Nhận định của Đức TGM Chaput về Thượng Hội Đồng
Posted by Ban Biên TậpAi cũng biết Đức TGM Chaput là người đứng đầu việc tổ chức cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới vào tháng Chín, năm 2015, một tháng trứơc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường lệ. Từ trước đến nay, hai cuộc hội ngộ này vốn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, vì cùng có một đối tượng là gia đình và cùng có sự hiện diện của vị đứng đầu Giáo Hội Hoàn Vũ là Đức Phanxicô. Chiều hướng của hai cuộc hội ngộ, vì thế, không thể nào khác biệt được.
Tuy nhiên, nhân khi nói chuyện trong chương trình Diễn Văn Erasmus 2014 tại New York, lời Đức TGM trả lời một câu hỏi liên quan tới Thượng Hội Đồng Đặc Biệt về Gia Đình đã khiến nhiều người không nghĩ vậy.
Hai nhà báo kỳ cựu là David Gibson của Religion News Service và Michael Sean Winters của The National Catholic Register cho rằng ngài đã “quạt” Thượng Hội Đồng vì cho rằng gây “hỗn độn”; mà “gây hỗn độn là việc của ma qủy”. Winters còn đi xa hơn cho rằng ngài ngấm ngầm tấn công cả Đức Phanxicô nữa, vì dù sao, Đức Phanxicô cũng là người chủ trì biến cố này.
Nhà báo John Allen thì cho rằng ai biết Đức TGM Chaput đều hiểu ngài là người có ý kiến mạnh mẽ trước nguy cơ muốn hội nhập nền văn hóa thế tục, và không ngần ngại nói lên các ý kiến này. Cho nên điều dễ hiểu là có người hoài nghi ngài không được thoải mái đối với những luồng gió mới của thời đại Phanxicô. Nhưng thực ra, Đức TGM Chaput là người rất trung thành với Đức Giáo Hoàng, cho nên bảo rằng ngài công khai chỉ trích Đức Phanxicô trong việc cổ vũ việc làm của ma qủy là điều không đúng.
Thực vậy, nếu đọc kỹ câu Đức TGM Chaput trả lời, ta sẽ thấy rõ ngài nói tới cung cách truyền thông trình bày Thượng Hội Đồng, chứ không nói tới chính Thượng Hội Đồng. Theo Matthew Schmitz của First Things, Đức TGM nói “một số lời có tính tiên tri” trong đó có lời sau đây về người nghèo:
“Nếu ta quên người nghèo, ta sẽ xuống hoả ngục. Nếu ta che mắt mình khỏi thấy các đau khổ của họ, ta cũng sẽ xuống hoả ngục. Nếu ta không làm gì cả để đỡ gánh nặng của họ: ta cũng sẽ xuống hỏa ngục. Làm ngơ các nhu cầu của người nghèo bên cạnh ta là cách chắc chắn nhất để tự đào một vực thẳm vô tâm giữa ta và Thiên Chúa, giữa ta và người lân cận”.
Thách thức thiêng liêng sé lòng đó chính là trọng điểm bài nói chuyện của Đức TGM Chaput, nhưng vì báo giới Mỹ không thích nghe nói tới các đau khổ của người nghèo cho bằng các cuộc tranh luận bất tận của người giầu về tính dục, nên những phát biều như trên không được tường thuật. Thay vào đó, họ lưu tâm tới nhận định của ngài đối với Thượng Hội Đồng về gia đình, và một vài người trong số họ đã hiểu sai câu trả lời của ngài.
Nguyên văn câu hỏi và câu trả lời của ngài như sau:
Một cử tọa: Cám ơn Đức TGM về bài diễn văn tuyệt vời của ngài. Con sẽ rất biết ơn nếu được Đức TGM nhận định về THĐ mới đây ở Rôma về gia đình.
