Lược sử Giáo hội Công Giáo tại Việt Nam: Thời trưởng thành (1960 đến nay)
Posted by Hồng Bính
LƯỢC SỬ
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
6. THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH (1960 ĐẾN NAY)
Sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam được xác định không phải chỉ hệ tại nơi việc tổ chức giáo hội qua những con số tín hữu, linh mục, tu sĩ, Công giáo Tiến hành và các cơ sở bác ái, nhưng dựa vào chính lòng đạo đức sâu xa của người tín hữu của cả hai miền Nam Bắc, dù trong lúc được bình an hay bị thử thách. Giáo Hội là sự hiệp thông trọn vẹn của mọi thành phần Dân Chúa. Do đó, sự phát triển của Giáo hội Công giáo miền Nam có sự đóng góp vô cùng lớn lao của Giáo hội Công giáo miền Bắc bằng lời cầu nguyện, hy sinh như một điều kiện cần thiết trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội toàn cầu. Đây là ân sủng diệu kỳ của lòng Chúa thương yêu.
Trong khoảng thời gian từ 1960-1975, các giáo phận ở miền Trung và miền Nam lại được chia nhỏ vì số tín hữu tiếp tục gia tăng rất nhanh: Đà Nẵng (1963) từ Quy Nhơn, Xuân Lộc và Phú Cường (1965) từ Sài Gòn, Ban Mê Thuột (1967) từ Kontum, Phan Thiết (1975) từ Nha Trang. Vào thời điểm 1975, Giáo hội Việt Nam có 3 Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn với 25 giáo phận. Giáo tỉnh Hà Nội gồm 10 giáo phận: Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh; giáo tỉnh Huế gồm 6 giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Kontum, Nha Trang, Đà Nẵng và Ban Mê Thuột; giáo tỉnh Sài Gòn sau đổi thành TP. Hồ Chí Minh (từ ngày 23-11-1976) gồm 9 giáo phận: TP. HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, Mỹ Tho, Phú Cường, Xuân Lộc và Phan Thiết.
Khởi đầu thời kỳ này, một biến cố tác động sâu xa đến Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam, đó là Công đồng Chung Vatican II (1962-1965) với đường hướng đại kết và mục vụ đã làm cho Giáo hội Việt Nam, nhất là ở miền Nam, quan tâm nhiều đến vai trò của Giáo Hội trong thế giới ngày nay và thúc đẩy mọi tín hữu tích cực tham gia các hoạt động trong xã hội trần thế. Bảng tổng kết tình hình Giáo hội Việt Nam vào năm 1962-1963 cho ta thấy hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội rất lớn. Hầu như xứ đạo nào cũng có trường tiểu học và các nơi tập trung đông dân như thị xã, đều có trường trung học. Ta có thể thấy cả Giáo hội Việt Nam lúc đó có 2.151.370 tín hữu, 1.523 linh mục triều, 293 linh mục dòng và thừa sai, 533 đại chủng sinh, 2.748 tiểu chủng sinh, 956 tu sĩ nam, 4.977 tu sĩ nữ, 6.026 nhà thờ, 1.354 xứ đạo. Giáo hội Việt Nam lúc đó có 93 trường trung học với 60.412 học sinh, 1.122 trường tiểu học với 234.749 học sinh, 58 cô nhi viện nuôi 6.616 trẻ, 48 bệnh viện với 6.453 giường, 35 viện dưỡng lão với 244 người, 8 trại phong với 3.465 người và 159 phòng phát thuốc cho khoảng 1.870.073 lượt người.
Sự phát triển của Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ này trước hết là do sự tổ chức quy củ của các giáo phận cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là trong việc đào tạo các linh mục và tu sĩ. Ở miền Nam, giáo phận nào cũng có các tiểu chủng viện thu nhận các học sinh từ lớp 6 và huấn luyện đến hết lớp 12 để đưa vào các đại chủng viện chung của từng vùng hay từng miền. Vì có chương trình đào tạo hoàn chỉnh và định hướng cụ thể nên các linh mục, sau 7-8 năm học ở đại chủng viện, đã trở thành những người lãnh đạo có khả năng tại các giáo xứ hay trong các hoạt động mục vụ.
