Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Nhà Thương thánh Phanxicô Assisi tại Rio de Janeiro
Posted by Ban Biên TậpRIO DE JANEIRO. Chiều ngày 24-7-2013, ngày thứ 3 trong chuyến viếng thăm tại Brazil, ĐTC Phanxicô đã đến thăm bệnh viện thánh Phanxicô Assisi, gặp gỡ nhân viên y tế và đặc biệt là các bệnh nhân đang được chữa trị bệnh nghiện ngập.
Nhà thương thánh Phanxicô Assisi Chúa Quan Phòng có 500 giường, trong đó có một khu chuyên chữa trị những người nghiện ngập ma túy và rượu. Bệnh viện này cũng chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Một hiệp hội thánh Phanxicô quản trị nhà thương này còn Tu huynh Francisco Belloti, người sáng lập và giám đốc bệnh viện, trực tiếp điều hành các trung tâm cai nghiện và liên kết chúng thành một mạng bao gồm nhiều cộng đồng trị liệu.
Khi đến Nhà thương vào lúc 6 giờ 20 phút, ĐTC đã được đông đảo các bệnh nhân và gia đình họ cùng với các nhân viên bệnh viện nồng nhiệt tại khuôn viên. Bầu không khí thật phấn khởi mặc dù trời mưa. ĐTC đã tiến qua các lối đi để chào thăm, bắt tay nhiều người, và lắng nghe nhiều bài diễn văn chào mừng trong đó có chứng từ của hai bệnh nhân trẻ đang cai nghiện.
Huấn dụ của ĐTC
Ngỏ lời với mọi người trong dịp này, ĐTC mạnh mẽ lên án những tổ chức buôn bán ma túy, đồng thời khích lệ các bệnh nhân và xác quyết sự gần gũi chăm sóc của Giáo Hội dành cho họ. Ngài nói:
”Thiên Chúa đã muốn rằng những bước chân của tôi, sau Đền thánh Đức Mẹ Aparecida, đi tới một đền thánh đặc biệt nói lên sự đau khổ của con người, đó là Bệnh viện thánh Phanxicô Assisi. Ai cũng biết cuộc hoán cải của vị Thánh Bổn mạng của anh chị em: chàng trai Phanxicô từ bỏ giàu sang và sung túc của thế gian để trở nên người nghèo giữa người nghèo, Người hiểu rằng không phải của cải, tiền bạc, các thần tượng của thế gian này là sự giàu sang thực và mang lại niềm vui chân chính, nhưng chính là sự theo Chúa Kitô và phục vụ tha nhân; nhưng có lẽ người ta ít biết đến lúc tất cả những điều này trở thành cụ thể trong cuộc sống của thánh nhân: đó là lúc ngài ôm hôn người cùi. Người anh em đau khổ bị gạt ra ngoài lề ấy đã là ”người trung gian ánh sáng [..] cho thánh Phanxicô Assisi” (Thông điệp 'Ánh sáng đức tin', 57), vì nơi mỗi người anh chị em gặp khó khăn, chúng ta ôm lấy thân mình đau khổ của Chúa Kitô. Ngày hôm nay, tại đây, nơi chiến đấu chống lại sự nghiện nghập, tôi muốn ôm lấy mỗi người trong anh chị em, anh chị em là thân mình của Chúa Kitô, và tôi muốn cầu xin Chúa làm cho con đường của anh chị em và của tôi được tràn đầy ý nghĩa và và niềm hy vọng vững chắc”.
Ôm lấy. Tất cả chúng ta đầu cần học ôm lấy người đang ở trong tình trạng cần thiết, như thánh Phanxicô. Có bao nhiêu tình trạng ở Brazil và trên thế giới, đang cần được quan tâm, săn sóc, yêu thương, như cuộc chiến chống lại sự nghiện ngập ma túy. Nhưng thường trong các xã hội chúng ta, điều thịnh hành hơn, chính là sự ích kỷ. Bao nhiêu kẻ buôn bán chết chóc theo đuổi quyền bính và tiền bạc bằng mọi giá! Tệ nạn buôn bán ma túy, tạo điều kiện cho bạo lực và gieo rắc đau thương và chết chóc, đang đòi toàn thể xã hội phải có một hành vi can đảm. Không phải bằng cách cho tự do sử dụng ma túy, như người ta đang tranh luận tại nhiều nơi ở Mỹ châu la tinh, mà người ta có thể giảm bớt sự lan tràn và ảnh hưởng của sự nghiện ngập ma túy. Cần đương đầu với các vấn đề ở căn cội của việc sử dụng ma túy, bằng cách thăng tiến công bằng nhiều hơn, giáo dục người trẻ về những giá trị kiến tạo đời sống chung, tháp tùng những người đang gặp khó khăn và mang lại cho họ niềm hy vọng vào tương lai. Tất cả chúng ta đều cần nhìn tha nhân với đôi mắt yêu thương của Chúa Kitô, học cách ôm lấy người đang ở trong tình trạng cần thiết, để biểu lộ sự gần gũi, quí mến và yêu thương.
