Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 19 Tháng 8 2019 16:42

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (19/8) tới CN XXI-TN Năm C (25/8)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (19/8) tới CNXXI-TN Năm C (25/8)

 

Lm Giuse BCD, SJ


I.Tin Mừng Mt 19:16-22 (Thứ 2, XX-TN)

(16) Khi ấy, có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" (17) Ðức Giêsu đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn". (18) Người ấy hỏi: "Ðiều răn nào?" Ðức Giêsu đáp: "Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. (19) Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình". (20) Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?" (21) Ðức Giêsu đáp: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". (22) Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện rằng có một người thanh niên đến gặp Đức Giê-su để hỏi về việc được hưởng sự sống đời đời. Bạn thử đặt mình vào vị trí của người thanh niên trong đoạn TM này (Mt 19:16-22) và hỏi Đức Giê-su về những điều liên quan đến sự sống, đến ơn gọi của bạn, và lắng nghe cuộc đối thoại giữa Ngài và con tim bạn, bạn nhé!

Ngay câu đầu tiên của đoạn TM hôm nay, chúng ta thấy có một chút khác biệt giữa các trình thuật của TM Nhất Lãm. Thánh Mát-thêu trình thuật lại câu hỏi của người thanh niên rằng "thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?" (Mt 19:16), còn thánh Mác-cô và Luca thì nói: "Thưa Thầy nhân lành , tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Mc 10:17, Lc 18:18) Điểm khác biệt mấu chốt trong Tin Mừng Nhất Lãm hệ tại ở từ "tốt", "tôi phải làm gì tốt "! Đức Giê-su trả lời rằng "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi", rồi Người nói thêm: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình" (Mt 19:18-19). Dường như Đức Giê-su muốn kiểm tra anh về tình yêu anh dành cho Thiên Chúa, bởi vì các điều răn này đều hướng về con người, về cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau. Nếu con người cư xử tốt với nhau, thì điều đó chứng minh rằng họ đang yêu mến Thiên Chúa.

Anh thanh niên trả lời: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?" Đây là một mẫu người lý tưởng. Nếu trong thời đại hôm nay còn tìm thấy những con người như thế này thì quả thực xã hội chúng ta đang sống sẽ tốt đẹp biết bao. Phần tôi, tôi không dám trả lời trước Chúa như anh thanh niên này.

Một nét đẹp khác của người thanh niên là anh đã không dừng lại ở chỗ "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, ..." nhưng anh còn hỏi thêm "tôi còn thiếu điều gì nữa không? " Anh quả là một mẫu người dũng cảm, đạo đức, sốt sắng và có tinh thần cầu tiến hướng tới sự thiện hảo tuyệt đối. Đức Giê-su đã trả lời anh rằng "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19:21). Như thế, đối với Đức Giê-su, để nên hoàn thiện, con người cần có một thái độ từ bỏ những gì ràng buộc bản thân mình, làm cho họ quyến luyến lệch lạc, nghĩa là không thể đặt Chúa làm cứu cánh của đời họ, không thể tín thác hoàn toàn vào Chúa. Tiền bạc, danh vọng và gia nghiệp trần thế... là những thứ dễ làm cho con người bị quyến luyến lệch lạc nhất, dễ làm con người quên mất Đấng Nhân Lành, Đấng con người phải tôn thờ, ngợi khen và phụng sự.

Người thanh niên đã sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi. Để nên hoàn thiện như lời Chúa mời gọi, sao khó thế?! Sống đạo đức như người thanh niên đã khó, để nên hoàn thiện càng khó hơn. Có thể nói "sự hoàn thiện" mà Chúa muốn con người đạt tới chính là "sự thánh". Người hoàn thiện là một bậc thánh nhân. Ơn gọi của mỗi người Ki-tô hữu là nên thánh. Để nên thánh, người Ki-tô hữu cần trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô. Để có thể đồng hình đồng dạng với Người, các Ki-tô hữu cần có ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc siêng năng dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện, làm việc bác ái... và lòng tin yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa, luôn nài nỉ lòng thương xót và ơn sủng của Người trong cuộc sống mỗi ngày nơi dương gian này.

