Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 13 Tháng 12 2013 20:17

Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc

Giáng sinh tưng bừng. Giáng sinh rợp trời hoa đèn đủ sắc mầu lung linh, huyền ảo.

Giáng sinh nếu chưa mang lại niềm vui thánh thiện, thì ít nhất, cũng là một niềm vui lớn lao của biết bao gặp gỡ thân tình thương mến.

Từ rất lâu, Giáng sinh không chỉ là ngày Đại lễ của người Công giáo, nhưng đã trở thành một lễ hội lớn của mọi người, thuộc nhiều xã hội và tôn giáo khác nhau.

Tính phổ cập của Kitô giáo được thể hiện rất rõ qua Đại lễ Giáng sinh; đặc biệt, Giáng sinh còn gắn liền với một bài Thánh ca, tuy là Thánh ca của nhà đạo, nhưng đã được mọi giới, qua mọi thời đại, nhiệt tình đón nhận và thiết tha yêu mến. Đó là ca khúc : “Đêm thánh vô cùng”; ca khúc này có một lịch sử rất thú vị.

Bất ngờ và kỳ diệu

“Stille Nacht” Tiếng Áo, “Silent night”, tiếng Anh hoặc “Đêm thánh vô cùng”.

Thật là thú vị, khi được biết ca khúc vô cùng danh tiếng ấy lại được sáng tác bởi người không phải là nhạc sĩ, trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, buộc phải sáng tác.  

Đêm vọng Giáng Sinh, tức đêm 24/12 năm 1818, cây đàn Organ của Nhà thờ Thánh Nicholas (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo đột nhiên bị hỏng.

Cha xứ – là Linh mục Josef Mohr – rất bối rối, không biết tính sao; đang lúng túng thì Ngài chợt nhớ tới một bài thơ ngắn, mà Ngài đã sáng tác từ 2 năm trước đó (1816). Bài thơ rất đơn sơ này có tựa là “Đêm Thánh”. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, cha xứ muốn có một ca khúc mới dành cho lễ nửa đêm, nhưng làm sao bây giờ, vì Ngài không phải là nhạc sĩ để có thể phổ nhạc bài thơ này ? Làm sao bây giờ, khi gần hết hạn và Thánh lễ nửa đêm sắp bắt đầu ?

Một ý nghĩ lại sáng lên : còn ai khác trong lúc này, ngoài Frank Gruber, là người vẫn thường chơi đàn Organ cho nhà thờ; ông là giáo viên và cũng là bạn thân của Cha. Thế là, Ngài đã tìm gặp ngay F. Gruber, để nhờ soạn phần giai điệu và phối âm bài thơ “Đêm thánh”, nhưng… bằng đàn Guitar.

Lúc đầu, F. Gruber không đồng ý với đề nghị của J. Mohr, vì e rằng, giáo dân đến dự lễ sẽ không thích loại âm nhạc được trình bày với đàn guitar, vì vốn vẫn quen với đàn Organ xưa nay. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác, F. Gruber đành phải chấp nhận và bắt tay vào việc. Hết sức bất ngờ, chỉ trong vài giờ đồng hồ, phần nhạc của ca khúc được hoàn tất.

Thoạt tiên, những người dự lễ tỏ ra kinh ngạc, khi nghe ca khúc được trình bày với đàn guitar, nhưng chẳng bao lâu, mọi người bị mê hoặc bởi giai điệu ngọt ngào của bài hát.

Kể từ đó, bài thánh ca ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG đã trở thành một bài hát gây ấn tượng nhất, cho đêm thánh giáng sinh Hài Nhi Ki-tô.

Dẫu cùng niềm tin hay không, người ta cũng không thể không rung động trước những vẻ đẹp, và đặc biệt, là nét đơn sơ nhưng rất sâu sắc của bài hát. Chính vì thế, bài thánh ca đã lan rộng khắp địa cầu như một điều tự nhiên.

Bài ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên hoàn vũ. Người ta còn hát với tiếng Et-ki-mô và với thổ ngữ Ban-tu ở Phi Châu. Không có một âm hưởng nào, đời hay đạo, được quốc tế biết tới nhiều như bài thánh ca Giáng sinh khiêm nhu này của Áo quốc.

Ca khúc Giáng sinh này đã được dịch ra hơn 300 thứ tiếng trên khắp thế giới, và là một trong những bài hát được yêu thích nhất trong mọi thời đại. Ca khúc vẫn thường được trình diễn không cần nhạc đệm. Mặc dù được sáng tác bởi hai tín hữu Công giáo, nhưng bài hát này đã có một vị trí đặc biệt trong các nhà thờ thuộc Giáo hội Luther.

Xuyên qua lịch sử Ki-tô giáo, bài thánh ca ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG đã trở thành một biểu tượng chân thực cho mầu nhiệm sâu kín – đêm Thiên Chúa giáng trần của người tín hữu Ki-tô.

