Tĩnh tâm linh mục giáo phận Ban Mê Thuột (10-13. 11. 2014)-1
Posted by Ban Biên Tập
Theo thông tin từ Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, Tuần Tĩnh Tâm thường niên của hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột năm nay khai mạc vào lúc 16g30 chiều thứ Hai 10/11/2014 và kết thúc vào sáng thứ Sáu 14/11/2014. Từ chiều ngày 10.11. 2014, 168 linh mục bao gồm linh mục Triều và linh mục Dòng đang làm mục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận Ban Mê Thuột, hân hoan trở về Tòa Giám Mục để tham dự tuần tĩnh tâm, do Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long, GP. Hưng Hóa thuyết giảng.
Trong buổi tối khai mạc, Đức Cha Alphongsô tâm sự với linh mục đoàn về Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” của ĐTC Phanxicô. Tông huấn này đã gợi hứng để ngài chia sẻ với quý cha trong tuần tĩnh tâm Linh mục giáo phận BMT về NIỀM VUI CỦA LINH MỤC. Qua chủ đề này, Đức cha Alphongsô Nguyễn Hữu Long chia thành 6 đề tài :
1. Niềm vui theo Thánh Kinh
2. Niềm vui là Linh mục
3. Niềm vui thi hành thánh chức
4. Niềm vui nhiệt thành
5. Niềm vui giữa thử thách
6. Niềm vui loan báo Tin Mừng.
BÀI 1: NIỀM VUI TRONG KINH THÁNH
Niềm vui là một chủ đề lớn ở trong Kinh thánh xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước, đặc biệt là trong Tin Mừng khi Chúa Giêsu đến trần gian này để đem niềm vui cứu độ đến cho nhân loại. Có thể nói trên từng trang Tân Ước đều phảng phất niềm vui.
Niềm vui của đời linh mục hệ tại ở điều gì? Có phải nó đặt trên của cải vật chất hay trên phương diện thiêng liêng? Người linh mục đang đi tìm một niềm vui tạm bợ hay một niềm vui vĩnh cửu?
Trong tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành từ số 4 đến số 13 để khai triển đề tài niềm vui, nhưng ngài nhấn mạnh đến khía cạnh loan báo Tin Mừng.
1. Niềm vui trong Cựu Ước – Niềm vui Sáng tạo
Công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho muôn loài vui mừng. Đối với con người, niềm vui đó được đặt trên vật chất: người ta vui mừng vì có một cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên vợ đẹp con ngoan, gia đình đông con nhiều cháu, cơ nghiệp phát triển như trường hợp của ông Gióp… Đó là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc, khi được Chúa chúc phúc thì người ta vui. Niềm vui đó lại gắn liền với vấn đề ăn uống, các dịp lễ như thu hoạch mùa màng, phong vương, mừng chiến thắng, tù nhân hồi hương… đều là những cơ hội mang niềm vui cho con người.
Tuy nhiên, khi Thiên Chúa ký giao ước với con người, thì Ngài cho họ thông phần vào một niềm vui cao quý hơn: niềm vui vì trung thành với giao ước. Từ đây, niềm vui mang một chiều kích thiêng liêng chứ không chỉ mang chiều kích vật chất nữa, và niềm vui đó có tính hướng thượng tức là niềm vui mang tính tôn giáo chứ không phải niềm vui thế tục. Chẳng hạn niềm vui phụng tự, khi dân Israel ca tụng Chúa, tôn thờ Ngài trong các dịp kỷ niệm lễ Vượt Qua, lễ hồi hương, lễ Lều, dân chúng mừng vui tổ chức các lễ đó; hay niềm vui của người tôi trung trung thành với Chúa. Dẫu sao, niềm vui này là những niềm vui chóng qua ở tại thế, dần dần người ta được hướng tới niềm vui vĩnh cửu ở trên thiên quốc, niềm vui cánh chung. Trong Cựu Ước, con người được loan báo sẽ đến ngày họ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Lúc đó, con người sẽ được hưởng niềm vui đích thực. Giêrusalem Thiên quốc trở thành là niềm vui mà muôn dân ngóng đợi.
2. Niềm vui trong Tân Ước – Niềm vui Cứu độ
Bước sang thời Tân Ước, khi Chúa Giêsu đến trần gian để đem ơn cứu độ đến cho con người, thì Ngài đã đem niềm vui cho toàn thể nhân loại. Ngài trao ban cho con người niềm vui còn lớn hơn niềm vui sáng tạo trong Cựu Ước. Đó chính là niềm vui cứu độ.
