Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 04 Tháng 8 2024 09:23

Xôi thịt

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  XÔI THỊT

Hồi còn bé, nghe người ta nói đừng có xôi thịt nhé ! Nghe thì nghe vậy chứ có biết gì đâu. Tìm hiểu thì biết xôi thịt dùng để chỉ tệ ăn uống, chè chén trong các dịp đình đám hoặc để tranh giành ngôi thứ của cường hào ở nông thôn thời trước. Tính từ của xôi thịt là tham lam, chỉ thích chè chén, hưởng thụ.

Cái tính xôi thịt này xem chừng ra nhiều người dễ mắc phải vì lẽ tâm lý là con người thì dễ tham lam, chè chén cũng như thích hưởng thụ.

Vì là con người, khi đến với Thiên Chúa, nhiều người cũng không tránh khỏi cái chuyện “xôi thịt”. Có lẽ vì đối với nhau người ta đã quen “xôi thịt” rồi nên đến với Chúa họ cũng thích “xôi thịt” như thế.

Bằng chứng con người “xôi thịt” hôm nay được Chúa nói rất rõ : “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.

Ngang qua manna, ngang qua phép lạ hóa bánh ra nhiều Chúa muốn bày tỏ tình thương của Chúa cho con người cũng như Chúa muốn mời gọi con người nhìn xa, nhìn sâu và nhìn rộng hơn về Bánh Trường Sinh. Và Chúa Giêsu cũng không giấu diếm gì khi nói về Ngài. Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là Bánh từ Trời xuống, là Bánh Trường Sinh và ai ăn sẽ không phải chết đời đời. Thế nhưng mà mấy người nghe và tin vào lời đó.

Xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Người ta có khi đến với Chúa chỉ vì “xôi thịt”. Đến với Chúa như kiểu Chúa nói là tìm của ăn hay hư nát mà thôi.

Nói ra có vẻ đụng chạm. Người ta đến với các Trung Tâm Hành Hương, đến với chỗ mà gọi là Chúa hay Mẹ làm dấu lạ để làm gì ? Để xin ơn ! Bỏ vào thùng một ít tiền và ghi là xin “ơn như ý”. Cái mà gọi là “ơn như ý” đó là như ý gì ? Xin đủ thứ cho cái thân xác mập tròn béo tốt hay hư nát chứ ít có ai xin cho cái phần hồn, phần tâm linh cũng như đức tin của mình. Dường như chỉ xin cho cái xác chứ không xin cái hồn. Lo cho phần xác chứ quên đi và có khi bỏ đói phần hồn và phần hồn bị suy dinh dưỡng. Chính vì không quan tâm đến phần hồn nên thể xác cứ ngày một to lên mà phần hồn ngày một teo đi cho đến khi còm cõi và không còn sức sống nữa.

Người ta đến chỉ xin cho cái thân xác ! Mấy ai đến với Chúa và Mẹ xin cho con kỳ này đạo đức hơn, siêng năng đọc kinh lần hạt và tham dự Thánh lễ hơn. Xin Chúa và Mẹ cho con biến đổi con người tham lam, ích kỷ, thực dụng của con để con sống tử tế với Chúa và với anh chị em chúng con hơn không ?

Nhìn lại cuộc đời, con người dễ bị “xôi thịt” lắm ! Từ “xôi thịt” với anh chị em rồi “xôi thịt” cả đến với Chúa nữa.

Trong tương quan anh chị em trong gia đình, bạn bè ... chúng ta nghĩ coi. Chúng ta có sống chân tình và chân thành với những người mà chúng ta gặp gỡ, những người mà trong lòng tin Chúa gửi đến chúng ta hay không hay chúng ta đến với họ cũng chỉ là tương quan “xôi thịt”. Khi còn giá trị lợi dụng thì bu đen để hưởng lợi, còn khi hết giá trị lợi dụng rồi thì người ta dễ dàng nói từ say goodbye.

Nếu là người ít học hay không nhiều suy tư thì cũng không nói. Có những người học cao hiểu rộng và có khi là hàng vị vọng nhưng cũng bộc lộ tính “xôi thịt” đó trong cuộc đời.

Tôi có người bạn xem chừng ra được nhiều người quý mến vì thân thế sự nghiệp. Thế nhưng qua cung cách sống của người bạn ấy, tôi lấy làm bài học cho chính mình.

Chuyện là 3 đứa học chung từ thuở nhỏ. 1 trong 3 đứa đó chết trước. Thế là đứa bạn kia không hề thấy mặt dẫu rằng nó vẫn nhởn nhơ đi du lịch nước ngoài, đi đến nhà người này người kia để ăn tiệc. Có khi ra cả nhà hàng ăn và bạn của bạn đưa lên mạng.

Nếu là bạn mà chết không đến đám đã là điều đáng tiếc rồi. Rồi đến khi thầy hay có thể gọi là cha tinh thần của người đó chết cũng không hề thất mặt người đó. Là thầy, la cha tinh thần nhưng đến khi hết giá trị lợi dụng thì đến chết người ta cũng không mò đến dù vẫn được dạy là “nghĩa tử nghĩa tận”.

Đời là vậy đó ! Dù ở vị thế nào đi chăng nữa nhưng người ta cũng không tránh được chuyện sống “xôi thịt”. Hay như Cha già cố. Ngài làm biết bao nhiêu việc nhưng đến khi về già rồi thì coi như xong. Mù lòa và không còn làm gì được nữa thì kẻ thân cận ngày xưa cũng xa dần. Như ông bà ta nói thôi : “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết bạc hết thầy tôi”.

Người ta “xôi thịt” với nhau thì đã đành nhưng người ta “xôi thịt” với Chúa mới đau. Người ta biến Chúa thành ông thần tài, biến Đức Mẹ thành phật bà quan âm để khi nào cần thì họ đến còn khi họ đủ thì họ không bao giờ đến hay khi đến với Chúa và Mẹ xin chưa có thì họ quay đi tìm thần khác để xin.

Bánh Trường Sinh mới là bánh đích thực nuôi dưỡng đời người Kitô hữu và bánh đó mới là bánh mà người Kitô hữu cần tìm. Thế nhưng người ta xao nhãng chuyện đi tìm Bánh Trường Sinh.

Mỗi ngày, Bánh Trường Sinh vẫn được dọn ra trong các Thánh Lễ, trong các Nhà Thờ. Thế nhưng rồi số người chạy đến với Bánh Trường Sinh ấy dường như ngày một ít. Mỗi tuần, chỉ dành 1 giờ cho Thánh Lễ, cho bàn tiệc Thánh nhưng thử hỏi mấy ai sốt sắng để đến tìm Bánh Trường Sinh. Có người đến như là trả nợ quỷ thần và thanh toán để khỏi bị phạm luật. Người ta đánh mất đi ý nghĩa cao siêu của Bí Tích Thánh Thể, người ta không còn đoái hoài gì đến với Bánh Trường Sinh nữa.

Con người là vậy, suốt ngày chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong cái nghĩ và cái nhìn của mình là sống thực dụng với nhau và cả với Chúa nữa.

Đến với Chúa phải thật lòng cũng như sống với anh chị em cũng phải thật lòng. Nếu như ta mang trong mình tâm trạng “xôi thịt” thì chắc chắn anh chị em cũng sẽ “xôi thịt” lại với chúng ta và chúng ta cũng đánh mất lương thực Trường Tồn từ Chúa.

Lm. Anmai, CSsR

Read 155 times Last modified on Thứ hai, 05 Tháng 8 2024 08:48