Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (01/7) tới CN XIV-TN Năm C (07/7)
Posted by Ban Biên Tập
Lm Giuse BCD,SJ
I.Tin Mừng Mt 8:18-22 (Thứ 2, XIII-TN)
(Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên)
"Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" (Mt 8:22).
Thấy xung quanh có đám đông, Ðức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia. (19) Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo". (20) Ðức Giêsu trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu". (21) Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã". (22) Ðức Giêsu bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ".
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay có nội dung khá giống với đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật XIII Thường Niên C (Lc 9:57-62). Sự khác biệt căn bản của hai đoạn TM này ở chỗ Lc 9:57-62 nhấn mạnh về ba thái độ và ba điều kiện cần phải có của người môn đệ Thầy Giê-su; còn Mt 8:18-22 chỉ chứa đựng hai thái độ và hai điều kiện. Tuy nhiên, dưới giọng văn của tác giả Mát-thêu, chúng ta có thể nhận ra lời mời gọi đi theo Thầy Giê-su là một lời mời gọi cấp bách.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhận thấy có hai sự khác biệt nữa giữa hai đoạn Phúc Âm nói trên và sự khác biệt này cũng khá thú vị.
Thứ nhất, trong TM Lc 9:57-62, tác giả không cho chúng ta biết cả ba người được mời gọi theo Chúa là ai, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, người Pha-ri-sêu hay kinh sư hay thượng tế. TM Mt 8:18-22 xác định cho chúng ta biết rõ hai người này là ai: một người là kinh sư, tức là một luật sĩ (nhà thông luật); người kia là một môn đệ, cũng giống như chúng ta là những Ki-tô hữu vậy.
Một kinh sư bỗng nhiên chạy đến với Đức Giê-su để xin theo Người là một chuyện lạ và hiếm, vì trong bốn sách Tin Mừng, kinh sư thường là những người chống đối Đức Giê-su. Hơn nữa, vì ông là một kinh sư, nghĩa là đã biết luật Do Thái ra sao, nên Đức Giê-su đưa ra một điều kiện căn bản để ông chọn lựa, đó là sự nghèo khó - tinh thần nghèo khó - chọn sự nghèo khó là điều kiện và dấu chỉ của người môn đệ Thầy Giê-su. Không biết vị kinh sư này quyết định thế nào, có theo Chúa hay không, nhưng thái độ cởi mở và sự quyết tâm theo Chúa của ông cũng là một gương sáng cho chúng ta.
Còn người môn đệ kia thì lại chủ động đưa ra một điều kiện với Thầy Giê-su bằng một thái độ thiếu trưởng thành, cả về mặt tâm cảm lẫn sinh lý và tư duy. Việc từ biệt gia đình diễn tả một trạng thái tâm lý ấu trĩ, không dám sống tự lập và chẳng dám đối diện với sự bất ổn diễn ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, Đức Giê-su khá điềm tĩnh đáp trả lời thỉnh cầu của anh: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" (Mt 8:22). Đức Giê-su không muốn người môn đệ của Người chần chừ, do dự trong quyết định đi theo Người để cộng tác với Người lao nhọc trong cánh đồng đang vào mùa gặt, rất cần những người thợ chuyên tâm và chuyên nghiệp.
Bạn thân mến, bạn là người môn đệ của Chúa, có khi nào bạn đòi hỏi Chúa điều này điều kia để thực hiện các công việc của Ngài không? Bạn có nhận thấy việc đi theo Chúa để loan báo Tin Mừng Tình Thương là một việc làm cấp bách, không thể chần chừ không? Bạn có quyết tâm theo Chúa giống vị kinh sư trong đoạn Lời Chúa hôm nay không? Bạn cần làm gì để đáp trả lời mời gọi của Chúa cách vô điều kiện?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
II.Tin Mừng Mt 8:23-27 (Thứ 3, XIII-TN)
(Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên)
"Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? " (Mt 8:27).
Khi ấy, Ðức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, (24) và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. (25) Các ông lại gần đánh thức Người và nói: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" (26) Ðức Giêsu nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!" Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. (27) Các ông ngạc nhiên và nói: "Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"
Bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Đức Giê-su dẹp yên biển động. Qua biến cố này, Chúa gửi thông điệp gì cho chúng ta?
