VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi chầu Thánh Thể trọng thể từ 5 đến 6 giờ chiều chúa nhật 2-6-2013 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giờ chầu này được cử hành đồng thời tại các nhà thờ chính tòa và nhiều giáo xứ, cộng đoàn và tu viện trên thế giới, bất kể các múi giờ khác nhau. Như tại quần đảo Samoa trong Thái Bình Dương là 4 giờ sáng, Seul Nam Hàn là nửa đêm, Việt Nam là 10 giờ tối.
Đền thờ Thánh Phêrô đông chật các tín hữu. Trong số này có gần 20 Hồng Y và 20 GM, rất đông các nữ tu.
Giờ chầu bắt đầu bằng thánh ca Năm Đức Tin trong khi ĐTC tiến vào Đền Thờ. Tiếp đến một thầy Phó Tế mang Mình Thánh Chúa có các thầy giúp lễ tháp tùng lên bàn thờ chính và đặt vào Mặt Nhật, trong khi ca đoàn và cộng hát bài Adoro te devote (Lạy Chúa Giêsu, con sùng kính thờ lạy Chúa).
Buổi chầu được xen lẫn giữa những phút thinh lặng cầu nguyện riêng, những đoạn sách thánh, các đoạn sách trích lời ĐGH Gioan Phaolô 2, Gioan 23 và Biển Đức 16, cùng với những lời khẩn nguyện, sau cùng là bài ca Tantum Ergo và ĐTC ban phép lành Mình Thánh Chúa cho tất cả mọi người.
Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là Chủ tịch Ban tổ chức, cho biết ĐTC Phanxicô đã thêm những ý nguyện mà ngài mong muốn các tín hữu hiệp ý cầu trong giờ chầu Thánh Thể chung:
Ý nguyện thứ I là: ”Cầu cho Giáo Hội rải rác khép thế giới và ngày hôm nay được liên kết với nhau trong việc Thờ Lạy Mình Thánh Chúa. Xin Chúa ban cho Giáo Hội luôn vâng phục lắng nghe Lời Chúa để xuất hiện trước mặt thế giới ”ngày càng xinh đẹp, không vết nhăn và tỳ ố, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,28). Qua việc loan báo trung thành, ước gì Lời cứu độ của Chúa tái vang dội như Lời từ bi và thúc giục các tín hữu tái dấn thân trong tình thương để mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho đau khổ và tái lập niềm vui tươi và thanh thản”.
Ý nguyện thứ hai ĐTC đề nghị là:
”Cầu cho những người ở các nơi trên thế giới đang chịu đau khổ vì những thứ nô lệ mới và các nạn nhân của chiến tranh, của nạn buôn người, buôn bán ma túy, phải làm việc như nô lệ, cầu cho cac trẻ em và phụ nữ đang phải chịu mọi hình thức bạo hành. Ước gì tiếng kêu cứu âm thầm của họ được Giáo Hội tỉnh thức lắng nghe, để Giáo Hội ngắm nhìn Chúa Kitô chịu đóng đanh, nhưng không quên bao nhiêu anh chị em bị bỏ mặc cho bạo lực. Ngoài ra chúng ta hãy cầu cho tất cả những người ở trong tình trạng kinh tế bấp bênh, nhất là những người thất nghiệp, người già, người nhập cư, người không gia cư, các tù nhân và những người đang bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ước gì kinh nguyện và hoạt động tích cực của Hội Thánh an ủi và nâng đỡ họ trong hy vọng, là sức mạnh giúp họ can đảm bênh vực phẩm giá con người”.
G. Trần Đức Anh OP