Sự phát triển của xã hội, nhất là ở miền Nam Việt Nam, luôn có sự đóng góp tích cực và lớn lao của các hội đoàn và phong trào Công giáo Tiến hành. Mỗi giới, mỗi lứa tuổi, đều có những đoàn thể hướng dẫn nhằm giúp việc sống đạo tiến triển theo đường hướng tích cực. Ta có thể kể tên số đoàn hội tiêu biểu như: Thiếu Nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Nghĩa Sinh, Hướng Đạo Sinh Công giáo, Thanh Sinh Công, Con Đức Mẹ, Thanh Lao Công, Legio Mariae, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ, Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Cát Minh, Dòng Ba Đa Minh…
Chúng ta không thể nào quên sự đóng góp lớn lao của các tu sĩ nam nữ vào sự phát triển Giáo hội và xã hội. Trong thời kỳ 1960-1975, các dòng tu phát triển rất mạnh ở miền Nam: 22 dòng và tu hội nam với 956 tu sĩ, 33 dòng và tu hội nữ với 4.977 tu sĩ đã khấn. Phần lớn các tu sĩ dạy trong các trường và làm việc tại các cơ sở bác ái từ thiện như bệnh viện, nhà hộ sinh, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trại phong… Các tu sĩ được học hỏi nhiều về đời tu cũng như về các khoa học đạo đời để có khả năng phục vụ. Trình độ văn hoá của tu sĩ được nâng cao: trước đây là tốt nghiệp lớp 9, giờ đây là lớp 12. Sau đó, nhiều người còn học thêm vài ba năm thần học hoặc theo học các chuyên khoa tại các đại học.
Tuy nhiên, sự trưởng thành của Giáo hội Việt Nam ở miền Nam cũng được thử thách khi người tín hữu tiếp cận với lối sống hưởng thụ dễ dãi, thiên về khoa học thực nghiệm của nền văn hoá phương Tây. Dù được hoàn toàn tự do sống đạo và truyền đạo, nhưng số người theo đạo lại giảm sút so với những thời kỳ trước đây.
Ta có thể căn cứ vào số người lớn được rửa tội trong các giáo phận ở miền Nam để xác định điều này. Thí dụ: tổng giáo phận Sài Gòn từ năm 1962-1974, với số tín hữu 500.000 người nhưng số người lớn theo đạo mỗi năm một giảm, từ 4.624 người xuống còn 1.829 người. Hoặc giáo phận Xuân Lộc, với số dân Công giáo 332.810 người, chỉ có 857 người lớn trở lại đạo vào năm 1974 (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai, Toà Tgm. TP. HCM xuất bản 1997, tr. 73-88). Dù rằng các giáo phận này có trên 500 linh mục, hàng ngàn tu sĩ nam nữ, hàng trăm ngàn đoàn viên Công giáo Tiến hành hoạt động trong gần 500 trường trung tiểu học và cả trăm cơ sở bác ái từ thiện. Người ta có thể học trường Công giáo để biết chữ nghĩa, đến cơ sở từ thiện để nhận trợ cấp thuốc men, vật chất, tiền bạc, nhưng người ta không theo đạo Công giáo. Điều này thúc đẩy Giáo hội Việt Nam phải thay đổi cách sống đạo và rao giảng Tin Mừng để trưởng thành hơn trong đức tin.
Sự trưởng thành ấy cũng trải qua một giai đoạn khủng hoảng cần thiết để lớn lên sau 30-4-1975, khi chính quyền miền Nam sụp đổ. Biến cố này đã tạo nên sự hoảng loạn trong dân chúng, nhất là những người có liên quan với chế độ trước, khiến gần một triệu người đã rời khỏi đất nước thân yêu bằng bất cứ cách nào, kể cả những cách thức tủi nhục nhất, đau thương nhất. Đối với một số người, biến cố này đã để lại những vết thương trong tâm hồn mà chỉ có tình yêu và niềm tin Kitô giáo mới có thể chữa trị được.
Quả thật, từ năm 1975, Giáo hội Việt Nam đã bước vào một thời kỳ mới để ý thức hơn về sứ mạng của mình và càng thêm tin tưởng vào quyền năng ân sủng của Chúa. Không còn bị ràng buộc bởi những thứ vật chất như cơ sở, phương tiện, người tín hữu tập trung lòng đạo vào việc thể hiện đức tin, đức ái trong đời sống âm thầm khiêm tốn hằng ngày. Các linh mục tu sĩ bớt bận tâm về trường học, cơ sở bác ái xã hội để tập trung vào việc học hỏi, dạy giáo lý và sống kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện.
