Nếu như ngày xưa ngôn sứ Gioan Tẩy Giả phải chết vì lên tiếng cho lẽ phải, cho sự thật và công lý thì ngày hôm nay ta lại thấy chả thấy ngôn sứ nào phải chết như Gioan cả. Đơn giản vì hoàn cảnh không cho phép hay vì lý do nào đó để rồi không ai dám lên tiếng dù nhận thấy bao nhiêu điều bất công trong cuộc sống ...
Ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để sai đi loan truyền Lời Chúa cho dân Người.
Thiên Chúa đã chọn gọi và sai các Ngôn sứ đến với dân Israel để tiếp tục huấn luyện họ trung thành với giao ước và xứng đáng lãnh nhận Đấng Cứu Thế đã hứa.
Ngôn sứ, theo tiếng Hipri có nghĩa là “người được gọi, người loan báo”, như trường hợp của Êlia, Isaia, Jêrêmia, Êzêkien... Thiên Chúa đã tuyển chọn các Ngài như những người thân thiết của Chúa để truyền lại lời Ngài cho dân riêng: khi dân đi sai đường lối Chúa, các Ngôn sứ nhắc nhở, khuyến cáo họ trở về cùng Thiên Chúa ; khi dân cố chấp trong đường lời sai lầm, các Ngôn sứ đe loi, tiên báo các tai họa sẽ đến ; trong thời lưu đầy, khi dân thất vọng buông xuôi, Ngôn sứ kêu gọi họ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ạicâp xưa cũng như đoái thương giải thoát họ...; khi dân mệt mỏi vì mong chờ Đấng cứu thế mà chẳng thấy, Ngôn sứ loan báo ngày Đấng Thiên Sai sẽ đến thực hiện ơn cứu độ.
Số phận của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước và cũng là điềm báo cho số phận sau này của Đức Giêsu. Ngài bị chính dân Ngài chối bỏ, giết chết bằng cách đóng đinh trên Thập Giá. Sống ngôn sứ là dám chết cho lời chứng của mình và cái chết là lối chứng hương hồn và sống động nhất. Như các ngôn sứ trong Cựu ước, như Gioan Tẩy Giả và nhất là như Đức Giêsu Đấng đã gióng lên tiếng yêu bằng cây Thập giá vinh quang. Đó là lối đường yêu thương của Thiên Chúa: Yêu đến cùng ( x. Ga 13,1).
Không thể làm ngôn sứ mà không trải qua bách hại, khổ đau thử thách. Ðó là số phận chung của các ngôn sứ từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những ngôn sứ giả; còn các ngôn sứ thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị ngôn sứ một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Môsê và Êlia trải qua khủng hoảng và ngay cả thất vọng khi phải trung thành với Lời Chúa; Jêrêmia đã nhiều lần ca thán và có lúc chỉ muốn đào thoát. Ðau khổ nhất cho các ngôn sư` là thấy lời nói của mình không được lắng nghe.
Thánh Gioan Tiền Hô là một vị ngôn sứ cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu.
Gioan Tiền Hô bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy.
Với thân phận ngôn sứ, chúng ta phải biết rao truyền chân lý cho người khác, dù cho chân lý đó không được người khác đón nhận. Chân lý đó chính là tình yêu thương, công bằng, lẽ phải trong cuộc sống. Kitô hữu bị cám dỗ càng ngày càng trở nên giống người khác, kể cả làm những việc sai, miễn là có lợi cho mình. Hãy nhớ kitô là những người có Chúa Kitô, những người rập khuôn cuộc đời mình với Chúa để sẵn sàng vác lấy thập giá hằng ngày.
Chúng ta thấy thân phận của một ngôn sứ. Họ phải sống và nói theo những gì Chúa chỉ dạy. Và chắc chắn khi sống và nói như vậy họ có thể gặp chống đối, thậm chí phải bỏ mạng, nhưng ngôn vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình. Từ đó mời gọi chúng ta ý thức lại thân phận ngôn sứ của mình để trung thành với đức tin mình đã lãnh nhận, và loan truyền đức tin đó qua việc sống đức công bằng trong đời sống chúng ta.
Ta đang sống trong hoàn cảnh như thế nào thì có lẽ nhiều người đã biết. Thật sự mà nói có khi cũng muốn nói nhưng rồi dường như chẳng muốn nói bởi lẽ cán cân công lý không còn công lý nữa cũng như sự thật sẽ nhường chỗ cho gian dối bằng đồng tiền.
Câu chuyện mà mấy ngày hôm nay người ta đang râm rang về cái chết của nữ sinh lớp 12 với kết luận xét nghiệm xem ra bất thường và gây hoang mang trong dư luận rồi sẽ đi về đâu ? Ai sẽ là người đứng ra nói tiếng nói của sự thật về vụ tai nạn thương tâm này.
Một nữ sinh sáng sớm đi đến trường làm thủ tục nhận giấy báo thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cùng các bạn khác và đến lúc ra về thì xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến mất mạng.
Là người trưởng thành bình thường khi đi làm buổi sáng còn hiếm khi uống rượu. Huống hồ là học sinh đi thi tốt nghiệp. Học sinh nam trước khi đi thi còn không uống thì lấy đâu ra nữ sinh uống trước giờ đi lấy giấy báo thi? Ngay cả tối hôm trước thì cũng không có cớ gì để các cháu uống rượu bia cả.
Nếu là thi xong thì có thể các cháu ăn mừng, có thể các cháu uống chút ít thì còn có thể tin được. Ở đây, một vụ tai nạn được mô tả là người lái xe 7 chỗ rẽ phải, không xi nhan làm cho nữ sinh không kịp phản ứng đã đâm vào xe và ngã chết. Theo thông tin phản ánh thì lỗi thuộc về tài xế ô tô.
Ngay cả trong tình huống này nếu có lỗi hỗn hợp thì tài xế xe vẫn phải có hành động cấp cứu kịp thời, sau đó là thăm hỏi. Nhưng theo mô tả thì người lái xe vẫn vô tư nói chuyện điện thoại.
Có người đưa ra vấn nạn : Ngày nay, được cái không có ngôn sứ nào chết cả... vì tất cả đều im như thóc! (x. Mt 14, 1-12). Nghe câu nói này nghĩ cũng hay vì sự thật lá như thế ! Chả ai can đảm nói lên tiếng nói để bênh vực cho công bắng, sự thật và công lý. Chả biết nên cười hay nên khóc cho cuộc sống hiện tại.
Lm. Anmai, CSsR