Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 21 Tháng 6 2015 17:31

Mười điều răn để cứu hành tinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mười điều răn để cứu hành tinh
Thông điệp “Chúc tụng Chúa” của Đức Phanxicô đã được công bố ngày thứ năm 18-6 ở Vatican. Tài liệu 190 trang này không phải chỉ để viết cho người công giáo.
 
Thông điệp “Chúc tụng Chúa” của Đức Phanxicô đã được công bố ngày thứ năm 18-6 ở Vatican. Tài liệu 190 trang này không phải chỉ để viết cho người công giáo. Đây là tiếng kêu muốn nói đến “với từng người trên hành tinh” này để “cứu quả đất bị tàn phá, bị hủy hoại do bệnh tật làm hư hại đất, nước, không khí và mọi sinh vật sống trên quả đất.”
 
Đây là tiếng gọi bức bách kêu gọi tất cả các nhà cầm quyền, các kinh tế gia, các tổ chức quốc tế, các tôn giáo phải có trách nhiệm để “xây dựng một tình liên đới toàn vũ mới” đối diện với tình trạng hư hoại của môi trường, với các đe dọa môi sinh, chiến tranh và tai ương thiên nhiên đè nặng trên tương lai nhân loại.
Đức Phanxicô đề nghị một “môi sinh toàn diện”. Theo ngài, khủng hoảng môi sinh toàn thế giới, nguồn nước bị đe dọa thiếu trầm trọng ở một số nơi, khí hậu nóng lên sẽ không giải quyết được nếu không có một chiến lược toàn diện, bao gồm giải pháp cho các vấn đề nghèo khổ và phát triển, đặt lại vấn đề các phương cách sản xuất bừa bãi theo lợi nhuận, phải có một cách sản xuất khác, một lối tiêu thụ khác, một lối sống đơn giản khác.
 
Và đây là 10 điều răn để cứu hành tinh mà Đức Phanxicô để lại cho chúng ta:
 
1.- Con chớ dửng dưng với thế giới  
“Quả đất là căn nhà chung nhưng gần như càng ngày nó đang càng biến thành nhà máy rác khổng lồ.”
“Trong quá khứ chúng ta chưa bao giờ xử tệ cũng như tàn phá quả đất như trong hai thế kỷ vừa qua.”
 
Chẩn đoán của Đức Giáo hoàng về sự “tăng cường vô độ nhịp sống và nhịp làm việc” là tàn nhẫn: thời trang trở nên điên rồ, sản xuất, phân phối, tiêu thụ biến dạng qua một loại hủy hoại môi trường liên tục, chất lượng sống càng ngày càng đi xuống, phát triển thì càng ngày càng “quá mức và mất trật tự”, các thành phố lớn thì càng ngày càng không thể ở được, con người cắt đứt mọi sợi giây liên kết, xã hội thì phân mảnh từng phần hoặc bị loại trừ, nguồn tài nguyên thì không phải ai cũng có quyền có được ngang nhau, càng ngày càng có nhiều hình thức mới của bạo lực và các mức độ khiêu khích.
 
Đức Giáo hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến sợi dây liên kết giữa sự xuống cấp của môi trường
và thảm họa hiện nay của người di dân:
 
“Sự gia tăng số người di dân để trốn nạn khốn cùng thì thật bi thảm. Theo công ước quốc tế, những di dân này không được công nhận như người tị nạn và họ mang trên người gánh nặng cuộc sống bị cuốn đi, không một bảo vệ hợp pháp nào. Và đau đớn thay, một sự dửng dưng toàn diện trước các thảm kịch này. Sự thiếu phản ứng là dấu hiệu chúng ta đã đánh mất ý nghĩa thế nào là trách nhiệm đối với người anh em mà trên họ, mọi xã hội văn minh đều xây dựng trên đó”.
 