Thực vậy, chúng ta hãy để ý câu hỏi đầu tiên của người thanh niên và câu trả lời đầu tiên của Đức Giêsu: "Tôi phải làm gì tốt ?" - "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi". Chúng ta chỉ có thể làm được điều tốt nhờ vào sự tốt lành của Thiên Chúa mà thôi. Nếu không có ơn Chúa, không có tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, mãi mãi chúng ta chỉ là những tạo vật thấp hèn và xấu xa, không thể vươn xa và chạm tới sự Chân-Thiện-Mỹ-Thánh.

Đâu là điều Tốt chúng ta nên làm để được hưởng sự sống đời đời? Chúng ta có dám trả lời trước Chúa như người thanh niên trong đoạn Lời Chúa hôm nay không? Đâu là những trở ngại khiến chúng ta không thể sống giáo huấn của Chúa? Chúng ta cần làm gì được càng ngày càng sống gần với Chân Thiện Mỹ hơn, nhờ đó có thể đạt tới sự Thánh?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 19:23-30 (Thứ 3, XX-TN)

(23) Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. (24) Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa".(25) Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?" (26) Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được". (27) Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (28) Ðức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen. (29) Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp. (30) Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu".

Bạn thân mến,

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt 19:23-30) liền kề đoạn TM hôm qua (Mt 19:16-22) kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người thanh niên giàu có. Lời Chúa hôm nay như một lời giải thích của Đức Giê-su cho vấn nạn "giàu có" của con người. Chúng ta nên hiểu sự "giàu có" như thế nào để dù nghèo khó hay giàu có chúng ta đều tìm gặp niềm vui Nước Trời và sự sống đời đời.

Thực tế, sự "giàu có" Đức Giê-su đề cập tới không phân biệt trạng thái giàu có hay nghèo khó của mỗi người. Nghĩa là rất có thể những người đang nghèo khó lại là những kẻ "giàu có" dưới cái nhìn của Đức Giê-su.

"Giàu có" chính là tình trạng con người không đặt Chúa làm trung tâm và cứu cánh của đời mình. Họ cậy dựa vào sức riêng của họ, không tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa. Họ xem của cải vật chất cao trọng hơn Chúa, sẵn sàng dùng tiền của để thao túng mọi sự. Ngày nay Giáo Hội đang phải đối diện với vấn nạn này. Số là, có một đôi nam nữ muốn kết hôn. Người nam không theo Đạo Công Giáo. Còn người nữ là con cái của Hội Thánh Công Giáo. Cứ lẽ thường, hai người này muốn thành hôn và không vi phạm Luật Hội Thánh, họ phải cử hành Nghi Thức Hôn Phối trong Nhà Thờ Công Giáo dưới sự chứng giám của một Linh mục (hoặc Phó tế) và cộng đoàn dân Chúa, cũng như có Phép Chuẩn Hôn Nhân khác tôn giáo của Giám mục địa phương. Trước khi cử hành Nghi Thức này, họ cần trải qua một giai đoạn chuẩn bị, nghĩa là được Giáo Hội giảng dạy về Giáo lý Hôn Nhân để sống đời hôn nhân tốt hơn. Kết thúc khóa học này, họ được Giáo Hội cấp cho một chứng chỉ đã hoàn thành giai đoạn Dự Bị Hôn Nhân. Vì thế, để không mất thời gian và vì muốn cưới gấp, phía người nam đã tìm cách hỏi han về việc mua chứng chỉ Dự Bị Hôn Nhân. Như chúng ta biết, làm gì có chuyện này trong Đạo Công Giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến Bí Tích và Đời Sống Hôn Nhân Gia Đình. Rõ ràng đây là hiện tượng nhắc nhở chúng ta về hệ lụy của sự "giàu có".

Vậy, người nghèo có thực sự không phải là người "giàu có" không? Ai cũng có thể vướng vào tình trạng "giàu có" này. Làm thế nào để chúng ta thực sự là những người nghèo trước Chúa? Phải chăng trong từng giây phút, từng sự kiện và biến cố diễn ra trong đời, chúng ta cần có một thái độ và một lựa chọn thuộc về Chúa, quy hướng về Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự, dù đó là sự sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, sự nghiệp của chúng ta, v.v.?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 20:1-16 (Thứ 4, XX-TN)

(1) Khi ấy, Chúa Giêsu kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. (2) Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng". (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?" (7) Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi". Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất". (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12) "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?" (16) Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. ["Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít".]

