ĐTC Phanxicô: Không tôn thờ và phục vụ các thần tượng
Posted by Ban Biên Tập
Thế giới ngày nay cho con người nhiều thứ thần tượng, đó có thể là những đối tượng, ý tượng, hình ảnh, và những thứ thần tượng này biến con người thành nô lệ.
“Để có thể yêu thương cần phải tự do, không nô lệ các thần tượng, không thờ lạy và phục vụ chúng. Thần tượng là một dự phóng của chính mình trong các sự vật và các dự án, khiến cho người ta bị mù lòa, hy sinh mọi sự cho lợi lộc, làm hư hại cuộc sống, tàn phá gia đình, và bỏ bê giới trẻ cho các mô thức phá hoại…”. ĐTC Phanxicô đã nói thế với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ, ĐTC khai triển đề tài: “Ngươi sẽ không có các thần nào khác trước mặt Ta” (Xh 20,3) và ngài giải thích tội tôn thờ thần tượng, rất thời sự ngày nay.
Đâu là Thiên Chúa thật của tôi?
ĐTC nói: Giới răn cấm làm các thần tượng hay hình ảnh của mọi loại thực tại; thật thế mọi sự có thể được dùng như thần tượng. Chúng ta đang đề cập tới một khuynh hướng của con người, không tha cho các tín hữu cũng như người vô thần. Chẳng hạn là các kitô hữu chúng ta có thể tự hỏi: đâu là Thiên Chúa thật của tôi? Đó là Tình Yêu Duy Nhất và Ba Ngôi hay là hình ảnh của tôi, sự thành công cá nhân của tôi, kể cả thành công trong lòng Giáo Hội nữa? Tội tôn thờ thần tượng không chỉ liên quan tới các việc phụng tụ giả dối của ngoại giáo. Nó là một cám dỗ thường xuyên của đức tin. Nó hệ tại việc thần thánh hóa điều không phải là Thiên Chúa” (GLCG, 2113). Một vị thần trên bình diện hiện sinh là gì? Một vị thần cho tất cả mọi ngày, vị thần của chúng ta, vị thần… Nó là điều ở trung tâm cuộc sống, và điều khiến cho ta nghĩ tùy thuộc nó. Người ta có thể lớn lên trong một gia đình Kitô một cách bình thường nhưng trên thực tế lại tập trung vào các điểm quy chiếu xa lạ với Tin Mừng. Con người không sống mà không tập trung vào một điều gì đó. Và khi đó thế giới cống hiến cho nó “siêu thị” các thần tượng, có thể là các sự vật, các hình ảnh, các tư tưởng, các vai trò.
Chẳng hạn cả việc cầu nguyện nữa. Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
ĐTC nhớ tới một lần đi đến một giáo xứ nọ để dâng lễ và ban phép Thêm Sức tại một giáo xứ khác cách đó một cây số. Ngài đã đi bộ qua một công viên đẹp. Trong công viên có hơn 50 cái bàn nhỏ với hai cái ghế và người ta ngồi trước mặt nhau để coi bói. Ngài cho rằng đây cũng là việc tôn thờ thần tượng của thời đại này. Thay vì cầu khẩn Thiên Chúa, là sự quan phòng tương lai thì nhiều người đã dựa trên các lá bái để thấy tương lai. ĐTC nhận định: Đây là sự khác biệt: Chúa sống động; các thứ khác là các thần tượng, tôn thờ thần tượng không có ích gì.
Việc tôn thờ thần tượng phát triển như thế nào? Giới răn miêu tả với các câu: “Ngươi sẽ không làm cho mình thần tượng cũng như hình ảnh. Ngươi sẽ không phủ phục trước chúng và sẽ không phục vụ chúng” (Xh 20,4-5).
Từ “thần tượng” trong tiếng Hy Lạp phát xuất từ động từ “trông thấy”. Một thần tượng là một “thị kiến” hướng tới chỗ trở thành một yên trí, một ám ảnh. Thần tượng thật ra là một dự phóng chính mình nơi các sự vật hay các dự án. Người ta dùng quảng cáo cho sự năng động này: tôi không trông thấy sự vật trong nó, nhưng tôi nhận thức cái xe đó, cái smartphone đó, vai trò đó - hay các sự vật khác - như là một phương tiện để thực hiện chính tôi, và đáp trả lại các nhu cầu nòng cốt của tôi. Tôi tìm kiếm nó, nói về nó, nghĩ tới nó; tư tưởng chiếm hữu sự vật đó hay thực hiện dự án đó, đạt tới địa vị đó, xem ra là một con đường tuyệt diệu cho niềm hạnh phúc, một cái tháp giúp đạt tới trời (x. St 11,1-9) và tất cả phục vụ mục đích ấy.
