(phần tiếp theo)
c. Yếu tố thứ ba và thứ tư: Siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng
Để trở thành một “cộng đoàn siêng năng tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ”, trong vai trò là linh mục, chúng ta cần lưu ý hai điều:
- Giúp giáo dân tham dự Thánh lễ cách ý thức và sống động hơn.
- Giúp họ không những chu toàn lề luật mà còn giúp họ gặp gỡ Chúa và sống với Chúa sâu xa hơn. Đồng thời, biết cách đem Tin Mừng vào môi trường sống hàng ngày. (x.Thư Mục Vụ, số 2)
Có lẽ đối với các thế hệ trước đây, ông bà cha mẹ chúng ta, đã quen với nếp sống đạo là đọc kinh, đi lễ, và họ đã giữ truyền thống đó rất tốt. Thế nhưng, đối với các bạn trẻ ngày nay, truyền thống tốt đẹp đó đang bị phá vỡ rất nhiều, nếu họ không có xác tín về đức tin cá vị và cuộc gặp gỡ riêng tư với chính Đức Giêsu Kitô bằng đời sống cầu nguyện cá nhân, và cách đặc biệt là giúp họ tiếp xúc với Lời Chúa. Thực tế, các bạn trẻ ngày nay, khi đối diện với những khó khăn trong đời sống, thì đức tin của họ rất dễ bị khủng hoảng. Nhiều bạn trẻ có sự chênh lệch về sự hiểu biết giữa một bên là những kiến thức chuyên môn, kiến thức khoa học thì rất cao, một bên là kiến thức về đạo, về giáo lý, về Tin Mừng thì lại rất thấp.
Chính hai yếu tố này không cân xứng với nhau, nên đời sống đức tin của các bạn không phát triển được; và nó không hài hòa được, nhất là khi các bạn học cao hơn thì rất nhiều vấn nạn được đặt ra cho đức tin mà với vốn giáo lý chỉ để chịu phép thêm sức thôi thì không đủ. Chính vì thế, càng lớn lên, giới trẻ càng phải khám phá ra một đức tin sâu xa hơn bằng đời sống cầu nguyện, đời sống tiếp xúc gặp gỡ trực tiếp với Chúa. Công việc này chúng ta không thể làm đại trà được, mà chỉ có thể bắt đầu thực hiện từ những nhóm nhỏ, để ngang qua đó có thể đào tạo được những tác nhân Tin Mừng.
Sức hấp dẫn và thu hút người khác đến với Chúa của cộng đoàn giáo xứ không phải ở việc nhà thờ xây hoành tráng đến đâu, đẹp đẽ thế nào mà chỉ có thể có được khi cộng đoàn giáo xứ là một cộng đoàn thờ phượng, yêu thương, hiệp nhất, làm bừng sáng vẻ đẹp Phúc Âm và lan tỏa niềm vui Tin Mừng. (x.Thư Mục Vụ, số 5).
Việc Phúc-âm-hóa cộng đoàn giáo xứ phải bắt đầu từ chính anh em linh mục.
Đây là điều nhắn nhủ đặc biệt đối với anh em linh mục. Việc phúc âm hóa được thực hiện bằng cách:
- Phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục.
- Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới.” (ĐTC Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, số 31)
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói về trách nhiệm của hàng giám mục, nhưng trong lá thư mục vụ, HĐGMVN cũng mời gọi và nhắn nhủ anh em linh mục sống và chia sẻ trách nhiệm cùng với hàng giám mục:
Trách nhiệm thứ nhất là làm thế nào để có thể nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình. Bởi lẽ trong nhiều giáo xứ, các linh mục ít khi nhấn mạnh đến khía cạnh truyền giáo, mà chỉ lo chăm sóc cho đoàn chiên được trao phó cho mình thôi, nghĩa là cộng đoàn của chúng ta không có mở rộng ra bên ngoài, ra khỏi biên cương của giáo xứ. Có rất nhiều anh chị em bênh cạnh và xung quanh chúng ta, những con người mà ta gặp gỡ hàng ngày, những người chẳng hề biết Chúa, thế nhưng tự sâu thẳm lòng họ vẫn có một khao khát và họ đang đi tìm kiếm ở chỗ nào đó chân lý của Tin Mừng, trong khi chúng ta là những người được Chúa trao cho sứ mạng đem chân lý Tin Mừng đó đến cho họ. Nếu chúng ta không để ý đến điều này để mở ra và vượt qua biên cương của giáo xứ, thì đây là một thiếu xót rất lớn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Chính vì vậy, người linh mục phải làm cho cộng đoàn giáo xứ không phải sống cho mình mà phải trở thành một giáo xứ sống cho người khác.
Cũng giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, Giáo xứ của chúng ta là một giáo xứ được quy tụ, nhưng quy tụ là để được sai đi. Người linh mục phải làm cho anh chị em tín hữu ý thức điều này, không phải chỉ đến nhà thờ để lo chu toàn bổn phận tham dự thánh lễ và đón nhận các bí tích là đủ, mà còn có bổn phẩn trở nên ánh sáng, trở nên muốn men cho thế giới này.
Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến 3 vị trí của người linh mục trong sự hiệp thông truyền giáo cho cộng đoàn, để nói lên ba tính cách của người mục tử:
- Đi trước: như là người dẫn đường, trong vai trò là người thầy, người hướng dẫn, người lãnh đạo, có trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đi theo con đường của chính Chúa Kitô. Người giáo dân bị đánh động không phải chỉ qua bài giảng mà là qua gương sống, thái độ yêu thương của người mục tử
- Đi giữa: không phải để được đoàn chiên bảo vệ, nhưng là để cùng đồng hành, trở nên bạn của những người bạn, để lắng nghe, để chia sẻ những đau khổ, những vui mừng, những thất vọng và những hy vọng.