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện dụ ngôn Thợ Làm Vườn Nho của Chúa Giê-su như một cách thức diễn tả về sự công bằng của Thiên Chúa. Khi đọc đoạn Lời Chúa hôm nay, chắc hẳn có không ít người đặt câu hỏi về việc phải hiểu sự công bằng này như thế nào!

Câu chuyện dụ ngôn kể về việc có một ông chủ đi mướn thợ vào làm vườn nho của mình. Ông đi ra chợ lao động lúc sáu giờ sáng (giờ thứ nhất trong ngày của người Do Thái) để thuê thợ. Cứ ba tiếng một lần, ông ra chợ kêu thêm thợ vào làm vườn nho. Đến năm giờ chiều (tức giờ thứ mười một) vẫn có những người chưa kiếm được công việc và cũng được ông chủ vườn nho mời vào làm việc. Đến khi trả công, người làm việc lúc năm giờ chiều và sáu giờ sáng đều lãnh được tiền lương công nhật như nhau, tức là một quan tiền. Vì lẽ đó, những người làm việc lúc sáu giờ sáng tức tối trong lòng và than trách ông chủ, có vẻ như ông chủ trả lương một cách bất công. Tuy nhiên, ông chủ không hề bất công. Vậy, cần hiểu sự công bằng của ông chủ như thế nào?

Sự công bằng của ông chủ vườn nho dựa trên lòng thương xót, tình yêu dành cho người đồng loại. Một sự công bằng siêu việt, khác với sự công bằng của thế gian. Ông chủ nhìn những người không có công ăn việc làm và thương xót họ, muốn giúp đỡ họ bằng chính sức khỏe và nỗ lực của bản thân họ.

Xa hơn nữa, qua câu chuyện dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn gửi tới chúng ta một thông điệp, đó là tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ đồng đều trên mọi người, dù họ là dân riêng hay dân ngoại, dù họ mới tin vào Thiên Chúa hay đã tin vào Người từ khi vừa lọt lòng mẹ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đừng áp đặt tư tưởng của mình lên trên tư tưởng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa biết Người cần làm gì để đem lại hạnh phúc đích thực cho con người và Thiên Chúa biết nhu cầu của từng người ra sao.

Bạn thân mến, bạn hiểu sự công bằng của Thiên Chúa như thế nào? Có bao giờ bạn than trách Chúa đối xử không công bằng chưa? Bạn có nhận thấy Chúa rất công bằng và sự công bằng của Người chan chứa tình yêu và sự bao dung?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Lc 1:26-38 (Đức Maria Nữ Vương, Lễ nhớ 22/8, Thứ 5 Sau CNXX-TN)


(26) Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, (27) gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
(28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. (29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
(30) Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
(34) Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"
(35) Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
(38) Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Đức Maria Nữ Vương, Đấng trung gian tối cao của ân sủng. Lễ này được mừng một tuần sau Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời như một xác tín của Giáo Hội về sự vinh thắng của Mẹ Maria, trở nên Nữ Vương Thiên Đàng. Lời Chúa hôm nay như khẳng định cho chúng ta nghiệm thấy rõ điều đó, vì "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1:37) và cũng giúp chúng ta chiêm ngắm sự chuẩn bị chỉn chu của Thiên Chúa trong kế hoạch tái tạo và cứu chuộc tràn đầy tình yêu của Người.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cho chúng ta nghe cuộc đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gábrien, còn gọi là biến cố Truyền Tin. Biến cố này cũng diễn tả một đời sống cầu nguyện đích thực của Mẹ Maria, một con người luôn biết đối thoại với Thiên Chúa, và giúp chúng ta chiêm ngắm sự chuẩn bị tuyệt vời của Thiên Chúa để thực hiện lời hứa cứu chuộc dành cho tổ phụ Ápraham và con cháu của ngài.

