Trong mấy ngày qua các hàng tít lớn liên tiếp đưa hung tín đối với số phận Kitô hữu tại Mosul, Iraq, dưới sự đàn áp dã man của Duy Thánh Chiến Hồi Giáo ISIS:
“Hành quyết hay ra đi: các Kitô hữu Iraq đương đầu với chọn lựa tàn nhẫn”
“Iraq đang hướng tới thảm họa nhân đạo, văn hóa và lịch sử”
“Thánh chiến Hồi Giáo chiếm đan viện tại Iraq”
“Tự do tôn giáo lâm nguy”
“ISIS cướp chìa khóa tu viện của họ tại Mosul”
“ISIS tấn công Nhà Thờ Kitô Giáo Đã 1800 Năm Cổ Xưa, Và Hoàn Toàn Thiêu Rụi Cùng Phá Hủy Nó”.
“ISIS tại Mosul, Iraq: ‘Không trợ giúp Kitô Hữu và Người Shiites'”
“Bất hạnh bạn không phải là Người Hồi Giáo”
“Toàn Thiêu Kitô Hữu Đang Diễn Ra Tại Iraq, Mỹ và Thế Giới Đứng Nhìn”.
Mà không phải bây giờ, từ năm 2003, tình huống các Kitô hữu Iraq đã càng ngày càng trở nên tồi tệ rồi. Một phần vì Hoa Kỳ chưa bao giờ nhìn nhận rằng họ bị những người duy thánh chiến Hồi Giáo chọn làm mục tiêu tấn công, thành thử Hoa Kỳ không dành ưu tiên nào cho việc bảo vệ các Kitô hữu hay các nhóm thiểu số khác. Tuy nhiên, kể từ ngày nhóm duy thánh chiến ISIS ồ ạt tiến chiếm Mosul và nhiều thành phố khác, xem ra các Kitô hữu đang trên đà bị diệt chủng. Kể từ ngày 16 tháng 7, có tin ISIS đã bắt đầu lấy sơn đỏ đánh dấu các căn nhà của Kitô hữu. Lá thư của Thượng Phụ Louis Raphael Sako mà chúng tôi cho đăng tải dưới đây đã xác nhận tin đồn này. Dù chưa ai có thể biết chắc ý định của việc này, nhưng Đức Thượng Phụ Sako và nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo đang khẩn thiết yêu cầu thế giới can thiệp trước khi ý nghĩa của dấu hiệu này rõ hơn. Vào đầu tuần rồi, nhà tranh đấu nhân quyền của Iraq là Pascale Warda đã từ Baghdad tới Hoa Thịnh Đốn để báo động với Bộ Ngoại Giao và các thành viên Quốc Hội. Bà được tháp tùng bởi giám mục Yousif Habash đến từ Qaraqosh, một thị trấn cách Mosul 15 dặm, vừa bị ISIS tràn ngập. Người Kitô hữu tại đây vẫn còn nói tiếng Aramaic, tiếng mà chính Chúa Giêsu từng sử dụng hàng ngày. Đức Cha Habash nói rằng “Kitô hữu khắp Trung Đông bị nhắm làm mục tiêu từ lâu và chúng tôi đang trên đà bị tận diệt. Tây Phương từng can thiệp để chặn đứng vụ thanh toán sắc tộc người Hồi Giáo Bosnia và người Hồi Giáo Kosovar, nên chúng tôi biết việc ấy nay cũng có thể được thực hiện. Tây Phương nay phải can thiệp và cứu các Kitô hữu Trung Đông, nếu không chúng tôi sẽ bị xóa sạch”.
Thư kêu cứu của Thương Phụ Công Giáo Sako
Bức thư thống thiết của Thượng Phụ Sako, được công bố ngày 17 tháng 7 vừa qua, cũng cùng một âm sắc bi thiết như vậy, với nội dung như sau:
Thượng Phụ Công Giáo Baghdad
Các Kitô hữu Mosul đang chết dần?
Gửi tất cả những ai còn có lương tâm tại Iraq và khắp thế giới
Gửi tiếng nói của anh em Hồi Giáo ôn hòa những người còn tiếng nói tại Iraq và khắp nơi trên thế giới
Gửi tất cả những ai quan tâm tới việc duy trì Iraq làm quê hương cho mọi con cái của nó
Gửi tất cả các nhà lãnh đạo tư tưởng và ý kiến
Gửi tất cả những ai công bố tự do của con người
Gửi tất cả những vị bảo vệ phẩm giá con người và tôn giáo
Chúc bình an và nhân hậu từ Thiên Chúa!