Ai là người được hưởng niềm vui cứu độ qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô? Thưa đó là những người nghèo siêu thoát khỏi những gì gắn bó với của cải vật chất mới dễ dàng cảm nhận được niềm vui cứu độ của Chúa như Gioan Tẩy Giả, Đức Maria, các mục đồng Belem, như cụ già Simeon và Anna, như các môn đệ của Chúa Giêsu… Quả thật đối với những người nghèo vật chất, những người nghèo tinh thần (tinh thần siêu thoát) dễ có được niềm vui cứu độ của Chúa Giêsu.
Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 7, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng: “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã gia tăng muôn vàn cơ hội lạc thú, nhưng rất khó phát sinh niềm vui. Tôi có thể nói rằng những cách thế diễn tả niềm vui đẹp nhất và tự nhiên nhất mà tôi thấy trong đời tôi là ở nơi những người rất nghèo, họ có rất ít để bám víu vào. Tôi cũng nghĩ về niềm vui đích thực được biểu lộ ở nơi những người khác, những người, dù ở giữa những bổn phận nghề nghiệp cấp bách, đã có thể gìn giữ một tâm hồn đầy tin tưởng, trong tinh thần siêu thoát và lối sống giản dị. Theo cách thế riêng của mình, tất cả những mẫu người tràn đầy niềm vui này múc lấy từ nguồn tình yêu vô tận của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô.”
Để hưởng được niềm vui cứu độ của Thiên Chúa, các môn đệ của Chúa Giêsu đã phải từ bỏ mọi sự để đổi lấy nước trời, kiên trì trong bách hại, chứ không phải vui khi làm những phép lạ hay điều gì lớn lao. Trong Tin Mừng Lc 10,17-20, sau khi được Đức Giêsu sai đi truyền giáo từng hai người một, các ông trở về vui mừng báo cho Ngài biết những thành quả của mình, nhưng Chúa bảo các ông rằng chớ có mừng vì quỷ thần khuất phục các ông, nhưng hãy mừng vì tên của anh em đã được ghi trên trời. Niềm vui của các môn đệ là thấy người ta quay về với Thiên Chúa và sống trong tình thương của Đấng đến để cứu những con chiên lạc.
Khi Chúa Giêsu chiu chết trên thập giá, thế gian vui mừng còn các môn đệ thì buồn rầu, chán nản, thất vọng. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nói trước rằng: Thầy sẽ đến gặp lại anh em, và nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui, bởi niềm vui ấy không ai tước đoạt được khỏi anh em (x.Ga 16,20;22)
Theo dòng lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, niềm vui đã biến đổi nhiều: từ khía cạnh vật chất đến thiêng liêng, từ tính cách tạm thời đến vĩnh cửu, từ khía niệ hạn hẹp nơi dân tộc Israel đến đến dân tộc mới là Giáo hội, từ phạm vi đời sống cũ đến đời sống mới trong Chúa Thánh Thần.
Trong sách Công vụ Tông đồ, nơi công đoàn Kitô hữu sơ khai, khi đặt tất cả niềm tin vào Chúa, họ làm thành một công đoàn sống đơn sơ, đi loan báo Tin Mừng, chấp nhận những thử thách bách hại, an vui trong Chúa Thánh Thần, gắn bó với lời Chúa, cầu nguyện, chia sẻ, sống quảng đại… Tất cả những điều đó kết thành niềm vui trong dân Chúa giữa cuộc sống trần thế nay trong khi ngưỡng vọng về cuộc sống mai hậu.
Niềm vui mà sách Công vụ Tông đồ đề cập đến là niềm vui được tôi luyện trong những thử thách. Người môn đệ của Chúa phải vui tươi khi được thông phần đau khổ với Chúa, chấp nhận bị tước đoạt hết của cải, chịu trăm bề thử thách. Khó nghèo và bách hại là hai yếu tố dẫn đến niềm vui đích thực. Thánh Phaolô Tông đồ cảm thấy vui mừng khi gặp ưu phiền, thử thách (x.2Cr 6,10), và vui mừng khi được chịu đau khổ vì Giáo hội và vì tín ngưỡng (x.Cl 1,24) và mời gọi các tín hữu Philipphê chia sẻ niềm vui với ngài, nếu ngài có phải đổ máu để làm chứng cho đức tin (x.Pl 2,17). Quả thật, đây là điều kiện để có một niềm vui thật, cũng như để kiểm chứng một niềm vui thật là một niềm vui trong thực hành, chứ không phải theo quan niệm thế gian khi mọi sự bình an, mọi sự may mắn tốt đẹp thì người ta mới vui. Với niềm tin Kitô giáo, ngay trong những thử thách chúng ta cũng có một niềm vui.