Sự chuẩn bị cho kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa khá dài và phức tạp. Khi tổ tiên loài người phạm tội mất lòng Thiên Chúa, con người sẽ phải đối diện với đau khổ, bệnh tật và chết chóc, nhưng Thiên Chúa không bao giờ lìa xa con người, chẳng thể giữ mãi cơn giận, ngược lại Người luôn muốn cứu con người và mong muốn con người được sống hạnh phúc trong vương quốc của Người. Thế là Thiên Chúa đã tuyển chọn Ápraham, rồi Môsê, các thủ lãnh (Saun, Đavít, Salômôn...) và các ngôn sứ, v.v.. Những người được Thiên Chúa tuyển chọn đều không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện, công chính..., nhưng lại giúp cho kế hoạch yêu thương của Người tới hồi viên mãn. Đó là lý do sứ thần của Thiên Chúa quả quyết: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1:37).

Khi thời gian tới hồi viên mãn, ba trăm năm không có ngôn sứ vì sự cứng lòng và tội lỗi của nhân loại, Thiên Chúa đã phải sai Con Một của Người xuống thế gian làm người và sống giữa con người để giúp con người được gần với Thiên Chúa nhất, hiểu tình yêu diệu vời của Người hơn và nhận ra rằng Thiên Chúa luôn yêu thương và luôn muốn con người được sống hạnh phúc. Để chuẩn bị cho Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, Thiên Chúa đã chọn Dacaria để sinh ra thánh Gioan Tiền Hô làm người dọn đường cho Đấng Mêxia, và chọn một người nữ hoàn hảo nhất thế gian này làm người mẹ của Con Thiên Chúa để người nữ đồng hành với Con Thiên Chúa trong suốt những ngày Người thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó. Sau ngày hoàn tất nhiệm cục cứu chuộc tội lỗi loài người, Con Thiên Chúa đã toàn thắng tội lỗi, sự chết và sự dữ, để làm Vua tâm hồn con người, Vua muôn vua, Chúa các chúa. Vì lẽ đó, Đức Maria cũng nghiễm nhiên và chính đáng trở nên Nữ Vương Thiên Đàng.

Chiêm ngắm sự chuẩn bị chỉn chu của Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương của Người, chúng ta nhận ra điều gì? Bạn có nhận thấy Thiên Chúa cũng muốn bạn tham gia vào kế hoạch của Người không? Bạn có cảm nhận một niềm an ủi, vui sướng khi được làm con Thiên Chúa và được Người tuyển chọn để cộng tác với Người tiếp tục hoàn tất công trình tái tạo và cứu chuộc còn dang dở của Ngôi Lời Nhập Thể không, mặc dù bạn bất xứng mọi bề trước Nhan Chúa nhưng "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được"? Bạn có dám xin Chúa sử dụng bạn và đặt mình để Chúa Thánh Thần dẫn dắt bước đi theo Chúa Kitô như gương của Mẹ Maria, để thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao phó không? Mẹ Maria tích cực cộng tác vào kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và được Giáo hội tuyên dương là Nữ Vương; còn bạn, bạn sẽ được Chúa tuyên dương ra sao nếu bạn đang cộng tác vào công trình tái tạo và cứu chuộc của Người mỗi ngày trong đời bạn?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Mt 22:1-14 (Thứ 5, XX-TN)

(Thứ Năm Tuần XX Thường Niên)

"Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít" (Mt 22:14).

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe dụ ngôn Tiệc Cưới của Đức Giê-su. Có không ít người không hiểu dụ ngôn này hoặc không biết đâu là thông điệp Chúa muốn chuyển tải tới người nghe.

Số là, trong câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su kể về một vị vua đi mời các quan khách tới dự tiệc. Các khách mời đã nhận lời, nhưng cuối cùng chẳng thấy ai tới, vì mỗi người đều có lý do riêng biệt không thể tham dự tiệc cưới (làm nhà, dựng vợ gả chồng, mua trâu, làm ruộng...). Vì lẽ đó, nhà vua ra lệnh cho các đầy tớ đi ra các ngã ba ngã tư ngoài đường xá mời tất cả mọi người vào dự tiệc. Tuy nhiên, khi khách dự tiệc đông đủ, nhà vua thấy có những vị khách không mặc y phục chỉnh tề khi dự tiệc cưới thì sai đầy tớ đi bắt và tống vào ngục tối. Khách đi đường thì làm sao có thời gian chủ động để ăn mặc cho hợp với y phục tiệc cưới? Thiệt là phi lý và bất công! Nhưng thực tế, đâu là điều cốt lõi Đức Giê-su muốn truyền đạt?