Chúng ta hãy chiêm ngắm bức tranh biển động mạnh, nơi ấy có con thuyền của thầy trò Đức Giê-su. Đối diện với sóng lớn biển động, các môn đệ sợ hãi, còn Thầy Giê-su thì bình thản, bình thản đến nỗi ngủ say.
Tại sao các môn đệ lại sợ hãi như thế? Đối diện với biển động sóng dữ, có ai trong chúng ta không sợ hãi! Bạn có kinh nghiệm đối diện với gió bão trên đại dương chưa? Nếu chưa có kinh nghiệm này, bạn hãy nhớ lại một vài hình ảnh bão biển khi xem phim. Người ta xử lý hoàn cảnh khó khăn này ra sao? Tâm trạng họ thế nào? Nếu bạn đã kinh nghiệm về điều này, bạn có sợ hãi không? Tôi tin rằng mỗi người chúng ta đều khiếp sợ.
Tôi đã từng sống ở một hòn đảo. Mỗi khi ngoài khơi có bão và ảnh hưởng tới đất liền, tôi có cảm giác ngày tận thế đã gần kề. Mỗi khi cơn cuồng phong ập tới, những tiếng rít tiếng rú kéo dài, khiến da thịt tôi "nổi gai ốc", rùng mình khiếp sợ. Sau cơn bão lớn, bạn có thể nhìn thấy cảnh hoang tàn và sự mất trật tự trên mảnh đất bạn đang sống.
Vì thế, nỗi sợ hãi của các môn đệ Thầy Giê-su đáng được chúng ta cảm thông. Phản ứng của các môn đệ là cầu cứu Thầy của họ: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất! " Phản ứng của Thầy Giê-su là trách yêu các học trò vì sự kém lòng tin của họ, sau đó Người ngăm đe gió và biển để mọi sự trở lại trật tự của nó.
Sóng to gió lớn trên đại dương cũng giống như sóng to gió lớn trong cuộc đời con người. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi người chúng ta đều phải đối diện với ít nhiều sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, điều quan trọng là thái độ và cách xử trí của chúng ta với những cơn sóng gió này ra sao? Chúng ta chạy đến với Thầy Giê-su như các môn đệ đã thiết tha kêu cứu Người khi gặp biển động? Đâu là chỗ dựa vững chắc và an toàn của chúng ta khi gặp phải những cơn biển động trong đời? Lòng tin của chúng ta có giúp chúng ta được bình an khi gặp sóng gió? Đức Giê-su đóng vai trò gì trong việc xử lý cơn sóng lớn của chúng ta?
Bạn hãy dành thời gian chiêm ngắm những cơn sóng gió đã đi qua đời bạn và nhớ lại cách thức bạn xử lý cơn sóng gió này ra sao? Nếu sóng gió vẫn liên tục đến với bạn, bạn sẽ làm gì để vượt qua và tìm gặp sự an bình và trưởng thành trong đức tin của mình? Bạn hãy tâm sự với Chúa về những khó khăn, thách đố và sóng gió trong đời bạn; sau đó, bạn lắng nghe tiếng nói yêu thương của Người trong con tim thầm kín của bạn để chuẩn bị cho con thuyền của bạn được vững chắc hơn và bản lĩnh của bạn được mạnh mẽ hơn.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
III.Tin Mừng Ga 20:24-29 (Lễ Thánh Tôma Tông đồ, 3/7)
(Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên)
Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tôma đáp: "Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin". (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an" (27) Rồi Người bảo Tôma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". (28) Ông Tôma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29)Ðức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
Bạn thân mến,
Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ kính thánh Tô-ma Tông Đồ. Tin Mừng Gioan có ghi lại một vài hình ảnh của thánh nhân, chẳng hạn như khi người ta báo tin cho Thầy Giê-su biết về cái chết của anh La-da-rô và Thầy Giê-su mời gọi các môn đệ cùng Người tới nhà của anh thì Tô-ma mạnh mẽ lên tiếng: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy" (Ga 11:16); trong một đoạn khác, sau bữa ăn cuối cùng của thầy trò Đức Giê-su, khi Người nói về con đường Người sẽ phải đi, thánh Tô-ma nói với Thầy Giê-su rằng "thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" (Ga 14:5); và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, sau khi được tận mắt nhìn thấy Chúa Phục Sinh, ngài đã có lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ và tuyệt đẹp: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " (Ga 20:28).
