Nhiều người bị ám ảnh bởi khuôn mặt hãm tài của gã sát thủ Nguyễn Văn Tiến. Nhìn kẻ thủ ác, một số đông dư luận phẫn nộ kêu án tử hình luôn không cần phải xét xử.
Tương phản với vẻ bặm trợn lục súc của gã tài xế taxi Mai Linh là hình ảnh hiền hậu như thiên thần và trong sáng tinh khôi của người con gái từng có thời gian 5 năm học tập nội trú trong môi trường tu trì của dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế.
Cô Trịnh Thị Hà Bắc - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non (nơi Oanh theo học) nghẹn ngào kể về em với nỗi niềm tiếc nuối: “Bạn ấy theo đạo nên khi đi học bạn ấy rất là giản dị, ăn mặc không bao giờ lòe loẹt hay để thể hiện là người có tiền rồi bị giết cướp tài sản như vậy”. “Tôi rất quý Oanh. Oanh rất lễ phép, ngoan ngoãn và hiền, Oanh cũng nhiệt tình lắm”. “Con bé sống rất chỉn chu, tất cả thầy cô trong trường ai biết cũng thương”. “Nó đi đâu cũng được mọi người quí” (Theo báo Đất Việt).
Trong những tin nhắn cuối cùng, người ta nhận ra một cô gái có đức tin và niềm cậy trông son sắt. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, Oanh đã nhờ người học trò "đọc cho một kinh Lạy Cha xin ơn bằng an" chứng tỏ em luôn nhớ đến Chúa nơi mỗi trạng huống đời sống.
Cùng với vẻ đẹp của người thiếu nữ Công giáo đó, nhiều người cũng nhận ra hình ảnh đặc biệt của nữ tu Phạm Thị Ngân, người chị gái của em. Trong phóng sự viết về cuộc tiễn biệt người em gái xấu số này, khá khen cho phóng viên báo Thanh Niên đã tinh tế nhận ra sự khác biệt nơi người có đạo trong một bài viết xúc động và nhiều tình cảm.
Giữa nỗi đau xé nát tâm can, người nữ tu “mắt lệ nhòa, tay không rời chuỗi hạt để cầu nguyện. “Sơ là chị kế của Oanh, người bấy lâu tu học ở Huế và cũng là chỗ dựa tinh thần cho cô “sơn nữ” hiền hậu. Có lẽ suốt quãng đường đi, chị đã nguyện cầu cho người em vắn số của mình, nhưng cũng không quên cầu mong cái xấu, cái ác luôn bị đẩy lùi để nhân thế bớt những nỗi đau thương…” (Theo báo Thanh Niên).
Với người Công giáo, từ thuở lọt lòng, ai cũng được dạy dỗ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Giữa lúc đau thương chồng chất, người tín hữu vẫn cầu nguyện cho kẻ dữ biết hồi tâm hoán cải. Phải chăng sự tha thứ là nét đẹp như viên ngọc quý giá ẩn dấu trong thửa ruộng năm xưa?
Chắc hẳn rằng, sơ Ngân vẫn hằng cầu nguyện cho kẻ thủ ác được ăn năn hoán cải như tấm gương của thánh nữ đồng trinh tử đạo Maria Goretti hay Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho kẻ ám sát mình là Ali Agca.
Nhân tiện đây cũng nhắc thêm tấm gương của thánh nữ Goretti (1890-1902). Người sinh ra tại Corinaldo, Ý. Năm lên 11 tuổi, gã hàng xóm dê xồm Alessandro Serenelli đã nhiều lần tìm cách quyến rũ Maria phạm tội nhưng bị cự tuyệt thẳng thừng nên anh ta đã đâm 14 nhát dao vào ngực Goretty. Vào ngày hôm sau, sau khi bày tỏ sự tha thứ đối với kẻ giết mình, Maria Goretti chết vì thương tích và được tôn phong lên hàng chư thánh vào ngày 24.6.1950.
Em Maria của chúng ta bị sát hại vào đêm 3.7, nghĩa là trước sự kiện Giáo Hội hoàn vũ kỷ niệm cái chết của nữ thánh bé nhỏ của chúng ta ba ngày (6.7.1902 – 6.7.2016). Là phỏng đoán nhưng biết đâu trong xã hội tăm tối này, có thể vì chống cự để giữ đức khiết trinh mà bông huệ nhỏ bé Maria Phạm Thị Oanh của chúng ta đã bị sát thủ sát hại dã man như nghi vấn của nhiều người đặt ra?
Trong bất cứ xáo động đớn đau nào, chúng ta vẫn tin tưởng rằng kẻ thủ ác “có thể giết thân xác nhưng không giết được linh hồn” (x. Mt 10,28). Chúng ta có quyền hy vọng nữa bởi vì đóa huệ trắng đó bị sát hại sau khi tham dự Thánh lễ về, nghĩa là vừa được hiệp thông vào mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô đang trần trụi giang tay trên khổ giá.
Dẫu biết rằng đám tang của người trẻ thực sự buồn thương nhưng phía sau nỗi đau đó thấp thoáng bóng dáng một triều thiên vinh hiển. Âu đó cũng là sự khác biệt làm nên vẻ đẹp của Giáo hội ngàn năm trường tồn bất diệt:
“Tôi sung sướng được làm người Công giáo
Tiếng chuông lành đã ru ẵm hồn tôi ...
... Khi thù ghét bốc lên cao ngùn ngụt
Chung quanh tôi ý đẹp yêu thương
Tỏa mùi thơm như vạn đóa hoa hường
Và mát mẻ như trời sương mùa hạ ...
... Lòng mến Chúa làm tan đi tất cả
Những đau thương, tê tái, những bất công,
Những cuồng say mê đắm, những bão dông
Đang gầm thét trên biển trần điên đảo ...
... Tôi sung sướng được làm người Công giáo
Gặp tử sinh tôi hiểu rõ vì đâu,
Nhìn trời xanh lồng lộng ở trên đầu
Tôi biết có một bàn tay điều khiển ...
... Những khi lòng cực khổ, xót xa quằn quại
Nước mắt sầu tuôn xuống tựa mưa rơi.
Tôi vẫn nhìn thấy một nụ cười tươi
Một khóe mắt nâng đỡ tôi đứng dậy
Dắt tôi bước tới miền quê xa ấy
Là Thiên đường ai cũng ước cũng mong ...”
(Lược trích từ bài thơ “Hạnh phúc người Công giáo” - Lm. FX. Võ Thanh Tâm).
Xin một lần nữa vĩnh biệt đóa huệ trắng Maria.
Cầu mong em gái được nghỉ yên trong vòng tay nhân hiền của Cha yêu thương.
Hẹn gặp lại trên Quê Trời vĩnh cửu. Amen.
Trần Đức Hà