Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhật ký Ad Limina 2018
Posted by Ban Biên Tập
(Ngày 08.03.2018)
Dâng Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Santa Marta
và thăm một số cơ quan trung ương của Toà thánh
Sáng thứ Năm 08/03, theo chương trình đã định, quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam dâng Thánh lễ cùng Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Santa Marta; đồng thời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc mới về với Chúa.
Ngày hôm nay, Hội đồng Giám mục sẽ chia thành 3 nhóm đi thăm một số cơ quan của Toà thánh.
Lúc 9g00, một nhóm quý Đức cha do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh làm trưởng nhóm đã tới thăm Bộ Phụng Tự. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Robert Sarah, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Arthur Roche, Tổng Thư ký. Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trình bày những hoạt động phụng vụ tại Việt Nam, về những bản dịch Sách Lễ Roma và các Sách Bài Đọc. Sau đó, quý Đức cha nêu ra những khó khăn về hội nhập văn hoá trong các Bản văn Thánh lễ theo nghi lễ truyền thống dân tộc. Đức Hồng y lưu ý: Bản dịch Kinh Thánh được dùng trong phụng vụ phải được dịch một cách trung thành và phù hợp ngôn ngữ địa phương. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và nhiều công sức.
Lúc 9g30, một nhóm quý Đức cha do Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm trưởng nhóm tới thăm Quốc vụ viện Truyền thông của Toà Thánh. Tiếp đón đoàn có Đức Ông Dario Edoardo Vigano, Chủ tịch và Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, Thư ký. Đức Ông Chủ tịch chào đón Đức Hồng y và đoàn, giới thiệu các thành viên cũng như các hoạt động của Quốc vụ viện. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá truyền thông trong một xã hội biến chuyển không ngừng. Quý Đức cha trao đổi với Đức Ông Chủ tịch về những hạn chế trong việc truyền thông tại Việt Nam và trình bày những cố gắng sử dụng những phương tiện truyền thông, để truyền tải chân lý và nhất là đưa Tin Mừng tới mọi người.
Một nhóm khác do Đức cha Giuse Võ Đức Minh làm trưởng nhóm tới thăm Bộ Giáo sĩ và Chủng sinh. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Beniamino Stella, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Joel Mercier, Thư ký; Đức Tổng Giám mục Jorge C. Patron Wong, Thư ký đặc trách các Đại chủng viện. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng giới thiệu với Đức Hồng y và các thành viên của Bộ, văn bản Ratio của Uỷ ban Giáo sĩ – Chủng sinh đang được áp dụng cho 10 Đại chủng viện tại Việt Nam. Quý Đức cha cũng trình bày những khó khăn trong việc đào tạo các chủng sinh tại Việt Nam hiện nay do ảnh hưởng của chủ nghĩa tục hoá và duy vật. Đức Hồng y nhấn mạnh tới việc các cha giáo và giáo phận cần phải đồng hành thiêng liêng với các chủng sinh, và cả các ứng sinh ở tiền chủng viện.
Lúc 11g00, nhóm của Đức Hồng y Phêrô tới thăm Hội đồng Đối thoại Liên tôn. Tiếp đón đoàn có Đức cha Miguel Angel Ayuso Guixot, Tổng Thư ký; Đức Ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, Thư ký. Đức cha Guixot vui mừng chào đón đoàn và trình bày về những hoạt động đối thoại với các tôn giáo của Toà Thánh. Kể từ Công đồng Vatican II, nhất là với Đức Thánh Cha đương nhiệm, việc tìm ra một phương thế để đối thoại với các tôn giáo khác luôn là một cố gắng lớn. Đối với Đức Thánh Cha, đối thoại chính là truyền giáo.
Nhóm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh tới thăm Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Joãn Braz de Aviz, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục José Rodriguez Carballo, Tổng Thư ký. Đức Hồng y gửi lời chia buồn tới Hội đồng Giám mục Việt Nam vì sự ra đi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Sau khi ngài giới thiệu các thành viên của Bộ, Đức Tổng Giám mục trưởng đoàn bày tỏ tâm tình biết ơn Đức Hồng y và Bộ đã giúp đỡ Giáo hội tại Việt Nam. Ngài trình bày sơ lược về đời sống tận hiến của các tu sĩ và những người sống đời thánh hiến. Các nam nữ tu sĩ lên tới trên 29.000 vị, hiện đang đảm nhận các công việc như giáo dục mầm non, đào tạo dạy nghề, chăm sóc người khuyết tật, người nhiễm HIV, bảo vệ sự sống… Đức Hồng y vui mừng về sự phong phú dồi dào ơn gọi của Giáo hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngài cũng lưu ý tới việc đào tạo, nâng cao trình độ và chất lượng đời sống tu trì.
Ban chiều, vào lúc 15g45, nhóm của Đức cha Giuse Võ Đức Minh tới thăm Bộ Giáo lý đức tin. Tiếp đón đoàn có Đức Tổng Giám mục Luis Francisco Ladaria, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Giacomo Morandi, Thư ký. Trong buổi gặp gỡ, Đức cha Giuse trưởng đoàn trình bày cho Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng về Học viện Công giáo và những liên kết giữa một số Đại chủng viện ở Việt Nam với một số Đại học Công giáo trên thế giới, về đời sống đức tin, những thách đố, về ảnh hưởng của phong trào “Sứ điệp từ trời”. Ngỏ lời với quý Đức cha, Đức Tổng Giám mục cho hay khủng hoảng đức tin là vấn đề lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, lòng đạo đức bình dân và việc cầu nguyện tại các gia đình rất quan trọng.
Lúc 16g00, nhóm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh tới thăm Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Tiếp đón đoàn có cha Alexandre Awi Mello, Thư ký. Trong buổi gặp gỡ, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày cho cha Thư ký về vai trò rất tích cực của người tín hữu Việt Nam trong các hoạt động của Giáo hội, như tham gia Hội đồng Mục vụ, dạy giáo lý, thiện nguyện viên bác ái. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên cho cha Thư ký biết con số lớn các em thiếu nhi Thánh Thể tại Việt Nam (khoảng 700.000 em), chiếm gần một nửa tổng số thiếu nhi Thánh Thể trên thế giới. Quý Đức cha cũng nêu những khó khăn hiện nay là tình trạng di dân, tạo nên nhiều vấn đề phức tạp như vấn đề thất nghiệp, hôn nhân dị giáo, sống thử…
Lúc 17g00, nhóm của Đức cha Giuse Võ Đức Minh tới thăm Bộ Giáo dục Công giáo. Tiếp đón đoàn có Đức Hồng y Giuseppe Versaldi, Bộ trưởng; Đức Tổng Giám mục Angelo Vincenzo Zani, Thư ký. Đức cha Giuse trưởng đoàn trình bày cho Đức Hồng y và các thành viên về tình hình giáo dục Công giáo tại Việt Nam, về ước mong của Giáo hội được mở các trường Công giáo phục vụ cho việc giáo dục các cấp, từ mẫu giáo đến đại học. Đức Hồng y hoan nghênh nỗ lực của Giáo hội tại Việt Nam trong việc cố gắng góp phần mình vào lãnh vực giáo dục. Ngài hứa sẽ trợ giúp hết sức cho công tác giáo dục tại Việt Nam.
WHĐ