Chiên ngắm hình ảnh Thánh Tô-ma Tông Đồ trong đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta có nhận ra hình ảnh của ngài tương phản lại hình ảnh của chúng ta trong đời sống đức tin không? Thánh Tô-ma không tin những gì người khác thuật lại khi họ tận mắt chứng kiến Chúa Phục Sinh. Ngài chỉ tin khi tận mắt nhìn thấy, đụng chạm và nếm ngửi hơi thở và làn da của Thầy Giê-su Đấng ngài đã từng đi theo suốt ba năm trời. Ngài muốn đạt tới một kinh nghiệm thiết thân về Đấng Phục Sinh. Và khi đạt được kinh nghiệm này, ngài đã có lời tuyên xưng vượt trên mọi lời tuyên xưng khác, đó là lời tuyên xưng của kinh nghiệm đức tin sâu xa và của ơn sủng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! ". Đối với tôi, đây là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất, cao đẹp nhất, bởi lẽ sau kinh nghiệm trực tiếp về Đấng Phục Sinh, Thánh Tô-ma đã nhận ra Đức Giê-su, Thầy của ngài, chính là Thiên Chúa, là Chúa của ngài, để rồi cả cuộc đời ngài làm chứng về kinh nghiệm thần linh này và sẵn sàng chịu tử đạo cho Đấng ngài đã thấy và đã tin.
Bạn thân mến, trong đời sống đức tin của chúng ta cũng vậy, nếu trong cầu nguyện chúng ta khát khao được gặp Chúa, được kinh nghiệm Người cách thiết thân, chúng ta cũng sẽ đạt tới kinh nghiệm thần linh như Thánh Tô-ma Tông Đồ, một kinh nghiệm không thể xóa mờ, không thể phôi pha trong suốt cuộc đời chúng ta, đến nỗi chúng ta được biến đổi trở nên một thọ tạo mới và là chứng nhân anh dũng cho Đức Ki-tô Phục Sinh. Bạn có ước ao đạt tới cảnh giới này bao giờ chưa?
Bạn hãy tâm sự với Chúa, xin Người ban cho bạn có lòng khát khao được ở lại với Chúa, được kinh nghiệm về Người và có được những kinh nghiệm của Chúa trong đời bạn để bạn trở nên mạnh mẽ hơn, trung tín hơn trong ơn gọi làm con cái Chúa, bạn nhé!
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
IV.Tin Mừng Mt 9:1-8 (Thứ 5, XIII-TN)
(Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên)
"Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" (Mt 9:2).
Khi ấy, Ðức Giêsu xuống thuyền, băng qua bờ, trở về thành của mình. (2) Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Ðức Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" (3) Và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng". (4) Nhưng Ðức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? (5) Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Ðứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? (6) vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Ðức Giêsu bảo người bại liệt: "Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi!". (7) Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. (8) Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành một người bại liệt. Có một chi tiết tôi muốn gợi ý cho các bạn suy niệm bài Tin Mừng này với hy vọng chúng ta sẽ càng ngày càng hiểu Chúa hơn và biết rõ về mình hơn.
Người bại liệt được nhiều người khiêng đến với Chúa Giê-su, thay vì Người chữa lành cho anh bằng một hành vi của một thầy thuốc thì Người lại bảo anh ta: "Này con, cứ an tâm, tội con đã được tha rồi!" Đây là một trong những phương thức chữa lành của Chúa Giê-su, chữa lành bằng uy lực của lời nói, khác với cách chữa lành "nhổ nước miếng trộn với bùn, trét lên vị trí cần chữa trị...". Đối với Chúa Giê-su, các bệnh tật của con người thường xuất phát từ tội lỗi. Nói cách khác, căn nguyên của bệnh tật là sự tội.
Từ đó, chúng ta có thể phản tỉnh lại nguyên do bệnh tật của chính chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể đang mắc bệnh tật này bệnh tật kia, bệnh thể xác và bệnh tinh thần cũng như bệnh tật trong tâm hồn. Chữa bệnh thể xác có khi dễ hơn chữa bệnh tâm hồn, bởi vì thầy thuốc có thể nhìn thấy được các cơ quan nội tạng ngoại tạng trên cơ thể con người để chữa trị; còn các bệnh tật tâm hồn thì thầy thuốc lại không nhìn thấy được. Rất có thể Chúa Giê-su nhìn thấy các loại bệnh tật của con người đến từ tội lỗi là vì thuở ban đầu con người được sinh ra luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, nhưng ngày qua ngày, con người bị ô uế bởi tội lỗi nên tự tàn phá bản thân và tha nhân, chẳng hạn như các loại thức ăn ngày này thường bị pha trộn hóa chất ăn vào có thể gây ung thư và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Vì tiền, vì tư lợi, người ta không nghĩ tới những ảnh hưởng xấu trên sức khỏe con người khi trồng trọt và chăn nuôi gian lận, thủ đoạn.
