Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 17 Tháng 1 2015 07:24

Thường Huấn Linh mục Giáo phận Banmêthuột (3)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thường Huấn Linh mục Giáo phận Banmêthuột (3)

(phần tiếp theo)

MỘT VÀI GỢI Ý VỀ TÂN PHÚC ÂM HÓA CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ
CỦA ĐỨC HÔNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN

Thư chung của HĐGMVN công bố vào cuối tháng 10.2014 kêu gọi các thành phần dân Chúa nỗ lực thực hiện việc Tân Phúc-âm-hoá đời sống của cộng đoàn tín hữu trong giáo xứ. Theo lời kêu gọi trên, linh mục phụ trách giáo xứ là những người trước tiên lãnh trách nhiệm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ của mình.

1. BỔN PHẬN TU THÂN
Bổn phận tu thân không chỉ áp dụng cho các tín hữu, nhưng trước hết là áp dụng cho các linh mục. Để có thể chu toàn trách nhiệm Phúc-âm-hóa đời sống của cộng đoàn giáo xứ, phải khởi đi từ chính bản thân mình. Ở đây có ba cách:

a. Phúc Âm hoá đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu
Bổn phận của người tín hữu, trong đó có các linh mục khởi đi từ việc tu thân trước, tức là chính mình tự huấn luyện bản thân mình trước, để về nhân bản là trở thành một con người thực sự, về phương diện đức tin là trở nên một kitô hữu, và về mặt sứ vụ là trở một linh mục thuộc về Giáo hội. Việc xây dựng, huấn luyện đời sống của bản thân phải dựa trên một nền giáo dục toàn diện, gồm bốn phương diện, mang bốn chữ H như sau:

- Head: tức là mở rộng kiến thức, nâng cao óc phán đoán và sáng tạo
- Health: tức là phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần
- Hands: tức là thủ đắc kỹ năng văn hoá, lịch sử, kinh tế, chính trị
- Heart: tức là rèn luyện nhân cách để có con tim mở rộng

Một người khi phát triển tất cả những khía cạnh này sẽ trở nên một con người thành toàn.
Bên cạnh việc huấn luyện đời sống bản thân dựa vào việc giáo dục toàn diện, cũng cần chiêm ngắm mầu nhiệm mân côi (20 Mầu Nhiệm Mân Côi) diễn tả toàn bộ mầu nhiệm cứu độ nơi con người Đức Kitô, và đây là một cuốn phúc âm thu gọn, đề cập đến con đường yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. Người Kitô hữu đi theo con đường này, thì họ cũng sẽ biết cách yêu thương và phục vụ.

b. Phúc Âm hoá đời sống và sinh hoạt của gia đình
Trước hết, việc phúc âm hóa nên khởi đi từ đời sống gia đình. Chúng ta đã có nguyên một năm để phúc âm hóa đời sống gia đình. Qua năm 2015 việc phúc âm hóa đó không chấm dứt mà cần phải tiếp tục, nhưng nó được mở rộng ra một gia đình lớn hơn đó là cộng đoàn giáo xứ khi đề cập đến gia đình ta cũng cần đề cập đến một gia đình lớn là cộng đoàn giáo xứ..

Đối với những người sống đời sống hôn nhân, thì gia đình của họ có cha mẹ, có con cái, còn đối với các linh mục, gia đình của họ là giáo xứ, hay một gia đình lớn hơn là giáo phận. Vì vậy, phải làm sao để xây dựng gia đình thành cái nôi của sự sống, thành mái ấm tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục nên người tốt và hữu ích, trở thành thành trì bảo vệ phẩm giá con người. Phải làm sao cho cái môi của sự sống đó là mối tương quan giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa con cái và cha mẹ phải giúp cho mọi người lớn lên trong sự sống không chỉ là sự sống thể lý mà còn là sự sống nhân bản, sự sống tâm linh. Tất cả những điều đó đan quyện vào nhau để làm nên một cộng đoàn yêu thương – hội thánh tại gia. Ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Nơi nào có Thiên Chúa hiện diện, nơi đó trở thành mái ấm tình thương. Mỗi người khi cảm thấy hạnh phúc nơi gia đình của mình, họ sẽ trở về với ngôi nhà của mình và nhận ra nơi đó là nơi ấp áp nhất mà họ không thể tìm thấy ở đâu được. Nếu họ không cảm nhận được sự ấp áp nơi gia đình của mình khi mà nơi đó là nơi lạnh giá, cô đơn, lẻ loi, đầy bạo lực thì không ai muốn trở về gia đình của mình. Rất nhiều gia đình hiện nay bị tan vỡ vì thiếu vắng hơi ấm của tình thương.

