Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 19 Tháng 4 2019 08:09

Mặt trời hé mọc ( Thứ bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục sinh)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mặt trời hé mọc ( Thứ bảy Tuần Thánh, Đêm Vọng Phục sinh)


Mặt trời hé mọc
Lời Chúa: Mc 16, 1-8
Hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.

Suy niệm:

Sau hai buổi tối chờ đợi trong đau đớn và thấp thỏm lo âu,
sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa nhật của chúng ta,
những phụ nữ đến viếng mộ của Thầy Giêsu, và đem theo dầu thơm để xức xác.
Các bà đã đi theo và giúp đỡ Thầy từ hồi ở Galilê (Mc 15, 41).
Trong những ngày qua, họ đã lên Giêrusalem chứng kiến Thầy bị đóng đinh (15, 40).
và có người còn đến xem tận mắt chỗ mai táng Thầy (15, 47).
Chúng ta có thể cảm được nỗi đau nơi trái tim của những phụ nữ.

Nhưng sáng sớm hôm nay, mặt trời đã mọc, ánh sáng đã bừng lên.
Ai quên được chuyện bóng tối đã bao phủ khắp mặt đất ngay giữa trưa?
Bóng tối ngạo nghễ chiến thắng khi Thầy Giêsu chết trên thập giá.
Nhưng chuyện ấy đã qua rồi, hoàn toàn qua rồi.
Bây giờ là giờ của ánh sáng, của sự sống, của mặt trời đến thăm.
Thiên Chúa cho thấy sự hiện diện hùng mạnh của Ngài nơi vùng chết chóc.
Một tảng đá rất lớn che cửa mộ, ai sẽ giúp các phụ nữ yếu đuối này lăn ra?
Vậy mà vừa ngước lên nhìn, các bà thấy nó đã được lăn ra rồi (c. 4).
Thiên Chúa làm điều tưởng như không thể.

Các bà đi tìm xác Thầy thì không gặp, lại gặp một thiên thần
dưới dạng một thanh niên mặc áo trắng ngồi trong mộ (c. 5).
Thật là đáng sợ khi thấy sự linh thánh cao cả lại gần gũi mình đến thế.
Vị thiên thần này loan báo cho các bà Tin Mừng mà họ chẳng dám nghĩ tới.
Đây là việc Thiên Chúa đã làm cho Thầy của họ:
“Đức Giêsu Nadarét, Đấng đã bị đóng đinh, Đấng ấy đã được trỗi dậy rồi.”
Đấng là Con, đã khó nhọc xin vâng ý Cha trong vườn Dầu,
Đấng đã chấp nhận uống chén đắng, hiến mạng làm giá chuộc (Mc 10, 45),
Đấng có vẻ bị Cha ruồng rẫy khi chịu đóng đinh trên thập giá (15, 34),
Đấng ấy nay được Cha phục sinh, được Thiên Chúa nâng dậy rồi.
Xác Ngài không còn đây, đây chỉ là chỗ trước đây người ta đặt Ngài nằm.
Thiên Chúa đã bất ngờ chuyển thất bại thành chiến thắng cho Con của Ngài.
Ánh sáng đã thắng bóng tối, sự sống đã thắng sự chết,
tình yêu đã thắng hận thù, công lý và sự thật đã thắng bất công và dối trá.
Chiến thắng của Giêsu là chiến thắng của những người cùng thân phận như Ngài.
Đây là khởi đầu cho chiến thắng chung cục của Thiên Chúa vào ngày tận thế.

Vị thiên thần nhờ các bà nhắn giùm các môn đệ
về cái hẹn sau khi ăn bữa Tiệc Ly của Thầy Giêsu:
“Sau khi được trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (14, 28).
Bây giờ “Thầy đang đến Galilê trước các ông rồi…” (15, 7).
Nhưng theo thánh Marcô, các bà đã không nhắn, “họ chẳng nói gì với ai.”
Họ hoảng sợ, chạy trốn khỏi mộ, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía (c. 8).
Như thế các phụ nữ phần nào cũng giống các môn đệ, sợ hãi và trốn chạy.
Họ đã theo Thầy Giêsu đến tận cùng của cái chết bi đát,
nhưng họ lại hoảng sợ trước ngôi mộ trống, trước Tin Mừng Phục sinh.
Dầu vậy Thiên Chúa cũng thu xếp để Đấng phục sinh gặp lại các môn đệ.
nên cuộc hẹn gặp ấy không vì các phụ nữ mà bị đổ vỡ.

Làm sao ta không sợ hãi và chạy trốn trước việc đi loan báo Chúa Phục sinh?
Làm sao ta không chỉ dừng lại trước cửa mộ, trước cái chết của Chúa?
Mầu nhiệm Phục sinh thật là cao cả, nhưng mầu nhiệm ấy vẫn gọi ta đến gần.
Ta phải sống mầu nhiệm đó mới thực sự là sống mầu nhiệm Vượt Qua.
“Hãy về nói với môn đệ của Người…” (c. 7).
hãy về nói với thế giới quanh ta rằng Đức Giêsu phục sinh muốn hẹn gặp họ.
“Ở đó các ông sẽ thấy Người…”
Thế giới hôm nay cần thấy Đấng chịu đóng đinh, Đấng đang sống biết bao!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa phục sinh,

vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã phục sinh
nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Read 22714 times Last modified on Thứ sáu, 19 Tháng 4 2019 08:17