Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/05 - 09/05 Lịch Sử Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ
Posted by Ban Biên Tập
Trong khuôn khổ các buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần, hôm 8 tháng Năm Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài giáo lý của ngài về Kinh Tin Kính, với chủ đề là Chúa Thánh Thần.
1. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 8 tháng 5
Trong khuôn khổ các buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần, hôm 8 tháng Năm Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục bài giáo lý của ngài về Kinh Tin Kính, với chủ đề là Chúa Thánh Thần.
Đức Giáo Hoàng nói Chúa Thánh Thần thanh tẩy, đổi mới và biến đổi chúng ta. Ngài cũng nhấn mạnh rằng chính Kinh Tin Kính đã mô tả Chúa Thánh Thần là "Đấng ban sự sống."
Đức Thánh Cha nói:
"Thưa anh chị em,
Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta xem xét những đoạn văn đề cập đến Chúa Thánh Thần: "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống”.
Kinh Tin Kính nói rằng Thánh Thần là "Chúa", là Thiên Chúa thật, là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là hồng ân ban cho chúng ta bởi Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng qua đức tin đã đưa chúng ta đến với sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Kinh Tin Kính cũng cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là "Đấng ban sự sống".
Chúng ta ao ước biết bao sự sống thực và sự viên mãn của vẻ đẹp, tình yêu và hòa bình! Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong lòng chúng ta, là nguồn mạch tinh khiết của "nước hằng sống, phát sinh sự sống đời đời" mà Chúa Giêsu đã hứa với người phụ nữ thành Samaria. Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần, Đấng bên cạnh Chúa Cha đến để thanh tẩy, đổi mới và biến đổi chúng ta, Ngài ban cho chúng ta bảy ơn và làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, là Cha chúng ta.
Ngay chính lúc này đây Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta nhìn mọi sự với ánh mắt của Chúa Kitô, để nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta, và để chia sẻ tình yêu với tất cả các anh chị em của chúng ta.
"Tôi rất vui mừng chào đón nhiều khách hành hương nói tiếng Anh và du khách có mặt tại buổi tiếp kiến này, bao gồm những người từ Anh, Scotland, xứ Wales, Đan Mạch, Thụy Điển, Man-ta, Iran, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên anh chị em và gia đình hồng ân khôn ngoan, vui mừng và bình an!”
2. Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ với các Huynh Đoàn, và nhấn mạnh đến tinh thần truyền giáo
Trong chương trình cử hành Năm Đức Tin, Chúa Nhật 5 tháng Năm được gọi là Ngày của các Huynh đoàn, và của lòng đạo đức bình dân. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại quảng trường thánh Phêrô, trước sự tham dự của hơn 150 ngàn tín hữu dưới bầu trời lúc mưa lúc tạnh.
Từ hơn 10 thế kỷ qua, các Huynh đoàn là những hội đoàn được thành lập để cổ võ lòng đạo đức bình dân của các tín hữu, đã hiện diện sống động trong lòng Giáo Hội. Các Huynh đoàn thường nhận Đức Mẹ hoặc một vị thánh làm bổn mạng. Họ có nhà thờ làm trụ sở gốc và có tôn chỉ được giáo quyền công nhận. Họ cũng thực hiện nhiều công tác bác ái và tương trợ.
Đa số các Huynh đoàn về Roma hành hương nhân dịp Năm Đức Tin là các huynh đoàn Italia, nhưng cũng có một số từ các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan, và một vài nước Âu Châu khác.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Tổng Giám Mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và vị Tổng thư ký của Hội đồng là Đức Cha José Octavio Ruiz Arenas, người Tây Ban Nha, cùng với một số Giám Mục và khoảng 380 Linh mục.
Phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 4 ca đoàn khác, đông nhất là ca đoàn “Mẹ Giáo Hội” với 140 ca viên.
Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
"Anh chị em đã chứng tỏ là rất can đảm để đến đây dưới cơn mưa này. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. "
Ngài khích lệ các tham dự viên:
“Anh chị em hãy quyết liệt nên thánh; đừng hài lòng với một cuộc sống Kitô tầm thường, nhưng hãy làm sao để việc tham gia huynh đoàn là một kích thích, trước tiên cho anh chị em, để ngày càng yêu mến Chúa Giêsu Kitô hơn nữa.”
“Các Huynh Đoàn là điều thật đẹp! Một cách thức hợp pháp để sống đức tin, một phương thức để cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội. Anh chị em hãy yêu mến Giáo Hội! Hãy để cho Giáo Hội hướng dẫn! Trong các giáo xứ, các giáo phận, anh chị em thực là một buồng phổi đích thực của đức tin và đời sống Kitô, một luồng gió mát!”
Sau Thánh lễ, dù trời khi mưa khi tạnh, Đức Giáo Hoàng đã dùng xe Jeep mui trần để đi thăm các tín hữu đứng đông đảo sâu vào quá nửa Via della Conciliazione, tức là Đại Lộ Hòa Giải. Ngài nồng nhiệt chào anh chị em đến mức đã đi lạc vào lãnh thổ Italia.
3. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho trẻ em bị lạm dụng
Sau khi cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 150,000 khách hành hương tham dự chung với ngài bất chấp mưa gió.
Ngày Chúa Nhật đánh dấu ngày Toàn Quốc Chống Nạn Bạo Hành Trẻ Em tại Italia. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng như sau:
"Tôi muốn đảm bảo với các trẻ em rằng họ có mặt trong lời cầu nguyện của tôi, nhưng tôi cũng muốn mạnh mẽ nói rằng tất cả chúng ta phải cam kết rõ ràng và can đảm để mỗi con người, đặc biệt là trẻ em là những người dễ bị tổn thương nhất, luôn luôn được bênh vực và bảo vệ ".
Đức Giáo Hoàng sau đó đã cầu nguyện cho các Kitô hữu tại Trung Đông, đang cử hành lễ Phục Sinh theo Lịch Julian.
Đức Thánh Cha nói:
"Xin Chúa Thánh Thần ủi an tất cả các Kitô hữu, đặc biệt là những anh chị em đang mừng lễ Phục Sinh giữa những thử thách và đau khổ, và hướng dẫn chúng ta trên con đường hòa giải và hòa bình."
Trước khi kết thúc buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha ban phép lành cho anh chị em tín hữu và như thường lệ ngài đưa ra một lời chúc rất đặc biệt của riêng ngài là chúc họ buổi chiều may mắn và một bữa ăn trưa ngon miệng.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Kinh Mân Côi tại Đền Thờ Đức Bà Cả
Lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Mân Côi trọng thể tại Đền thờ Đức Bà Cả.
Đây là lần thứ hai ngài đến Vương cung thánh đường này. Lần đầu là hôm 14 tháng 3, tức là ngay sáng hôm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng. Lần này có tính chất chính thức và cũng là lễ nhận Thánh Đường này.
Đây là nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên và lớn nhất được xây cất ở Tây Phương, và cũng được coi là biểu tượng tột đỉnh lòng sùng kính của dân Chúa, đặc biệt là dân Roma, đối với Mẹ Maria.
Đền thờ Đức Bà Cả được khởi công xây hồi giữa thế kỷ thứ 4 trên đồi Esquilino để thay thế việc thờ phượng nữ thần Cibele, mẹ các thần minh dân ngoại bằng việc tôn kính Mẹ Thiên Chúa. Thánh đường này được Đức Giáo Hoàng Sisto III (432-440) tái thánh hiến dâng kính Đức Mẹ vào ngày 5 tháng 8 năm 432, tức là một năm sau khi Công đồng chung Epheso tuyên bố tín điều Đức Maria là “Theotókos”, tức là Mẹ Thiên Chúa.
Nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm, ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma được đặt cạnh bàn thờ chính.
Đầu buổi đọc kinh, Đức Hồng Y Santos Abril y Castelló, người Tây Ban Nha, Giám quản đền thờ, đã đại diện mọi người, đặc biệt là kinh sĩ đoàn, các cha dòng Đa Minh giải tội, chào mừng Đức Thánh Cha.
