Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 08 Tháng 5 2013 21:27

Giáo Xứ Gia Nghĩa Theo Dòng Lịch Sử

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giáo xứ Gia Nghĩa theo dòng lịch sử

Ngày 08/05/2013, Giáo xứ Gia nghĩa khánh thành nhà thờ mới, đây là một nỗ lực rất lớn của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh và cộng đồng giáo dân nơi đây. Giáo xứ Gia Nghĩa nói riêng và hạt Quảng Đức II nói chung là địa bàn đã từng vắng bóng Linh mục trong suốt 30 năm (1975 – 2005).

Năm 2005, Linh mục Khánh đã xin Đức Giám Mục nhận nhiệm sở tại Giáo xứ Gia Nghĩa, một hành động dũng cảm nói lên tinh thần dấn thân. Hoàn cảnh của Giáo xứ Gia Nghĩa thời điểm đó thật nghèo nàn, nhà thờ tạm bợ nằm cheo leo trên đỉnh đồi heo hút… Nhưng hôm nay tất cả đều thay đổi. Xin giới thiệu đôi nét về Giáo xứ Gia Nghĩa, phần trích đoạn trong bài biên khảo về Giáo hạt Quảng Đức của tác giả Hoàng Công Nga.

Năm 1959 tỉnh Quảng Đức được thành lập, đồng thời xứ Gia nghĩa cũng được hình thành trong năm này, Linh mục quản xứ là cha Giuse Nguyễn Văn Mạnh. Việc thành lập tỉnh Quảng Đức mang yếu tố chiến lược hơn là kinh tế. Tại trung tâm của tỉnh lỵ nhỏ bé này là những con đường đồi dốc không thuận lợi cho việc giao thông. Đường quốc lộ 14 đi qua tỉnh lỵ là con đường độc đạo nối liền Cao nguyên Trung phần, quốc lộ 28 nối liền với Di Linh qua cầu Kinh Đức và sau này thi công thủy điện Đồng Nai IV thì có cầu nối liền với huyện Bảo Lâm, đến thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng là con đường rừng đầy gian nan hiểm trở. Đặc điểm của tỉnh lỵ nhỏ bé này là giáp ranh với Campuchia, đường biên giới từ Đăk Buk So kéo dài lên huyện Đak Mil giáp ranh với tỉnh Mondonkari – Campuchia. Vì thế hoạt động của tỉnh lỵ nhằm mục đích chiến lược dãn dân giữ vững mặt biên giới và tăng cường về quân sự. Trong quá khứ đã từng xảy ra những trận giao tranh lớn tại đồn Buk Prang, Đăk Song, đồn Đức Lập và Trại Đăk Săk. Đây cũng là nơi nổ phát súng đầu tiên mở đầu cho chiến dịch năm 1975.

Tại trung tâm tỉnh Quảng Đức và các vùng phía Nam, người dân di cư không tập trung đông đảo như các vùng phía Bắc. Trong những năm 1957 – 1958 chính quyền miền Nam thành lập các dinh điền như Nhân Cơ, Sùng Đức, Đạo Nghĩa, Nghi Xuân, Thuận Hạnh (về sau những người dân dinh điền Thuận Hạnh chuyển ra mặt lộ 14 thành lập xã Thuận An gồm những người di dân từ Quảng Nam, Đà Nẵng). Tại phía Bắc của tỉnh Quảng Đức thời điểm đó các trại định cư đã hình thành ổn định tại quận Đức Lập (1956).

Giáo xứ Gia Nghĩa là giáo xứ chính tại trung tâm tỉnh Quảng Đức, các dinh diền chung quanh trở thành các giáo họ trực thuộc. Ngày 09/03/ 1975 phát súng đầu tiên nổ ra tại quận Đức Lập, mở đầu cho chiến dịch mùa Xuân 75, hầu như các đơn vị đồn trú trên tỉnh Quảng Đức đều di tản, kéo theo phần đông dân sự bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc hỗn loạn. Linh mục PX. Nguyễn Đức Hạnh, Quản xứ Gia Nghĩa và thầy Trần Thanh Phượng cũng bị cuốn theo, vượt qua sông Kinh Đà về tới Lâm Đồng và về sau trở lại GP.Ban-mê-thuột. Riêng thầy Phượng thì bị mất tích. Trong năm 75 nhà thờ giáo xứ Gia Nghĩa bị ngọn lửa thiêu rụi, không còn cơ sở tôn giáo nào có thể hoạt động được. Trung tâm thị xã Gia Nghĩa và các giáo họ trực thuộc hầu như vắng bóng Linh mục. Tại các điểm truyền giáo của các cha thừa sai xưa cũng rơi vào hoàn cảnh chung. Người giáo dân quây quần với nhau cổ vũ niềm tin và giữ đạo trong thầm lặng. Điều kiện xã hội này càng khó khăn hơn, tỉnh Quảng Đức trở thành huyện Đăk Nông, trực thuộc tỉnh Đăk Lăk. Từ năm 1975, kéo dài khoảng hơn 20 năm sau, tại Gia Nghĩa hầu như không còn sinh hoạt tôn giáo, đất nhà thờ xưa được trưng dụng để làm trường học, sinh hoạt xã hội hầu như xoay chuyển trong công việc của đời sống công nhân viên chức, đời sống của những cư dân nông nghiệp cũng không có gì làm khởi sắc. Nhiều người giáo dân kỳ cựu rời vùng đất này để tìm đến một nơi ổn định hơn.