Chúng ta có thể hiểu tiệc cưới chính là bàn tiệc Nước trời, chính là gia đình Giáo Hội, và khách dự tiệc ban đầu chỉ là dân riêng Thiên Chúa, nhưng sau đó được mở rộng cho cả dân ngoại. Thoạt tiên, Thiên Chúa có ý định cứu chuộc dân riêng của Người trước. Ngay cả Đức Giê-su cũng nói rằng "Thầy chỉ được sai đến với các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi" (Mt 15:24) và dặn các môn đệ của Ngài rằng hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-ren trước (x. Mt 10:5-6). Nhưng vì dân riêng Thiên Chúa không tin, không đón nhận Người, nên Người mở rộng ơn cứu độ đến với mọi dân nước. Đó là lý do nhà vua ra lệnh cho các đầy tớ đi ra các ngã ba ngã tư ngoài đường xá mời tất cả mọi người vào dự tiệc. Tuy nhiên, điều gây khó hiểu là tại sao có những vị khách qua đường mặc y phục tiệc cưới chỉnh tề, và có những vị khách không mặc y phục tiệc cưới. Dĩ nhiên, những người này đâu biết họ được mời tham dự tiệc cưới? Phải chăng ý của Đức Giê-su muốn nhắn gửi đến mỗi người chúng ta là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận và được cứu độ. Ơn cứu độ của Thiên Chúa tựa như mưa sa rơi tràn mặt đất, nhưng không phải ai cũng biết lấy thùng, chậu, xô, gầu... để hứng. Với ơn sủng dư đầy của Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta, nếu không biết đón nhận và cộng tác, chúng ta sẽ không được cứu độ, sẽ bị "trói chân tay lại, quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng" (Mt 22:13). Đó chính là ý nghĩa câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong đoạn Lời Chúa hôm nay: "Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít" (Mt 22:14).

Trong giờ cầu nguyện sắp tới, chúng ta hãy duyệt xét lại cuộc sống đức tin của bản thân mình, để chất vấn chính mình về thái độ cộng tác với ơn Chúa nhằm mưu cầu ơn cứu độ và sự sống đời đời cho bản thân mình ra sao? Chúng ta hãy xin Chúa ban thêm ơn sủng của Người trong chúng ta để chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa sống mỗi ngày đẹp lòng Chúa hơn, sống đúng với mục đích Người dựng nên chúng ta là yêu mến, ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa trong từng nhịp sống của đời mình, các bạn nhé!

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 22:34-40 (Thứ 6, XX-TN)

(34) Khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: (36) "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" (37) Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta chứng kiến cảnh tượng người Do Thái thử lòng Đức Giê-su. Họ dư biết Mười Điều Răn. Thế nhưng, họ vẫn cố tình thử Chúa. Đó là một thái độ ngạo mạn và khinh thường người khác.

Tuy nhiên, chính vì sự xấu xa, tội lỗi của con người mà Chúa phải nhập thế làm người để cứu chuộc và làm cho con người được hưởng sự sống đích thực mà Thiên Chúa mong muốn. Cũng nhờ câu hỏi khinh thị của người Do Thái, chúng ta có thể ghi nhớ bản tóm tắt của Mười Điều Răn cách dễ dàng, đó là "Mến Chúa, Yêu Người". Chúa Giê-su kiện toàn lề luật là thế đó.