Đức Hồng Y Santos Abril y Castelló đã cám ơn Đức Thánh Cha đã chọn Đền Thờ Đức Bà Cả để đọc Kinh Mân Côi lần đầu với các tín hữu Rôma. Ngài nói:
"Lời Kinh này sẽ đưa chúng ta vượt qua phạm vi tôn giáo và con người, nơi có rất nhiều không gian để hòa vào. Nó sẽ giúp chúng ta sống gần con tim của Đức Giáo Hoàng, người đã đến từ đầu bên kia của thế giới, nơi một bình nguyên bao la. Chúng ta sẽ thấy mình được liên kết với tình yêu tuyệt vời của Mẹ Chúng Ta Salus Populi Romani, tức là Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, và Đức Mẹ Lujan yêu dấu của ngài”.
Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Francis Santos Abril đã là bạn thân trong nhiều năm, khi Đức Hồng Y là sứ thần tại Á Căn Đình, và Đức Hồng Y Bergogliolà tổng giám mục của Buenos Aires.
Đáp lại Đức Thánh Cha nói:
"Tôi cảm ơn người anh em và bằng hữu của tôi. Một tình bằng hữu đã bắt đầu tại quốc gia ở đầu bên kia thế giới. "
Đức Thánh Cha đã đọc kinh Mân Côi trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma là bức ảnh lâu đời nhất tại kinh thành vĩnh cửu.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã nói về vai trò của người mẹ.
Ngài nói:
"Bà mẹ giúp con cái nhìn các vấn đề của cuộc sống với tinh thần thực tế, không nản chí vì gặp vấn đề, trái lại can đảm đương đầu với khó khăn, không yếu nhược, nhưng biết khắc phục chúng”
Trước khi trở về Vatican, Đức Giáo Hoàng đã chào đón một số các khách hành hương và yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài bằng ba kinh Kính Mừng.
5. Đức Giáo Hoàng chào đón tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, vào ngày kỷ niệm quan trọng đối với cả hai quốc gia
Hôm thứ Hai 6 tháng 5, tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer cùng với 6 vị tháp tùng đã đến viếng thăm xã giao Đức Thánh Cha. Bước vào điện Tông Tòa, tổng thống và các vị cùng đi trong phái đoàn đã được chào đón bởi hàng rào danh dự là các ngự lâm quân Thụy Sĩ.
Với sự giúp đỡ của một phiên dịch viên, hai vị đã nói chuyện về nhân quyền, và về các lãnh vực giáo dục thế hệ trẻ. Hai vị cũng đã thảo luận về việc tăng cường sự hợp tác giữa Giáo hội Công Giáo và Nhà nước Thụy Sĩ.
Ngày 06 tháng Năm đánh dấu một kỷ niệm quan trọng đối với Giáo Hội và Thụy Sĩ. Vào ngày 06 tháng Năm năm 1527, tổng cộng 147 binh sĩ Thụy Sĩ đã chết khi bảo vệ Đức Giáo hoàng Clement VII, trong cuộc cướp phá thành Rôma.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng tổng thống một huy hiệu triều Giáo Hoàng của ngài mới được đúc gần đây.
6. Lễ phong chân phước cho một nữ giáo dân Ba Tây, con gái của một nô lệ
Francisca de Paula de Jesus (1808-1895), còn được biết đến với tên khác là Nhá Chica, đã được phong chân phước vào ngày 4 tháng Năm vừa qua tại Baependi, một thị trấn có 18,000 dân, ở miền đông nam Brazil. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phong Thánh đã chủ trì Thánh Lễ phong chân phước ngoài trời.
Là con gái của một cựu nô lệ, Chân phước Francisca mồ côi lúc 10 tuổi. Với số tiền thừa kế nhận được từ người anh trai, một mình người nữ giáo dân này đã xây dựng một nhà nguyện nhỏ dâng lên Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Người giàu cũng như người nghèo đã vây quanh ngài để cầu nguyện và xin được tư vấn, và ngài được biết đến như là "mẹ của người nghèo".
