Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 16:30

Linh mục với trách nhiệm giáo dục gia đình Ky-tô giáo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Linh mục với trách nhiệm giáo dục gia đình Ky-tô giáo

 

 

Tôi có việc phải đi Sài-gòn. Từ quê bắt xe lên tỉnh, vào mua vé. Chợt một người đàn ông mặc chiếc áo ca rô màu xanh, dáng mặt khắc khổ buồn rầu đến bên cạnh trình bày: ‘Thưa anh, em ở tận Daknông lỡ đường không có tiền về xe, xin anh thương giúp đỡ cho em ít tiền mua vé’. Tôi động lòng hỏi thăm và đưa cho anh ta một ít tiền, trong bụng thầm nhủ: ‘con cái mình đi học xa cũng có lúc phải lỡ đường’. Tôi vui vẻ vì đã làm một việc có ý nghĩa.

Hai tuần sau, tôi lại có việc phải đi xa. Vào mua vé tại bến xe Banmêthuột, tôi lại gặp cảnh cũ. Cũng con người ấy, vẫn mặc chiếc áo carô màu xanh, cũng những lời nói thật cảm động. Tôi buột miệng hỏi: Ồ! Anh chưa về Daknông à? Con người ấy giật mình, lỉnh mất. Tôi chợt nghĩ: ‘sao lại có những người lừa dối thế nhỉ’?

Nhiều năm sau, khi tôi không còn ở Banmêthuột mà chuyển về làm việc tại Thành phố. Trong những lúc nhàn rỗi, anh em kéo nhau ra quán cà-phê. Tại đây tôi gặp lại con người cũ. Vẫn dáng dấp ấy, con người ấy, nhưng bây giờ làm nghề bán vé số. Tôi vui vẻ hỏi chuyện, mua vé số, nhưng anh ta không nhận ra tôi...

Trong cuộc đời, chắc chắn ai trong chúng ta cũng gặp những cảnh ngộ éo le và nhất là gặp lại những con người tưởng rằng sẽ tránh mặt được suốt đời. Mặt đất rộng bao la, nhưng quả đất lại tròn, làm sao có thể tránh được? Người Công giáo tin rằng Chúa ở khắp mọi nơi và mỗi người phải trả lời về những việc làm của mình trước mặt Thiên Chúa, cho nên họ làm chủ được việc làm của mình... Từ căn bản của niềm tin, từ nền giáo dục nhân bản Kytô giáo đã giúp cho các nước phương tây biết nhìn nhận vấn đề một cách trung thực, biết chia sẻ với mọi người trên tinh thần bác ái, yêu thương. Sau Đệ nhị thế chiến, nước Đức trở thành một đất nước có những tổ chức nhân đạo và y tế để viện trợ và cứu giúp những nước nghèo trên thế giới. Việc làm này xuất phát từ lòng hối hận ăn năn vì chính nước họ đã gây ra những thảm họa cho nhân loại. Tại sao họ làm được những việc này? Chắc chắn phải xuất phát từ một cách nghĩ trung thực, không ngụy biện và dám nhìn thẳng vào sự thật. Điều căn bản là họ được giáo dục trong tinh thần bác ái – yêu thương.

Nhìn lại chúng ta, không phải tất cả mọi người khỏe mạnh trên đất nước này đều có thể kiếm được một việc làm ổn định đâu? Từ một xã hội nông nghiệp chuyển dịch sang công nghiệp và thị trường, các sản phẩm nông nghiệp trở thành rẻ mạt làm cho đời sống nông dân trở thành lao đao khốn khó, nhiều người bỏ đồng ruộng lên thành phố hy vọng kiếm được một việc làm ổn định. Đô thị hóa phát triển, các khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động trẻ nhưng lại không được đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, dẫn đưa tới thực trạng: ‘việc thì chờ người, mà người thì thất nghiệp’. Bên cạnh đó tình trạng người Việt Nam đi lao động nước ngoài bị trả về vì vi phạm pháp luật đang làm cho chúng ta phải nhiều trăn trở. Niềm tự hào dân tộc quả thật bị xúc phạm khi mà những người Việt đi ra nước ngoài bị đối xử như những công dân hạng hai của thế giới. Những câu chuyện dân gian nói lên những mưu mẹo vặt vãnh, những lừa dối ma lanh đem đến cho chúng ta những nụ cười khoái trá. Những thái độ khúm núm, nịnh bợ, quan quyền phản ánh hai mặt trong mỗi bản chất con người trong những vở chèo, phải chăng những điều  này vô tình đã làm nên tính cách của số đông chúng ta? Than ôi! Xã hội chỉ đề cập tới thực trạng mà chưa có giải pháp. Nhớ lại những bài học công dân giáo dục, những câu chuyện trong Quốc văn giáo khoa thư của thập niên 60 nghĩ mà xót xa.

70 năm về trước khi Nhất Linh, chủ soái Tự Lực Văn Đoàn lên tiếng “Đoạn Tuyệt” giữa cái cũ và mới, đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của các nhà Nho học. Giả như ngày ấy mọi người nhận ra được những tồn tại cố hữu ràng buộc con người trong nền luân lý Khổng Mạnh, thì xã hội bây giờ đâu đến nỗi. Xa hơn, ngược dòng lịch sử giả như Triều đình Tự Đức lắng nghe những Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, thì ngày nay đất nước ta đâu còn cảnh lầm than...