Kể từ năm 1995 trở về sau, tình hình xã hội đã có nhiều chuyển biến, cộng đồng giáo dân tại khu vực trung tâm huyện Đăk Nông, nay là thị xã Gia Nghĩa và kể cả những giáo dân thuộc các khu vực chung quanh có những nhu cầu đòi hỏi cấp bách về mặt tâm linh. Họ thường tụ họp nhau lại để tổ chức các dịp Đại lễ quan trọng như Giáng Sinh và Phục Sinh. Một vài Linh mục trong hạt Quảng Đức và một vài thầy được cử xuống để giúp đỡ cộng đồng giáo dân trong những dịp này. Có những Thánh lễ quy tụ cả mấy ngàn người tập trung tại sân vận động để lãnh nhận các bí tích và tham dự Thánh lễ. Có những hạt nhân là giáo dân tại Gia Nghĩa luôn thể hiện sự tích cực trong việc truyền giáo, từ các buôn làng xa xôi, hạt giống tin mừng được ươm mầm, nảy nở, quy tụ về ngày càng đông. Trong các dịp Đại lễ, những người hảo tâm tại Sài-gòn thường quyên góp và chở lương thực được phân thành các khẩu phần vượt qua chặng đường dài tới cung cấp cho những người giáo dân dự lễ, đa số là những anh em dân tộc từ các buôn làng xa xôi tụ họp về và phải ở lại qua đêm. Những hình ảnh cảm động và đầy ý nghĩa này luôn để lại trong lòng cha Dominico Phạm Sỹ Hiện những kỷ niệm không bao giờ phai và vẫn được cha nhắc lại nhiều lần trong các bài giảng sau này… Năm 2004 giáo xứ Gia Nghĩa mới chính thức có Linh mục. Đây là một quá trình bền bỉ để gầy dựng lại từ đống đổ nát mà sức mạnh chỉ nhờ vào niềm tin. Nhà thờ mới được dựng tạm bợ trên đỉnh đồi heo hút có tên là đồi Đức Mẹ. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Khánh là linh mục đầu tiên được cử về nhận xứ Gia Nghĩa sau gần 30 năm vắng bóng Linh mục. Trong những năm sau nhà thờ được tiếp tục xây dựng ổn định. Kể từ năm 2005 trở về sau, nhiều giáo xứ được thành lập. Năm 2012 hình thành Hạt Quảng Đức 2.

Từ khi thành lập tỉnh Đăk Nông 2004, Thị xã Gia Nghĩa được đầu tư xây dựng trên một quy mô mới, các công trình giao thông được nâng cấp, sửa sang lại; các công trình công cộng cũng được đầu tư xây dựng theo quy mô hiện đại đã tạo cho khu vực trung tâm tỉnh một diện mạo mới. Bên cạnh đó khu trung tâm hành chính huyện mới Đăk Song nằm chạy dọc theo quốc lộ 14 cũng được xây dựng, tạo cho dáng dấp của tỉnh Đăk Nông những điểm nhấn ấn tượng. Nhiều người vẫn thường so sánh như một Đà-lạt thứ 2 của Tây nguyên. Ngành công nghiệp chính của tỉnh trong tương lai là khai thác khoáng sản Bô-xít, hiện tại tỉnh Đăk Nông đang xây dựng cơ sở hạ tầng; đời sống dân cư phát triển chuyên canh về cà phê, một số điểm phát triển mạnh về cây hồ tiêu như Đạo Nghĩa, Đăk D’Rung… Sinh hoạt tôn giáo trong giai đoạn này có nhiều bước ổn định, các dinh điền trước đây phát triển thêm nhiều giáo xứ, tuy nhiên có một số giáo xứ vẫn chưa có Linh mục.

Hoàng Công Nga ( tác giả gởi trực tiếp)

Read 1748 times Last modified on Thứ năm, 09 Tháng 5 2013 16:58