ĐTC nói thêm rằng:
”Nhưng ôm lấy mà thôi thì vẫn chưa đủ. Giơ tay ra cho người đang gặp khó khăn, cho người bị ngã vào bóng đêm của sự nghiện ngập, tuy không biết làm cách nào, và chúng ta hãy nói với họ: bạn có thể đứng lên, bạn có thể trỗi dậy, tuy khó khăn vất vả, nhưng nếu bạn muốn, thì bạn có thể. Các bạn thân mến, tôi muốn nói với mỗi người trong các bạn, và nhất là với bao nhiêu người đã có can đảm đi vào con đường như các bạn: Bạn chính là người giữ vai chính trong sự trỗi dậy, đi lên của bạn; đó là điều kiện không thể thiếu được! Bạn sẽ tìm được bàn tay giơ ra của người muốn giúp đỡ bạn, nhưng không ai có thể leo lên thay bạn. Dầu sao các bạn không bao giờ lẻ loi! Giáo Hội và bao nhiêu người khác đang gần gũi các bạn. Hãy tin tưởng hướng nhìn về đằng trước, hành trình của các bạn vừa dài vừa cam go, nhưng hãy nhìn về đằng trước, có ”một tương lai chắc chắn, ở trong một viễn tượng khác với những đề nghị ảo tưởng của các thần tượng thế gian này, nhưng viễn tượng ấy mang lại một đà tiến mới và một sức mạnh mới để sống hằng ngày” (Thông điệp ”Ánh sáng đức tin', 57). Tôi muốn lập lại với tất cả các bạn rằng: các bạn đừng để cho niềm hy vọng của mình bị tước đoạt mất! Nhưng tôi cũng nói: chúng ta tước mất hy vọng, trái lại tất cả chúng ta trở thành những người mang hy vọng!
Trong Phúc Âm, chúng ta đọc dụ ngôn Người Samaritano nhân lành, kể lại một người bị cướp tấn công và bỏ mặc bên vệ đường. Dân chúng đi qua, nhìn và không dừng lại, họ tiếp tục hành trình của họ trong thái độ lãnh đạm, vì không phải là việc của họ! Chỉ có người Samaritano, một người xa lạ, nhìn thấy, dừg lại, nâng người bị thương lên, giơ tay cho người bị thương và săn sóc họ (Xc Lc 10,29-35). Các bạn thân mến, tôi tin rằng ở đây, nơi bệnh viện này, dụ ngôn người Samaritano nhân lành đang được cụ thể hóa. Ở đây không có sự dửng dưng, nhưng có sự quan tâm; không có sự lãnh đạm, nhưng có tình thường. Hiệp hội thánh Phanxicô và hệ thống chữa trị nghiện ngập ma túy đang dạy cách cúi mình trên người đang gặp khó khăn vì nơi người ấy, họ nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô, vì nơi người ấy chính là thân mình của Chúa Kitô đang chịu đau khổ. Xin cám ơn tất cả các nhân viên đang dấn thân phục vụ ở đây, các bác sĩ và y tá; việc phục vụ của anh chị em thật là quí giá, anh chị em hãy luôn làm điều ấy với lòng yêu thương; đó là một việc phục vụ dành cho Chúa Kitô hiện diện nơi những người anh chị; Chúa Giêsu nói với chúng ta: ”Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ của Thầy đây, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).
Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi muốn lập lại với tất cả anh chị em là những người đang chiến đấu chống lại nạn nghiện ngập, với các thân nhân rằng anh chị em có một công tác không luôn luôn dễ dàng: Giáo Hội không xa lạ với những vất vả của anh chị em, nhưng thân thương tháp tùng anh chị em. Chúa gần gũi và dìu dắt anh chị em. Anh chị em hãy nhìn lên Chúa trong những lúc cơ cực nhất và Ngài sẽ ban cho anh chị em ơn an ủi và hy vọng. Và anh chị em cũng hãy tín thác nơi tình yêu thương từ mẫu của Mẹ Maria, Mẹ của Chúa. Sáng nay tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida, tôi đã phó thác mỗi người trong anh chị em cho trái tim Mẹ. Nơi nào có thánh giá phải vác, nơi đó luôn có Mẹ đứng cạnh chúng ta. Tôi phó thác anh chị em trong tay Đức Mẹ trong khi tôi thân ái chúc lành cho tất cả anh chị em.
Sau khi đọc kinh Lạy Cha với mọi người và ban phép lành, ĐTC đã làm phép bảng lưu niệm cho khu vực mới gồm 4 lầu của nhà thương chuyên giúp cai nghiện những người trẻ đang được hoàn thành với sự tài trợ của HĐGM Italia. Theo tổ chức Sức khỏe thế giới, những người nghiện ngập chiếm tới 3% dân số Brazil, và nguyên tại Rio có 6 ngàn người nghiện ma túy crack.
Tu Huynh Belotti cho biết chính ĐTC Phanxicô đã muốn đến nhà thương này, khi ngài nghe tên thánh Phanxicô Assisi. Công việc săn sóc những người bệnh nghiện ngập cũng là điều mà ngài đặc biệt quan tâm. Tại Brazil, cứ 25 người nghiện, thì chỉ có 1 người tìm được một chỗ chữa trị tại nhà thương.
Trước khi rời Nhà thương, ĐTC còn nói bằng tiếng Ý chào thăm đông đảo các bạn trẻ người Ý đang cùng với những người trẻ Brazil gốc Ý sinh hoạt chung tại Maracanhazinho cùng với các GM, suy tư về Chúa Giêsu và câu trả lời với Chúa. Ngài khích lệ họ hãy tín thác, lắng nghe và theo vết chân Chúa. ”Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, cả trong những lúc đen tối tất trong cuộc sống. Ngài chính là niềm hy vọng của chúng ta”.
G. Trần Đức Anh OP