Như thế, tội lỗi gây ra bệnh tật. Tội lỗi ấy đến một tâm hồn thiếu vắng tình thương và trách nhiệm, lòng tôn trọng và sự ý thức bảo vệ sự sống của người khác. Chúa Giê-su đến với người tội lỗi, ốm đau, nghèo khổ... là để họ được giải thoát khỏi tội lỗi này, giúp họ trở nên lành mạnh và sống dồi dào hơn. Để có thể nhận ra bệnh tật trong tâm hồn, người ta cần có lòng tin vào Chúa và tình yêu dành cho Người.
Mỗi người chúng ta có thể làm được "phép lạ chữa lành bệnh tật" như Thầy Giê-su trong đoạn Lời Chúa hôm nay không? Các bạn hãy nghe lại lời ca khen của những người đã chứng kiến phép lạ chữa lành của Thầy Giê-su: "Dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế " (Mt 9:8). Khi Chúa Giê-su chữa lành người bại liệt, dân chúng xem Người như là một con người như bao người khác. Chúng ta là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và được gọi là con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể làm được điều Thầy Giê-su đã làm khi ý thức hơn về vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo vệ, giữ gìn và thăng hoa sự sống, sức khỏe của những người xung quanh. Nếu không trực tiếp chữa lành người khác, chúng ta có thể cộng tác với Chúa chữa lành họ tựa như những người đã khiêng anh bại liệt đến với Chúa Giê-su vậy.
Bạn thân mến, bạn có nhận ra bản thân bạn cũng cần được Chúa chữa lành khỏi những căn bệnh thể xác và tâm hồn không? Đâu là bệnh tật của bạn? Bạn có thể chữa lành người khác như Chúa đã chữa lành anh bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay không? Bạn có sẵn lòng đưa bệnh nhân đến với Chúa để Người chữa lành họ không?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
V.Tin Mừng Mt 9:9-13 (Thứ 6, XIII-TN)
(Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên)
"Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế " (Mt 9:13).
Khi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. (11) Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" (12) Nghe như thế, Ðức Giêsu nói: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. (13) Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".
Bạn thân mến,
Hôm nay chúng ta được nghe câu chuyện về ơn gọi của thánh Mát-thêu, hay còn gọi là Lê-vi, người bị xem là tội lỗi và ô uế. Trong câu chuyện này, chúng ta có thể chiêm ngắm lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho Mát-thêu, đại diện những người tội lỗi, để suy nghĩ về ơn gọi của mỗi người chúng ta và niềm hy vọng về sự hoán cải nơi những con người tội lỗi của Chúa Giê-su.
Có thể nói ơn gọi làm Tông đồ của Chúa nơi thánh Mát-thêu khá thuận lợi và tinh ròng. Ngài bị người Do Thái xa lánh, bị xem như những tội đồ của dân tộc. Ấy vậy mà, trước lời mời gọi "Hãy theo Thầy" của Đức Giê-su, ngài đã rũ bỏ mọi sự để đi theo một người mà ngài chưa có kinh nghiệm hoặc mối tương quan nào.
Lời Chúa có một sức mạnh vô hình và sức cuốn hút mạnh mẽ khiến tâm hồn người nghe không thể cưỡng lại được. Lời Chúa vượt qua những vách ngăn thành kiến và bức tường của văn hóa dị biệt để lôi kéo bất cứ con tim thiện chí nào lại gần Thiên Chúa từ nhân và lại gần với nhau hơn. Lời Chúa ủi an và tăng thêm sức mạnh cho những tâm hồn bị khinh rẻ, bị xa lánh, bị đẩy ra bên lề xã hội... để họ mạnh dạn đáp trả lời mời gọi yêu thương, chân thành của Chúa. Lời Chúa chữa lành những tâm hồn tan nát, khổ đau, bi quan, tự ti... để trở nên nhân ái, cởi mở và khiêm nhu hơn. Đây cũng là ý nghĩa câu nói "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế " (Mt 9:13) của Thầy Giê-su.
