Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 26 Tháng 6 2013 05:55

Gửi Những Người Bạn Yêu Khoa Học

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gửi Những Người Bạn Yêu Khoa Học

 

Trước tiên xin gửi đến Bạn lời chào thăm và chúc sức khoẻ. Những mong Bạn đón nhận những lời này như một tâm tình, chia sẻ của một người anh em tin vào Đức Giêsu Kitô gửi đến Bạn với tất cả tấm lòng tha thiết.

Chắc Bạn đang còn thắc mắc tôi là ai và tôi gởi đến Bạn những điều này với mục đích gì? Tôi xin thưa với Bạn rằng tôi chỉ là một con người bình thường thôi nhưng có chăng trong tôi vẫn mang nặng một đức tin Công Giáo. Một đức tin không phải mù quáng nhưng chân chính và khoa học. Tôi gửi đến cho Bạn và những ai sau Bạn vẫn còn mang trong lòng câu hỏi: đức tin có đáng tin không, nó trái hay phù hợp với khoa học? Và còn nhiều nhiều câu hỏi nữa liên quan đến đức tin và khoa học như: thuyết tiến hoá là đúng hay sai v.v…? Tôi cả gan viết cho Bạn không phải vì tôi có một đức tin vững mạnh, nhưng vì tôi biết tôi tin vào những gì. Bạn đã tin hoặc chưa tin nhưng vẫn luôn canh cánh trong lòng mình một ước ao truy tầm chân lý, như những người lữ hành tiến về ánh sáng. Những câu hỏi, thắc mắc Bạn đặt ra phù hợp với khát khao đó của Bạn. Tôi thông cảm và vui mừng chia sẻ với Bạn những khát khao ấy.

Có một vĩ Thánh vĩ đại mang tên Augustinô, là người bạn đồng hành với những ai khát khao truy tìm chân lý, vị Thánh ấy đã có lời cho những người cùng khát khao như Bạn: Hãy tìm tòi với khát vọng gặp thấy, và gặp thấy khát vọng tìm tòi thêm mãi! Hạnh phúc cho những ai, gặp thấy chân lý, vẫn còn đi tìm kiếm mãi để đổi mới, để đào sâu chân lý và mang chân lý tới cho người khác. Hạnh phúc cho những ai chưa gặp gỡ chân lý, nhưng vẫn thành tâm hướng tới chân lý: Xin hãy tìm ánh sáng ngày mai nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến bao giờ có ánh sáng chan hoà và sung mãn!

Một lời động viên cho các Bạn trên bước đường tìm tòi chân lý như những Nhà Khoa Học chân chính. Vì vậy tôi mong mỏi rằng Bạn sẽ không bao giờ quên điều sau đây: “Nguyên tắc căn bản của Nhà Khoa Học là gì, nếu không phải là: nỗ lực và suy nghĩ đúng”. Với hai nguyên tắc căn bản này Bạn và luôn luôn giữ vừng chúng, tôi dám chắc một điều rằng: Bạn mang tố chất của một Nhà Khoa Học chân chính.

Đầu tiên: với sự nỗ lực, tôi xin hỏi Bạn đã có những hành động gì cho những câu hỏi hay thắc mắc của mình bằng sự nỗ lực? Bạn trả lời tôi rằng: Bạn đang cố gắng hỏi những người có kiến thức hơn Bạn chăng? Với câu trả lời này tôi xin nói với Bạn rằng: đó là một cố gắng vô ích. Vì sao ư? Chỉ hỏi mà không tự bản thân khám phá là một thiệt thòi lớn cho những ai muốn làm khoa học. Đơn giản thôi, một lẽ là tôi có thể trả lời cho Bạn, nhưng chỉ một phần nào đó mà không phải là trọn vẹn như tự bản thân Bạn khám phá. Đơn cử như đức tin Công Giáo, Bạn hỏi một phần hay một điểm nào đó, tôi trả lời cho Bạn khúc mắc đó và Bạn chỉ có thể biết đến mức đó. Nếu Bạn tự khám phá, như một Nhà Khoa Học chân chính, đầu tiên Bạn sẽ tìm đến là nơi khơi nguồn của đức tin Công Giáo, chính là: Kinh Thánh.

