Thư gởi Chúa từ bịnh viện Ung Bướu
Chúa Giêsu giầu lòng thương xót ơi,
Hôm nay con viết thư cho Chúa, bỗng nhớ trong thánh kinh có đoạn nói về việc Chúa mới sinh ra đã phải chạy trốn sang Ai Cập và các anh hài bị giết, làm trái tim con quặn thắt: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rên rỉ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.” (Mt 2,18)
Mùa hè năm nay, nhóm thiện nguyện Tín Thác chúng con được một linh mục mà cuộc đời cũng khốn khổ như Chúa, hướng dẫn đến một nơi, mà nơi ấy tất cả các bà mẹ, kể cả các ông bố nữa, đã cạn nước mắt rồi. Họ không thể khóc như bà Rakhen được nữa. Hay nói đúng hơn là họ cố gắng nuốt những giọt nước mắt, để dành sức lực chăm sóc cho những đứa con mình, mà dù có đổ bao nhiêu tiền của công sức chạy chữa thì phía trước vẫn là một màn đen vô vọng...
Nơi ấy là Khoa Ung Thư Nhi của Bệnh Viện Ung Bướu Sài Gòn, Chúa đã đến đó chưa?
Theo con số thống kê mới nhất, ở Việt Nam mỗi ngày trung bình có 250 người qua đời vì ung thư, trong đó gần hai phần trăm là trẻ thơ, có nghĩa là gần một ngàn bốn trăm linh hồn bé thơ rời bỏ mặt đất này mỗi năm. Tội quá Chúa nhỉ!
Thôi, con mời Chúa đi với con. Khi chúng con tới nơi ấy thì quá đông, quá ngột ngạt! Cái đông đúc, chen chúc, bức bách và ngột ngạt tràn cả ra hành lang. Nhóm chúng con cố gắng len lỏi vất vả lắm mới đem quà vào trong các phòng bệnh được, thì nhận ra lúp xúp những bé thơ, với cái đầu tròn vo, trọc lóc. Giá như trong hoàn cảnh khác thì đó là sự ngộ nghĩnh. Nhưng nơi này đó là nỗi đau, là cùng tận nỗi đau Chúa ạ!
Con nhớ lại buổi sáng Chúa Nhật 18/1/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ giới trẻ Philippines tại Sân Thể Thao Đại Học Đường Thánh Tôma ở thủ đô Manila. Một em gái đã được cứu khỏi đời sống bụi đời, đã hỏi ĐTC một câu hỏi rất thực tế và đầy thương tâm, rồi nghẹn ngào đến trào nước mắt khóc: "Có rất nhiều trẻ em bị cha mẹ mình bỏ rơi, có rất nhiều em trở thành nạn nhân của ma túy, đĩ điếm, và nhiều điều kinh khủng xẩy ra cho chúng. Tại sao Thiên Chúa lại để cho những điều ấy xẩy ra cho những trẻ em vô tội? Và tại sao lại có rất ít người giúp chúng con?"
Và ĐTC đã trả lời: “Cái cốt lõi của câu em hỏi, hầu như không có câu trả lời. Chỉ khi nào cả chúng ta nữa có thể khóc về những gì em đã nói thì chúng ta mới có thể tới gần chỗ trả lời cho câu hỏi ấy. Tại sao trẻ em chịu khổ quá nhiều? Tại sao trẻ em lại chịu khổ? Khi tâm can có thể tự vấn và kêu lên thì bấy giờ chúng ta mới có thể hiểu được một điều gì đó.
Có lòng thương cảm trần thế cũng vô ích. Đó là một lòng thương cảm khiến chúng ta cho tay vào túi móc ra một cái gì đó cho người nghèo. Nếu Chúa Kitô đã có loại thương cảm này thì Người đã bước lại gần, chào hỏi họ rồi bỏ đi (về cùng Cha). Thế nhưng, chỉ ở vào lúc Chúa Kitô đã khóc và có thể khóc mà Người đã thông cảm cuộc sống của chúng ta, hiểu được những gì xẩy ra trong cuộc đời của chúng ta...
Câu hỏi quan trọng về lý do tại sao có quá nhiều trẻ em phải chịu đựng khổ đau, em đã khóc than đặt vấn đề. Và câu trả lời quan trọng chúng ta có thể đáp lại hôm nay đó là chúng ta làm sao để có thể biết, thực sự biết khóc thương, biết khóc than”.
Bước chân vào đây, chúng con cũng tự hỏi: “Tại sao trẻ em chịu khổ quá nhiều? Tại sao trẻ em lại chịu khổ?”
Không thể lý giải nổi lý do nào mà trẻ thơ mới chút xíu đã bị ung thư, và ung thư nhiều đến thế. Những chứng ung thư làm chúng con lạnh hết người: ung thư máu, ung thư võng mạc, và ung thư xương nữa...