Việc kiểm soát do những người duy thánh chiến cực đoan Hồi Giáo thi hành trên thành phố Mosul, và việc họ công bố Mosul thành một Quốc Gia Hồi Giáo, sau ít ngày yên bình và đầy chờ mong, nay đang phản ảnh một cách tiêu cực lên dân số Kitô Giáo của thành phố và các vùng phụ cận.
Dấu hiệu khởi đầu là việc bắt cóc hai nữ tu và ba trẻ mồ côi nhưng sau 17 ngày đã được thả tự do. Lúc ấy, chúng tôi cảm nhận việc này như một tia hy vọng và như việc khai quang bầu trời sau nhiều bóng mây giông bão xuất hiện.
Đột ngột, chúng tôi ngạc nhiên trước những biến cố gần đây hơn như việc công bố quốc gia Hồi Giáo và việc loan báo lời kêu gọi mọi Kitô hữu và rõ ràng yêu cầu họ trở lại Hồi Giáo hoặc phải trả jizyah (thứ thuế mà mọi người không phải là Hồi Giáo phải trả khi sống trên lãnh thổ Hồi Giáo), mà không ấn định số tiền chính xác. Chọn lựa thay thế duy nhất là rời bỏ thành phố và nhà cửa của họ với mảnh áo đang mặc mà thôi, chứ không được đem theo bất cứ thứ gì khác. Hơn nữa, theo luật Hồi Giáo, khi họ ra đi, nhà cửa của họ sẽ không còn là tài sản của họ nữa nhưng sẽ bị trưng thu tức khắc làm tài sản của nhà nước Hồi Giáo.
Trong mấy ngày gần đây, người ta đã cho viết chữ “N” bằng tiếng Ả Rập lên tường đằng trước các căn nhà của Kitô hữu, có nghĩa là “Nazara” (Kitô hữu), và trên tường đằng trước các căn nhà của người Hồi Giáo Shiites chữ “R” nghĩa là “Rwafidh” (thệ phản hay bác bỏ). Chúng tôi không biết việc gì sẽ xẩy ra trong những ngày tới vì tại một quốc gia Hồi Giáo, Al-sharia hay bộ luật Hồi Giáo rất có uy quyền và từng được giải thích nhằm đòi phải phát hành thẻ căn cước mới cho dân chúng dựa trên việc thống thuộc tôn giáo hay giáo phái.
Việc phân loại dựa vào tôn giáo hay giáo phái này cũng giáng họa cho cả người Hồi Giáo nữa và đi ngược lại qui luật của tư tưởng Hồi Giáo vốn được phát biểu trong kinh Kôrăng rằng “Anh có tôn giáo của anh và tôi có tôn giáo của tôi” và một chỗ khác trong Kinh Kôrăng dạy rằng “Không có việc cưỡng bức trong tôn giáo”. Chính xác, đây là một mâu thuẫn trong đời sống và lịch sử của thế giới Hồi Giáo trong hơn 1400 năm nay và trong việc chung sống với các tôn giáo và các quốc gia khác tại Đông Phương.
Từ trước đến nay, vốn có sinh hoạt huynh đệ giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo, với lòng kính trọng tín ngưỡng và tín điều của nhau. Tại đây, tại Đông Phương này, người Kitô Giáo từng chia sẻ biết bao, đặc biệt ngay từ những ngày đầu của Hồi Giáo. Họ chia sẻ mọi hoàn cảnh ngọt bùi và cay đắng của cuộc đời; máu người Kitô Giáo và người Hồi Giáo từng được hòa lẫn với nhau khi đổ ra để bảo vệ quyền lợi và lãnh thổ của họ. Cùng nhau, họ đã xây dựng văn minh, các thành thị, và cả một gia tài. Nay quả là bất công khi cư xử tàn tệ với các Kitô hữu bằng cách bác bỏ họ và vứt họ đi, coi họ như số không.
Rõ ràng hậu quả của những kỳ thị được cưỡng đặt hợp lệ này sẽ là một khử trừ rất nguy hiểm đối với khả thể chung sống giữa các khối đa số và các khối thiểu số. Nó gây hại cho cả người Hồi Giáo trong tương lai gần cũng như trong tương lai xa.
Nếu chiều hướng này cứ tiếp diễn được theo đuổi, thì Iraq sẽ phải mặt đối mặt với thảm họa nhân đạo, dân chính, và có tính lịch sử.
