Chúa Thánh Thần là ”nước hằng sống”. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu
Chúa Thánh Thần là ”nước hằng sống”. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu và khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung của tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 8-5-2013. Trong số các tín hữu hiện diện có 70.000 người chính thức ghi danh. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Colombia, Mehico và Venezuela. Từ Á châu có các đoàn hành hương: Iran, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Cũng có một phái đoàn tín hữu Việt Nam đến từ San Jose, do Đức Ông Đaminh Đỗ Văn Đĩnh hướng dẫn.
Đức Thánh Cha đã ra quảng trường sớm 45 phút để chào tín hữu và các đoàn hành hương. Vì có rất nhiều bà mẹ đưa con cho Đức Thánh Cha hôn và chúc lành cho chúng nên xe díp chở ngài phải thường xuyên dừng lại. Một đôi khi có các tín hữu quen Đức Thánh Cha tại Tổng giáo phận Buenos Aires, nên ngài xuống khỏi xe chào và nói chuyện với họ. Sáng 8-5-2013 khi xe díp bắt đầu lên lối chính giữa, trông thấy những người tàn tật ngồi trên xe lăn ngài đã xuống xe, tới chào, hôn họ và chúc lành cho họ, rồi ngài đi bộ lên tới khán đài. Một bé gái tặng Đức Thánh Cha một bó hoa huệ trắng, ngài đem hoa tới đặt dưới chân tượng Đức Mẹ.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục khai triển đề tài đức tin theo Kinh Tin Kính. Ngài nói: Anh chị em thân mến mùa Phục Sinh mà chúng ta đang sống với niềm vui, được hướng dẫn bởi phụng vụ của Giáo Hội, là thời gian của Chúa Thánh Thần, đã được Chúa Giêsu bị đóng đanh và phuc sinh trao ban cho chúng ta ”vô chừng mực”. Thời gian ơn thánh này kết thúc với lễ Ngũ Tuần, trong đó Giáo Hội sống lại biến cố đổ Thần Khí xuống trên Đức Maria và các Tông Đồ đang cầm trí cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly.
Trả lời câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai Đức Thánh Cha nói:
Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng với đức tin: ”Tôi tin Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống”. Sự thật đầu tiên mà chúng ta tin trong Kinh Tin Kính đó là Chúa Thánh Thần là Kyrios, là Chúa. Điều này có nghĩa Người thực sự là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Thật thế, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh; Người là ơn vĩ đại của Chúa Kitô phục sinh rộng mở tâm trí chúng ta cho niềm tin nơi Đức Giêsu như Người Con đã được Thiên Chúa Cha gửi tới và Người hướng dẫn chúng ta vào trong tình bạn và sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích sự kiện Chúa Thánh Thần là suối nguồn bất tận sự sống của Thiên Chúa nơi chúng ta. Con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi đều ước mong có một cuộc sống tràn đầy và xinh đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể chín mùi và lớn lên cho tới sự tràn đầy của nó. Con người giống như một khách lữ hành đi qua các sa mạc cuộc đời, khát nước mát hằng sống, vọt lên, có khả năng làm cho đã khát trong tận cùng thẳm tâm hồn; nó ước mong sâu đậm có được ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và hòa bình. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được ước mong đó! Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa Cha và là Đấng mà Chúa Giêsu đỗ tràn đầy con tim chúng ta. Người nói: ” Ta đến để ban cho chúng sự sống, và sồng dồi dào” (Ga 10,10).
Chúa Giêsu hứa ban cho người đàn bà xứ Samaria một ”nước hằng sống”, dư dật và luôn mãi, và cho tất cả những ai nhận biết Người như là Người Con được Thiên Chúa Cha gửi tới để cứu rỗi chúng ta (x. Ga 4,5-26; 3,17). Đức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:
Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta ”nước hằng sống” là Chúa Thánh Thần, để cuộc sống của chúng ta được Thiên Chúa hướng dẫn, linh hoạt, dưỡng nuôi. Khi chúng ta nói rằng kitô hữu là một người tinh thần là chúng ta hiểu chính điều này: Kitô hữu là một người suy nghĩ và hành động theo Thiên Chúa, theo Chúa Thánh Thần. Nhưng tôi xin hỏi anh chị em một điều: và chúng ta, chúng ta có suy nghĩ theo Thiên Chúa không? Chúng ta có hành động theo Thiên Chúa không? Hay chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi biết bao sự vật thực sự không phải là Thiên Chúa? Mỗi người chúng ta phải trả lời điều đó trong tim của mình.