Đời bệnh nhân ung thư khủng khiếp nhất là những cơn đau. Chúng con đã chứng kiến những cơn đau rúc rỉa thịt xương đó trong hành trình thiện nguyện, đau đau đến mức cuối cùng phải dùng đến moọc phin để làm tê liệt những giây thần kinh, để giảm đau trong chốc lát. Trong những giây phút thống khổ ấy, người thân chỉ biết ôm lấy bệnh nhân như muốn sẻ chia phần nào nỗi đau, và càng đau khổ hơn vì thấy mình bất lực, không thể làm gì hơn để giảm nỗi đau cho người bệnh. Thế mà những cơn đau ấy đổ xuống trẻ thơ. Hình dung thôi chúng con cũng thấy rùng mình sợ hãi!
Lúc đó chỉ còn biết khóc thương, khóc than và giơ tay lên khẩn nài: “Xin dâng lên lòng thương xót Chúa, những vết thương… xin Chúa thương tha thứ chữa lành, nhận chìm con vào lòng Chúa xót thương”
Không dừng lại ở chỗ khóc thương sụt sùi, chúng con đã cố gắng trong khả năng có thể, mang tới cho 200 bé nơi đây chút quà, sữa tươi và một phong bao lì xì.
Chúa biết không, khi chọn quà cho các em, một bác sĩ đã tư vấn nên tặng các em sữa tươi cho nhẹ nhàng, bởi thể trạng của các em, nhiều trẻ loại sữa quá giàu đạm và chất bổ sẽ khiến các em không tiếp nhận và dội ngược ra, thì sẽ rất mệt. Trao bao lỳ xì cho các em vui, với cảm giác được thêm tuổi mới trong đời, nhưng thiết thực là để bữa trưa này, cha hoặc mẹ các bé có chút tiền mua hộp cơm có thêm miếng thịt, ăn cho có sức khỏe để chăm sóc người không còn sức khỏe.
Nhà nào có người bị bệnh ung thư là kiệt quệ, là sạch cửa nhà, bán mọi thứ trong nhà để chạy thầy chạy thuốc cho bệnh nhân. Tại nơi này có những người mẹ ròng rã bao năm tháng chỉ ăn cơm từ thiện thôi, Chúa ạ. Ăn uống thiếu thốn, suy dinh dưỡng, mẹ đi chăm con mòn mỏi yếu ớt xanh xao như tàu lá chuối, đứa con bị ung thư xương nằm thóp thoi trơ cái đầu trọc lóc, đến là khốn khổ.
Chắc Chúa còn nhớ, trong suốt mấy năm trời, nhóm thiện nguyện chúng con cũng trợ giúp 80 phần cơm mỗi ngày cho các bệnh nhân hoặc người nuôi bệnh. Bây giờ phải đi nhiều nơi để gieo rắc hạt giống lòng Chúa thương xót qua những chuyến công tác bác ái nơi vùng sâu vùng xa, cho nên chúng con chỉ tổ chức những chuyến thăm viếng như hôm nay được thôi, Chúa ạ!
Chúa gởi thêm nhiều người có lòng xót thương đến với chúng con để cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau của những con người nghèo khổ nhé! Con xin lỗi Chúa trước, nếu Chúa đưa đến những đại gia, những chức sắc, những người tiền bạc rủng rỉnh đi làm việc thiện mà muốn cho cả làng biết, muốn nêu tên trên bảng vàng, muốn khắc danh tính vào bằng tri ân, muốn được liệt vào danh sách các ân nhân… thì chúng con không nhận đâu đấy nhé! Dù họ có tiền rừng bạc biển, quyền cao chức trọng, thì cũng không có chỗ trong nhóm thiện nguyện nhỏ bé của chúng con đâu!
Nằm chèo kheo ở bậc nghỉ cầu thang là một người đàn ông gầy gò xương xẩu, ngủ khò khò bất chấp kẻ lại người qua, con cứ tưởng là Chúa đang nằm đó chứ! Bỗng anh giật mình ngồi phắt dậy, vồ cái túi lép kẹp dùng làm gối kê đầu, nhìn xung quanh ngơ ngác. Đợi người đàn ông định thần trở lại, chúng con đến lân la trò chuyện, mới biết anh tên Thành, quê mãi Vĩnh Long, có đứa con điều trị ở đây, cháu bị ung thư máu.