Thực tế, có chăng một đêm nào êm dịu hơn, thánh thiêng hơn, cho bằng cái đêm được nhìn thấy một hài nhi – vị Sứ giả của Trời cao – sinh ra trong một máng cỏ nơi chuồng súc vật; trong khi đó, các gia súc quen thuộc, như bò và lừa, lại thổi hơi cho ấm hài nhi? Chuyện hoang đường hay sự thật? Thật không quan trọng về điều này, vì niềm tin không thể áp đặt cho ai, nhưng trọng điểm dễ nhận biết là, ca khúc đã khơi động niềm xúc cảm cho nhân loại.

Thật khá lý thú, khi mà hầu hết các âm hưởng nhạc Giáng sinh truyền thống đều bị mai một hoặc thay đổi, trong khi âm hưởng của bản Stille Nacht vẫn lưu giữ được nguyên vẻ trong sáng, về hình thức và cách cấu trúc ban đầu.

Sự kiện đáng chú ý và cảm động hơn nữa, là bài Đêm Thánh Vô Cùng có từ nguồn gốc Ki-tô giáo, nhưng đã được các tôn giáo khác đón nhận. Có nơi tại Á Châu còn hát bài này ngay cả trong những đền Chùa Phật giáo…

Mọi người đều biết rằng, trong thế chiến thứ hai, Đức và Mỹ đã đồng ý với nhau có một cuộc hưu chiến trong đêm Giáng Sinh, để binh sĩ cùng tham dự thánh lễ nửa đêm, hôm đó mọi người đã cùng nhau hát lên bài “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG”.

* * *

Từ đầu thập niên 1900, Nhà thờ Thánh Nicholas đã không còn nữa, do sự tàn phá của lũ lụt. Một ngôi nhà thờ mới đã được xây dựng bên cạnh một chiếc cầu. Một nhà nguyện nhỏ gọi là "Stille-Nacht-Gedachtniskapelle" (Nhà nguyện Tưởng nhớ Ca khúc Đêm Yên lặng), được dựng lên, ngay tại địa điểm của ngôi nhà thờ đã bị phá hủy, và ngôi nhà kế cận được biến thành Nhà bảo tàng.

Nơi đây, quanh năm thu hút du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đông nhất vẫn là trong tháng 12.

Hiện nay, trong Bảo Tàng Đêm Yên lặng và Nhà nguyện kỷ niệm tại Oberndorf, mọi người còn được thấy bản viết tay bài thơ “Đêm thánh” của Cha J. Mohr. Cả bản giai điệu viết tay của F. Gruber, giai điệu chịu ảnh hưởng của âm nhạc truyền thống tại các vùng nông thôn, phảng phất những nét đặc trưng của dân ca Áo.

Cả bài thơ và giai điệu của bài ca đều rất đơn sơ, giản dị, nhưng lại gây xúc động vô cùng, nên đã chinh phục được toàn thế giới. Điểm nổi bật hơn hết là, so với âm điệu của các bài thánh ca Noel khác, bài “Đêm Thánh Vô Cùng” tiêu biểu cho đêm hạ sinh một hài nhi - Thiên Chúa, đã đến với trần gian và sống với con người. Chính nhờ thế, bài Thánh ca ấy giúp cho Đại lễ Giáng sinh thêm rất nhiều ý nghĩa. Thật khó hình dung, lễ Giáng sinh mà lại thiếu bài Thánh ca “Đêm thánh vô cùng”.

Nhưng ngày lễ không chỉ là dịp để cho ta gợi kỷ niệm, nhớ tới hoặc nghĩ về; vì như thế sẽ chẳng sinh ích lợi bao nhiêu, bởi lễ nào rồi cũng qua đi, như bao nhiêu Thánh lễ đã qua và từng được dự trong đời, nhưng phải là những nhắc nhở và đòi buộc ta phải sống với mầu nhiệm Giáng sinh. Nghĩa là, Chúa cũng phải được sinh ra, phải lớn lên ở ngay trong lòng mình. Nghĩa là, ta cũng phải đổi thay, phải tự điều chỉnh để nên giống Chúa hơn qua từng ngày. Nghĩa là, ta phải thực sự ý thức, để không thể tự hài lòng và an tâm với lối sống hời hợt, nặng phần trình diễn của các hình thức lòe loẹt, ồn ào.

Lạy Chúa !

Xin luôn nâng đỡ và nhắc nhở, để con biết vâng theo ý Chúa, hơn là bắt Chúa phải chiều theo ý con; nhờ thế, con sẽ có được niềm vui và sự bình an, mà Thiên thần đã ngợi ca chúc tụng, khi hài nhi Giêsu sinh ra năm nào : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Amen.

Xuân Thái

 

Read 1426 times Last modified on Thứ bảy, 14 Tháng 12 2013 21:19