàng "nhập ngũ" còn người ta thì ăn hàng của mình. Cũng chính vì cái lợi từ hai phía để rồi trên mâm cơm dường như đa phần là hàng "nhập ngũ".
Tân lý mà ! Cũng do người mua bao giờ cũng thích được mua với giá rẻ để rồi người bán đáp ứng nhu cầu của người mua. Và chỉ có một con đường đơn giản và duy nhất đó là nhập thứ hàng nào đó giá càng rẻ thì khách hàng lại thích mua.
Với tất cả những điều đó, ta thấy mâm cơm đa phần là hàng "nhập ngũ" vì ham rẻ và cũng có khi bị lừa từ phía người bán. Người bán ít bao giờ nói thật là hàng "nhập ngũ" vì nếu nói như vậy thì biết khi nào bán được.
Nhớ lại trưa hôm trước khi Cha mới khen miếng dưa hấu mà Cha đang cầm là ngon và chắc là dưa hấu sạch nhưng Cha Sở bảo : "Chưa chắc đâu cha".
Đúng như vậy ! Chưa chắc đâu vì lẽ miếng dưa hấu xem chừng ngon đó thì nó đã ngậm trong mình nó bao nhiêu hóa chất.
Nghe bà con kháo láo với nhau về cái chuyện ăn khoai lang rất tốt cho sức khỏe để rồi cũng mon men mua khoai lang về ăn. Chưng hửng khi nghe người dân ở đây nói với nhau rằng để có được củ khoai lang đem ra chợ bán mà nhìn mát mắt như vậy là nó ngậm biết bao nhiêu là hóa chất.
Thật vậy, ngày hôm nay, cứ đừng nghĩ đừng nhớ thì thôi chứ khi nghĩ khi nhớ đến thì chả dám ăn thứ gì cả vì tất cả đa phần là thực phẩm ngậm hóa chất và hàng "nhập ngũ". Dĩ nhiên là từ cây lúa cho đến cọng rau, người nông dân phải cho hóa chất vào để kích thích tăng trưởng cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng tiếc thay để cho thành quả, cho sản phẩm của mình bắt mắt thì người ta cho quá liều lượng hay như rau củ thì tối hôm qua xịt thuốc thì sáng hôm sau đã cho ra chợ.
Và ta thấy đôi khi cứ quở trách thanh phiền rằng đồ này đồ kia do cái nước nào đó làm để bán cho ta như những loại hàng "nhập ngũ" đang tràn lan ngoài thị trường thì điều đầu tiên khởi đi từ người của ta. Nếu như đừng vì hám lợi hay lương tâm ngay thẳng thì không nhập hàng xấu và cứ hàng của ta ta cứ dùng.
Vì lợi nhuận, vì lòng tham mà ngày mỗi ngày con người đã dung nạp không biết bao nhiêu là thực phẩm bẩn cũng như rau củ quả ngậm quá nhiều hóa chất. Chính vì ngậm nhiều hóa chất vào trong người quá độ nên tỷ lệ ung thư ngày một tăng là điều dễ hiểu.
Bi đát thay và đớn lòng thay đó là biết khi buôn bán thực phẩm "nhập ngũ" là một cách nào đó hủy hoại mạng sống của con người nhưng người ta vẫn vui vẻ buôn bán. Đơn giản là làm sao bằng mọi cách để có tiền.
Lm. Anmai, CSsR