Trong suốt bốn ngày tang lễ từ khi qua đời đến lúc chôn cất, và cả khi thi thể của ngài được khai quật vào năm 1993, những người có mặt cho hay đã ngửi được hương thơm hoa hồng một cách huyền diệu.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tôn Chị Francisca lên hàng Tôi Tớ Chúa vào năm 2011. Sau đó, một ủy ban điều tra của Tòa Thánh đã xác nhận việc chữa lành dị tật tim nghiêm trọng cho một giáo sư là phép lạ nhờ lời cầu bầu của Chân phước Francisca.
7. Huấn từ ĐTC Phanxicô dành cho đội Vệ binh Thụy Sĩ: Chúa đồng hành cùng anh em!
Hôm 06/05/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của đội Vệ binh Thụy Sĩ. Trong huấn từ dành cho các vệ binh, Đức Thánh Cha nhắc rằng: "Đức tin mà Thiên Chúa ban cho anh em trong ngày Rửa Tội là kho tàng quý giá nhất mà anh em có được! Và sứ mạng phục vụ Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội bắt nguồn từ Đức tin này… Anh em Vệ binh Thuỵ Sĩ thân mến, đừng bao giờ quên là Chúa luôn đồng hành cùng anh em".
Ngày 06 tháng Năm hằng năm, đội Vệ binh Thụy Sĩ kỷ niệm việc 147 vệ binh hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ "cướp phá Rôma" vào năm 1527.
Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các vệ binh, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này. Năm nay, có 35 tân ngự lâm quân tuyên thệ vào buổi chiều cùng ngày trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa.
Từ năm 1970 các vệ binh Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần mang tính nghi lễ, họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới.
Vai trò của Vệ binh Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Mới đây ít ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt họ ở vị trí rất đẹp. Ngài đã dành cho các vệ binh lời chào đầy thương mến và tri ân. Ngài nói: 'Giáo Hội yêu thương anh em thật nhiều… và tôi cũng vậy '.
8. Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ cho đội Vệ binh Thụy Sĩ - Sự thờ ơ làm khốn đốn Giáo Hội
Theo thường lệ, hằng ngày Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ sáng tại Nhà trọ Thánh Marta của Vatican. Hôm thứ Sáu 03/05/2013 vừa qua, nhà nguyện trở nên trẻ trung và đầy màu sắc nhờ vào sự hiện diện đông đảo của lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ. Trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha giải thích rằng các Kitô hữu có trách nhiệm rao truyền đức tin của mình cho tha nhân. Tuy nhiên, để làm được điều này một cách thích đáng, cần phải có "lòng can đảm".
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định:
"Khi Giáo hội mất đi lòng can đảm, Giáo hội đi vào bầu khí ‘lãnh đạm’. Các Kitô hữu thờ ơ, lãnh đạm, mất hết can đảm. Điều đó làm tổn thương Giáo hội rất nhiều, bởi vì bầu khí nhạt nhẽo này lôi cuốn anh em ẩn vào bên trong, và các vấn đề nảy sinh giữa chúng ta, chúng ta không còn có những viễn tượng nữa, hoặc không còn can đảm hướng lòng về Thiên Đàng để cầu nguyện, hoặc mất hết can đảm để loan báo Tin Mừng ".
Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của lời cầu nguyện, nhấn mạnh thêm rằng sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một cái gì đó siêu nhiên hay mang tính biểu tượng, nhưng trái lại đó là một thực tại. Đức Thánh Cha cũng cho biết để có lòng tin, ta cần phải có lòng can đảm.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Chúng ta thờ ơ lãnh đạm. Chúng ta có can đảm để tham gia vào những lo lắng nhỏ nhặt, vào những ghen ghét, đố kỵ; vào việc thăng tiến trên những nấc thang danh vọng một cách ích kỷ. Tất cả điều này đều không tốt cho Giáo hội. Giáo hội phải can đảm! Tất cả chúng ta phải can đảm trong lời cầu nguyện, trong Chúa Giêsu, Đấng luôn thách đố những ai bước theo Ngài!"
