GM MICAE HOÀNG ĐỨC OANH
Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh, một chứng nhân đức tin của Tổng Giáo phận Hà Nội. Người đã sống can trường trong đức tin và trải qua nhiều biến cố lịch sử. Tinh thần bất khuất và cái chết nơi tù đày của cha là một bản thiên anh hùng ca.
LTS: Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh, Tổng Đại diện Giáo phận Hà Nội 1954-1971, là một chứng nhân đức tin, đỉnh cao là cái chết trong lao tù. Người là một tài năng âm nhạc để lại nhiều tác phẩm cho nền thánh nhạc Việt Nam, giáo sư tại tiểu Chủng viện Pio XII, một tấm gương nhân đức…
Đồng Hành xin giới thiệu bài viết của Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục GP Kontum, viết về nghĩa phụ của mình.
Bài 1: Cậu bé hát hay, giỏi Pháp văn
Vốn tính lanh lẹ, thông minh, vui tươi, cậu Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh biết vẽ, có khiếu nhạc, có khiếu thơ. Dễ tiếp xúc với mọi người, cậu giỏi hát, lại hát hay.
Trong các môn chơi như thả diều, đá bóng, nhất là chơi bi, cậu luôn ăn đứt bạn bè. Ngày ngày cậu sang sân nhà xứ chơi. Cha xứ đã để mắt tới cậu.
Cha chính Vinh sau khi thụ phong linh mục.
“Bé nào muốn đi tu?”
Một hôm thấy cậu đang chơi bi trong sân nhà thờ với bạn, cha xứ bảo: “Bé nào hát giỏi, hát cố nghe!”. Cậu bé Vinh nhanh nhẹn hát liền, hát hay và truyền cảm. Cha khen và hỏi tiếp: “Bé nào muốn đi tu?”. Người bạn chưa kịp thưa thì bé Vinh đã mau miệng đáp: “Thưa con ạ!”.
Từ cái buổi “thiên định” đó, cuộc đời cậu bé Làng Chủ đã bắt đầu một khúc ngoặt. Cậu được gửi học tại Hà Nội để chuẩn bị bước vào Tiểu Chủng viện.
Ngọc Lũ cách Hà Nội độ 50 km. Hệ thống giao thông thời đó thật gay go. Rời miền quê lên chốn kinh kỳ còn khó khăn hơn nữa. Lạ cảnh, lạ nước, lạ người, lạ đủ chuyện. Thế mà cậu bé Làng Chủ đã thích nghi một cách mau chóng. Vốn tính dễ thương, dễ mến, vui vẻ, cởi mở, lại hát hay và hay hát, đi tới đâu cũng chiếm được cảm tình của thầy, của bạn.
Nhờ được cha xứ giúp đỡ tận tình, cậu đã được nhận vào học Trường Puiginier ở Hà Nội.
Phải nói rằng đây là cơ hội bằng vàng được học trường Tây và học tiếng Tây. Vào thời đó, học tiếng Tây là một ngoại lệ cho người nước thuộc địa. Lại càng đặc biệt hơn nữa đối với người muốn đi tu. Biết nói tiếng Tây là cách kiếm việc, kiếm tiền và kiếm địa vị xã hội bảo đảm, lại nhanh chóng. Đời sống vật chất lên như diều.
Cậu học chăm, học giỏi. Cậu đã dành được những kết quả tốt đẹp, Ngày 19-8-1927, cậu đậu bằng Primaires élémentaires Sơ cấp yếu lược. Qua năm sau, ngày 20-5, cậu lại giật được mảnh bằng Primaires Franco-Indigènes bằng Tiểu học Pháp-Bản xứ. Liền sau đó, cậu được tuyển vào học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên.
Đi du học Pháp khi cao trào Tây học đang dâng cao
Ngay sau khi tốt nghiếp cấp Tiểu học, cậu GB Nguyễn Văn Vinh được tuyển chọn và gửi về học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, nơi đào tạo chủng sinh của Địa phận Hà Nội. Cậu vào Tràng 6, niên khóa 1927-1928, tương đương lớp 6 ngày nay. Tới năm 1930, hết Tràng Tư cậu được chọn gửi đi du học bên Pháp đúng vào lúc cao trào Tây học cũng như Đông học đang dâng cao.
