ĐGH Phanxicô: Cuộc Đời Chân Phước Gioan XXIII Cho Thấy Đức Tin Dẫn Dắt Nội Tâm Quân Bình
Posted by Ban Biên TậpCuộc đời Chân phước Gioan XXIII là một bài học về cách tôn kính và tin tưởng vào Thiên Chúa dẫn đến một nội tâm quân bình là được nhận biết một cách tự nhiên bởi tha nhân và chia sẻ với tha nhân, ĐGH Phanxicô nói.
Cùng với 3.000 du khách đến từ giáo phận quê hương của Đức cố Giáo hoàng - Bergamo, Italy - ĐGH Phanxicô đã cầu nguyện tại mộ của Chân phước Gioan XXIII hôm 3-6, kỷ niệm lần thứ 50 ngày ngài qua đời.
Một cử chỉ nhiệt thành, ĐGH nói với khách hành hương: “Toàn thế giới đã thừa nhận ĐGH Gioan XXIII là một mục tử, một người cha. Một mục tử bởi ngài là một người cha.
Chân phước Gioan XXIII đã và mãi mãi được nhiều người nhắc đến là “vị Giáo hoàng nhân hậu”, ĐGH Phanxicô nói, “thật tuyệt vời khi thấy được một linh mục phẩm hạnh chân thành, tràn đầy nhân đức”.
Vị Giáo hoàng Dòng Tên nói không phải ngài cố ca ngợi đấng sáng lập dòng của ngài, nhưng sự nổi tiếng của Chân phước Gioan XXIII về lòng nhân hậu “nhắc nhở chúng ta điều gì đó mà Thánh Inhaxiô Loyola đã nói với các tu sĩ Dòng Tên về những phẩm hạnh mà một bậc bề trên phải có. Ngài đã liệt kê một loạt những phẩm chất, nhưng cuối cùng, ngài nói rằng nếu ngài không có những phẩm chất đó, ít nhất ngài phải có lòng nhân hậu vô bờ, là một người cha, một linh mục với lòng nhân hậu”.
Vị Giáo hoàng 76 tuổi đã nói với đoàn hành hương: “Những người như tôi, một người ở độ tuổi nào đó, không thể nào quên sự xúc động” vây quanh những ngày cuối đời của Đức Gioan XXIII vào năm 1963. “Quảng trường Thánh Phêrô đã trở thành một thánh đường lộ thiên, ngày lẫn đêm đón chào giáo dân, thuộc mọi lứa tuổi và điều kiện xã hội, lo âu và cầu nguyện cho sức khoẻ của Đức Gioan XXIII”, ngài nói.
Chân phước Gioan XXIII là “một thợ dệt đầy ấn tượng của các mối quan hệ và là người khởi xướng sự hiệp nhất hiệu lực, bên trong và bên ngoài Giáo Hội”, Đức Giáo hoàng nói. Ngài “mở những cuộc đối thoại với các tín hữu Kitô giáo thuộc những giáo hội khác, với những người đại diện của thế giới Do Thái giáo và Hồi giáo, cùng với nhiều người có thiện ý khác”.
Ngài nói với khách hành hương Bergamo rằng từ việc đọc “Nhật ký Một Linh Hồn” của Chân phước Gioan XXIII, “sự quân bình của ngài rõ ràng là kết quả của một hành trình tâm linh đã được đánh dấu bởi sự rèn luyện trí óc, bởi sự nhận biết và chế ngự những khát vọng ích kỷ và bởi lòng tôn kính cho phép Thánh Thần làm việc qua những bậc bề trên của ngài.
Đối với Chân phước Gioan XXIII, sự tôn kính có nghĩa “trách nhiệm trong Giáo Hội đối với việc phục vụ mà các bậc bề trên yêu cầu, không tìm kiếm bất cứ điều gì cho bản thân, không do dự bất cứ điều gì được yêu cầu, thậm chí khi rời khỏi quê hương, đối diện với một thế giới ngài không biết và đã dành nhiều năm ở những nơi có rất ít người Công giáo”, Đức Giáo hoàng nói.
Ý niệm về kỷ luật tinh thần là một nhu cầu để tái khám phá, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói. “Nếu chúng ta biết để bản thân được Thánh Thần dẫn dắt, nếu chúng ta biết xấu hổ vì tính ích kỷ của chúng ta để dành chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa và nguồn mạch của Người, thì chúng ta sẽ thấy bình an, chúng ta sẽ biết cách trở thành những người hoà giải và đem bình an tới mọi nơi xung quanh chúng ta.”
ĐGH Phanxicô nói quyết định triệu tập Công đồng Vatican II của Đức Gioan XXIII, khai mạc tháng 10-1962, là kết quả của một “khả năng trực giác tiên đoán” dựa trên nền tảng “tình yêu dành cho truyền thống của Giáo Hội của ngài và ý thức về nhu cầu dành cho sự cập nhật không ngớt của ngài”.
Công đồng và “việc dâng hiến cuộc đời cho kết quả mĩ mãn của nó” của Đức Gioan XXIII - ngài nói - là ánh sáng chiếu soi cho chuyến hành trình phía trước của chúng ta.
ĐGH Phanxicô nói với khách hành hương Bergamo rằng họ hãy tự hào về vị Giáo hoàng đã đến từ quê hương của họ, “bảo tồn tâm hồn của ngài, đào sâu thêm việc nghiên cứu về cuộc đời, về những tác phẩm của ngài, và đặc biệt, hãy noi gương sự thánh thiện của ngài”.
Album Ảnh
Jos. Tú Nạc, NMS