Bạn có thể nói tiếp: tôi đã đọc rồi và tôi thắc mắc ngay câu này, chữ này. Còn tôi, tôi cũng hỏi Bạn tiếp: Bạn có biết Kinh Thánh mất bao lâu để hình thành? Những nguồn văn, thể văn trong Kinh Thánh như thế nào? Những điều đó là một phần không thể thiếu cho những ai muốn tìm hiểu đức tin Công Giáo như một môn khoa học. Những điều người Công Giáo tin dựa trên Kinh Thánh, có thể Bạn thấy nó trái vì Bạn đã nhập đức tin và khoa học hai cái làm một. Bởi vì đức tin và khoa học tuy nghiên cứu cùng một vấn đề nhưng trong hai phạm trù khác nhau. Một bên được sống động bằng tinh thần thiêng liêng vô hình (đức tin), còn một bên chỉ có thể nói được với những thứ hữu hình thực nghiệm (khoa học). Khi nắm được chìa khoá này người ta sẽ dễ dàng nắm bắt được những điều mà đức tin muốn chuyển tải và thấy rằng nó không hề trái khoa học.

Những ai muốn bước vào tìm hiểu một tôn giáo thì phải nắm vững điều này. Nếu không thì cho dù là biện minh bằng bất cứ lý lẽ khoa học nào đi chăng nữa họ vẫn sai lầm khi nói rằng đức tin có những điều trái với khoa học. Do đó khi nghiên cứu một tôn giáo thì phải đặt mình vào chính niềm tin của tôn giáo đó làm căn bản, sau đó mới bắt đầu phân tích xem những điều mà đức tin của tôn giáo đó nói đến có những khác biệt gì so với khoa học. Lại nữa vì đức tin dựa trên những nền tảng thiêng liêng vô hình nên không thể áp cái hữu hình vào mà phán đoán đó là vô lý hay hữu lý. Người ta chỉ có thể dùng khoa học để khảo sát xem trong đức tin của tôn giáo đó có một trật tự logic hay không, tự bản thân nó có mâu thuẫn với nhau hay không.

Như thế mới thực là dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu một tôn giáo, còn nếu cứ đi theo cái vòng luẩn quẩn dùng khoa học để lên tiếng nói rằng: “đức tin đó phản khoa học” thì việc tìm hiểu tôn giáo chỉ như một nói của Phật giáo là: “Cáp như cầu thố giác” (ví như đi tìm sừng thỏ vốn là thứ không có thực trong đời) mãi mãi cũng không đạt được kết quả để thành một người nghiên cứu theo phương pháp khoa học đích thực và chân chính. Và đối với bản thân những người Công Giáo cũng vậy, tuy có đức tin nhưng cũng phải hiểu rõ là mình tin những gì, như thế mới thấy rõ được rằng đức tin của mình không hề phản khoa học. Và sẽ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, không phải mãi cứ tin mù quáng theo kiểu: có đức tin là được rồi, ai nói gì mặc kệ, đức tin đúng tất cả. Như thế sẽ có lúc cũng sẽ bị lầm lẫm do không biết rõ những gì mình tin là như thế nào; như Thánh Augustinô đã nói: "crede ut intelligas, intellige ut credas" (tin để hiểu, hiểu để tin) là vậy.

Một cách dễ tiếp cận nhất với những nguồn kiến thức đó là: đọc sách. Nỗ lực tìm hiểu của Bạn qua những cuốn sách sẽ bao giờ là phí phạm. Những câu hỏi hay thắc mắc của Bạn đã có biết bao quyển sách viết về điều ấy, thay vì đi hỏi mà không được trọn vẹn, chi bằng ta hãy dùng nỗ lực của mình để tự tìm hiểu. Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học chân chính đã nói với chúng ta những điều này: “Cuộc sống của mỗi người bị hạn chế trong không gian và thời gian. Mỗi ngừơi chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình. Đọc sách không chỉ để thoả mãn cái ham muốn hiểu biết về vũ trụ và cuộc sống, mà còn là cách nuôi dưỡng sự ham muốn đó. Một câu hỏi được giải đáp sẽ mở ra hai câu hỏi mới cần được giải đáp và dắt tay ta đến những trang sách mới.”