Nếu đọc kỹ Mười Điều Răn, chúng ta sẽ nhận thấy ba điều răn đầu quy hướng về Thiên Chúa và bảy điều răn sau quy hướng về con người, tựa như lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn thường đọc (ba phần quy về Thiên Chúa, bốn phần quy về con người). Các điều răn tuy dễ nhớ, dễ đọc nhưng rất khó thực thi. Chúng ta có thể tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa trên môi miệng, nhưng chưa chắc chúng ta có thể sống những điều đã tuyên xưng bằng trọn cả con tim yêu mến. Chẳng hạn như, nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, chúng ta sẽ ký thác cuộc sống cho Người, chúng ta sẽ không tin đồn nhảm, không tin vào bói toán, không đặt thần tượng lên trên Chúa, không bao giờ dám bỏ lễ ngày Chúa Nhật, siêng năng đọc kinh - cầu nguyện - Lần Chuỗi dù phải đánh đổi những cuộc vui chuyện trò, xem phim, nghe nhạc, thưởng thức các trận đấu bóng đá hấp dẫn, v.v.. Nếu yêu Thiên Chúa, hầu chắc chúng ta sẽ yêu người khác bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngày nay xã hội càng ngày càng có nhiều gia đình tan vỡ, có nhiều nhà dưỡng lão và côi nhi được lập nên, có nhiều người đau khổ hơn vì bị con cái ruồng rẫy, vợ chồng chia ly, làm ăn thua lỗ, v.v.. Vâng, không phải ai cũng dễ thực thi giới răn Mến Chúa Yêu Người.

Phần bạn, bạn cảm nhận thế nào về các điều răn của Thiên Chúa? Đối với bạn, đâu là điều răn quan trọng nhất? Bạn sống điều răn quan trọng ấy ra sao?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Ga 1:45-51 (Thánh Batôlômêô Tông đồ, 24/8, thứ 7 sau CNXX-TN)

(45) Bấy giờ, Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: "Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét". (46) Ông Nathanaen liền bảo: "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Philípphê trả lời: "Cứ đến mà xem!" (47) Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Ðây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối". (48) Ông Nathanaen hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Ðức Giêsu trả lời: "Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi". (49) Ông Nathanaen nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!" (50)Ðức Giêsu đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa". (51) Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe ơn gọi làm Tông Đồ của thánh Ba-tô-lô-mê-ô. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng nhân vật Na-tha-na-en trong đoạn Lời Chúa hôm nay chính là Tông Đồ Ba-tô-lô-mê-ô.

Lắng nghe Bài TM này, chúng ta có thể hình dung lại khung cảnh cuộc gặp gỡ của ba nhân vật chính (Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô và Chúa Giê-su) để cầu nguyện và hâm nóng lại ơn gọi của mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hình dung hai khung cảnh: khung cảnh thứ nhất là Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô gặp nhau dưới bóng mát của cây vả (hay cây sung, cây bàng...), và khung cảnh thứ hai là Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô và Chúa Giê-su gặp nhau ở một góc đường hoặc tại một quán nước dọc đường nào đó.

Trước khi đi vào cuộc chiêm niệm, chúng ta có thể xin Chúa ban cho chúng ta ơn xác tín ơn gọi của bản thân và quảng đại dấn thân sống ơn gọi ấy đến cùng.

Ơn gọi của Ba-tô-lô-mê-ô được khởi nguồn từ lời giới thiệu của Tông đồ Phi-líp-phê: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." Phi-líp-phê giới thiệu về Chúa khá vắn gọn, nhưng lời giới thiệu ấy phát xuất từ chính kinh nghiệm thiết thân của ngài về Đấng Thiên Sai. Hơn thế nữa, khi nghe lời chối từ có vẻ thiếu tế nhị của Ba-tô-lô-mê-ô ("Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?"), Phi-líp-phê điềm tĩnh và kiên nhẫn đáp từ: "Cứ đến mà xem!"

Với lời giới thiệu điềm tĩnh, lịch thiệp và tôn trọng tình bạn của Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô không ngần ngại từ chối và cùng bạn mình lên đường gặp Chúa Giê-su. Khi gặp Chúa, Ba-tô-lô-mê-ô ngỡ ngàng trước những lời nói đấy tính tiên tri và siêu việt của Thầy Giê-su, nên đã thốt lên lời tuyên tín mạnh mẽ: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!" (Ga 1:49)

Nếu Ba-tô-lô-mê-ô không nghe lời giới thiệu của Phi-líp-phê đích thân đi gặp Chúa, thì liệu ông có nhận ra "ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét " chính là "Con Thiên Chúa, là Vua Ít-ra-en" không, liệu cuộc đời ông có được biến đổi, liệu những thành kiến của ông về Na-da-rét có được xóa bỏ, liệu những hiểu biết sai lạc của ông về nguồn gốc Đấng Thiên Sai được chỉnh sửa chỉn chu...?