Chúng tôi hết sức kêu gọi; chúng tôi kêu gọi qúy vị bằng tình huynh đệ, trong tinh thần anh em nhân bản; chúng tôi khẩn thiết kêu gọi qúy vị; bị nguy hiểm thúc đẩy và bất chấp nguy hiểm, chúng tôi kêu gọi tới qúy vị. Chúng tôi khẩn nài cách riêng các anh em Iraq của chúng tôi, xin họ suy xét lại và suy nghĩ lại chiến lược họ từng theo đuổi và yêu cầu họ tôn trọng những con người vô tội và không vũ khí thuộc mọi quốc tịch, tôn giáo và giáo phái.
Kinh thánh Kôrăng từng truyền cho các tín hữu phải tôn trọng người vô tội và không bao giờ kêu gọi các tín hữu chiếm hữu vật dụng, của cải, tài sản của người khác bằng vũ lực. Kinh Kôrăng buộc phải dành nơi nương náu cho quả phụ, cô nhi, người nghèo, và người không vũ khí và tôn trọng “tới người hàng xóm thứ bẩy”.
Chúng tôi kêu gọi các Kitô hữu trong vùng hành động hợp lý và khôn ngoan và cân nhắc cũng như lên kế hoạch mọi sự một cách tốt nhất có thể. Xin họ hiểu thấu những gì được lên kế sách cho vùng này, thực hành tình liên đới trong yêu thương, cùng nhau khảo sát các thực tế và nhờ thế có khả năng cùng nhau tìm ra những cách thế xây dựng lòng tin nơi họ và nơi người lân cận. Xin để họ được sống gần Nhà Thờ của họ và ở quanh nhà thờ ấy; chịu đựng thời gian thử thách và tiếp tục cầu nguyện cho tới ngày bão tố qua đi.
† Louis Raphael Sako
Thượng phụ Babylon của tín hữu Canđê
Tây phương đứng nhìn
Lời kêu gọi trên đã bị Tây Phương và thế giới nói chung làm ngơ. Ít nhất thì đây cũng là nhận định của chuyên viên về an ninh quốc gia, Tiến Sĩ Sebastian Gorka. Chuyên gia này cho rằng mặc dù việc thanh trừng “những người đồng đạo của chúng ta còn sót lại tại Trung Đông” là dịch bản của Nạn Diệt Chủng trước đây nhưng đã bị truyền thông chính dòng tại Hoa Kỳ làm ngơ. Vì họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà Trắng, một chủ trương cho rằng TT Obama “một tay” giết chết Osama Bin Laden, và Al Qaeda hiện sắp bị diệt vong, cho nên các tên duy thánh chiến hẳn đang co cụm khắp thế giới, chẳng cần phải làm gì cả.
Gorka nói rằng quan điểm thiển cận chỉ nhắm vào Al-Qaeda này đang cung cấp thời cơ cho những tên duy thánh chiến khác và khiến quái thai ISIS xuất hiện. Thêm vào đó, truyền thông chính dòng bị uốn cong bởi thế giới quan của họ: một thế giới quan duy hậu hiện đại, giả mạo, và duy tục. Thành thử khi đụng tới ý tưởng bách hại tôn giáo, họ bèn bảo: ‘đâu cần phải quan tâm vì tôi đâu có tin Thiên Chúa!’”
Và hậu quả là hiện nay, người Kitô hữu cuối cùng đã phải rời bỏ Mosul với chỉ mảnh vải che thân trên người. Bản tin ngày 21 tháng 7 của Zenit cho hay hơn 1,500 Kitô hữu đã phải trốn chạy khỏi Mosul, sau khi bị Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Đông Phương (ISIS) ra tối hậu thư đòi họ và những người “đa thần” khác phải trở lại Hồi Giáo hay trả thuế jizya. “Nếu từ khước, họ chẳng còn gì ngoài lưỡi gươm”.
Họ đã chọn bỏ đi bằng chân giữa đêm khua. Các thánh giá, tượng ảnh và các biểu tượng Kitô Giáo khác đã được gỡ xuống khỏi các tòa nhà Giáo Hội trong thành phố và trong một số trường hợp được thay thế bởi lá cờ đen của quốc gia Hồi Giáo.
Những người ra đi vẫn không được yên, họ bị chặn lại và buộc phải trao mọi của cải kể cả tiền bạc và xe cộ. Nhà cửa và mọi tài sản khác của họ để lại đã bị những người duy thánh chiến cướp lấy. Trong khi ấy, đan viện cổ Mar Behnam, bên ngoài Mosul, đã bị chiếm đóng, các đan sĩ và người giúp việc bị đuổi đi, không được mang theo vật dụng gì.
Vũ Văn An