Từ ngày 12/01/2015 đến 16/01/2015, tại Tòa Giám Mục Giáo phận Banmêthuột, đã tổ chức khóa thường huấn cho các linh mục trong giáo phận học hỏi về “Đời sống giáo xứ và cộng đoàn”, dựa theo Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 01/11/2014. Trong khóa học này, quý cha giảng huấn sẽ giúp các linh mục trong giáo phận có những kiến thức thực tế hơn về công tác mục vụ, để các ngài có điều kiện giúp cho các thành phần dân Chúa thực hiện việc Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến tại các giáo xứ nơi mình phụ trách.
Khóa thường huấn này do quý cha dòng Tên và cha Tổng đại diện giáo phận Hải Phòng phụ trách. Sau đây là tóm lược nội dung các tiết học:
Tìm hiểu việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến qua cấu trúc thư chung của HĐGMVN
Năm 2014, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã có thư chung kêu gọi tân Phúc-âm-hóa các gia đình. Năm 2015, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tiếp tục ra thư chung mời gọi mọi người hướng tới một gia đình rộng lớn hơn đó là Giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến.
Trong lá thư mục vụ năm 2015: ngoài phần dẫn nhập và kết luận (số 1 và số 8), thư mục vụ có:
- 04 số nói về giáo xứ (từ số 2 đến số 5)
- 01số nói về đời sống người linh mục trong việc tân Phúc-âm-hóa (số 6)
- 01 số nói về đời sống của các cộng đoàn sống đời thánh hiến (số 7)
Cộng đoàn giáo xứ là cộng đoàn mô phỏng lại cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên. Một cộng đoàn siêng năng cầu nguyện, hiệp thông với nhau, chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy và tham dự lễ bẻ bánh. Đây chính là mô hình lý tưởng giúp chúng ta xây dựng chương trình tân Phúc-âm-hóa năm 2015.
Tân Phúc-âm-hóa là gì?
Đây là một thuật ngữ chúng ta được nghe nói nhiều trong những năm gần đây, nhưng từ ngữ này có từ bao giờ và được sử dụng như thế nào?
Người đưa ra thuật ngữ này chính là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Theo ngài, ta cần phải hiểu: Tân Phúc-âm-hóa không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ, hay không đạt được mục đích như thể một hoạt động mới phát xuất từ sự thất bại của cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất. Tân Phúc-âm-hóa cũng không phải là tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất hay đơn giản là lập lại quá khứ. Tân Phúc-âm-hóa là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới, để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện xã hội đang thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay.
Thời đại ngày hôm nay không chỉ còn là thời đại của “@” nhưng còn là thời đại của “chạm” và “lướt”. Ngày nay nếu không đồng hành với giới trẻ, không chơi với giới trẻ, thì khi tiếp xúc với các em, chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của các em.
Chính vì thế, Tân Phúc-âm-hóa là thuật ngữ chỉ những nỗ lực canh tân của Hội Thánh để đáp ứng những thách đố mà xã hội và nền văn hóa hôm nay, với những thay đổi nhanh chóng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng cho đức tin ấy. (x. Lineamenta số 5)
Trong việc dạy giáo lý trước đây, chúng ta mới chỉ giúp các em những kiến thức về đời sống đức tin qua các lớp giáo lý cơ bản theo kiểu thuộc lòng, đoàn lũ. Bên cạnh đó, sau khi các em được chịu Bí tích Thêm sức, các bậc cha mẹ xem như đã đủ kiến thức để có thể sống đạo, không cần phải học hỏi thêm nữa. Điều này đặt ra câu hỏi: khi các em bước vào đời, các em sẽ sống thế nào? phải thích nghi như thế nào? khi đời sống đức tin của các em không đưa đến một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô và không trở nên cuộc sống đức tin cá vị của mỗi em.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Sắc Lệnh AD GENTES của Công Đồng Vaticanô II ra đời, Hội Thánh Việt Nam mời gọi cộng đồng Dân Chúa canh tân đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến bằng cách làm cho các cộng đoàn này thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. (x. Thư Mục Vụ, số 1)
Bốn yếu tố của cộng đoàn Giáo xứ theo mô hình của Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi
Mô hình cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được để cập rõ ràng trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,42):
- Chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy,
- Luôn luôn hiệp thông với nhau,
- Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,
- Cầu nguyện không ngừng.
a. Yếu tố thứ nhất: Chuyên cần nghe giảng dạy.
Các Tông đồ đã hăng say giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế cuộc sống. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến tác vụ của người linh mục. Nhiệm vụ của người linh mục trước tiên là giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn. Để làm tốt nhiệm vụ này, người linh mục cần:
- Lắng nghe Chúa trong cầu nguyện: chỉ trong thinh lặng và cầu nguyện, người linh mục mới nghe được tiếng Chúa nói với mình điều gì, muốn mình làm những gì. Khi cầu nguyện trở nên khó khăn, thì chúng ta cần phải giúp mình cầu nguyện. Phương thế đầu tiên mà chúng ta phải sử dụng là sự thinh lặng, bởi vì những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn sống trong thinh lặng sâu xa. Chúng ta không thể nào đặt mình trong sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa, nếu chúng ta không có thói quen giữ thinh lặng trong tâm hồn và bên ngoài quanh chúng ta. Ngày nay, người linh mục đã để quá nhiều điều bên ngoài chi phối tâm hồn và thể xác của mình, không còn thời gian và không gian dành cho Chúa, đến nỗi nhiều người được mệnh danh là “linh mục phi trường”, “linh mục 27”, linh mục với nụ cười của tiếp viên hàng không.
- Chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng: nếu người giáo dân không hài lòng về bài giảng của linh mục, thì đó không phải là họ không muốn nghe giảng trong Thánh lễ, mà vì họ cảm thấy việc giảng ấy không đem lại hứng thú và lợi ích gì. Nhìn chung giáo dân rất trân trọng những gì linh mục nói, nhất là lúc các ngài bước lên tòa giảng. Với lòng tin, giáo dân theo dõi, lắng nghe vị linh mục giảng như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc.
- Nội tâm hóa Lời Chúa: Lời Chúa không chỉ nói cho người khác, nhưng Lời Chúa trước tiên nói cho người mục tử, để làm sao Lời Chúa chất vấn tâm tư, tình cảm củ chính người mục tử, để người mục tử là người đầu tiên sống Lời Chúa, sau đó Lời Chúa mới được người mục tử loan báo cho anh chị em giáo dân.
- Lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Lắng nghe tâm tư của người giáo dân là lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Những gì mình giảng là những gì mình sống. Lời giảng của linh mục phải là lời giảng phát xuất từ trái tim của mình. Nếu trái tim của người mục tử rung lên trước những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm rung lên nơi trái tim người nghe. Cần phải nối kết những gì mình nói với sự hướng dãn của Chúa Thánh Thần. Cần phải nghiệm ra rằng tiếng mình nói không phải là mình nói, nhưng là Chúa Thánh Thần nói, để qua đó Chúa Thánh Thần tác động đến người nghe.
Ngày nay, khi chu toàn việc giảng dạy và hướng dẫn áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống là người linh mục đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Liên quan đến vấn đề này, người linh mục cần quan tâm giảng dạy giáo lý cho mọi tín hữu, đặc biệt cho thiếu nhi và giới trẻ. Linh mục cần nâng cao trình độ hiểu biết cho giáo lý viên giáo dân, để họ cộng tác với mình trong việc thi hành sứ vụ cách mới mẻ, với sự nhiệt tình, năng lực và phương pháp mới (x Thư Mục Vụ, số 3)
b. Yếu tố thứ hai: Kiến tạo cộng đoàn hiệp thông
Việc kiến tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn xuất phát từ sự hiệp thông của cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sự hiệp thông trong cộng đoàn giáo xứ là sự hiệp thông giữa linh mục với giáo dân, hiệp thông giữa giáo dân với nhau được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ, để xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Cần tránh mọi hình thức phân biệt đối xử.
Các thành viên trong Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của cáclinh mục trong việc điều hành giáo xứ. Chính vì thế, các linh mục quản xứ cần giúp các thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ biết nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cộng tác với linh mục trong tinh thần phục vụ.
Cộng đoàn Ba Ngôi là một cộng đoàn mở, cho nên cũng cộng đoàn hiệp thông nơi giáo xứ cũng phải là một cộng đoàn mở. Tình hiệp thông cần mở rộng vượt khỏi ranh giới của giáo xứ để cộng tác với mọi người thiện chí, chăm lo những công ích chung của cuộc sống xã hội.
Việc mở rộng tình hiệp thông ra khỏi ranh giới giáo xứ cũng cho thấy người linh mục và cộng đoàn giáo xứ cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Họ là những người cần quan tâm đặc biệt trong việc chăm sóc mục vụ. Nhiều giáo xứ tại nông thôn không đủ nhân lực cho sinh hoạt cộng đoàn, nhưng ngược lại, nhiều giáo xứ tị thành thị lại quá tải trong công tác mục vụ, phần lớn là việc mục vụ cho các anh chị em di dân. Nếu cứ căn cứ vào luật, thì họ sẽ dễ dàng bị loại ra khỏi cộng đoàn. Vì thế, Cần mở rộng vòng tay đón tiếp họ. Tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt trong giáo xứ. Giúp họ không rơi vào tâm trạng lạc lõng trong đời sống đức tin. Nhờ được nâng đỡ, họ có thể trở nên các nhân tố tích cực trong việc Phúc Âm hóa. (x.Thư Mục Vụ, số 4)
Câu hỏi gợi ý thảo luận
1. Mối tương quan giữa Cha và HĐMVGX có gặp khó khăn không? Nếu có, vì sao? Cha có cách giải quyết thế nào để việc cộng tác và chia sẻ trách nhiệm mục vụ của HĐMVGX đem lại kết quả tốt đẹp hơn cho mọi người?
2. Giáo xứ của Cha có anh chị em di dân không? Nếu có, Cha có đề ra chương trình m,ục vụ cụ thể nào để nâng đỡ và giúp họ tha, gia các sinh họat giáo xứ không?
3. Theo nhận xét của Cha về hiện trạng giáo xứ của mình, đâu là yếu tố đầu tiên trong 4 yếu tố căn bản của cộng đoàn giáo xứ cần phải được canh tân trước hết? Tại sao? Và nên làm bằng cách nào?
Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP. ghi
Nguồn: gpbanmethuot.vn