Các giải pháp cụ thể đối với cơn khủng hoảng môi sinh vẫn có đó, nhưng than ôi, nó đi lui trước sự “dửng dưng toàn cầu”, trước sự liên kết của những thế lực lợi ích cực mạnh, trước sự “đầu hàng dễ dàng”, trước sự tin tưởng mù quáng của một tiến triển vô hạn định và trước sự tiến triển dài hạn và hữu ích mà ngài cố giải mã.
 
2.- Con chớ chống lại việc đấu tranh để khí hậu đừng nóng lên
 
“Nếu khuynh hướng hành động hiện nay vẫn tiếp tục, thì thế kỷ này sẽ là thế kỷ có những thay đổi khí hậu chưa từng có, một hủy hoại cũng chưa từng đối với các hệ thống môi sinh, với những hậu quả nặng nề cho tất cả chúng ta. Chẳng hạn mực nước biển dâng lên có thể tạo ra những tình thế cực kỳ nghiêm trọng vì một phần tư dân số thế giới sống bên bờ biển hoặc rất gần và đa số các thành phố lớn thường ở các vùng ven biển.”
 
Như thế, khí hậu nóng lên là sự đe dọa nặng nhất của hành tinh. Đức Phanxicô thanh toán sổ sách với những người “yếm thế về môi sinh”. Đối với ngài, không cho phép có một nghi ngờ nào: khí hậu nóng lên là do hoạt động của con người, quá tập trung vào khí nhà kiếng (nhất là dioxyd carbon, metan), “dùng quá độ” năng lượng hóa thạch, là trọng tâm của hệ thống năng lượng thế giới, là do nạn phá rừng. Đức Phanxicô đứng về phía ủng hộ cho việc dùng năng lượng khác thay thế hay năng lượng hóa thạch. Đứng trước nguy cơ phải đặt lại vấn đề các hệ thống môi sinh, nhân loại được kêu gọi phải “ý thức đến điều cấp thiết là phải thay đổi cách sản xuất, lối sống, lối tiêu thụ để chống lại việc khí hậu nóng lên hoặc ít nhất chống lại các nguyên do mà con người gây ra hoặc làm cho tiến độ nhanh hơn.”
 
3.- Con phải đem nước đến cho toàn thế giới
 
“Có được nước uống vệ sinh là quyền hàng đầu của con người, căn bản và chung hết, bởi vì nước quyết định cho sự sống còn của con người và do đó, nó là điều kiện để các quyền khác của con người được tôn trọng.”
 
Do hậu quả của khí hậu nóng lên, đã có những giai đoạn hạn hán, cạn nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, tất cả góp phần cho những đe dọa trầm trọng nhất. Đức Giáo hoàng đã nêu lên các khó khăn của một số nước, trong số đó có những nước kém may mắn nhất, đã không dễ dàng tìm được nước uống. Theo ngài, thế giới có một “món nợ xã hội” đối với người dân ở các nước này, họ không có được nguồn nước vì “bị bứt ra khỏi rễ của sự sống, trong nhân phẩm không chuyển nhượng của họ”. Chỉ trong vài thập niên tới, nạn khan hiếm nước và các cuộc đương đầu để kiểm soát nước sẽ có nguy cơ đẩy thế giới vào một trong những xung đột gay go nhất của thế kỷ này. Đức Phanxicô cũng lo ngại nạn ô nhiễm nước biển, nạn triệt giống của một vài sinh thái, đặc biệt là nạn phá rừng, nạn độc canh, nạn vứt các chất phế thải công nghệ và những “phương pháp hủy hoại” trong việc đánh cá.
 
4.- Con phải đặt người nghèo vào trọng tâm
 
“Khi chúng ta vứt thức ăn thì cũng giống như chúng ta đang lấy thức ăn trên bàn ăn của người nghèo.”
“Chúng ta phải nghe tiếng kêu của quả đất cũng như tiếng kêu của người nghèo.”
 