- Đi sau: ngoài những anh chị em rất tích cực trong những công việc của giáo xứ, thì cũng có những anh chị em ít có mặt trong những sinh hoạt của giáo xứ, các anh chị em đó là những anh chị em có vấn đề. Họ không dám đến với các linh mục, vì họ sợ. Đây chính là những con chiên bị bỏ rơi lại đàng sau, họ cần sự quan tâm đặc biệt của người mục tử. Cho nên, thay vì đợi họ đến với mình, người linh mục hãy đến với họ trước, để nâng đỡ, ủi an, khích lệ, nhất là để vực họ lên.
Một điều quan trong mà các linh mục cần lưu tâm là phải lưu ý đó là phải để cho người giáo dân tự mở ra hướng đi, tức là khuyến khích vai trò của người giáo dân trong đời sống đức tin và khả năng truyền giáo. Đây chính là lời mời gọi và sự trân trọng của người linh mục đối với anh chị em giáo dân, để cho họ có một vai trò năng động sáng tạo trong giáo xứ. Khi đã trao cho người giáo dân một trách nhiệm nào đó, hãy cố gắng để cho họ có sáng kiến, nhiều khi những sáng kiến đó là những sáng kiến khởi đi từ chính cuộc sống của họ. Nếu người linh mục không biết lắng nghe và trở nên những người bạn của những anh chị em này, thì họ sẽ rất khó để thổ lộ và tỏ bày với chúng ta. Đây là một chiều kích rất năng động và sáng tạo của cộng đoàn giáo xứ. Chính vì thế, các vị linh mục quản xứ cần khơi dậy những khả năng của người giáo dân và để cho họ có một khoảng tự do lớn hơn, để người giáo dân có khả năng đóng góp nhiều hơn vào trong đời sống của giáo xứ. Đây chính là điều mà Công Đồng Vaticanô II đề cập đến khi nói về vai trò của người giáo dân trong giáo hội. Bởi vậy, tùy theo cách thức và hoàn cảnh, người linh mục hãy mở lối và gợi ý để anh chị em giáo dân cố gắng đáp lời.
Đối với các anh chị em sống đời thánh hiến.
Năm 2015, năm đời sống thánh hiến là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô.” (Niềm Vui Tin Mừng, số 264) Chính trải nghiệm này thúc giục anh chị em sống đời thánh hiến ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-âm-hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa phương, để mang lại hoa trái dồi dào cho cánh đồng truyền giáo còn mênh mông trên quê hương Việt Nam thân yêu. (x.Thư Mục Vụ, số 7)
Đây là một cơ hội thuận lợi cho tất cả những anh chị em sống đời thánh hiến đào sâu căn tính của mình. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều tu sĩ bị khủng hoảng về căn tính đời tu cua mình. Nhiều lúc họ không biết mình là ai? Họ sống ba lời khuyên Phúc Âm để làm gì trong khi họ cảm thấy tù túng, gò bó,… và nhiều khi họ không còn phân biệt được những khác biệt của bản thân với những người khác.
Mặc dù trong lá thư mục vụ đề cập rất ít đến đối tượng là những anh chị em sống đời thánh hiến, nhưng lại nói đến một điểm rất sâu xa, chạm đến con tim của những người sống đời thánh hiến. Nếu con tim của họ không có được sức sống được kín múc từ tình yêu của Chúa Kitô thì họ sẽ dễ dàng đánh mất căn tính của họ. Khi tất cả những gì họ làm là vì công việc, họ sẽ không còn thời gian để dành cho Chúa, thì ý nghĩa của đời sống tu trì sẽ bị đánh mất.
Những trải nghiệm về việc gặp gỡ Đức Kitô sẽ là động lực thúc đẩy anh chị em sống đời thánh hiến yêu mến Đức Kitô nhiều hơn, từ đó thực thi lời mời gọi của Đức Kitô hãy chia sẻ tình yêu ấy cho người khác. Nghĩa là chính tình yêu ấy thúc giục họ lên đường dấn thân bằng chính ngọn lửa của Chúa Giêsu, ngọn lửa mà Chúa Giêsu ước ao được ném vào thế gian và hằng ước mong ngọn lửa ấy được bùng lên, đấy là ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của thánh thần đốt cháy tâm hồn của những người sống thuộc về Đức Kitô và sống trọn vẹn cho Đức Kitô. Và họ cũng chỉ sống trọn vẹn sứ mạng ấy khi được tình yêu thúc đẩy như lời thánh Phaolô nói: “Tình yêu Đức Kitô đã thúc bách tôi”.
Câu hỏi thảo luận
4. Giáo xứ của Cha hiện nay có sứ hấp dẫn và thu hút người khác đến với Chúa không? Nếu có, vì yếu tố nào? Nếu không, vì yếu tố nào? Làm thế nào để đổi mới các hoạt động của trong giáo xứ để làm bừng sáng vẻ đẹp Phúc Âm và lan tỏa niềm vui Tin Mừng để giáo xứ trở thành một nơi “đất lành chim đậu”?
5. Đâu là điểm quan trọng nhất Cha thấy cần canh tân chính bản thân mình để việc thi hành tác vụ linh mục đạt hiệu của thiêng liêng dồi dào hơn nơi đoàn chiên mà Cha được tráo phó để phục vụ?
6. Giáo xứ của Cha có một cộng đoàn sống đời thánh hiến nào không? Nếu có, sự hiện diện và phục vụ của cộng đoàn này đã góp phần thế nào trong công việc mục vụ và truyền giáo của giáo xứ? Nếu không, Cha có ước muốn có một cộng đoàn sống đời thánh hiến cùng cộng tác trong cộng việc mục vụ và truyền giáo không? Vì sao?
Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn. OP ghi