Vì thế, bạn có nghĩ rằng lời mời gọi "Cứ đến mà xem!" của Phi-líp-phê dành cho Ba-tô-lô-mê-ô chính là lời mọi gọi hãy cầu nguyện để có thể gặp gỡ Chúa thiết thân, kinh nghiệm Chúa cách gần gũi và chạm vào chính Chúa, nhờ đó được biến đổi?

Phi-líp-phê đã nhận được lời mời gọi làm Tông Đồ, được ở với Chúa, có được kinh nghiệm của Chúa trong đời ông, từ đó ông giới thiệu Chúa cho người khác và giúp họ cũng đạt được một sự sống mới. Phần chúng ta, chúng ta đã giới thiệu Chúa cho bao nhiêu người rồi? Lời giới thiệu về Chúa của chúng ta có đủ sức cuốn hút người khác, khiến họ liều mình đi gặp gỡ Chúa không? Chúng ta có đủ nhạy bén giới thiệu Chúa cho những người chưa biết Chúa mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày nơi xóm làng hoặc nơi công sở, trên đường đi...? Ơn gọi của bạn có ý nghĩa ra sao? Bạn học được gì qua chân dung của thánh Phi-líp-phê và ơn gọi làm Tông đồ của thánh Ba-tô-lô-mê-ô?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VIII.Tin Mừng Lc 13:22-30 (CN XXI-TN Năm C)

(22) Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" Người bảo họ: (24) "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
(25) "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!", thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!"(26) Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi". (27) Nhưng ông sẽ đáp với anh em: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!".
(28) "Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
(30) "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót".


Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật hôm nay khuyên chúng ta hãy biết chiến đấu để đi qua cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa. "Cửa hẹp" có ý nghĩa thế nào trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta?

Nếu đọc các đoạn tiếp theo của Bài TM, chúng ta sẽ nhận ra lời giải thích về "cửa hẹp" của Đức Giê-su bằng một câu chuyện cụ thể: "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: 'Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!', thì ông sẽ bảo anh em: 'Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!' Bấy giờ anh em mới nói: 'Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.' Nhưng ông sẽ đáp lại: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!' " (Lc 13:25-27). Như thế, không phải Biết Chúa là đủ điều kiện để vào Nước Trời, nhưng chính là việc sống và thực thi điều Chúa dạy mới là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta mở được cánh cửa Nước Thiên Chúa cho đời hiện tại và mai hậu của mỗi người chúng ta.

Rõ ràng "cửa hẹp" là cửa khó đi và khó vào. Cứ theo bản năng của con người, chẳng ai muốn đi cửa hẹp. Cũng vậy, sống và thực thi giáo huấn của Chúa cũng không dễ dàng chút nào, vì nó đòi buộc con người phải biết chọn lựa, chọn lựa điều Chúa muốn và điều Người dạy; nó cũng đòi buộc con người phải biết chiến đấu, biết hy sinh, biết từ bỏ những thú vui trần thế ngược với niềm vui Thiên Quốc, và phải lội ngược dòng nước, v.v.. Quả thế, người ta khó chọn lựa "cửa hẹp", khó đi vào "cửa hẹp" là lẽ thường tình, và nếu chọn "cửa hẹp" để đi thì họ sẽ gặp thách đố và đi vất vả biết dường nào! Vì vậy, con người cần có ơn Chúa đỡ nâng, dìu dắt để có thể chọn "cửa hẹp" mà đi, vì chỉ có "cửa hẹp" mới dẫn tới cổng thiên đàng.

Bạn thân mến, qua Bài TM hôm nay, bạn nhận thấy bản thân đang đi trên con đường Chúa đã đi qua hay con đường nào khác? Bạn đã chiến đấu thế nào khi chọn "cửa hẹp" để đi vào Nước Trời của tâm hồn bạn? Bạn có bao giờ dìu dắt người khác đi trên con đường hẹp có những cánh cửa hẹp dẫn vào Nước Thiên Chúa chưa?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

 

Lm Giuse BCD, SJ

Read 14282 times