Gia đình chính là môi trường đầu tiên làm cho con người thực sự lớn lên, trở thành người hữu ích cho xã hội và giáo hội. Nhờ gương sáng của cha mẹ, của thầy cô, của những người giáo dục đức tin nơi gia đình cho đến cộng đoàn giáo xứ, con người trở nên thành toàn hơn, nhất là phẩm giá con người được phát triển và bảo vệ một cách tốt đẹp.

Thứ đến, gia đình còn là một tế bào của xã hội. Nếu một gia đình có nội lực, thì gia đình đó có khả năng bảo vệ các thành viên của mình khỏi những ô nhiễm từ những tệ nạn xã hội. Gương mẫu để bất cứ gia đình nào cũng có thể học tập đó là Thánh Gia Thất. Trọng tâm mà gia đình này hướng đến là luôn luôn tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa hơn là những tính toán của riêng mình. Đây là điểm trung tâm, nối kết mọi thành viên trong gia đình, nhờ đó mọi người tránh được những chia rẽ, bạo lực, sự kình địch lẫn nhau trong gia đình. Mối tương quan giữa người cha và người mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Rất nhiều gia đình công giáo hiện nay, chỉ sau một vài năm đã bị rạn nứt và có nguy cơ tan vỡ, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành của con cái, và con cái là thành phần phải hứng chịu những hậu quả xấu nhất khởi đi từ sự tan vỡ của mỗi dây hôn nhân giữa người cha và người mẹ. Vì vậy, làm sao để xây dựng gia đình là tế bào vừa lành mạnh của xã hội, tức là về chiều kích nhân bản và tương quan với bên ngoài, vừa nội lực tức là một con người có chiều kích thiêng liêng, đức tin, có bề sâu và có khả năng đối diện với những khó khăn, những thử thách. Nhờ sức mạnh của đức tin, nhờ ơn trợ giúp của Chúa, họ có thể vượt qua những cám dỗ đầy dẫy trong xã hội chúng ta. Đặc biệt là giúp các bạn trẻ, sinh viên, di dân tránh vướng vào những tề nạn này.

c. Phúc-âm-hoá các sinh hoạt, hội họp, công tác của các tổ chức trong giáo xứ, cách riêng của hội đồng mục vụ giáo xứ, của các nhóm tín hữu, của cộng đoàn giáo xứ.
Mỗi giáo xứ đều có các đoàn thể, có các giáo họ, giáo điểm, giáo nhóm. Mỗi đoàn thể đó lại có những ban ngành lo các việc khác nhau. Vậy làm thế nào để phúc âm hóa những sinh hoạt của các đoàn hội này? Các linh mục cần đưa ra những cách thức nhằm tránh sự chia rẽ trong nội bộ mỗi một đoàn thể, tạo ra sự hài hòa, không gây ra những va chạm, tranh chấp giữa những đoàn thể này trong cùng một giáo xứ, nâng cao hiệu năng của mỗi một đoàn thể. Tất cả những khía cạnh đó cần có một chiều sâu để nâng con người lên. Để phúc âm hóa, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng mà người mục tử có thể đưa vào trong cơ cấu, tổ chức của các đoàn thể này bằng việc học hỏi Lời Chúa. Đó là đào sâu chiều sâu thiêng liêng cho những anh chị em phục vụ trong giáo xứ. Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ có nghĩa là đưa ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an của Lời Chúa, của Tin Mừng, vào trong đời sống và mọi sinh hoạt của các tổ chức trong giáo xứ, của cộng đoàn giáo xứ.

Việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo sứ phải khởi đi từ ánh sáng của Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ được ghi trong Sách Thánh, Lời Chúa còn được nói qua các biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá đạo đức. Với việc lắng nghe Lời Chúa qua những biến cố truyền thống đó, người ta sẽ nhận ra một sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói với họ.

Một phương dược để chữa lành những vết thương do bầu khí ô nhiễm, những ảnh hưởng xấu của xã hội đối với đời sống đức tin của người tín hữu, đó là làm hể nào để tìm được ý Chúa nói với mình ngang qua việc cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa nói với mình. Và lời nói quan trong nhất là lời nói yêu thương mà Thiên Chúa nói với nhân loại qua chính Đức Giêsu Kitô, Con Một của Ngài.