Trước các Vệ binh Thụy Sĩ, ngài nói thêm rằng việc truyền bá đức tin cho thế hế tương lai cần phải được bắt đầu ngay từ giai đoạn ấu thơ. Sau đó, ngài chia sẻ câu chuyện cá nhân, và nói thêm rằng bà của ngài đã đóng vai trò then chốt trong việc củng cố đức tin khi ngài còn là một đứa trẻ.
Trang phục lễ hội của các Vệ binh Thụy Sĩ đã mang đến một số sắc thái cho các buổi tiếp kiến công chúng của Đức Thánh Cha. Đội Vệ binh gồm 110 nam thanh niên Thụy Sĩ đến Rôma để bảo vệ Đức Giáo Hoàng.
Các tân binh được bổ sung đến Vatican vào tháng Sáu, tháng Mười Một và tháng Hai. Trong vài tháng qua, họ tập dượt cho buổi lễ tuyên thệ ngày 6 tháng Năm sắp tới.
Vị Đại tá sẽ gọi từng người một lên tuyên thệ để trở thành thành viên của Đội Ngự Lâm cho Đức Giáo Hoàng với một tay đặt trên lá cờ Vệ binh Thụy Sĩ và tay kia giơ cao ba ngón, tượng trưng cho lời tuyên thệ trước Thiên Chúa Ba Ngôi.
Năm nay, 35 người trẻ Thụy Sĩ sẽ tuyên hứa trước mặt Thiên Chúa để bảo vệ Đấng kế vị Thánh Phêrô.
Họ có thể dấn thân vào Đội Vệ binh từ 2 đến tối đa 25 năm. Thành viên tương lai phải là nam, độc thân, người Công giáo dưới 30 tuổi. Họ phải là công dân Thụy Sĩ, cao ít nhất 1m73 và có bằng đại học.
Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ tất cả các lối vào thành Vatican, bảo vệ an ninh Dinh Tông Tòa, và duy trì trật tự trong suốt quá trình Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước công chúng.
9. Tổ chức bác ái của Dòng Phanxicô giúp hàng ngàn người trên khắp thế giới
Tin Mừng Thánh Gioan tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều cho hơn 5.000 người đàn ông ăn uống no nê bên bờ Biển Hồ Galilê. Sau đó, Ngài bảo các môn đệ thu lại những mảnh thức ăn thừa "để không thứ gì lãng phí".
Đoạn Tin Mừng này đã trở thành nền tảng cho một sáng kiến được đưa ra bởi Cha Paul Watson là nhà sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn Hòa Giải, một Dòng tu Công giáo, nhưng bén rễ sâu với phong trào đại kết.
Cha James Puglisi, Tổng phục vụ Dòng Anh em Hèn Mọn Hòa Giải cho biết: "Thay vì lãng phí cho những thứ mà chúng ta không thực sự cần, tại sao chúng ta không lấy tiền để dành hàng tháng, hàng năm của mình để sử dụng cho mục đích vì Tin Mừng".
Liên minh Không để thứ gì Lãng phí được thành lập vào đầu thế kỷ 20 như là một ý tưởng. Ngày nay nó đã trở thành một tổ chức giúp đỡ mọi người trên khắp thế giới.
Trong suốt năm, các tu sĩ quyên góp khoản thu nhập dư ra từ các tín hữu, bản thân họ không cần đến khoản thu nhập này và muốn giúp đỡ tha nhân. Đến thời điểm Giáng Sinh, tiền được phân phối.
Cha James Puglisi cho hay thêm: "Tiền quyên góp đạt được khoảng 250,000 Mỹ Kim. Người ta sẽ hoạch định các dự án khác nhau theo định hướng truyền giáo, định hướng xã hội, hay định hướng đại kết. Chúng tôi có một ủy ban xem xét tất cả các dự án này và sau đó sẽ cung cấp ngân sách hằng năm".
