Như tin đã loan, tuần TĨĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột được khai mạc vào lúc 16 giờ 30 chiều Thứ Hai, 18.11.2013 và kết thúc vào sáng Thứ Sáu, 22.11.2013. Từ đầu giờ chiều ngày thứ Hai, trên 130 linh mục Triều và Dòng đang phục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận, hân hoan trở về Tòa Giám Mục để gặp gỡ Vị Cha chung và là dịp để chia sẻ mục vụ với các anh em linh mục trong giáo phận.
Khởi đầu tuần tĩnh tâm, sáng ngày 19.11.2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận TP. Saigòn, thuyết trình đề tài : Gắn bó với Đức Kitô trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa (Cv 3, 1- 6):
Từ hình ảnh ông Phê-rô chữa người què từ khi lọt lòng mẹ và qua câu câu nói của thánh nhân: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu, người Nazaret, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3, 1-6)
Đức cha Phê-rô đã diễn giảng để các linh mục xác tín Đức Giêsu là trung tâm điểm trong sứ vụ loan báo của người linh mục. Bởi vì ngày nay trên thế giới, nền kinh tế thị trường đã và đang hình thành một não trạng thị trường. Nơi mỗi người, mỗi thứ đều được ví như một sản phẩm hàng hóa. Tôn giáo cũng được coi là một thứ sản phẩm bày bán trên thị trường. Chính vì vậy, trong tiến trình Tân Phúc Âm hóa, việc đặt Đức Kitô làm trung tâm điểm là để mỗi người khám phá lại con người của mình, để từ đó hướng dẫn cách nghĩ, cách hành xử của người linh mục trong thừa tác vụ loan báo Tin Mừng.
ĐTC Phanxicô đã nói : “Trung tâm đức tin của chúng ta không phải là cuốn sách, nhưng là một câu chuyện cứu độ xoay quanh một Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể làm người.” Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu cho đến ngày nay đều nhấn mạnh:Đức Ki-tô là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo.
Ngày nay, các nhà truyền giáo phải là những người chiêm niệm trước tiên. Không có kinh nghiệm sâu sắc về đời sống chiêm niệm, việc gặp gỡ Đức Ki-tô, thì không thể là một nhà truyền giáo thực sự được. Tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc vào đời sống chiêm niệm.
Đời sống chiêmm niệm giúp người linh mục gắn bó mật thiết hơn với Đức Ki-tô, được trở nên bạn hữu của Đức Ki-tô “Anh em là bạn hữu của Thày, nếu anh em thực hiện những điều Thày truyền dạy”. Từ sự gắn bó đó, người linh mục mới chu toàn được trách vụ của mình:
-Trong thừa tác vụ Lời Chúa: các bài giảng phải là những chiêm niệm suy tư của mình và chia sẻ với người khác. Nói khác đi, phải là "từ trái tim đến trái tim”.
-Trong thừa tác vụ cử hành bí tích: mặc dù Giáo Hội xác quyết rằng hiệu quả của bí tích là Ex oppere operator – chính Đức Ki-tô đã hoạt động trong các bí tích. Tuy nhiên không phải vì thế mà để mặc cho Chúa mà đời sống con người của người linh mục không thay đổi. Nếu người linh mục không biến đổi đời mình, thì việc cử hành bí tích dễ bị coi như những hành động phù phép, ma thuật mà thôi.
Cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô phải biến đổi con tim người mục tử trở nên giống con tim của Đức Ki-tô. Đừng biến đời sống người linh mục trở thành một nghề nghiệp.
Để có thể gắn bó hơn với Đức Ki-tô, cần phải ở lại với Chúa, và sống trong Chúa.
Câu hỏi đặt ra để anh em linh mục suy nghĩ:
1. Liệu anh em có còn đủ xác tín vào quyền năng cứu độ của Đức Ki-tô không?
Lý do đặt ra là: Trên hành trình sứ vụ của Đức Giêsu, Ngài đã đối diện với những cám dỗ đầu tiên liên quan đến đường lối thi hành sứ vụ. Những cơn cám dỗ đó cũng là những cám dỗ trong việc thi hành thừa tác vụ mục tử của người linh mục: tiền của, vật chất được coi là chính yếu trong thời kinh tế thị trường, nó có làm cho người linh mục nhạt nhòa ý thức về sứ vụ của mình không ?
Mỗi người được mời gọi gặp gỡ Đức Ki-tô trong mối tương quan cá vị bằng việc thực hành, suy gẫm Lời Chúa qua Lectio Divina, để cá nhân hóa và nội tâm hóa LỜI trước khi rao giảng cho người khác. Đồng thời, hãy ở lại với Chúa Giêsu trong bí rích Thánh Thể.
2. Người linh mục phải làm thế nào dể hình ảnh của Đức Giêsu Ki-tô ngày càng trở nên gần gũi đối với giáo dân?
Người giáo dân giữ được đức tin là do truyền thống của cha ông để lại. Vậy liệu trong tương lai gần, nếu chỉ dựa trên truyền thống mà không dựa vào xác tín của bản thân, thì liệu người giáo dân có còn đến với ta nữa hay không, hay ta phải đi tìm người giáo dân ?
Phó tế : Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn ghi nhanh
Nguồn: gpbanmethuot.vn