Khám phá cuộc đời Mẹ Teresa, từ một nữ tu thành một vị Thánh
Posted by Ban Biên TậpĐức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Mẹ Têrêsa sẽ được phong thánh cùng với ba vị chân phước khác vào gần cuối năm nay sau khi các phép lạ được nhìn nhận nhờ lời chuyển cầu của các ngài.
Mẹ Têrêsa đã nổi tiếng khắp thế giới ngay khi mẹ còn sống, và cả cho đến ngày nay, hàng chục năm sau khi mẹ đã qua đời. Nhưng mẹ là ai? Và mẹ đã nên thánh thế nào.
Mẹ Têrêsa sinh ngày 26 tháng 09 năm 1910, với tên gọi Anjezë Gonxhe Bojaxhiu, trong một gia đình gốc Albania tại Skopje, một tỉnh thuộc đế quốc Ottoman lúc bấy giờ, ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Macedonia . Ngay từ bé mẹ đã bị cuốn hút bởi tiểu sử của các vị thừa sai và bị thuyết phục sẽ dâng hiến đời mình cho sứ vụ thừa sai phục vụ Giáo Hội. Năm 1929 mẹ đã gia nhập dòng các nữ tu Loreto ở Ân độ với tên gọi Teresa và đã ở trong dòng này gần 20 năm, tham gia vào việc giảng dạy trong vùng Calcutta. Năm 1947 mẹ trở thành công dân Ấn độ.
Tuy vậy, cuộc đời mẹ đã thay đổi trong một chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling vào năm 1946. Từ lâu mẹ đã quan tâm đến sự nghèo khổ cùng cực ở Calcutta. Lúc này, thình lình mẹ cảm thấy như được gọi để phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo và sống cùng với họ để chăm sóc họ. Để phục vụ cho mục đích này, sau khi được huấn luyện căn bản về y khoa, mẹ đã mở trường học đầu tiên của mẹ vào năm 1949. Một năm sau, mẹ được Vatican cho phép lập một dòng mới vơi tên gọi “các thừa sai bác ái”. Từ khởi đầu bé nhỏ như thế, các thừa sai bác ái đã phát triển thành một dòng với hơn 4000 nữ tu, điều hành và phục vụ trong các bệnh viện, nhà cư tru, trại mồ côi và trường học trên khắp thề giới.
Mẹ Teresa đã không sợ đặt mình trong những cách thức nguy hiểm để phục vụ những người xung quanh mình. Mẹ đã làm trung gian cho cuộc đình chiến tạm thời giữa quân đội Israel và các chiến binh Palestin trong cuộc bao vây Beirut vào năm 1982. Nhờ cuộc đình chiến này mà 37 trẻ em đang ở trong các bệnh viện nằm trong làn tên lửa đạn được cứu sống. Mẹ được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1979. Mẹ đã nhận giải thưởng nhưng đề nghị không tổ chức bữa tiệc mừng, thay vào đó số tiền sẽ được dùng để giúp nhũng người nghèo ở Calcutta.
Dù cho làm nhiều việc bác ái như thế, mẹ Teresa vẫn phải chiến đấu rất nhiều trong đời sống đức tin; mẹ cảm thấy như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa và không thể tìm thấy Người trong cuốc sống. Những người tham gia vào việc cổ võ cho việc phong thánh cho mẹ đã so sánh cuộc chiến nội tâm này của mẹ, điều mẹ gọi là “đêm tối”, với tiếng kêu của Chúa Giê su trên thập giá “Lạy Chúa của con, Chúa của con, sao Ngài bỏ con?”
Ngay sau khi mẹ Têrêsa qua đời vào năm 1997, người ta đã bất đầu hồ sơ phong chân phước cho mẹ, điều mà lẽ ra chỉ được tiến hành 5 năm sau ngày qua đời. Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chuẩn chước quy luật này và phong chân phước cho mẹ sau khi nhìn nhận phép lạ mẹ đã thực hiện để chũa lành một người đàn ông người Ấn độ bị ung thư.
Sau khi nhìn nhận sự khỏi bệnh kỳ diệu của một người Brazil bị ung thư nhiều bộ phận, nhờ lời cầu khẩn mẹ Têrêsa của cha sở của anh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho mẹ vào ngày 4 tháng 9 năm nay, là ngày kết thúc Năm thánh Lòng Thương xót cho những nhân viên và các thiện nguyện viên làm việc từ thiện. (RV 15/03/2016)
(Hồng Thủy OP., RadioVaticana 16.03.2016)