Tiến độ tiêu thụ hiện tại của những nước phát triển và nơi những người giàu nhất của xã hội cho thấy “thói quen tiêu thụ và vứt bỏ đã đến một mức chưa từng có”. Nhưng Đức Giáo hoàng không những chỉ tấn công đến sự phí phạm, và tiêu thụ một cách ích kỷ các nguồn tài nguyên của hành tinh, ngài còn đưa ra các nạn nhân chính: người nghèo.
 
Một tương quan với môi sinh không được tách ra khỏi tương quan xã hội
 
Đi theo đường hướng của một chủ trương “liên thế giới”, ngài cho thấy đấu tranh bảo vệ hành tinh phải đi đôi với đấu tranh chống bất bình đẳng trong sự phát triển kinh tế. Đó là sức mạnh của thông điệp: “Một tương quan với môi sinh không được tách ra khỏi tương quan xã hội”. Chống với một vài loại diễn văn “xanh”, ngài nhắc lại công lý quốc tế phải ở trọng tâm trong tất cả mọi cuộc thảo luận về môi trường.
 
“Không được đi quá giới hạn tối đa có thể khai thác được của hành tinh, nếu không chúng ta không giải quyết được nạn nghèo khổ. Những người bị gạt ra lề chiếm đa số dân của thế giới. Nếu chúng ta không xem họ chỉ là một thiệt hại phụ thêm thì họ phải có mặt trong các cuộc tranh luận, họ bị xem như khúc ruột dư, các vấn đề của họ gần như bị miễn cưỡng phải thêm vào hoặc bị gạt ra bên lề”
 
Những người quyết định, các trung tâm quyền lực, các phương tiện truyền thông thì ở xa người nghèo, người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, không tiếp xúc trực tiếp được. Những người quyết định này sống và suy nghĩ “từ tiện nghi của một mức độ phát triển và mức sống cao, không ở trong tầm tay của đại đa số người dân trên thế giới”. Vì không gặp gỡ, thiếu tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau nên “lương tâm của họ được bình yên, được che khuất khỏi thực tế qua những phân tích quanh co của họ”.
 
5.- Con chớ tin sự phát triển là vô tận
 
“Không một ai huyênh hoang cho rằng mình muốn trở về thời hang động, tuy nhiên chủ yếu là phải đi chậm lại để nhìn thực tế qua một cách khác, đón nhận các tiên tiến có tính tích cực và lâu bền, cùng một lúc thu hồi lại các giá trị và các cùng đích cao cả đã bị phá hủy trong cơn hoang tưởng cuồng nhiệt”.
 
Đức Giáo hoàng cũng tố cáo sự “có mặt khắp nơi của hệ biến hóa kỹ thuật”, theo đó tất cả vấn đề môi trường sẽ có một ngày được giải quyết bằng sự tăng trưởng lâu dài và tiến bộ kỹ thuật. Ngài viết, chúng ta chưa xem xét hết các cội rễ sâu xa của sự rối loạn hiện nay liên hệ đến định hướng, đến cùng đích, đến ý nghĩa và bối cảnh xã hội của sự tăng trưởng. Đúng vậy, khoa học và kỹ thuật không “trung lập”. Chúng ngắm đến các cơ chế có lợi nhuận mà không chú ý cho đủ đến các hệ quả tiêu cực. Kết quả là cả hai phía đều đi đến cảnh khốn cùng của nhân loại, phía giàu “siêu phát triển, siêu tiêu thụ, siêu phung phí” và phía nghèo “thường xuyên ở trong tình trạng nghèo khổ, dù có những chương trình trợ cấp xã hội.”
 