NHỜ NÉT MẶT VUI TƯƠI, NÓI TIẾNG PHÁP HAY, GIỌNG HÁT QUYẾN RŨ, LẠI GIỎI ĐÀN, NÊN CẬU VINH ĐÃ CHIẾM CẢM TÌNH CỦA THẦY CŨNG NHƯ BẠN DỄ NHƯ CHƠI.
Một phần do tình hình quốc tế bắt đầu có nhiều thay đổi, nhất là sau khi kết thúc Thế chiến lần thứ I (1914-1918) và cuộc Cách mạng tháng 10 thành công bên nước Nga vào ngày 7-11-1917.
Trong nước, các lực lượng yêu nước ráo riết tìm cách đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước. Đây đó đã nổ ra những cuộc nổi dậy. Bầu khí chính trị xã hội sôi sục. Trong xã hội, các nhà cách mạng đặc biệt quan tâm gửi thanh niên ra nước ngoài để được đào tạo trở về đấu tranh giành độc lập, đưa quê hương đất nước đi kịp đà tiến cùng với bầu bạn năm châu.
Gương vùng lên của nước Nhật đã có sức thuyết phục mạnh mẽ. Phong trào Đông du do các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lãnh đạo, chủ yếu là gửi các thanh niên Việt Nam qua học bên Nhật Bản.
Còn trong nhà đạo có phong trào Tây du. Nhiều linh mục coi xứ đã có sáng kiến mua ruộng lấy thóc hỗ trợ cho việc học và du học của du học sinh. Chương trình này đã không được lâu dài.
Chân ướt chân ráo tới đất khách, có sự dìu dắt của hai đức giám mục, các du học sinh Việt Nam tích cực chuẩn bị bước vào năm học mới. Chú GB Nguyễn Văn Vinh có thể nói đã thích nghi một cách nhanh chóng hơn các bạn. Nhờ nét mặt vui tươi, nói tiếng Pháp hay, giọng hát quyến rũ, lại giỏi đàn, nên đã chiếm cảm tình của thầy cũng như bạn dễ như chơi.
Khi còn ở Hoàng Nguyên, chú cũng được chỉ định đánh harmonium trong nhà nguyện thay cho Thầy Hương. Tinh thần lại lên cao hơn nữa, khi có Cố Dépaulis Hương, Cha xứ Ngọc Lũ, tới St Pol de Lé-on thăm khích lệ. Tất nhiên, đứa con của đất Làng Chủ cũng được Cố “chăm sóc” kỹ hơn.
Trong dịp thăm này, Cố thấy các học sinh đều đeo một phù hiệu giống nhau. Dò hỏi, các chủng sinh Việt Nam trình bày. Và Cố đã treo giải thưởng cho các du học sinh Việt Nam biết bài về phong trào Nghĩa binh Thánh Giá. Chú GB Vinh không đoạt giải mà là Chú Mt Trần Trinh Khiết. Dẫu vậy, Chú chủng sinh làng Ngọc Lũ vẫn là năm-bờ-oăn trước con mắt của Cha xứ.
Thời học tại đây, chú GB Vinh cũng đã tận hiến dâng mình cho Đức Mẹ trong Hiệp hội Đức Bà Krèsker ngày 14-6-1931.
Tốt nghiệp Trung học Kresisker năm 1934, thầy GB Vinh cùng với thầy Mt Trần Trinh Khiết lên học tại Paris và đậu Tú tài Pháp khóa 29-6-1935. Kết quả học tập của thầy cũng như của các bạn du học sinh Việt Nam không thua kém các bạn đồng trang lứa người Pháp hay người các nước khác.
Giờ đây thầy GB Vinh chú tâm vào các môn học chuyên, chuẩn bị cho đời sống linh mục mai sau. Thầy được gửi vào học Đại Chủng viện Xuân Bích, tại Issy-les- Moulineaux, Paris.
