Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 21 Tháng 11 2014 14:10

Quyền được quên: để lại tội lỗi nơi tòa giải tội

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quyền được quên: để lại tội lỗi nơi tòa giải tội

Phát biểu về “quyền được quên đi” tội lỗi sau khi xưng tội, Đức hồng y Mauro Piacenza nhấn mạnh rằng lòng thương xót của Thiên Chúa thực sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi trong quá khứ nếu chúng ta thực sự ăn năn vì đã phạm tội.

Đức hồng y Mauro Piacenza, Chánh án Toà Ân giải Tối cao, giải thích rằng nếu đã có quyền “phạt một ai đó phạm lỗi”, thì cũng có quyền “không để cho lỗi lầm của quá khứ làm thương tổn danh tiếng của người ấy mãi mãi”.

Theo L’Osservatore Romano, Đức hồng y Piacenza đã bế mạc hội nghị về “Bí mật của bí tích Giải tội và Tính riêng tư trong Mục vụ”, do Toà Ân giải Tối cao tổ chức tại Trụ sở của Toà Ân giải ở Roma vào ngày 13 tháng 11 vừa qua.

Đức hồng y giải thích: Trong trật tự công lý của Thiên Chúa, quyền được quên đi quá khứ tội lỗi này “luôn được hối nhân biết ơn, với cõi lòng khiêm tốn và ăn năn, khi họ đến với bí tích Hòa giải”.

Đức hồng y nói tiếp: Sau khi ban ơn tha thứ, “Thiên Chúa, là Đấng giàu lòng thương xót, không còn nhớ đến tội lỗi của hối nhân nữa, vì tội ấy đã được tình yêu bao la của Ngài xoá bỏ”.

Liên quan đến ấn toà giải tội, Giáo hội đã có rất nhiều kinh nghiệm qua nhiều thế kỷ và đã đề ra những “chuẩn mực chi tiết và nghiêm nhặt nhằm bênh vực và bảo vệ những gì chắc chắn phải được coi là bí mật tuyệt đối, vốn thuộc về mỗi cha giải tội”.

Đức hồng y Piacenza cũng cho biết các chuẩn mực này đã trở thành nền tảng cho các chuẩn mực của xã hội dân sự trong việc giữ bí mật thuộc nghề nghiệp.

Ngài cũng nêu bật các chủ đề khác được thảo luận trong hội nghị như tầm quan trọng của việc xưng tội và linh hướng như những phương tiện chính trong việc đào tạo thuộc các chiều kích cá nhân và nội tâm.

Các diễn giả khác tại Hội nghị đã tập trung nói đến nhu cầu của giới trẻ cần “được lắng nghe và hiểu được sự thật một cách đúng đắn, để được thương xót, hướng dẫn và giải thoát”.

Và Đức hồng y giải thích: Công lý “là một cách khác của Thiên Chúa tình yêu, nghĩa là, một cách khác mà Thiên Chúa muốn những điều tốt đẹp cho con người. Cần phải nhấn mạnh rằng khi Thiên Chúa thực thi công lý là Ngài đang yêu thương. Một trong những hình thức của yêu thương là tôn trọng công lý”.

(Minh Đức, WHĐ 20.11.2014/ CNA)

Read 1401 times