Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 14 Tháng 8 2013 20:23

Có phải người già sợ chết nên siêng đi lễ, đọc kinh?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Có phải người già sợ chết nên siêng đi lễ, đọc kinh?


Đó là câu hỏi khá thú vị, nếu không nói ra, ai cũng cho là đúng. Xin ghi lại một cuộc trao đổi ngắn với một vị được gọi là già.
Trước hết, xin nói cho rõ, bao nhiêu tuổi thì được gọi là già?

Một chị quê ở miền bắc đến xin hội đoàn chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn ông cụ (Bố) mới qua đời. Xin hỏi: Ông cụ tên thánh là gì? Năm nay cụ được bao nhiêu tuổi? Thưa: Ông tên thánh là Giuse, năm nay cụ được 52 tuổi.

Trong mỗi xứ đạo đều có các giới sinh hoạt như: giới trẻ, giới hiền mẫu, giới gia trưởng, giới phụ lão… Các giới này được phân chia theo độ tuổi. Giáo xứ chúng tôi trước kia giới phụ lão quy định là 55 tuổi trở lên, nay nâng lên 60. Như vậy có nghĩa là 60 tuổi được coi là già.

Chúng tôi quan sát các thánh lễ ngày thường lúc 4 giờ 30 sáng, quả là có nhiều người già đi lễ, nhưng cũng chỉ khoảng phân nửa số người già trong xứ. Hỏi thăm một ông tuổi đã ngoài 60.

- Chào ông. Sáng nào ông cũng đi lễ?

- Vâng. Sáng nào tôi cũng đi.

- Theo ông, đi lễ mỗi ngày có phải là một thói quen?

- Cũng có thể, riêng tôi, tôi không cho là thói quen. Qua một ngày đêm Chúa cho an lành, con cháu vui khoẻ, không lẽ nào tôi làm ngơ, hơn nữa, vinh danh Chúa, tạ ơn Chúa là bổn phận của tôi, thể hiện niềm tin của mình cho con cháu và mọi người chung quanh. Ngày nào vì mệt mỏi hay ngủ quên không đi lễ, ngày đó tôi cảm thấy bổn phận của mình thiếu sót.

- Ông có cho rằng, người già đi lễ, đọc kinh cầu nguyện nhiều là vì họ sợ chết không?

- Người già như tôi thì có nhiều, nhưng đâu phải ai cũng đi lễ thường xuyên. Có ông nói rằng, mình không làm điều gì sai trái, không gian tham trộm cắp, ở nhà đọc kinh cũng đủ. Theo tôi, như vậy là chưa đủ, trải qua 60 năm cuộc đời đâu phải dễ, nhiều người đã không bước tới được ngưỡng cửa này. Sự ra đi đột ngột của anh bạn tôi 10 năm trước đã làm tôi thức tỉnh. Sự chết đâu phải chỉ đến với người già. Sự chết không phải là nỗi sợ hãi với người có niềm tin, nhưng sự chết là nỗi sợ hãi của những ai chưa sẵn sàng. Giá trị cuộc đời không đo bằng thời gian, nhưng đo bằng nhân đức yêu thương. Quan trọng hơn cả, mỗi ngày tôi được sống kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể là tôi đã sẵn sàng.

Như anh thấy, hôm nay thứ hai đầu tuần, ngày khá bận rộn, nhưng thấy cũng có nhiều người lao động đi lễ, họ hy sinh giấc ngủ, đến đây để nói lên niềm tin, sống kết hợp với Chúa và để sẵn sàng.

- Bà nhà có đi lễ sáng với ông?

- Có. Ngoài việc đến nhà thờ cầu nguyện, bà ấy còn có điều thú vị nữa là vừa đi vừa lần hạt vừa tập thể dục, sự kết hợp này đem lại sức khoẻ cả phần hồn phần xác.

- Cám ơn ông. Xin Chúa chúc lành cho ông bà.

Như vậy, kiểu lý luận “chỉ tin là đủ, đạo tại tâm; không cần đi thờ, đi lễ” là không ổn, không hợp với đạo Chúa. Không gắn kết với Chúa qua những lời kinh, những thánh lễ cũng như các việc lành, chúng ta sẽ như cành lìa khỏi thân cây. Lúc ấy người ta chỉ biết mang cành cây ấy đốt đi thôi!

Do đó, việc đi thờ, đi lễ rất cần thiết cho mọi người. Ước mong sao các bạn già, các bạn trẻ cũng như tất cả những ai xưng mình là Kitô hữu luôn biết siêng năng cầu nguyện, chuyên cần đi lễ, nhờ vậy mà được sống dồi dào và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt cho đời.

Tôma Đỗ Lộc Sơn

Read 1780 times Last modified on Thứ sáu, 16 Tháng 8 2013 16:14