Như Giáo Hội toàn cầu được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu trên thập giá và phát triển theo từng giai đoạn với những cuộc bách hại, Giáo hội Việt Nam cũng đi lại những quãng đường gian khổ như thế trong lịch sử đời mình. Ôn lại lịch sử đó không phải là chúng ta muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn, những mối bất hoà, nhưng là để giúp nhau nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi biến cố thăng trầm, tạo nên sự cảm thông giữa mọi thành phần dân tộc và xây dựng Giáo hội Việt Nam, theo đường hướng hiệp thông và đối thoại của Công đồng Vatican II đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc đến (x. Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 1,6,24-31).
LƯỢC SỬ
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM *
1. Nhập đề
2. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)
3. Thời kỳ hình thành (1659-1802)
4. Thời kỳ thử thách (1892-1885)
5. Thời kỳ phát triển (1885-1960)
6. Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
1. NHẬP ĐỀ
Như Giáo Hội toàn cầu được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu trên thập giá và phát triển theo từng giai đoạn với những cuộc bách hại, Giáo hội Việt Nam cũng đi lại những quãng đường gian khổ như thế trong lịch sử đời mình. Ôn lại lịch sử đó không phải là chúng ta muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn, những mối bất hoà, nhưng là để giúp nhau nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi biến cố thăng trầm, tạo nên sự cảm thông giữa mọi thành phần dân tộc và xây dựng Giáo hội Việt Nam, theo đường hướng hiệp thông và đối thoại của Công đồng Vatican II đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc đến (x. Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, số 1,6,24-31).
Từ mầu nhiệm Nhập Thể...
Mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể đã dạy cho người tín hữu Việt Nam khám phá ra giá trị của bối cảnh lịch sử trong cuộc đời và sứ mạng của từng người cũng như của Giáo hội Việt Nam. Thật vậy, “nơi Đức Giêsu, người Nazareth, Thiên Chúa đã nhận lấy những yếu tố đặc thù của bản tính nhân loại, kể cả việc thuộc về một dân tộc nhất định và một xứ sở nhất định... Nét đặc thù vật lý của xứ sở và những yếu tố địa lý của miền đất ấy là điều không thể tách rời được với sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người” (ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 5). Trong tinh thần ấy, người tín hữu Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc của mình.
Đất nước Việt Nam có dáng hình cong chữ S, thuộc khu vực Đông Nam Á, trong vùng khí hậu nhiệt đới. Lãnh thổ dài và hẹp mở rộng về phía Tây. Vùng hẹp nhất là tỉnh Quảng Bình, khoảng 50km, vùng rộng nhất tính từ ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung đến Móng Cái, rộng trên 300km. Phía Bắc có các đồng bằng rộng lớn nằm dọc theo lưu vực sông Hồng, sông Lô và sông Chảy. Phía Nam có đồng bằng sông Cửu Long tạo nên vựa lúa lớn nhất cho cả nước. Miền Trung nằm giữa hai miền Bắc Nam, có dãy núi Trường Sơn ở phía Tây chạy dọc theo bờ biển với các con sông ngắn, tạo nên nhiều đồng bằng nhỏ hẹp về phía Đông. Phía Tây Nam là các cao nguyên rộng lớn với độ cao trên 1.000m, có lớp đất bazan màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp như cao su, trà, cà phê, ca cao.
Đất nước thân yêu này là chốn nương thân của nhiều dân tộc với những nền văn hoá khác nhau trong suốt dòng lịch sử: từ những người Việt cổ ở Bắc Bộ với nền văn hoá Sơn Vi cách đây khoảng 23.000 năm trước Công Nguyên (CN), văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn 10.000 năm trước CN, đến nền văn hoá Đông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với hiện vật tiêu biểu là những chiếc trống đồng lớn, có trang trí hoa văn, vào khoảng 2.700 năm trước CN. Các dân tộc sống thuận hoà với nhau trong quốc gia Văn Lang của các vua Hùng cho đến khi An Dương Vương Thục Phán lập nước Âu Lạc với thành Cổ Loa vào thế kỷ III (TCN). Trong khi đó, nhiều dân tộc ở Nam Trung bộ, từ Thừa Thiên đến lưu vực sông Đồng Nai, đã xây dựng thành nền văn hoá Sa Huỳnh. Họ có thể là tổ tiên của người Chăm, đã xây dựng thành vương quốc Champa sau này. Nền văn hoá Óc Eo ở miền cực Nam với vương quốc Phù Nam ở các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp (bây giờ) và nền văn hoá của người Khơ Me ở các tỉnh khác của đồng bằng Nam bộ trải rộng khắp vùng châu thổ sông Cửu Long. Tất cả các dân tộc ấy tạo thành cộng đồng người Việt hiện nay với 54 thành phần dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Kinh chiếm gần 90% tổng dân số cả nước.