Bạn có cảm nhận Chúa đang mời gọi bạn trở thành Tông đồ của Người không? Đâu là rào cản khiến bạn không dám đáp trả lời mời gọi yêu thương của Chúa? Bạn cần làm gì để vượt qua rào cản ấy hoặc đạp đổ bức tường ngăn cách bạn đến với Chúa? Bạn đã có đủ sự chân thành để bước theo Chúa chưa?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VI.Tin Mừng Mt 9:14-17 (Thứ 7, XIII-TN)
(Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên)
"Rượu mới thì đổ vào bầu mới" (Mt 9:17).
Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Ðức Giêsu rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" (15) Ðức Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay. (16) Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. (17) Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế mới giữ được cả hai".
Bạn thân mến,
"Rượu mới thì đổ vào bầu mới" (Mt 9:17) là câu nói vẫn được nhiều người sử dụng trong cuộc sống, ngay cả họ là những người tự xưng mình là "vô thần". Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc đâu đó trên báo chí Việt Nam câu nói này, nghĩa là các nhà báo của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi Lời Chúa cách vô thức. Tuy nhiên, trích dẫn Lời Chúa nhưng chưa chắc đã hiểu, đã sống, đã cảm nhận cách sâu xa và chân thật thông điệp của Chúa trong Kinh Thánh.
Các môn đệ ông Gioan chịu ảnh hưởng bởi văn hóa và tôn giáo Do Thái, nên giữ luật cũ cách khắt khe và thiếu cởi mở với điều mới mẻ. Chúa Giê-su đến, khai mở một kỷ nguyên mới đưa con người tiến vào một ý thức hệ mới, giáo lý mới và luật lệ mới đặt nền tảng trên tình yêu thương. Người không phủ nhận luật cũ hoặc giáo lý cũ nhưng đưa chúng tới sự viên mãn. Để tiếp nhận những điều mới mẻ từ Chúa Giê-su, người ta cũng cần có một thái độ cởi mở và con tim dung hòa, một lối tư duy mới và cách đón nhận mới. Bằng không tất cả sẽ trở nên rối ren và đổ vỡ. Chính vì thế, Chúa Giê-su đã nói với những ai chưa hiểu Người rằng "Rượu mới thì đổ vào bầu mới" (Mt 9:17) hoặc "Không ai lấy miếng vải mới vá áo cũ" (Mt 9:16).
Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cảm nhận sâu xa hơn ơn huệ được làm con cái Thiên Chúa và làm bạn của Chúa Giê-su, bởi lẽ chúng ta được trở nên mới mẻ hơn khi tiếp nhận Ngôi Lời Nhập Thể vào trong đời mình. Chúa Giê-su chính là rượu mới và là miếng vải mới cho đời ta. Khi chúng ta trở nên một thọ tạo mới, một người được nghe biết Lời Chúa, được Lời Chúa dưỡng nuôi (x. Đnl 8:3, Lc 4:4), biết sử dụng Lời Chúa làm khí cụ thiêng liêng cho đời mình..., chúng ta luôn cần có Giê-su, tin vào Người và sống lời Người giảng dạy cách chân thành trong đời sống hằng ngày. Được như thế, chúng ta thực sự đang là một "bầu da mới" luôn chứa đựng trong mình "rượu mới" là Lời Hằng Sống.
Không phải người Ki-tô hữu nào cũng luôn có thể là "bầu da mới". Để luôn là "bầu da mới", chúng ta cần ơn Chúa, cần tình bạn với Thầy Giê-su, cần sống gần gũi với Người. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống tình bạn với Thầy Giê-su để tâm hồn chúng ta mãi là "bầu da mới", luôn tươi vui, bình an và tự do tự tại trong cuộc sống làm con cái Chúa.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
VII.Tin Mừng Lc 10:1-9 (CN XIV-TN Năm C)
(CHÚA NHẬT Tuần XIV Thường Niên C)
Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!" (6) Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông".
Bạn thân mến,
Với Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, tôi thiết nghĩ bạn và tôi hãy cùng nhau ứng dụng phương pháp chiêm niệm vào trong giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ sinh nhiều ích lợi thiêng liêng cho cuộc sống và sứ vụ của chúng ta hơn.