Các dự án dao động trong phạm vi nào đó. Trước đây, họ cấp vốn giúp xây dựng trường học ở Ấn Độ và Trung Quốc. Hiện nay, một trong những tổ chức nhận một khoản tài trợ trị giá 25.000 Mỹ kim là Damietta Peace Initiative, một phong trào toàn Phi châu của một số tu sĩ dòng Phanxicô nhằm thúc đẩy hòa bình trong các khu vực xung đột, và tạo ra sự đối thoại giữa các nhóm tôn giáo khác nhau.
Nhưng còn có điều gì đó hơn thế nữa sau mỗi dự án được tổ chức Không để thứ gì Lãng phí tài trợ.
Cha James Puglisi cho biết: "Nó không chỉ là khía cạnh vật chất, mà là khía cạnh đạo đức, tâm linh, nó mới thực sự quan trọng, mọi người thừa nhận rằng chúng mang một ý nghĩa nào đó cho những người thậm chí không biết họ".
Ngài cho hay sự tài trợ đó là rất quan trọng, nhất là đối với các Kitô hữu sống trong những khu vực gặp khó khăn, nơi mà chỉ đơn giản là một Kitô hữu thì gặp nguy hiểm.
Sáng kiến để "thu những thứ còn thừa, không để thứ gì lãng phí" đã trải qua hơn 100 năm, gần như cùng tuổi với lịch sử dòng tu Công Giáo lập ra nó.
10. Chương trình ngày Quốc Tế Giới Trẻ:
Hôm thứ Ba 7 tháng 5, Tòa Thánh đã công bố chi tiết lịch trình của Đức Thánh Cha tại ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro.
Lúc 8:45 ngày 22 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay quân sự Ciampino của Rôma. Lúc 16 giờ ngài sẽ đáp xuống sân bay Antonio Carlos Jobim của Rio de Janeiro.
Trong những ngày tiếp theo cho đến hôm 29 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng các khu nhà ổ chuột, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, giới kinh doanh, ăn trưa với các bạn trẻ, kể cả tù nhân trẻ. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ chủ sự Đêm Canh Thức và Thánh Lễ tại 'Campus Fidei "de Guaratiba.
11. Sứ thần Tòa Thánh tại Tanzania thoát chết
Ít nhất là một giáo dân thiệt mạng và hàng chục anh chị em tín hữu Công Giáo khác bị thương nặng khi một quả bom phát nổ trong buổi lễ thánh hiến diễn ra sáng Chúa Nhật 5 tháng 5 tại một nhà thờ mới ở Olasiti, một thị trấn có 12,000 dân tại phía tại Bắc Tanzania.
Đức Tổng Giám mục Francisco Padilla, sứ thần Tòa Thánh ở Tanzania, và Đức Tổng Giám Mục Josaphat Lebulu của tổng giáo phận Arusha, là Tổng Giám Mục địa phương, đã may mắn không bị thương.
Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết:
"Lời cầu nguyện của tôi hướng đặc biệt đến các nạn nhân đã chết và những người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương rất nghiêm trọng. Tôi cầu nguyện rằng hòa bình sẽ luôn luôn ngự trị, và bạo lực sẽ không phải là cách để giải quyết căng thẳng."
Tanzania là quốc gia ở miền Đông Phi Châu giáp giới với Kenya và Uganda về phía Bắc, Rwanda, Burundi và Cộng Hòa Congo về phiá Tây; và Zambia, Malawi và Mozambique về phía Nam.
Tanzania có 46,9 triệu dân trong đó 30% là Công giáo, 35% người Hồi giáo. 35% còn lại theo các hệ phái Tin Lành, và các tín ngưỡng bản địa.
Vụ đánh bom ở Olasiti đã xảy ra sau khi một linh mục bị Hồi Giáo cực đoan giết chết vào Tháng Hai và hàng loạt nhà thờ tại thủ đô Dodoma và thành phố lớn thứ hai là Dar es Salaam bị tấn công. Hồi Giáo cực đoan đã vu cáo một thiếu niên Công Giáo đi tiểu vào một bản sao của kinh Qur'an để mở các cuộc tấn công trong thời gian qua.