Khi những thử thách chấm dứt thì trên trời sẽ mở tiệc cưới Con Chiên. Những ai được dự phần sẽ hân hoan ca tụng Chúa và niềm vui đạt tới sự sung mãn đưa họ tới sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Để đạt được niềm vui đích thực và vĩnh viễn, người ta phải trải qua những đau khổ, qua những thử thách ngay tại trần thế này, nhưng niềm vui thiêng liêng này đáng để cho mọi tín hữu và cách riêng người linh mục bằng mọi giá thủ đắc cho mình, cũng như giới thiệu cho người khác để cùng đạt được. Điều này cũng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến trong tông huấn Evangelii Gaudium: niềm vui phải được lan tỏa, phải được thông truyền, phải được giới thiệu cho người khác. Đó chính là ý nghĩa của công cuộc loan báo Tin Mừng. Tin Mừng, tin vui phải được chia sẻ, đây chính là sứ vụ trọng yếu của Giáo Hội Công Giáo trong thế giới hôm nay.
Trong số 9 của Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo hoàng Phanxicô lưu ý rằng làm sao người ta có thể loan báo niềm vui này khi chính mình lại mang một bộ mặt đưa đám: ước gì thế giới hôm nay đang tìm kiếm trong lo âu hoặc hy vọng, có thể đón nhận Tin Mừng, không phải từ những nhà rao giảng buồn bã hay thất vọng, bồn chồn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên của Tin Mừng có đời sống đầy nhiệt thành vì đã đón nhận niềm vui của Đức Kitô và chấp nhận xem thường mạng sống để cho Nước Trời được rao giảng và Giáo Hội được ăn sâu vào giữa lòng thế giới. Đây là điều mà người linh mục cần lưu tâm thể hiện trước tiên.
Trong số 12 của tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng nói về niềm xác tín vào Thiên Chúa, là Đấng làm chủ mọi biến cố lịch sử, để dù trong hoàn cảnh dù tối tăm thế nào ta vẫn giữ vững được niềm vui trong mọi tình huống. Ngài viết: Niềm xác tín này giúp chúng ta duy trì tinh thần vui tươi giữa nhiệm vụ quá đòi hỏi và quá thách đố đến mức nó chiếm trọn cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi mọi sự nơi chúng ta, nhưng đồng thời cũng ban mọi sự cho chúng ta. Chính vì thế, thái độ chính đáng của người linh mục là phải làm sao để mình luôn ở trong niềm vui của Chúa.
Như vậy, người linh mục phải là những chứng nhân của niềm vui Tin Mừng trong thời đại hôm nay, là những người đi loan báo tin vui, mời gọi anh chị em đồng bào của mình niềm vui tin vào Chúa, và đó là sứ mạng chính yếu của đời linh mục. Muốn được thế, nơi bản thân người linh mục phải có niềm vui Tin Mừng để mới có cái để trao ban. Niềm vui đó còn phải lớn lên mỗi ngày, được làm mới lại, sống động hơn nơi chính bản thân người linh mục. Trong đời sống người linh mục, niềm vui đó được thể hiện trên khuôn mặt, trong nụ cười, trong lời nói, cử chỉ khi giao tiếp với anh chị em tín hữu cũng như với anh chị em lương dân mà người linh mục gặp gỡ. chính những cuộc gặp gỡ là cơ hội để người linh mục đem Chúa đến với anh chị em và đưa anh chị em đến với Chúa, để tất cả cùng vui tươi trong tình yêu của Chúa.
Sau khi đã điểm qua những khái niệm về niềm vui trong kinh thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước cũng như quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Cha giảng phòng kết luận:
- Niềm vui đó là niềm vui đích thực chứ không phải giả tạo như người đời đang tìm kiếm
- Niềm vui đó mang tính thánh thiện chứ không phải mang tính chất hay màu sắc tội lỗi.
- Niềm vui đó phải là niềm vui vững bền và trường cửu chứ không phải là niềm vui hời hợt, chóng qua.
- Niềm vui đó là niềm vui hệ tại ở việc có Chúa chứ không phải là vắng Chúa.
- Niềm vui đó phải là niềm vui lan tỏa chứ không phải là khép kín.
- Niềm vui đó phải là niềm vui ra đi, đem Chúa đến cho mọi người chứ không phải bo bo giữ cho riêng bản thân mình.
- Niềm vui đó cũng không phải là niềm vui lớn lao, nhưng là niềm vui nhỏ bé trong mọi biến cố, trong mọi tình huống.
- Niềm vui đó là niềm vui đơn sơ giản dị, chứ không phải cầu kỳ.
Đồng thời Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục kiểm điểm lại đời sống của bản thân:
- Mỗi anh em linh mục đã có niềm vui của Chúa hay chưa?
- Niềm vui của bản thân mỗi người hệ tại nơi vật chất hay thiêng liêng?
- Mỗi người đã cảm nếm được niềm vui đích thực là hoa trái của Chúa Thánh Thần luôn sẵn lòng ban cho từng người trong đời sống linh mục hay chưa?
Album Ảnh
Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP ghi
Nguồn bài viết: gpbanmethuot.vn