Đặt Bối Cảnh: "Ngày nay cũng cần có một sự dấn thân xác tín hơn nữa của Giáo Hội, thực hiện công cuộc tái loan báo Tin Mừng để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu - vốn là điều không thể thiếu - kín múc được sức mạnh và năng lực trong sự khám phá hằng ngày tình yêu của Chúa. Thực vậy, đức tin tăng trưởng khi được sống như một cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh và khi được thông truyền như một kinh nghiệm về ơn thánh và niềm vui. Đức tin phong phú hóa, vì mở rộng con tim trong niềm hy vọng và giúp mang lại một chứng tá có khả năng sinh sản : nó mở rộng tâm trí của những người lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, mời gọi gắn bó với Lời Ngài để trở thành môn đệ của Ngài." (trích "Porta Fidei" số 7)
Đặt Khung Cảnh: Lc 10,1-9. Các môn đệ vây quanh Đức Giêsu để lắng nghe "bài sai". Nhìn ngắm khung cảnh nơi thầy trò Đức Giêsu quy tụ: ở một ngọn núi cao hay tại một nơi đất bằng hay bên một dòng sông thơ mộng?
Ơn Xin: Xin ơn hiểu biết Lời Chúa hơn, yêu mến Lời Chúa hơn và sẵn sàng thực thi Lời Ngài dù Lời ấy có nhiều thách đố.
Chiêm Niệm: Lc 10,1-9.
Đoạn Lời Chúa chúng ta sẽ chiêm ngắm (Lc 10,1-9) trình thuật về Bài Sai của Đức Giêsu dành cho những người đang bước theo Người. Chúa sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Vui Cứu Độ cho những ai chưa nghe biết Lời Chúa.
Chúa sai từng hai người một, đi với nhau (c. 1) rao giảng và làm chứng về Lời Chúa. Hình ảnh này giống với hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24). Đây cũng là một trong những nét văn hóa của người Do-thái, hai người đi với nhau để nâng đỡ nhau, để bổ túc cho nhau khi nói cho người khác về Lời Chúa.
"Như chiên con giữa bầy sói" (c. 3): cánh đồng truyền giáo đầy rẫy hiểm nguy. Ngày nay, cánh đồng ấy vẫn chất chứa nhiều "thú dữ" luôn rình rập người môn đệ của Đức Giêsu nhưng họ không đi một mình vì có Thầy Giêsu luôn đồng hành và sức mạnh của Thầy giúp họ chiến thắng "thú dữ", như Sứ Điệp Thượng HĐGM lần XIII vừa chia sẻ: "Chúng ta không cảm thấy nhát sợ vì những hoàn cảnh chúng ta đang sống. Thế giới chúng ta đầy rẫy những mâu thuẫn và thách đố, nhưng vẫn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thế giới này tuy bị tổn thương vì sự ác, nhưng vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Thế giới này là một cánh đồng trong đó có thể canh tân việc gieo vãi Lời Chúa để tái mang lại hoa trái" (số 6).
"Đừng mang theo bao bị, giày dép, túi tiền" (c. 4a): không nên hiểu theo nghĩa đen câu nói này của Đức Giêsu vì nó không thực tế, nhưng có lẽ nên hiểu rằng "hãy ký thác đường đời cho Chúa", cho Đấng đã sai phái người môn đệ. Có lẽ một trong những điều cốt lõi trong đời sống thiêng liêng của người môn đệ Đức Giêsu là "dám tín thác vào Chúa và dám yêu mến anh chị em đồng loại" như Thượng HĐGM nhắc nhớ: "Không có chỗ đứng cho sự bi quan trong tâm trí những người biết rằng Chúa đã chiến thắng sự chết và Thánh Thần của Chúa hoạt động mạnh mẽ trong lịch sử. Với lòng khiêm tốn và quyết tâm, một thái độ đến từ việc xác tín rằng sự thật sau cùng sẽ chiến thắng, chúng ta đến với thế giới này và muốn thấy trong đó một lời mời gọi của Thiên Chúa trở thành chứng nhân về Danh Thánh của Ngài. Giáo Hội chúng ta sinh động và, với niềm can đảm của đức tin và chứng tá của bao nhiêu con cái mình, Giáo Hội đương đầu với những thách đố do lịch sử đem lại" (số 6) và Tông Huấn "Porta Fidei" khẳng định: "Chỉ nhờ tin tưởng mà đức tin tăng trưởng và vững mạnh; không có cách nào khác để đạt tới sự chắc chắn về chính cuộc sống của mình nếu không liên tục phó thác trong tay của một tình yêu ngày càng được cảm nghiệm lớn lao hơn vì bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa" (số 7).