Đức TGM Chaput: À, trước tiên, tôi không có mặt ở đó. Điều này rất quan trọng, vì cho rằng mình biết điều gì xẩy ra khi mnìh không ở đó là một điều khùng. Lấy thông tin từ báo chí là một lầm lẫn vì họ không biết đủ để hiểu nó ra sao mà tường thuật cho người ta chuyện gì đã xẩy ra. Tôi không cho rằng báo chí cố tình bóp méo, họ chỉ không có hiểu biết nền (backgrounds) chi cả để có khả năng lượng định sự việc. Trong một số trường hợp, họ còn là kẻ thù và chỉ muốn bóp méo Giáo Hội.
Nói như thế (để thấy rằng) tôi rất bối rối đối với những gì đã diễn ra. Tôi nghĩ: hỗn độn là (trò) của ma qủy, và tôi cho rằng hình ảnh công cộng được trình bày là một hình ảnh hỗn độn. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là việc thực sự đã diễn ra ở đó. Tôi rất mong được nghe Đức Cha Kurtz. Đức Cha Kurtz và Đức Cha của Pittsburgh theo nghi lễ Byzantine là hai vị giám mục Hoa Kỳ đại diện cho chúng ta tại đó. Đức HY Dolan ở đó và cả Đức HY Wuerl nữa vì các ngài là thành viên trong ban tổ chức THĐ. Nhưng chủ tịch mọi hội đồng giám mục của mỗi nước đều tham dự, và cả các vị đại diện Giáo Hội Đông Phương nữa. Chính vì thế Đức Cha Skurla của Pittsburgh cũng đã ở đó.
Tôi muốn được nghe các ngài. Sau đó, ông có thể hỏi tôi câu hỏi và tôi có thể cho ông câu trả lời tốt hơn. Bây giờ, tôi đọc về nó trong các “blogs” giống như ông. Quả Giáo Hội đã có một chủ trương rõ ràng về việc hôn nhân có nghĩa gì và ông không rước lễ ngoại trừ ông hiệp thông với các giáo huấn của Giáo Hội, còn hôn nhân đồng tính thì không thể có trong kế hoạch của Thiên Chúa và do đó không thể là một thực tại trong đời sống ta, Không có nghi ngờ gì về những điều ấy cả. Nhưng theo tôi, tuy nói những điều như thế, ta vẫn phải có lòng bác ái đối với những người không đồng ý với ta và chắc chắn ta phải chào đón người có tội vào Giáo Hội. Tôi cũng là một người tội lỗi, và họ vẫn thường chào đón tôi khi tôi tới các giáo xứ.
Tôi nghĩ ta phải nối rộng vòng tay hơn nữa đối với những người Công Giáo ly dị để họ đừng nghĩ rằng họ lập tức bị loại khỏi Giáo Hội chỉ vì họ đã ly dị và tái hôn. Một số người thậm chí còn cho rằng một khi đã ly dị, họ không còn được chào đón trong Giáo Hội nữa. Bởi thế, theo tôi, ta cần giải quyết não trạng này.
Chúng ta có lòng tôn trọng sâu xa đối với những người bị lôi cuốn đồng tính, nhưng ta không thể giả bộ mà cho rằng họ được chào đón do công trạng của họ. Không một ai trong chúng ta được chào đón vì công trạng của mình trong Giáo Hội cả; chúng ta được chào đón nhờ công trạng của Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của việc làm Kitô hữu, bạn tùng phục Chúa Giêsu và giáo huấn của Người, bạn không tái tạo học lý linh đạo của riêng bạn.
Trong căn bản, tôi không lo lắng chi vì tôi tin Chúa Thánh Thần vẫn đang hướng dẫn Giáo Hội. Phúc trình vào cuối (THĐ) chắc chắn tốt hơn phúc trình tạm thời nhiều, là phúc trình chỉ liệt kê các chủ đề đã được thảo luận.
Vũ Văn An (Theo vietcatholic)