Trong quá trình xây dựng đất nước, tất cả các dân tộc ấy đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt trên mảnh đất quê hương để khai hoang, phục hoá, phá rừng làm rẫy, đắp đê chống lũ, ngăn mặn lấn biển… Chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng các dân tộc đều nhân danh giang sơn gấm vóc để đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, hay nhân danh dân tộc mình để mở rộng biên cương. Cuối cùng, đất nước, núi sông vẫn còn đó, không phải dành riêng cho ai, nhưng cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên không giọt mồ hôi nào vì yêu thương đồng bào đổ xuống trên mặt đất này lại trở thành vô nghĩa, không giọt máu hồng nào vì chính nghĩa thấm vào lòng đất này lại không có giá trị vô song. Mọi sự đều được biến đổi trong Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Người đã đưa thần tính vô hạn, vĩnh hằng của Thiên Chúa vào trong thế giới vật chất hữu hạn, nhất thời của con người để biến đổi và thăng hoa tất cả trong cuộc Phục Sinh của Người.
... đến Giáo hội Việt Nam trong lòng dân tộc
Tin vào Đức Giêsu Kitô, người dân Việt Nam sẽ nhìn đất nước mình bằng một ánh mắt mới. Người dân Việt hôm nay, dù là người Kinh hay dân tộc thiểu số, sẽ nhìn nhau với ánh mắt đầy tin tưởng và hy vọng, bao dung và nhân ái, vì sự sống bất diệt trong mình được khởi đầu từ chính đất nước này. Thật vậy, những cây lúa, ngọn rau rút tinh hoa từ lòng đất nước đã ngấm bao mồ hôi, xương máu của cả người Việt, người Hoa lẫn người Chăm, người Khơ Me,... trong suốt dòng lịch sử đang nuôi sống tất cả… Do đó, ta có thể nói rằng, tất cả đều cùng chung một huyết thống, đều là anh em ruột thịt của nhau. Sự sống tự nhiên này, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, sẽ biến đổi thành sự sống siêu nhiên.
Những nét khác biệt của mỗi dân tộc trong dòng lịch sử chỉ biểu lộ những giới hạn của vật chất và con người. Chính Đức Giêsu Cứu Thế sẽ quy tụ và biến đổi mọi người để không còn là Kinh hay Hoa, Chăm hay Thượng, “Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (x. Gl 3,28). Điều này Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong ngày Người hiện xuống để quy tụ tất cả những con người thuộc các ngôn ngữ khác nhau làm thành Giáo Hội của Đức Giêsu (x. Cv 2,1-12).
Từ hạt giống Tin Mừng được các thừa sai nước ngoài gieo vãi vào thế kỷ XVI, Giáo Hội Đức Kitô đã sinh những người con ở Việt Nam. Những người con ấy đã lớn lên, đã trưởng thành và rồi lại tiếp tục sinh ra những người con mới cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu Kitô để trở thành Giáo hội Mẹ Việt Nam. Giáo Hội ấy được thể hiện cách cụ thể trên mảnh đất quê hương hôm nay với hơn 80 triệu người dân Việt, trong đó có 5.667.428 tín hữu Công giáo gồm đủ các dân tộc. Giáo hội ở Việt Nam tính đến 31-12-2003 có: 2.518 giáo xứ thuộc 25 giáo phận và tổng giáo phận, với 42 giám mục và tổng giám mục, 2.460 linh mục triều, 467 linh mục dòng, 1.833 nam tu, 11.421 nữ tu, 1.419 chủng sinh và 52.513 giáo lý viên.
“Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước... Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ...” (HĐGM VN, Thư Chung 1980, số 9). Người tín hữu Việt Nam luôn gắn bó với quê hương, dân tộc và liên kết sâu xa với Giáo hội Mẹ Việt Nam, vì chính người mẹ này đã sinh ra mình trong đức tin và biến đổi mình từ con người thành con Chúa.
Với tâm tình con cái, trong ít trang sau đây, chúng ta cùng ôn lại một vài đoạn đời của Mẹ từ lúc khai sinh, hình thành, cho đến khi phát triển, trưởng thành. Nhiều người đã từng kể lại đời Mẹ, kẻ ít người nhiều, điều đúng điều sai. Nhưng nếu không nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng, đời Mẹ vẫn chỉ là những biến cố rời rạc, những con số vô hồn, những năm tháng tủi nhục vô nghĩa, như nhìn những giọt nước rơi từ đôi mắt của một người xa lạ. Chỉ có những người con gần gũi thân thương mới hiểu được ý nghĩa và cảm nhận được niềm vui hay nỗi khổ từ những giọt nước mắt này. Trong tâm tình ấy, chúng tôi kể lại đời Mẹ, để mọi người cảm thông với chúng tôi và đồng cảm với Mẹ Giáo hội Việt Nam qua các thời kỳ:
- Khai sinh (1533 - 1659)
- Hình thành (1659 - 1802)
- Thử thách (1802 - 1885)
- Phát triển (1885 - 1960)
- Trưởng thành (1960 đến nay)
Chúng tôi chọn cách phân chia các thời kỳ như trên dựa theo mốc thời gian với những biến cố quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn lao của cơ cấu Giáo hội Việt Nam.
Xem tiếp:
2. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)
3. Thời kỳ hình thành (1659-1802)
5. Thời kỳ phát triển (1885-1960)
6. Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
7.Sơ Lược Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ( 1533 - Thế Kỷ XX )
8.Thông Ðiệp Ðức Thánh Cha Phaolô VI Gửi Hàng Giám Mục, Linh Muc Và Giáo Dân Việt Nam
*Tài liệu về lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam do linh mục Anton Nguyễn Ngọc Sơn biên soạn
Nguồn:http://giaophanlangson.org/