Mến Chúa như ý Chúa muốn là sống hiếu thảo thuận thục và phó thác theo gương Thánh Gia Thất. Yêu người như ý Chúa muốn là đối xử với nhau với tình huynh đệ hiệp thông và trân trọng phẩm giá cùng các quyền con người. Yêu người như ý Chúa muốn là yêu thương nhau không chỉ bằng công tác từ thiện xã hội, song còn giúp nhau đưa ánh sáng Lời Chúa vào trong các tổ chức giáo xứ, trong đời sống giáo xứ, đồng hành với nhau đi đến sự sống dồi dào.

Không chỉ dừng lại nơi gia đình, giáo xứ, mà còn đi vào trong chiều kích xã hội cách cụ thể hơn Yêu người như ý Chúa muốn là cải thiện và thăng tiến phẩm giá con người, đặc biệt người lao động đang lâm vào tình cảnh con người là mục đích phát triển bị biến thành phương tiện sản xuất. Yêu người còn đòi hỏi lòng tự trọng và trung thực, liên kết với nhau xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, góp phần phát triển và thăng tiến xã hội. Đưa những giá trị Tin Mừng vào trong đời sống của nhân loại: nếu là nhà sản xuất, không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, sản phẩm hôm nay phải tốt hơn hôm qua; nếu là người tiêu thụ, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Yêu người còn là giúp nhau tôn trọng quyền làm người, cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

2. BỐN CÁCH KHÁC NHAU GIÚP CỘNG ĐOÀN PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ
Đây có thể nói là đỉnh điểm trong việc “trị quốc bình thiên hạ”, để giúp việc tân Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ. Trong bốn cách khác nhau mà Đức Hồng Y đưa ra, tất cả đều dựa trên việc cầu nguyện bằng Lời Chúa, như là nền tảng của tất cả mọi sinh hoạt, tức là dựa trên những giá trị của Tin Mừng mà các đoàn thể, cũng như các sinh hoạt trong giáo xứ được diễn ra.

Bốn cách khác nhau giúp cộng đoàn Phúc-âm-hoá đời sống giáo xứ đó là:
a. Trong tất cả các sinh hoạt họp hội trong giáo xứ, nên khởi đầu bằng việc lắng nghe Lời Chúa.

b. Giúp các tổ chức trong giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ, các nhóm, cộng đoàn, cùng cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa. Ở đây chú ý đến các nhóm nhỏ, các đoàn thể, bởi nhiều khi trong các sinh hoạt các nhóm, đoàn thể này chỉ chú ý đến những hoạt động bên ngoài mà ít có chiều sâu, cho nên xảy ra những lủng củng, hiềm khích hay những va chạm, lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương cho nhau.

c. Giúp gia đình giữ giờ kinh tối chung, suy niệm Lời Chúa, ngắn gọn, đưa vào thực hành trong đời sống thường ngày. Trong hoàn cảnh sống của các gia đình ngày hôm nay, rất nhiều điều đang đe dọa giờ kinh này. Đây là giờ phút linh thiêng nhất của đời sống gia đình, để làm cho Chúa hiện diện trong gia đình, nhờ đó gia đình trở nên êm ấm hơn, những va chạm trong gia đình trở nên nhẹ nhàng hơn, và họ chấp nhận yêu thương, tha thứ và đón nhận nhau.

d. Giúp cá nhân, gia đình và các cộng đoàn suy niệm giờ kinh Mân Côi với 20 Mầu Nhiệm. Đây được coi như lời kinh xin ơn Phúc-âm-hoá đời sống theo mẫu gương yêu thương, phục vụ, đổi mới của Chúa Giêsu. Thực hiện việc suy niệm này theo từng cá nhân hoặc chung trong gia đình, trong các tổ chức giáo xứ, Hội Đồng Giáo Xứ, trong lớp giáo lý, trong nhóm, trong cộng đoàn của mình… Nhờ đó các hoạt động của giáo xứ sẽ tốt hơn. Nhất là đối với các em thiếu nhi, các em sẽ được huấn luyện và sống đời sống đức tin ngay từ đời sống gia đình.

Câu hỏi thảo luận
1. Trong ba cách khác nhau để giúp Phúc-âm-hóa đời sống và bổn phận tu thân của người tín hữu, đâu là cách Cha thấy phù hợp nhất cho giáo xứ mình? Vì sao?

2. Trong bốn cách giúp cộng đoàn Phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ, Cha thấy cách nào khả thi và hữu hiệu nhất cho hiện trạng của giáo xứ mình?

Lm. Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn OP. ghi

Read 1543 times Last modified on Chủ nhật, 18 Tháng 1 2015 15:52