Những tiếc nuối này giờ đây không còn ý nghĩa, để rút ra được những bài học thì cái giá đã phải trả. Tuy nhiên ta phải rút ra được một bài học về giáo dục. Đức Gioan-Phaolô II đã nói “ Gia đình Kytô giáo là con đường của Giáo hội”. Điều này vẫn  giữ nguyên giá trị nhân bản và trở thành nền tảng của xã hội. Trong gia đình, vai trò của những bậc làm cha, làm mẹ thật quan trọng. Ngoài việc nuôi nấng con cái lớn khôn còn phải giáo dục chúng nên người. Từ hình ảnh khuôn mẫu của Thánh gia, qua những trải nghiệm của đời sống, ta nhận ra căn bản của đời sống gia đình đó chính là tình yêu, là hy sinh và chia sẻ. Gia đình Ky-tô giáo luôn đòi hỏi cha mẹ trở thành gương sáng cho con cái và giáo dục con cái trong niềm tin để con cái được thừa hưởng những di sản tinh thần tốt đẹp là giá trị nhân bản, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh thần đạo hạnh, bác ái-yêu thương...

Phương thế giáo dục của mỗi xã hội đều có những ưu điểm khác nhau. Truyền thống giáo dục Á đông đã tạo nền nếp cho xã hội Phương Đông cả hàng ngàn năm nay và điều này vẫn còn giá trị. Tuy nhiên cuộc sống hôm nay đã có nhiều thay đổi nếu như chúng ta không nhận ra để đổi thay thì cách giáo dục cũ chỉ là giáo điều, khuôn mẫu và nhiều lúc trở thành ràng buộc con người trong những quan niệm bảo thủ. Còn Phương Tây, người ta giáo dục con em trong tinh thần độc lập, biết tôn trọng từng cá thể, để con người tự nhận ra những khiếm khuyết và đánh giá được bản thân được, để tự mình lướt thắng và vượt qua những những  trở ngại và sẽ khẳng định được mình. Tất cả những điều này luôn gắn liền với một niềm tin không cần tranh cãi…và cứ thế mãi, con người trưởng thành về thể lý cũng như tâm lý. Một dân tộc hùng mạnh cũng phát xuất từ nơi đây.

Chúng ta không thể đòi hỏi xã hội thay đổi trong ngày một, ngày hai, nhưng cần phải có sự cộng tác đắc lực về phía Giáo hội.Trong phạm vi của một giáo xứ, tinh thần đạo đức của Linh mục sẽ ảnh hưởng tới mọi người giáo dân. Vị Linh mục có óc xã hội, sẽ làm cho giáo xứ được phát triển. Chú trọng về giáo dục và học vấn sẽ nâng cao được giá trị làm người và giúp cho đời sống xã hội được tiến bộ. Trong sinh hoạt giáo xứ tại nông thôn và kể cả tại thành thị, tiếng nói của Linh mục vẫn mang một giá trị cố hữu. Có những Linh mục không bao giờ để người giáo dân có thái độ khúm núm trước mình mà luôn tạo cho họ một vị thế nâng cao phẩm giá. Tiếng nói của Linh mục có sức tác động, giáo hóa và thay đổi những quan niệm bảo thủ của người giáo dân, làm cho giá trị đời sống của họ được nâng cao, tuy nhiên chúng ta cũng đừng lấn qua những địa hạt về xã hội mà phải có sự kết hợp hài hòa để cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Vì thế, vô hình chung Linh mục ngoài những trách nhiệm về mục vụ còn phải gắn liền với trách nhiệm giáo dục con người trong đời sống xã hội để mỗi gia đình trong giáo xứ phải được xây dựng trên nền tảng giá trị của bác ái, yêu thương đích thực. Nhiều người ngoài đôi khi cũng có những phàn nàn về thái độ của người Công giáo chẳng hạn như là quá tự hào mà coi thường người khác. Nhiều giáo dân đôi khi cũng phàn nàn về các Linh mục là quan liêu, là cửa quyền. Làm thế nào để những ngăn cách này được xóa bỏ? Trong Tin mừng ta không nhìn thấy một thái độ nào như thế cả. Cũng có thể sự kính trọng thái quá của giáo dân, làm cho một số Linh mục trở thành ảo tưởng, xa rời thực tế. Trong một bài viết giới hạn không thể phân tích hết các khía cạnh này, nhưng một phương diện nào đó, mặc nhiên mọi người đều nhìn nhận vai trò ngôn sứ của Linh mục là chính đáng bởi vì bản thân Linh mục là hiện thân của Chúa Kytô.

Nguyện xin Chúa ban cho những mục tử lòng can đảm, để họ dám nhìn vào sự thật, nói sự thật và sống trong sự thật, để dẫn dắt từng gia đình trong giáo xứ như Người Mục Tử Nhân Lành, và để cuộc đời Kytô hữu của mỗi chúng con không bao giờ phải nuối tiếc.

 

 Hoàng Công Nga

 

 

Read 1422 times Last modified on Thứ năm, 24 Tháng 9 2015 15:23