Tới đây chúng ta phải tự hỏi xem: tại sao nước này lại có thể làm cho chúng ta đã khát cho tới tận sâu thẳm tâm hồn? Chúng ta biết rằng nước thiết yếu cho sự sống; không có nước thì người ta chết. Nước giải khát, rửa sạch, khiến cho đất được phong phú. Trong thư gứi tín hữu Roma chúng ta tìm thấy kiểu diễn tả này. Anh chị em hãy nghe rõ đây: ”Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Nước hằng sống, Chúa Thánh Thần là Ơn của Chúa Phục Sinh ở trong chúng ta, thanh tẩy chúng ta, soi sáng chúng ta, canh tân chúng ta biến đổi chúng ta, bởi vì Người khiến cho chúng ta chia sẻ vào chính sự sống của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế Tông Đồ Phaolô khẳng định rằng sự sống của kitô hữu được Thần Khí và các hoa trái của Người linh hoạt: đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5,22-23). Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào trong sự sống thiên linh như ”con cái trong Người Con Duy Nhất”. Trong một đoạn khác nữa của Thư gửi tín hữu Roma, mà chúng ta đã nhắc lại nhiều lần, thánh Phaolô tổng hợp điều đó với các lời này: ”Tất cả những ai được Thần Khí của Thiên Chúa hướng đẫn đều là con cái Thiên Chúa. Và anh em... đã nhận lấy Thần Khí khiến cho anh em trở thành nghĩa tử, nhờ Người chúng ta kêu lên ”Abba, Cha ơi!” Chính Thần Khí cùng với thần trí chúng ta chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Nếu chúng ta là con cái, thì cũng là thừa kế: thừa kế của Thiên Chúa, đồng thừa kế với Chúa Kitô, nếu chúng ta thực sự tham dự vào các đau khổ của Người để cũng được chia sẻ vinh quang của Người” (Rm 8,14-17).
Đây là ơn qúy trọng mà Chúa Thánh Thần đem vào trong con tim chúng ta: nó là chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống của các người con đích thực, một tương quan tin tưởng, tự do, và tín thác nơi tình yêu, và nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó cũng có hiệu qủa là một cái nhìn mới đối với những người khác, những người ở gần và những người ở xa, luôn luôn được coi như là các anh chị em trong Chúa Giêsu, cần phải tôn trọng và yêu mến.
Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúa Thánh Thần dậy cho chúng ta biết nhìn với con mắt của Chúa Kitô, biết sống như Chúa Kitô đã sống, biết hiểu cuộc sống như Chúa Kitô đã hiểu. Đó là tại sao nước hằng sống là Chúa Thánh Thần lại khiến cho đời sống chúng ta đã khát, bởi vì Người nói với chúng ta rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương như con cái, rằng chúng ta có thể yêu Thiên Chúa như con cái của Người, và với ơn của Chúa chúng ta có thể sống như con cái của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu. Và chúng ta, chúng ta có lắng nghe Chúa Thánh Thần nói với chúng ta: Thiên Chúa yêu con, Người thương con. Còn chúng ta chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Chúa Giêsu không? Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng đẫn. Chúng ta hãy để cho Người nói với con tim chúng ta, và Người nói với chúng ta điều này: rằng Thiên Chúa là tình yêu, rằng Người luôn luôn chờ đợi chúng ta, rằng Người là Cha và Người yêu thương chúng ta như người cha đích thật: Người thật sự yêu thương chúng ta. Và điều này Chúa Thánh Thần chỉ nói với con tim thôi. Chúng ta hãy cảm nhận Chúa Thánh Thần, hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần và hãy tiến bước trên con đường này của tình yêu, của lòng thương xót và của ơn tha thứ. Xin cám ơn anh chị em.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc họ có những ngày hành hương tươi vui, sốt sắng và bổ ích. Sau cùng ngài đọc kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau khi kết thúc buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha còn đứng bắt tay chào mấy chục Giám Mục Italia về Roma viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Đặc biệt có một nhóm Giám Mục Mêhicô về thăm Đức Thánh Cha. Ngài cũng bắt tay và chào thăm các tín hữu đứng hai bên khán đài. Trước khi vào nội thành Vaticăng ngài còn xuống xe díp, tới chào hôn và nói chuyện với các người tàn tật ngồi trên xe lăn.
