Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 02 Tháng 6 2018 06:59

VÌ MUÔN NGƯỜI ( Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)

Posted by 
Rate this item
(1 Vote)
 VÌ MUÔN NGƯỜI ( Chúa nhật Thường niên B – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô)


VÌ MUÔN NGƯỜI
Lời Chúa: Mc 14, 12-16.22-26
Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Ðức Giêsu: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?’ Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Ðang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.
Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.
Suy niệm:
Ðại lễ Vượt qua gần đến.
Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối
với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).
Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc.
Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng.
Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn:
bánh không men, rượu, chiên và rau đắng.
Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết
Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.
Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa.
Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc.
Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ
Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói:
“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”.
Ngài còn mời họ uống rượu và nói:
“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người”.
Như thế bánh rượu đã được biến đổi tận căn
để trở thành Mình Máu Chúa.
Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp
vào cái chết sắp đến của Thầy.
Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ,
và tấm thân Chúa bị nát tan.
Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần,
nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.
Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần,
nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế:
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly,
vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.
Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá.
Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại
để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.
Rước lễ là gặp gỡ Ðấng hy sinh chịu chết,
là kết hợp với Ðấng đã yêu đến cùng.
Ta được mời gọi sống như Ðấng ta lãnh nhận,
nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.
Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín,
khi ngày ngày rước lấy Ðấng đã chết vì muôn người.
Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng,
mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình,
nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.
Nhiều khi có một khoảng cách quá xa
giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.
Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu
sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ,
vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).
Mặt khác, càng say mê phục vụ con người,
ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Ðấng phục vụ.
Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình
để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.
Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh

Một tâm hồn trong trắng,
cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn
để luôn xứng đáng với Chúa.

Một tâm hồn khiêm hạ
tìm chiếm chỗ nhỏ bé,
nhưng luôn luôn muốn bày tỏ
một tình yêu lớn lao.

Một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến những phức tạp của ích kỷ,
và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

Một tâm hồn lặng lẽ,
hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình
không được người khác biết đến.

Một tâm hồn nghèo khó,
chỉ làm giàu cho mình
nhờ chiếm được chính Chúa.

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.
(Cha Galot)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Read 20287 times Last modified on Thứ bảy, 02 Tháng 6 2018 07:11