12. Đức Hồng Y John Onaiyekan nói Hai con ác quỷ sinh đôi đang hoành hành Nigeria
Phát biểu tại Ủy ban Ngoại giao Nghị viện châu Âu ở Brussels, Đức Hồng Y John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja cho biết Nigeria đang bị đe dọa bởi "hai con quái vật sinh đôi là tham nhũng và bất an."
Tham nhũng, theo Đức Hồng Y, "đã tạo ra một mức độ mất tin tưởng rất cao nơi người dân, mà tối hậu đưa đến mối đe dọa hàng ngày khác là sự bất an"
"Rất thường khi những tên tội phạm được trang bị hùng hậu hơn so với lực lượng an ninh Nigeria", Ngài nói khi liên hệ đến Boko Haram. Đức Hồng Y Onaiyekan cáo buộc rằng các nhóm khủng bố Hồi giáo đã nhận được vũ khí từ Libya.
Trích dẫn trường hợp nhiều trường học của Giáo Hội, bệnh viện, và các hoạt động tông đồ khác, Đức Hồng Y nói thêm rằng "Giáo hội Công giáo quan tâm tới hạnh phúc của tất cả người dân Nigeria, không chỉ những người được rửa tội trong các nhà thờ của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi có 170 triệu người Nigeria, gần một nửa là những Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau và một nửa là người Hồi giáo. Cũng có các tôn giáo khác. Người Công giáo vẫn là nhóm tôn giáo lớn nhất trong nước, vì vậy chúng tôi có ảnh hưởng và trách nhiệm đáng kể."
13. Viếng thăm Thánh Địa bằng video 3D
Giờ đây, chúng ta có thể viếng thăm Thánh Địa chỉ trong một cái click chuột. Nhờ tour 3D này, ai cũng có thể thực hiện một chuyến thăm Giêrusalem ảo tại www.jerusalem.com. Tại đây, có tất cả các di tích thánh mang tính lịch sử có liên hệ đến Chúa Giêsu nhập thể làm người.
Khi bước xuống những bậc thang này, sẽ có một lối vào phía sau tảng đá. Đó là nơi Chúa Giêsu đã được chôn cất và sau đó đã sống lại, sau cái chết trên Thánh giá. Trang web đưa ra lời giải thích bằng Anh ngữ, về lý do tại sao di tích thánh này được người Công giáo, Tin lành và Anh giáo tôn kính. Trang web cũng đưa ra đoạn Kinh Thánh mô tả về ngôi mộ.
Nếu như đồ họa trong tour du lịch ảo có vẻ không thật, nhưng người ta cũng có thể thấy những điều thật. Một hướng dẫn sẽ giải thích nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Sau khi bước qua cánh cổng, nó sẽ giải thích thi thể của Chúa Giêsu được đặt ở đó khi được đưa xuống khỏi Thánh giá. Theo Tin Mừng, người ta thực sự có thể thấy ngôi mộ trống ở nơi này.
Sau đó, tour du lịch đưa chúng ta đến Nhà thờ Giáng sinh tại Bêlem, nơi Chúa Giêsu ra đời. Nhà thờ đã được xây dựng ở nơi mà theo truyền thống Đức Maria đã sinh ra Chúa Giêsu. Giờ đây, di tích thánh được bao quanh bởi các biểu tượng và những ngọn đèn chùm.
Một di tích thánh khác được viếng thăm, mà theo truyền thống là nơi lưu giữ cây Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Đó là nơi hàng ngàn người hành hương đến cầu nguyện mỗi năm.
Trang web cũng có một phần dành cho trẻ em chơi các video game. Cùng với một con chim bồ câu trắng bay dọc theo màn hình máy tính, trẻ có thể thăm tất cả các Di tích Thánh và xem một loạt các hình ảnh.
Nếu bạn đang lập kế hoạch đến thăm Thánh Địa thật, trang web này có một bản đồ tương tác trình bày tất cả những nơi mà người ta phải ghé thăm và cũng là những địa điểm chính đánh dấu cuộc đời Chúa Giêsu tại Giêrusalem. Dĩ nhiên, một trong số đó là 14 chặng Đàng Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu vác Thánh Giá khi Ngài bước vào cái chết.
14. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Li băng. Syria và an ninh Trung Đông nằm trong chương trình nghị sự chính
Đức Ông Georg Gaenswein đã đón Tổng thống Li băng Michel Sleiman, khi ông viếng thăm chính thức Tòa Thánh Vatican vào sáng thứ Sáu 03/05/2013. Tổng thống Sleiman đã đi qua các hành lang của Dinh Tông Tòa giữa hàng rào danh dự gồm các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ và các vị Chức Sắc Phủ Giáo Hoàng để tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn tổng thống Li băng đến văn phòng của ngài, nơi họ trao đổi trong vài phút, với sự hiện diện của một thông dịch viên thông thạo Pháp Ngữ và tiếng Ả Rập.
Nghị trình chính trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo là cuộc chiến đang diễn ra ở Syria xô đẩy hàng ngàn người dân chạy sang lánh nạn tại Li băng. Cả hai vị đã kêu gọi các nỗ lực viện trợ mới nhằm xoa dịu nỗi khổ của người dân.
15. Cuộc gặp lịch sử giữa Đức Thánh Cha và Đại sứ Nga cạnh Toà Thánh lần đầu tiên
"Xin chào ngài". Đức Thánh Cha đã nói như trên với Tân Đại sứ Nga hôm thứ Năm 02/05/2013 trong buổi lễ trình quốc thư. Đây là lần đầu tiên Nga bổ nhiệm một đại sứ cạnh Tòa Thánh kể từ khi Liên bang Nga và Tòa Thánh Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 2009.
Đại sứ Alexander Avdeev, cựu Bộ trưởng Văn hóa Liên bang Nga, đã gặp Đức Thánh Cha trong cuộc hội kiến ngắn tại Dinh Tông Tòa với sự hiện diện của một thông dịch viên người Pháp.
Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia mang một ý nghĩa tôn giáo quan trọng, vì chính phủ Nga có mối liên kết chặt chẽ với Giáo hội Chính thống Nga.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đại sứ Avdeev đã giới thiệu các nhân viên đại sứ quán với Đức Thánh Cha.
Mặc dù hai nước đã có mối quan hệ ngoại giao từ năm 1990, nhưng cách đây bốn năm tức là vào năm 2009 Nga mới nâng văn phòng của họ tại Vatican trở thành đại sứ quán chính thức.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Hãy cầu cho chúng tôi. Đó là điều rất cần thiết."
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho Đại sứ Nga một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài mới được đúc gần đây để làm quà. Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha cũng đã đưa ra một thỉnh cầu ngài thường nói với nhiều vị khách là hãy cầu nguyện cho ngài.
16. Hoàng hậu nước Ý sắp được phong Chân Phước
Trưa thứ Năm 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến với Bộ Phong Thánh do Đức Hồng Y Angelo Amato dẫn đầu và đã chuẩn y các án phong Chân Phước và nâng lên bậc Tôi Tớ Chúa cho những vị sau:
Án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa là Hoàng hậu Maria Cristina vùng Savoy, Sicilies thuộc nước Ý, sinh năm 1812 và qua đời năm 1836.
Án phong Chân Phước cho vị Tôi Tớ Chúa là chị Maria Bolognesi giáo dân người Ý sinh năm 1924 và qua đời năm 1980.
Hai vị đã được nâng hàng Chân Phước do những phép lạ được nhìn nhận là nhờ lời chuyển cầu của hai vị.
Hai vị khác sẽ được nâng lên hàng Tôi Tớ Chúa vì các nhân đức anh hùng là linh mục Joaquim Rosello Ferra, người Tây Ban Nha, sinh năm 1833, qua đời năm 1909; và nữ tu người Ba Lan là chị Maria Teresa của Thánh Giuse, tục danh là Janina Kierocinska, sinh năm 1885 và qua đời năm 1946.
vietcatholic (Theo youtube)