Thật vậy, khi chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng đã an bài những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc và Giáo hội Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn những gì đã xảy ra với tâm hồn an bình, tràn đầy hy vọng và mới biết cảm tạ Chúa vì hồng ân đặc biệt của Người. Biến cố này dẫn đến sự thống nhất đất nước, cho người hai miền bây giờ san sẻ cuộc sống trọn vẹn cho nhau, đồng thời cũng thống nhất Giáo hội Việt Nam, qua Đại hội các Giám mục Việt Nam năm 1980, trong đường hướng “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Biến cố đó còn giúp người Công giáo Việt Nam đang sống tản mác trong nhiều nước trên thế giới ý thức về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô và giới thiệu đời sống văn hoá đạo đức của người Việt Nam cho toàn thể gia đình nhân loại. Người Công giáo Việt Nam hải ngoại, cũng giống như dân Israel xưa trong cuộc lưu đày ở Babylon, có sứ mạng tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đặc biệt. Những đau thương, mất mát phải gánh chịu chỉ là “cái giá đền tội” cho anh chị em mình như Đức Giêsu đã chịu vì toàn thể nhân loại và Cha Trên Trời sẽ đền bù lại gấp trăm, kèm theo phần thưởng đời đời. (x. Mc 10,28-31). Cũng nhờ biến cố này, hàng trăm ngàn người Việt đã tiếp thu được nền văn minh và khoa học tiên tiến của Tây Phương, đã tốt nghiệp đại học và trên đại học để có thể giúp đỡ quê hương sau này theo kế hoạch công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Về lĩnh vực kinh tế, nhiều người đã thành đạt và có điều kiện để giúp đỡ thân nhân nơi quê nhà cũng như đóng góp gián tiếp hoặc trực tiếp vào nền kinh tế quốc gia.
Lời kết
Nhìn lại dòng lịch sử dân tộc, người tín hữu Việt Nam sẽ cảm nghiệm được tình thương của Cha trên trời để sống hoà thuận và hiệp thông với anh em trên mọi miền đất nước, cũng như với mọi người trên thế giới. Như dòng sông nào cũng chảy xuôi về biển, hoà vào đại dương bao la, rồi dưới ánh nắng mặt trời, hơi nước bốc lên cao thành mây, thành mưa trả lại cho dòng sông nguồn nước tinh khiết từ trời, thì người tín hữu cũng luôn được mời gọi để hoà nhập và biến đổi như thế trong cuộc sống đạo thường ngày.
Ý thức được điều này, người Công giáo Việt Nam càng muốn hoà nhập vào lòng dân tộc để thể hiện sứ mạng đã được Cha trên trời trao phó: xây dựng tình huynh đệ chân thành nơi địa phương mình sống. Trong đại gia đình dân tộc hiện nay có nhiều nền văn hoá khác nhau nên người tín hữu cần tìm hiểu và đối thoại với anh em để cùng xây dựng một nền văn minh tình thương và hoà bình (x. Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 1-1-2001 của ĐTC Gioan Phaolô II).
Bước vào thiên niên kỷ mới, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thiết tha yêu cầu người tín hữu đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách sống của mình theo đúng tinh thần của Chúa Kitô để có thể “sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng cho mọi giới đồng bào thân yêu” (x. HĐGMVN, Thư Mục vụ, tháng 10-2000, số 2, 3, 5, 8). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Khởi đầu thiên niên kỷ mới, cũng mời gọi tất cả chúng ta cùng “ra khơi với Đức Giêsu Kitô” để thả lưới và bắt được nhiều “cá người” cho Thiên Chúa (số 51-52). Chúng ta sẽ không đứng yên trên bờ hay vui chơi trên bãi biển theo xu hướng cầu an hưởng thụ của con người thời nay. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận những gian lao vất vả trong cuộc sống đạo và truyền đạo để làm cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam mỗi ngày thêm phát triển, tràn đầy tình thương và sự sống của chính Thiên Chúa.
Xem tiếp:
2. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)
3. Thời kỳ hình thành (1659-1802)
5. Thời kỳ phát triển (1885-1960)
6. Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
7.Sơ Lược Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ( 1533 - Thế Kỷ XX )
8.Thông Ðiệp Ðức Thánh Cha Phaolô VI Gửi Hàng Giám Mục, Linh Muc Và Giáo Dân Việt Nam