Lau giọt lệ, anh thở dài: “Mọi sự là vô vọng rồi, vì cơ thể cháu không tiếp nhận hóa chất truyền vô được nữa!” Đêm qua anh nhắn vợ lên thay phiên để anh về quê chuẩn bị sẵn sàng đón con về trong tình huống xấu nhất. Anh phải giấu vợ, sợ chị tuyệt vọng. Anh tới góc cầu thang ngủ vội lấy sức sau cả tháng thức trắng bên con, rồi sẽ bắt xe đi về dưới. Mấy sào ruộng anh đã bán hết để cứu con, mà công cốc hoàn công cốc. Anh bảo dù khó khăn đến đâu, cũng sẽ kiếm cái áo tử tế cho con khi đón nó về. Đau lắm, đau buốt trong tim mà giấu vợ, trìu mến ôm hôn con rồi ra đi. Chúa có thấy nỗi đau nào hơn thế không?
Kể cho Chúa nghe những đau đớn đó, lòng chúng con cũng trĩu buồn. Cảm ơn Chúa đã gởi những phần quà từ tấm lòng xót thương của những anh chị em từ khắp nơi, bớt ăn tiêu chi chút, dành dụm gởi về để chúng con lên đường trao tặng cho những mảnh đời rách nát, bệnh tật, nghèo túng…
Có chi tiết nhỏ này có lẽ sẽ làm Chúa vui hơn : ấy là chúng con đã hì hục ngồi trong góc cầu thang bơm những trái bong bóng to đẹp rực rỡ sắc mầu trao tặng các em. Những trái bóng đủ hình dạng sắc màu làm mắt đám trẻ sáng lên, quên đi cơn đau trong chốc lát. Nhìn thấy nhiều em cứ cà cái đầu trọc lóc vào trái bóng, ôm khư khư trái bóng như sợ nó bay mất, thương đến là thương. Thật xót xa khi hóa chất vào cơ thể các em chế ngự tế bào độc của chứng ung thư, thì cũng chính là tước đi hết mái đầu xanh của trẻ. Thương chúng quá!
Tuy nhiên, người mục tử ân cần dặn thiện nguyện viên chúng con khi đến nơi này hãy dằn lại nỗi đau lòng, ráng tươi lên, đem niềm vui nụ cười như một kỷ niệm đẹp cho các bé. Chúng con làm vậy được không Chúa?
Người mục tử linh hướng từng chia sẻ với chúng con: ra đi, đem niềm vui cho anh em nghèo khổ và trẻ thơ bệnh tật yếu đau, nhưng đồng thời cũng là để nhận thức ra cái cõi hạn hẹp nơi con người. Biết sự bất lực của mình mà gửi gắm sự cậy trông tín thác vào thiên Chúa. Ra đi cũng để thấy mình còn được Chúa thương rất nhiều. Còn thân hình đầy đủ, còn đi lại nói năng bình thường, còn sức khỏe… đó là món quà quý nhất Chúa trao ban mà con đâu biết trân trọng, đâu thấy mình hạnh phúc. Con cứ lao đầu tìm tiền tài danh vọng của cải chức tước địa vị… đến khi ngã quỵ vì ốm đau bệnh tật, lúc đó mới thấy tất cả là hư vô, là con số không, nếu không có sức khỏe.
Rời Khoa Nhi Bệnh Viện Ung Bướu, ám ảnh chúng con là nụ cười ngây thơ trên những gương mặt tròn trịa với cái đầu cũng tròn xoay, như những dấu chấm tròn vo giữa cuộc đời này. Những dấu chấm ngây thơ không hề biết rằng cuộc đời các em có thể chấm hết bất cứ lúc nào.... Hữu hạn mong manh quá đỗi. Bỗng thấy mắt cay xé, con nhớ lại lời ĐTC Phanxicô nói với giới trẻ: “Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã khóc. Ngài đã khóc thương người bạn Lazarô qua đời. Người đã khóc cho gia đình mất đứa con gái của họ. Người đã khóc khi thấy người mẹ góa đem người con trai của bà đi an táng.Và Người đã động lòng đến chảy nước mắt, đã cảm thương khi thấy đoàn lũ dân chúng không có chủ chiên. Nếu các bạn không biết khóc các bạn không thể trở thành Kitô hữu tốt lành.
Đây là một thách đố cho chúng ta hôm nay. Khi đặt câu hỏi, tại sao trẻ em lại chịu khổ đau, tại sao tai ương này hay hoạn nạn kia lại xảy ra trong đời sống, câu trả lời của chúng ta cần phải: một là thinh lặng; hai là một thứ ngôn từ xuất phát từ các giọt lệ của chúng ta. Hãy can đảm. Đừng sợ khóc than!”
Vâng, Chúa Giêsu ơi! Con đang khóc đây!
Chúa cùng khóc với con nhé!
Thiện Nguyện Tín Thác
Bình Thạnh
2015
Tác giả: Lm Trần Đình Long
Published inTâm tình người con Giáo Xứ