Các thần tượng cướp mất sự sống
Với câu “Ngươi sẽ không phủ phục trước chúng”, ĐTC giải thích điểm này như sau:
Các thần tượng đòi hỏi một việc phụng tự, đòi hỏi các lễ nghi. Người ta quỳ lạy chúng và hy sinh mọi sự. Vào thời xa xưa, người ta sát tế người cho các thần tượng, nhưng cả ngày nay nữa người ta hy sinh con cái cho công danh của mình, bằng cách lơ là với chúng hay một cách đơn sơ chỉ sinh ra chúng thôi… Sắc đẹp đòi hỏi các hiến tế người. Biết bao nhiều giờ phải ngồi trước gương. Vài người, vài phụ nữ mất thời giờ để trang điểm… Và đây cũng là tôn thờ thần giả. Nhưng trang điểm có phải là điều xấu đâu! Nó là chuyện bình thường, không phải để trở thành một nữ thần.
Sắc đẹp đòi hỏi các hiến tế người; danh vọng đòi sát tế chính mình, sát tế sự vô tội và sự liêm chính của mình. Các thần tượng đòi hỏi máu. Tiền bạc ăn cắp sự sống, và khoái lạc đưa tới sự cô đơn. Các cơ cấu kinh tế hy sinh mạng sống con người cho các lợi ích lớn hơn.
Chúng ta có nghĩ tới biết bao nhiêu người không có việc công ăn việc làm không? Tại sao các giới doanh thương của doanh nghiệp, của hãng xưởng đó đã lại quyết định bỏ, đuổi công nhân để kiếm tiền lời. Đó là thần tượng tiền.
Người ta sống trong giả hình bằng cách làm và nói điều người khác chờ đợi, bởi vì ông thần của sự tự khẳng định áp đặt như thế. Và thế là người ta làm hư hỏng đời sống, phá tán các gia đình, và bỏ rơi ngưởi trẻ cho các mô thức hủy hoại, miễn là được thêm lời. Cả ma túy cũng là một thần tượng. Có biết bao nhiêu người trẻ tàn phá sức khỏe, cho tới mạng sống, khi tôn thờ thần ma túy.
Thần tượng biến con người thành nô lệ
Các thần tượng nô lệ hóa. Chúng hứa hẹn hạnh phúc nhưng lại không trao ban nó; và người ta rơi vào chỗ sống vì điều đó hay quan niệm đó, bị nắm bắt trong một lốc xoáy tự hủy diệt, trong việc chờ đợi một kết quả sẽ không bao giờ tới.
Cũng theo ĐTC, các thần tượng hứa hẹn sự sống, nhưng trong thực tế chúng lấy mất đi sự sống. Thiên Chúa thật không đòi hỏi sự sống, nhưng trao ban sự sống, ngài hiến tặng sự sống. Thiên Chúa thật không cống hiến một dự phóng sự thành công của chúng ta, nhưng dạy chúng ta yêu thương. Thiên Chúa thật không đòi con cái, nhưng trao ban Con Ngài cho chúng ta. Các thần tượng dự phóng các giả thiết tương lai, và khiến chúng ta khinh rẻ hiện tại; Thiên Chúa thật dạy chúng ta sống trong thực tại của ngày hôm nay, cụ thể, chứ không phải với các ảo ảnh về tương lai: hôm nay và ngày mai và ngày mốt bằng cách bước tới tương lai. Sự cụ thể của Thiên Chúa thật chống lại cái lỏng lẻo của các thần tượng.
Cuối cùng, ĐTC đã mời gọi mọi người suy tư bằng câu hỏi: “Tôi có bao nhiêu thần tượng hay đâu là thần tượng ưu tiên của tôi?”
Linh Tiến Khải
Nguồn: Đài Vatican