Vậy mà sự tin tưởng ngây thơ vào khả năng tăng trưởng vô hạn định, vào tiến bộ kỹ thuật đã đè nát mọi suy nghĩ kinh tế và chính trị. Đức Giáo hoàng dùng giọng mỉa mai khi nói về những người cho rằng sự tăng trưởng thị trường rồi sẽ giải quyết được mọi vấn đề của nạn nghèo đói. “Chính tự thị trường không bảo đảm cho một sự phát triển nhân bản toàn vẹn, cũng không làm hội nhập xã hội”, ngài viết. Phát triển toàn vẹn phải đấu tranh với tầm mức sản xuất hợp lý, một cách phân bố mới các tài nguyên, một cách cứu môi trường có trách nhiệm và các quyền cho các thế hệ tương lai.”
 
6.- Con phải cự lại mọi sức mạnh
“Tất cả những gì mong manh như môi trường vẫn chẳng có cách nào bảo vệ trước lợi ích của thị trường được xem là tiên là thánh, được biến đổi thành luật tuyệt đối”.
 
“Tại sao bây giờ chúng ta phải gìn giữ một quyền lực mà nó sẽ để lại trong lịch sử một ký ức về sự bất lực không can thiệp trong thời khắc cấp bách và cần thiết phải làm?”
 
Đối với giáo hoàng, sự hủy hoại môi trường, sự xuống cấp về mặt luân lý và nhân bản thì liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngài tỏ ra rất phê phán đối với các quyền lực kinh tế và chính trị, những quyền lực tiếp tục bảo vệ cho một hệ thống siêu tự do đặt “đầu cơ trục lợi và tìm lợi nhuận tài chánh lên hàng đầu”, bất kể đến một suy tư về những mệnh lệnh tối thượng của môi trường. Theo ngài, chúng ta đã không học các bài học của cơn khủng hoảng, các hệ thống tài chánh bóp nghẹt cơ sở kinh tế thực sự. Các “cuộc họp thượng đỉnh thế giới” thất bại vì các quyền lực kinh tế cự lại, vì các “dự án chính trị thiếu tầm vóc”.
 
Theo Đức Phanxicô, sự tuân phục của các nhà lãnh đạo chính trị vào kỹ thuật và vào hệ thống tài chánh, phải chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ trong việc rút tỉa các bài học về sự hủy hoại môi trường, cho việc áp dụng các phương cách để những người nghèo nhất có thể có được nguồn tài nguyên căn bản.
 
Sẽ không có hai cơn khủng hoảng tách biệt nhau, bên này là môi trường, bên kia là xã hội, không, hai cơn khủng hoảng là một.
 
“Điều căn bản là phải tìm các giải pháp toàn vẹn dựa trên tương tác của những hệ thống thiên nhiên với nhau và với hệ thống xã hội. Sẽ không có hai cơn khủng hoảng tách biệt nhau, bên này là môi trường, bên kia là xã hội, không, hai cơn khủng hoảng là một và đó là cơn khủng hoảng phức tạp vừa môi trường vừa xã hội. Các khả năng của một giải pháp đòi hỏi một tiếp cận toàn vẹn để chống lại nạn nghèo khổ, để mang nhân phẩm đến cho những người bị gạt ra khỏi lề và cùng một lúc để giữ gìn thiên nhiên.”
 
7.- Con phải nhận ra ơn nhưng không
 
“Khi chúng ta nghĩ đến tình trạng hành tinh mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai, chúng ta phải đi vào trong một lôgic khác, lôgic của ơn nhưng không mà chúng ta nhận và truyền lại. Nếu trái đất được trao tặng cho chúng ta thì chúng ta không còn được nghĩ chỉ có tiêu chuẩn duy nhất là thực dụng cho hiệu năng và cho sản xuất để có lợi nhuận cá nhân. Chúng ta không nói đến một thái độ lựa chọn nhưng nói đến một vấn đề nền tảng của công lý, bởi vì quả đất chúng ta được tặng cũng thuộc về những người đến sau chúng ta”.
 
