Ủy ban Giáo Hoàng về Đối thoại liên tôn: cần đối thoại hơn bao giờ hết
Posted by Ban Biên Tập
VATICAN. Ngày 22.4 vừa qua, Ủy ban Giáo Hoàng về Đối thoại liên tôn đã đưa ra bản tuyên bố liên quan đến việc đối thoại với Hồi Giáo, khẳng định rằng, bất chấp những biến cố tàn sát kinh hoàng hiện nay của nhóm Hồi Giáo quá khích, vẫn còn chỗ cho việc đối thoại với Hồi Giáo, trước hết bởi vì, đại đa số tín hữu Hồi Giáo không đồng nhất với nhóm khủng bố.
Tuyên bố cũng nói thêm rằng “thật không may, ngày nay, từ ‘sùng đạo’ thường bị gắn với từ ‘bạo lực’, trong khi các tín hữu phải chứng tỏ rằng các tôn giáo phải trở thành sứ giả của hòa bình, chứ không phải bạo lực.” “Giết người nhân danh tôn giáo không chỉ là chống lại Thiên Chúa mà còn là một sự thảm hại đối với nhân loại.”
Trong bối cảnh này, chúng ta được mời gọi để thắt chặt thêm tình huynh đệ và đối thoại. Các tín hữu đều có một khao khát tiềm ẩn hướng đến hòa bình nếu nhưng họ tin rằng con người được Thiên Chúa dựng nên và cả nhân loại là một gia đình duy nhất, và hơn thế, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu.
Dù đang phải trải qua bắt bớ, việc tiếp tục đối thoại có thể trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng. Các tín hữu không tìm cách áp đặt cái nhìn của mình trên nhân loại và trên lịch sử, nhưng cố gắng tôn trọng sự khác biệt, tự do tư tưởng và tôn giáo, bảo vệ nhân phẩm con người và tình yêu dành cho chân lý.
Tuyên bố cũng khuyên nhủ các tín hữu cần phải nhìn lại chất lượng của đời sống gia đình, phương pháp giáo dục tôn giáo và lịch sử, và các bài giảng trong các nơi phượng tự. Trên hết, gia đình và trường học là chìa khóa để đảm bảo rằng thế giới ngày mai sẽ được đặt nền trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình huynh đệ.
Hòa cùng với tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể nói rằng: “Bất cứ bạo lực nào được dùng để biện minh cho tôn giáo của mình đều bị kết án mạnh mẽ vì Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa của sự sống và hòa bình. Thế giới mong chờ những ai thờ phượng Thiên Chúa trở thành những con người của hòa bình, có khả năng sống với nhau như anh chị em, bất chấp sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và ý thức hệ.”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(theo Radio Vatican)