Hành trang của người môn đệ Đức Giêsu chính là Lời của Thầy Giêsu, Lời đem lại Bình An và Sự Sống cho con người. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Maria đi thăm viếng người chị là bà Elizabeth: Đức Maria mang theo bào thai Giêsu vừa được cưu mang trong thân thể của mình, đi tới viếng thăm người chị họ, để rồi cả hai mẹ con (Elizabeth và Gioan) vui mừng hớn hở hân hoan. Trên con đường của người môn đệ, không có gì quý hơn ngoài Thầy Giêsu và Lời của Thầy. Thầy Giêsu chính là nguồn Bình An cho những ai đón nhận Lời Ngài.
"Đừng chào hỏi ai dọc đường" (c. 4b): dường như mệnh lệnh sai đi của Thầy Giêsu rất cấp bách, không có thời gian để người môn đệ thăm hỏi bà con, ăn uống và nghỉ ngơi đây đó; không có thời gian để người môn đệ can thiệp vào những sự việc trần thế, vì "Triều Đại Thiên Chúa đã tới gần", như thánh Phaolô đã từng thốt lên: "Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi" (2 Cr 5,14), như thánh Phan-xi-cô Xavier đã từng khát khao được đứng giữa Đại học Paris kêu gọi mọi người mau bước chân ra đi loan báo Tin Mừng cho những vùng đất mới đang khát khao được nghe biết Lời Chúa.
"Triều Đại Thiên Chúa" thường được nói trên môi miệng của Đức Giêsu khi Người rao giảng Tin Mừng. "Triều Đại Thiên Chúa" thường được hiểu là chính Đức Giêsu. Người là Nước Trời. Người đã đến rồi. Người đã và đang gõ cửa từng tâm hồn con người, nhưng có nhiều người còn đang ngủ say nên chưa nghe tiếng gõ cửa, có người nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng hoài nghi và ngại ngùng, v.v.. Chúa Giê-su không đòi hỏi gì nhiều nơi người loan báo Tin Mừng. Người chỉ cần các cộng tác viên nói một câu "Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông" với một sự thấu cảm tận xương tủy, một chiều sâu nội tâm về kinh nghiệm của Thầy Giê-su mà thôi.
Câu hỏi Gợi ý Cầu nguyện:
Ø Chúng ta vừa chiêm ngắm Lời của Thầy Giêsu trong đoạn Phúc Âm Lc 10:1-9, Lời ấy nói gì với bản thân mỗi người chúng ta? Lời Chúa có làm cho con tim chúng ta bừng cháy ngọn lửa Tin - Cậy - Mến trong cuộc đời sứ vụ của mỗi người chúng ta không? Lời Chúa có thách đố chúng ta khi đòi hỏi một sự tín thác tuyệt đối vào Đấng Sai Đi? Khi phải đối diện với những gian truân, thử thách, no đầy, đói khổ, đam mê... trên đường sứ vụ, chúng ta phải nói gì với Chúa, phải làm gì để vượt qua?
Ø Lắng nghe lệnh truyền của Chúa, bạn nhìn thấy hình ảnh của Chúa thế nào, khuôn mặt Chúa ra sao, Chúa nhìn bạn và có nói thêm gì với bạn không? Hình ảnh Chúa giống ai khi Ngài đọc lệnh truyền?
Hãy làm ba cuộc Tâm Sự : trước hết hãy đến với Đức Mẹ Maria và thưa chuyện với Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta học lấy nơi Mẹ lòng tín thác và trung thành nơi Thiên Chúa; kết thúc cuộc tâm sự, đọc một Kinh Kính Mừng. Sau đó, chúng ta xin Mẹ Maria dẫn chúng ta tới trước Ngai Tòa của Con Mẹ là Đức Giêsu, để cùng với Mẹ thân thưa với Chúa Con những gì chúng ta vừa thổ lộ với Mẹ Người, xin Người ban thêm sức mạnh, gia tăng lòng Tin Cậy Mến nơi Người trong tâm hồn chúng ta, để kết thúc hãy đọc Kinh Lạy Hồn Chúa Kitô trước Chúa Giêsu. Cuối cùng, chúng ta hãy xin Mẹ Maria và Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới trước Ngai Thiên Chúa Cha, tâm sự với Người như đã tâm sự với Mẹ và với Chúa Con, rồi đọc một Kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!
Lm Giuse BCD,SJ