Đối với Đức Giáo hoàng, cơn khủng hoảng môi sinh cũng là cơn khủng hoảng đạo đức, văn hóa, thiêng liêng của thời “hiện đại” này. Ngài nói, chúng ta không thể nói mình chăm sóc thiên nhiên và môi trường mà không khử độc các quan hệ nền tảng của con người. Cũng không giải quyết các cơn khủng hoảng môi sinh mà không suy nghĩ sâu đậm về sự phát triển của con người và các giá trị của nó. Chúng ta cũng không thể làm ngơ mà không biết thế giới tiêu thụ quá độ này cũng là thế giới đối xử tệ với đời sống dưới mọi hình thức, môi sinh toàn diện là môi sinh cắt đứt “với lôgic của bạo lực và của bóc lột”.
“Khi trong thực tế, chúng ta không biết giá trị của một người nghèo, của một bào thai, của một con người sống trong tình trạng khuyết tật thì chúng ta khó nghe được tiếng kêu của chính thiên nhiên. Tất cả đều liên hệ với nhau”.
 
8.- Con phải làm thuận lợi việc chuyển tiếp năng lượng
 
“Cho đến khi nào chưa có một phát triển các năng lượng có thể tái hồi, phát triển này đang được tiến hành, thì một cách hợp pháp, có thể chọn giải pháp ít gây hại nhất và có những giải pháp tạm thời”.
 
Đối với giáo hoàng – ngài không ám chỉ trực tiếp đến hội nghị về môi sinh sắp tới ở Paris -, một công ước cho toàn thế giới là điều khẩn cấp, nhằm phát triển  các hình thức năng lượng tái hồi và ít ô nhiễm, cổ động cho một năng lượng có hiệu năng tốt nhất, phát triển nông nghiệp đa dạng, quản lý thích ứng các nguồn lâm sản, thủy sản, đem nước uống đến cho tất cả mọi người. Đặc biệt ngài mong muốn thay thế dần dần, “nhưng không được chậm trễ”, việc sản xuất năng lượng dựa trên các chất đốt đã hóa thạch rất ô nhiễm như than đá, dầu hỏa và khí đốt.
 
“Chính trị và các công ty phản ứng chậm chạp không ngang tầm với các thách thức của thế giới. Vì thế nhân loại của thời hậu-công nghệ sẽ có thể bị xem như ở trong những thời vô trách nhiệm nhất của lịch sử, phải hy vọng rằng nhân loại của thời đầu thế kỷ 21 sẽ ở trong ký ức mọi thời là đã đảm trách một cách quảng đại các trách nhiệm trọng đại của nó”.
 
Đó là lời cầu xin thành khẩn của giáo hoàng, người tố cáo các trở ngại cho sự chuyển năng lượng, sự bất lực của cộng đồng quốc tế để tìm các thỏa hiệp thỏa đáng và để chỉ định những người phải hỗ trợ cho chi phí chuyển tiếp này. Ngài lấy làm tiếc khi thấy kinh tế và tài chánh liên quốc gia lấn lướt trên chính trị. Trong bối cảnh này, sự trưởng thành của các thể chế quốc tế phải trở nên cần thiết. Những cơ quan này phải mạnh hơn, hiệu quả hơn, với quyền uy được chỉ định bằng một hiệp ước giữa các chính quyền, để có thể ra án phạt.
 
9.- Con phải chấp nhận có sự giảm phát triển
 
Phải nghĩ đến việc tạm nghỉ
 
“Đứng trước sự gia tăng tham tàn và vô trách nhiệm đã xảy ra trong nhiều thập niên qua, cần phải nghĩ đến một thời gian lặng, ấn định một vài giới hạn hợp lý,  thậm chí còn phải đi lui trước khi quá trễ.”
 