http://vietvatican.net/
Linh Tiến Khải
Đức Thánh Cha tiếp kiến 900 nữ Bề trên Tổng Quyền
VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắc nhở các Bề trên Tổng quyền thực thi quyền bính trong Hội dòng như một công tác phục vụ, và có cùng cảm thức với Giáo Hội.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-5-2013, dành cho 900 nữ Bề trên Tổng quyền vừa kết thúc đại hội tại Roma từ ngày 3 đến 7-5 vừa qua.
Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC mời gọi các Bề trên hãy giúp hội dòng của mình ”xuất hành”, ra khỏi chính mình và hành trình trên con đường thờ lạy Chúa và phục vụ, qua 3 cột trụ của đời sống thánh hiến: vâng phục, thanh bần và khiết tịnh. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi quyền bính, cũng là chủ đề của Đại hội vừa qua của các Bề trên Tổng quyền ”Dịch vụ quyền bính theo Tin Mừng”. ĐTC nói:
”Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực, ở bất kỳ cấp độ nào, là một việc phục vụ, có tột đỉnh sáng ngời trên Thánh Giá. Đức Biển Đức 16, với sự khôn ngoan, đã nhiều lần nhắc nhở Giáo Hội rằng đối với nhiều người, quyền bính đồng nghĩa với sở hữu, thống trị, thành công, nhưng đối với Thiên Chúa, quyền bính luôn luôn đồng nghĩa với phục vụ, khiêm tốn, yêu thương, có nghĩa là đi vào lý luận của Chúa Giêsu Đấng cúi mình rửa chân cho các Tông Đồ (Xc Kinh Truyền Tin, 29-1-2012) và Chúa nói với các môn đệ: ”Các con biết rằng những người cầm quyền cai trị các dân nước thống trị trên họ.. Nơi các con không như thế: chính chủ đề đại hội của chị em cũng là: nơi các con không được như thế.. Ai muốn làm lớn nơi các con, thì sẽ là đầy tớ và ai muốn là người đứng đầu nơi các các thì sẽ là người hầu hạ các con” (Mt 20,25-27). Chúng ta hãy nghĩ đến thiệt hại mà những người nam nữ của Giáo Hội gây ra cho Dân Chúa, những người chỉ lo tiến thân trên con đường sự nghiệp, những người chỉ lo leo lên chức vị cao; họ lạm dụng dân Chúa, Giáo Hội, anh chị em mình, - mà lẽ ra họ phải phục vụ-, coi những người này chỉ là những bàn đạp để thỏa mãn những tham vọng cá nhân và tư lợi của họ. Những kẻ ấy gây thiệt hại rất lớn cho Giáo Hội!”
ĐTC nói thêm rằng: ”Chị em hãy luôn biết thực thi quyền bính, trong thái độ đồng hành, cảm thông, giúp đỡ, yêu mến, quan tâm săn sóc mọi người, nhất là những người cảm thấy cô độc, bị gạt bỏ, khô cằn, không được chú ý. Chúng ta hãy hãy hướng nhìn về Thập Giá: bất kỳ quyền bính nào của Giáo Hội đều ở nơi đó, nơi mà Đấng là Chúa, đã trở thành đầy tớ đến độ tận hiến toàn thân mình”.
ĐTC cũng nhắc nhở các bề trên về đặc tính Giáo Hội của đời sống thánh hiến: ”Ơn gọi của chị em là một đoàn sủng cơ bản đối với hành trình của Giáo Hội, và một người nam nữ thánh hiến không thể không có cùng cảm thức với Giáo Hội: sự đồng cảm này được biểu lộ trong niềm trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh, hiệp thông với các vị Chủ Chăn và với Người Kế nhiệm Thánh Phêrô, là GM Roma, dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất”.