Do đó, tôi nghĩ rằng sau khi đọc xong những gì tôi viết cho Bạn đây, Bạn nên thư giãn một tí và bắt đầu một cuộc hành trình nỗ lực tìm kiếm tri thức của nhân loại trong những quyển sách, hay hơn là ngồi tìm kiếm và thắc mắc những câu hỏi mà lịch sử và tri thức của nhân loại đã chứng minh như một định lý bất di bất dịch.

Bạn cũng đừng quên nguyên tắc thứ hai của một Nhà Khoa Học chân chính nhé: suy nghĩ đúng. Vì nếu suy nghĩ là một việc cao cả, thì suy nghĩ trước hết là một nhiệm vụ; đáng tiếc thay cho những người nhắm mắt trước ánh sáng! Suy nghĩ còn là một trách nhiệm: đáng tiếc thay cho những người làm tinh thần mờ tối bằng trăm ngàn thủ đoạn; khiến họ chán nản, kiêu căng, lầm lẫn và sai lệch!

Nếu Bạn cần minh chứng, tôi xin nói với Bạn về thuyết tiến hoá. Bạn nghe thấy và đọc thấy một số người nói rằng Thiên Chúa tạo ra con vượn và nó tiến hoá thành con người. Rất rất nhiều bằng chứng người ta đưa ra để thuyết phục điều đó là có thật, nghe hấp dẫn phải không Bạn? Tôi trả lời với Bạn là họ quên đấy. Họ quên về bài học nhiễm sắc thể, quên mất định luật di truyền của Gregor Mendel. Con người có 23 bộ nhiễm sắc thể, cũng như các loài khác có số bộ nhiễm sắc thể khác nhau không bao giờ thay đổi. Di truyền từ đời này sang đời khác như định luật di truyền đã nói, vậy thuyết tiến hoá có còn cơ sở nữa chăng? Một Nhà Khoa Học chân chính có được quyền quên hay loại bỏ một cơ sở chắc chắn để chứng minh thuyết tiến hoá có chỗ sơ hở.

Nhưng không phải nói như thế là Hội Thánh Công Giáo quay lưng hay phủ nhận những học thuyết khoa học. Mời Bạn cùng tôi đọc lại một đoạn Thông Điệp Humani Generis ban hành năm 1950 của Đức Giáo Hoàng Piô XII: “Người Công Giáo có quyền tự do muốn tin theo thuyết tiến hoá cũng được, cơ thể người ta có thể do một cơ thể nào tiến hoá thành ra, chí như linh hồn phải nhờ Thiên Chúa can thiệp cách riêng, và lúc đầu chỉ có một người nam rồi đến một người nữ, chứ không có nhiều người khác”.

Đôi lời chia sẻ cùng Bạn và ước mong Bạn sẽ luôn mang theo bên mình hai nguyên tắc: nỗ lực và suy nghĩ đúng, để trở thành một Nhà Khoa Học chân chính. Hầu góp phần mang lại hạnh phúc cho cả nhân loại trong ánh sáng của tri thức, mà chính tôi đây là một trong những người đang ngóng tìm chân lý.

Mến chào Bạn trong ánh sáng của cây đèn mầu nhiệm là Đức Tin.

Dom.NTP (tác giả gởi trực tiếp)

 

 

---------------------------------------------

Tham khảo :

- Sứ Điệp Công Đồng Vatican II nhân dịp bế mạc (8-12-1965)

- Thông Điệp Humani Generis, Piô XII, 12-08-1950

- Ngài Ở Đâu ? - Lịch Sử Nhân Loại, Thiên Phong Bửu Dưỡng, 1971

- Giải MãTruyện Tây Du, Dũ Lan Lê Anh Dũng

 

- Có người bạn đợi ta trên kệ sách, Ngô Bảo Châu, Báo Tuổi Trẻ, 06-10-2010

Read 1489 times Last modified on Thứ năm, 27 Tháng 6 2013 06:29