Lãnh nhận các tiểu chức và chức linh mục
Tại đây, thầy đã lần lượt lãnh nhận các chức bậc tiến tới thiên chức linh mục theo phẩm hàm Melkisêđê.
Ngày 21-5-1937, thầy cúi đầu dâng hiến một nhúm tóc như một biểu thức dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.
Cử hành thánh lễ trong dịp cấm phòng liên xứ tại Trường Dũng Lạc, Hà Nội 20-12-1956.
Thầy cũng mau chóng lãnh nhận các chức Giữ cửa và Đọc sách, chức vụ Trừ quỷ và Giúp lễ, chức Phó tế. Lúc này, châu Âu đang sôi sục mùi thuốc súng. A.Hitler đã không ngừng đưa ra những lời tuyên bố hung hãn và đe dọa. Người người nơm nớp lo sợ. Các nhà ngoại giao, các nhà chính trị bi quan hơn ai hết.
Hình ảnh tang thương khốn khổ của những năm tháng Thế chiến thứ I (1914-1918) lại một lần nữa hiển hiện trước mắt mọi người. Đúng vậy, ngày 1-9-1939 năm đó, cả thế giới đã bàng hoàng khi hay tin Hitler vừa xua quân tiến đánh nước Ba Lan mở đầu cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II.
Tình hình sinh hoạt hết sức bấp bênh. Việc học của sinh viên học sinh cũng thất thường và nhiều dang dở. Bên ngoài việc điều quân, việc động viên tới tấp, bên trong các tiểu chủng viện, tu viện cũng bị ảnh hưởng.
Sức tiến quân của Đức như vũ bão, lần lượt các nước rơi vào tay quân Đức. Phía Nam có đội quân B.Mussolini liên minh. Bên Á có đoàn quân phát xít Nhật cũng đang mở các mặt trận tiến chiếm các nước Trung Hoa, Mãn Châu… Nước Pháp bị sức ép tứ phía. Liên minh với nước Anh, quân đội Pháp và Anh cũng lần lượt phải rút.
Và thủ đô Paris đã bị đe dọa trực tiếp. Dân chúng nháo nhác chạy loạn. Đại Chủng viện Xuân Bích cũng phải chuyển xuống Limosges, cách Paris 375 km về hướng Nam.
Ở đây, thầy GB Nguyễn Văn Vinh đã thụ phong linh mục vào ngày 20-6-1940. Lễ phong chức được đặt trong tình trạng báo động hoàn toàn.
Những dấu mốc thời gian
– Sinh nhật: 2-10-1912
– Quê quán: Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam.
– 1925–1929: Học trường Puginier, Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội.
– 1930–1946: Học tại trường Đức Bà (Bretagne – Paris, Issy – Les – Moulineaux; Đại Chủng viện Sulpice).
– 20-6-1940: Thụ phong linh mục, theo học Văn chương và Âm nhạc tại Paris. Cử nhân Văn chương, Triết học tại Đại học Sorbonne. Tốt nghiệp khoa Sáng tác, Hòa âm, Violon và Piano tại Nhạc viện quốc gia Pháp năm 1944.
– 1947–1954: Về nước, Chính xứ Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội, Giáo sư các môn Thánh Kinh, Âm nhạc, Triết học, Pháp, Anh ngữ tại Tiểu Chủng viện Piô XII, Trung học Chu Văn An, Đại học Hà Nội.
– 1954–1971: Tự nguyện ở lại Hà Nội, Tổng Đại Diện Giáo phận Hà Nội.
– Sau sự kiện “Vụ Noel 1958” bị kết án 18 tháng tù, lần lượt ở các trại giam Hỏa Lò, Yên Bái và qua đời tại trại Cổng Trời (Hà Tuyên) ngày 18-2-1971.
GM MICAE HOÀNG ĐỨC OANH
Bài 2: Đau đáu nỗi đau người thuộc địa
Nguồn: https://donghanhonline.com/cuoc-doi-linh-muc-gb-nguyen-van-vinh/