Đức Giáo hoàng quá lo lắng cho những bất bình đẳng trong sự phát triển và số phận của người nghèo, cũng như nhiều nhà môi sinh khác, ngài khuyên một xã hội “giảm phát triển”. Nhưng ngài quá biết – và ngài tố cáo – loại diễn văn của sự tăng trưỏng lâu bền sẽ trở nên một “phương tiện tiêu khiển và biện minh để đóng khép lại các giá trị môi sinh trong lôgic của các cơ quan tài chánh và trong lôgic của chủ trương để kỹ thuật cầm quyền. Trách nhiệm đối với xã hội và môi sinh của các công ty thường gói gọn trong một loạt hành động khuyến thị và khuyến quảng cáo cho hình ảnh của mình”.
 
Thái độ của những người càng ngày càng tiêu thụ, càng ngày càng “hủy hoại” thì không thể chấp nhận được, trong khi có những người không thể sống một cách xứng đáng. Vì thế, Đức Giáo hoàng đoan chắc “đã đến lúc phải chấp nhận một hình thức giảm phát triển nào đó trong một số nước trên thế giới, đề ra các nguồn tài nguyên cho một sự tăng trưởng lành mạnh ở một số nơi khác”. Nói một cách khác, các xã hội đã phát triển kỹ thuật cao phải có thái độ ứng xử điều độ hơn, giảm nhu cầu năng lượng của mình và cải thiện cách xử dụng của mình.
 
10.- Con phải cổ động cho lối sống “hạnh phúc trong thanh đạm”
 
“Cơn khủng hoảng môi sinh là tiếng gọi cho một sự hoán cải môi sinh sâu đậm và nội tâm.”
 
“Trong Thánh Kinh, tất cả mọi sự đều nối kết, và sự bảo vệ đích thực cho chính đời sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều không thể tách ra được của tình huynh đệ, của công lý cũng như của lòng trung tín với người khác.”
 
Thông điệp của Giáo hoàng Phanxicô nhắm đến cả tín hữu lẫn người không tin để mọi người có cuộc hoán cải môi sinh. Ngài nhắc lại, theo sách Sáng thế, con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa và có sứ mệnh là “thống trị” quả đất và các tạo vật khác. Nhưng “thống trị trái đất” không có nghĩa là khuyến khích bóc lột man rợ, như thế con người vừa là người “thống trị vừa là người hủy diệt”. Đó là hiểu sai Kinh Thánh và hiểu sai tinh thần Do Thái-Kitô. Ngược lại, sứ mạng của con người là “vun trồng và gìn giữ trái đất”, có nghĩa là bảo vệ, cứu giúp, gìn giữ, chăm sóc, canh giữ thiên nhiên. Có một quan hệ hỗ tương trách nhiệm giữa con người và thiên nhiên. Điều này bao gồm một thay đổi tận căn các phương thức và lối sống của chúng ta.
 
Đức Phanxicô đặc biệt nhắm đến các tín hữu ít ý thức về sự khẩn cấp đối với các vấn đề của môi trường hoặc những người khó thay đổi thói quen. Ngài mời gọi họ cố gắng để bảo vệ thiên nhiên và có một đời sống “hạnh phúc trong thanh đạm”, theo công thức của nhà đấu tranh cho môi sinh và văn sĩ Pháp Pierre Rabhi. Theo ông, linh đạo Kitô đề nghị một tăng trưởng “qua lối sống thanh đạm và qua khả năng vui với một số ít điều mình có”. Nhắc lại Thánh Phanxicô Đaxi, Đức Phanxicô đề nghị quay về đời sống đơn giản, “đời sống cho phép chúng ta ngừng lại để thưởng thức những cái gì là nhỏ, để cám ơn những gì cuộc sống trao tặng, không bám dính vào những gì chúng ta có, cũng không buồn về những gì chúng ta không có. Điều này tránh được sự cuốn hút của thói thống trị và thú thích tích trữ”.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 20.06.2015/ 
slate.fr, Henri Tincq, 2015-06-18)

 

Read 1125 times Last modified on Thứ hai, 22 Tháng 6 2015 14:24