ĐTC nhắc lại Giáo huấn của Đức Phaolô 6 theo đó, thực là một ”sự phân cách vô lý khi nghĩ rằng mình sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, yêu mến Chúa Giêsu mà không yêu mến Giáo Hội (Evang. nuntiandi, 16). Chị em hãy cảm thấy trách nhiệm chăm sóc việc huấn luyện của hội dòng chị em trong đạo lý lành mạnh của Giáo Hội, trong niềm yêu mến Giáo Hội và trong tinh thần Giáo Hội”. (SD 8-5-2013)
http://vietvatican.net/
G. Trần Đức Anh OP
Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Brazil
VATICAN. Hôm 7-5-2013, Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chương trình chính thức chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC Phanxicô tại hải ngoại: từ 22 đến 29-7 năm nay tại Brazil nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 28.
ĐTC sẽ rời Roma lúc gần 9 giờ sáng thứ hai, 22-7 và bay tới Rio de Janeiro vào lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương. Sau nghi thức tiếp đón chính thức tại Phi trường, ngài sẽ viếng thăm Tổng thống Brazil tại dinh Guanabara ở Rio.
- ĐTC nghỉ ngơi ngày 23-7 và bắt đầu hoạt động từ ngày hôm sau, thứ tư 24-7, với cuộc hành hương kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thành Aparecida, bổn mạng Brazil. Tại đây ngài sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi sáng tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ.
Ban chiều ĐTC đáp trực thăng trở về thành Rio lúc 5 giờ rưỡi và viếng thăm Nhà thương thánh Phanxicô Assisi Chúa Quan Phòng lúc 18.30.
- Sáng thứ năm 25-7, ĐTC sẽ được chính quyền thành Rio chính thức đón tiếp với nghi thức trao chìa khóa và làm phép các lá cờ thế vận Olimpic, tiếp đến ngài viếng thăm cộng đoàn Varginha ở Rio, khu xóm nghèo.
Lúc 6 giờ chiều cùng ngày sẽ có buổi đón tiếp chính thức của các bạn trẻ quốc tế dành cho ĐTC tại bờ biển Capacabana.
- Sáng thứ sáu, 26-7, vào lúc 10 giờ, ĐTC sẽ giải tội cho một số bạn trẻ ở công viên Quinta da Boa Vista, rồi gặp gỡ một số tù nhân trẻ ở tòa TGM thánh Gioakim ở Rio. Tại bao lơn tòa nhà này ngài sẽ chủ sự buổi đọc kinh truyền tin vào giữa trưa, trước khi chào thăm ban tổ chức Ngày Quốc Tế giới trẻ và các ân nhân, rồi dùng bữa trưa với đại diện các bạn trẻ 5 châu.
Ban chiều vào lúc 6 giờ, ngài sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể với các bạn trẻ cũng tại khu vực bãi biển Copacabana.
- Sáng thứ bẩy, 27-7, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa thánh Sebastiano của giáo phận Rio, cùng với các GM và LM, trước sự tham dự của các tu sĩ và chủng sinh. Sau đó ngài gặp giới lãnh đạo của Brazil tại Nhà Hát Thành Phố Rio trước khi dùng bữa với các HY, các GM chủ tịch các HĐGM miền của nước này.
Lúc 7 giờ rưỡi tối, ĐTC sẽ chủ sự buổi canh thức với các bạn trẻ tại Cánh đồng Đức tin ở Guaratiba. Cũng tại đây sáng chúa nhật hôm sau, 28-7, ngài chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Rio.
Ban chiều vào lúc 4 giờ, ngài gặp gỡ ban điều hợp liên HĐGM Mỹ châu la tinh, rồi gặp hàng ngàn bạn trẻ thiện nguyện, trước khi ra phi trường đáp máy bay lúc 7 giờ tối để trở về Roma, dự kiến sẽ đến nơi vào lúc 11 giờ rưỡi trưa thứ hai 29-7, giờ Roma. (SD 7-5-2013)
http://vietvatican.net/
G. Trần Đức Anh OP
Ban biên tập gxthohoang.net tổng hợp